Văn phòng Bộ Giáo lý Đức tin
Bộ Giáo lý đức tin và các cuộc “hiện ra”
Trong vòng 30 ngày qua, Bộ giáo lý đức tin đã công bố phán quyết về 4 hiện tượng gọi là “Đức Mẹ hiện ra” hoặc các mạc khải tư, khiến dư luận Công Giáo có phần ngạc nhiên về những phán quyết của Bộ, vốn cho đến nay thường rất họa hiếm. Điều gì đưa đến sự thay đổi như thế tại Bộ giáo lý đức tin?
G. Trần Đức Anh, OP
Nội dung quy luật mới
Quy luật mới về vấn đề này, được Bộ giáo lý đức tin công bố trong cuộc họp báo sáng ngày 17/5 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 19/5 sau đó. Quy luật mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng trưởng Victor Manuel Fernández, và vị Tổng thư ký là Đức Tổng Giám Mục Armando Matteo, với sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha.
Điểm mới trong văn kiện này là từ nay giáo quyền có thể tuyên bố mau lẹ hơn so với trước đây về lòng sùng mộ bình dân, và trên nguyên tắc, không đòi sự can dự của quyền bính Giáo Hội trong sự tuyên định chính thức về tính cách siêu nhiên của một hiện tượng có thể đòi rất nhiều thời gian để nghiên cứu sâu rộng.
Một điểm mới khác là sự can dự rõ ràng hơn của Bộ giáo lý đức tin, cơ quan này sẽ phải phê chuẩn quyết định chung kết của Giám Mục và có năng quyền can thiệp trực tiếp bất cứ lúc nào. Trong nhiều trường hợp xảy ra những thập niên gần đây, các Giám Mục liên hệ đã bày tỏ lập trường về những vụ hiện ra hoặc hiện tượng siêu nhiên, có sự can dự của Bộ Giáo Lý đức tin, nhưng hầu như luôn luôn là có sự can thiệp đàng sau và yêu cầu không công khai.
Bây giờ, điều thúc đẩy sự can dự rõ ràng của Bộ cũng vì khó khăn trong việc giới hạn ở bình diện địa phương các hiện tượng lan rộng toàn quốc và thậm chí cả quốc tế nữa, “vì thế một quyết định tại một giáo phận cũng có những hệ quả ở các nơi khác”.
Lý do văn kiện cập nhật
Nguồn gốc văn kiện cập nhập này là kinh nghiệm lâu dài trong thế kỷ vừa qua, với những trường hợp Giám Mục địa phương phán quyết về đặc tính siêu nhiên trong thời gian rất mau lẹ, rồi sau đó Bộ giáo lý đức tin phải nói ngược lại. Hoặc những vụ một Giám Mục phán quyết một đàng, và Giám Mục kế nhiệm nói ngược lại về cùng một hiện tượng. Rồi cần những thời gian dài để thẩm định tất cả các yếu tố để đi tới quyết định xem đó có phải là hiện tượng siêu nhiên hay không. Thời gian dài như thế nhiều khi đi ngược với sự cấp thiết phải sớm đưa ra những câu trả lời mục vụ vì thiện ích của các tín hữu.
Trong cuộc họp báo để trình bày văn kiện, Đức Hồng Y Fernandez giải thích rằng “bao nhiêu lần những hiện tượng ấy đã tạo nên rất nhiều hoa trái thiêng liêng, sự tăng trưởng đức tin, lòng sùng mộ và tình huynh đệ, sự phục vụ, và trong một số trường hợp đã tạo nên một số Đền thánh rải rác các nơi trên thế giới, mà ngày nay những nơi này ở nơi trọng tâm lòng sùng mộ của nhiều dân tộc”.
Những khía cạnh tiêu cực
Nhưng cũng có thể có một số vụ được coi là có nguồn gốc siêu nhiên nhưng rồi chúng tỏ ra nhiều khía cạnh nguy hiểm, gây hại cho các tín hữu, những vụ trong đó “lợi lộc, quyền hành, danh tiếng xã hội, tư lợi” tới độ thống trị trên con người hoặc mang lại những vụ lạm dụng”. Cũng có thể có những sai lầm về đạo lý, thái độ quá thu hẹp trong việc trình bày sứ điệp Tin Mừng, phổ biến một thái độ phe phái”. Cũng có khi “các tín hữu bị lôi kéo vào một biến cố, gán cho sáng kiến đó cho Chúa”, nhưng thực tế chỉ là kết quả của tưởng tượng, thích huyền thoại hoặc xu hướng ngụy tạo của người nào đó.
6 nhận định có thể có về hiện tượng
Theo luật, “Giám Mục giáo phận, Hội đồng Giám Mục và cả Bộ giáo lý đức tin không có quyền tuyên bố các hiện tượng là có nguồn gốc siêu nhiên, và chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể cho phép đưa ra lời xác nhận như vậy” (I,23).
Sau khi phân định về những hiện tượng hiện ra hoặc siêu nhiên, có thể có 6 kết luận:
- Trước tiên là Nihil Obstat: không có gì ngăn trở, nhận xét này không bày tỏ sự xác quyết đó là một hiện tượng siêu nhiên, nhưng nhìn nhận những dấu chỉ hành động của Thánh Linh.
- Thứ hai là “Prae oculis habeatur”, nhìn nhận những dấu chỉ tích cực, nhưng cũng có những yếu tố gây lẫn lộn hoặc có nguy cơ đòi phân định và đối thoại với người tiếp nhận.
- Thứ ba là “Curatur”: có những yếu tố đáng phê bình, nhưng có một sự phổ biến rộng rãi với những hoa trái thiêng liêng có thể kiểm chứng được. Vì thế không nên đưa ra lệnh cấm, có thể làm cho các tín hữu xôn xao, nhưng mời gọi Giám Mục không nên khuyến khích hiện tượng này.
- Thứ tư là “Sub mandato”: Những điểm gây vấn đề không gắn liền với chính hiện tượng, nhưng nó có thể bị những cá nhân và nhóm lợi dụng. Tòa Thánh ủy thác cho Đức Giám Mục hoặc một đại biểu việc hướng dẫn mục vụ nơi xảy ra hiện tượng ấy.
- Thứ năm là: “Prohibetur et osbstruatur”: mặc dù có một vài yếu tố tích cực, nhưng có nhiều vấn đề và nguy cơ trầm trọng. Bộ giáo lý đức tin yêu cầu Giám Mục tuyên bố không được tin theo hiện tượng ấy.
- Sau cùng là “Declaratio de non supernaturalitate”: Giám Mục được phép tuyên bố đó không phải là hiện tượng siêu nhiên, dựa trên những bằng chứng cụ thể.
Từ sau khi quy luật cập nhật trên đây được công bố, Bộ Giáo lý đức tin đã công bố phán quyết về 4 trường hợp:
1. “Đức Mẹ Trevignano”
Ngày 27/6 vừa qua, Bộ giáo lý đức tin công bố tuyên ngôn về “những điều gọi là hiện ra và mạc khải” do đôi vợ chồng người Ý là ông bà Gianni và Gisella Cardia.
Năm 2016, bà Gisella kể lại những lần “hiện ra” của Đức Mẹ, Chúa Giêsu và Chúa Cha ở thị trấn Trevignano Romano cách Roma khoảng 50 cây số về hướng bắc, bên bờ hồ Bracciano. Những cuộc hiện ra có kèm theo chảy nước mắt máu trên một tượng Đức Mẹ.
Hồi tháng 3 năm nay, tức là trước khi có quy luật mới trên đây của Bộ giáo lý đức tin. Đức Cha Marco Salvi, Giám Mục giáo phận Civita Castellana sở tại, đã công bố sắc lệnh với phán quyết tiêu cực về các hiện tượng hiện ra như ông bà Cardia kể lại. Ngài viết: “danh hiệu Đức Mẹ Trevignano không có giá trị về mặt Giáo Hội và không thể được sử dụng như thể tước hiệu ấy có thực, kể cả trong lãnh vực dân sự”.
Sắc lệnh của Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng dưới ánh sáng các quy luật mới, Bộ xác nhận giá trị pháp lý sắc lệnh của Đức Giám Mục, giữ nguyên phán quyết của Đức Cha khẳng định “không có nguồn gốc siêu nhiên” (constat de non supernaturalitate), cũng như sự hướng dẫn của ngài gửi đến những người cổ võ những điều gọi là các cuộc hiện ra”.
Và Bộ giáo lý đức tin kết luận rằng: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ chúng ta, tái lập an bình và thanh thản vì thiện ích thiêng liêng của các tín hữu trong giáo xứ Trevignano Romano và toàn dân Chúa trong giáo phận Civita Castellana”.
2. “Hoa hồng mầu nhiệm”
Ngày 5 tháng 7 mới đây, Bộ giáo lý đức tin công bố một thư gửi Đức Cha Pierantonio Tremolada, Giám Mục giáo phận Brescia, về lòng sùng kính Đức Mẹ Hoa Hồng mầu nhiệm (Rosa Mystica), ở Fontanelle di Montichiari, Bắc Ý.
Thư của Bộ nêu bật nhiều khía cạnh tích cực trong các tác phẩm của bà Pierina Gilli, một giáo dân người Ý nói là Đức Mẹ hiện ra và bà nhận được các sứ điệp của Đức Mẹ từ năm 1947 đến 1966. Bộ cũng nói rằng một vài đoạn cần được làm sáng tỏ vì chúng gán những chức năng cho Đức Mẹ dễ bị giải thích sai”.
Và thư của Đức Hồng Y Tổng trưởng Fernandez kết luận: “Thưa Đức cha, chúng tôi có thể khẳng định rằng trong những đề nghị thiêng liêng đi từ những kinh nghiệm được bà Pierina Gilli kể lại về Đức Mẹ, Hoa Hồng Mầu nhiệm, đều được giải thích dưới ánh sáng những gì đã được nói, không chứa đựng những yếu tố thần học hoặc luân lý trái ngược với đạo lý của Hội Thánh”.
Đức Hồng Y xác định rằng “nay tùy thuộc Đức Giám Mục kết thúc sự phân định phù hợp với các quy luật được cập nhật”.
Đức Cha Tremolada đã thông báo kết luận của ngài trong sắc lệnh công bố
ngày 8/7 và xác định không có gì ngăn trở để đánh giá cao giá trị mục vụ của đề nghị tinh thần và cổ võ việc phổ biến, kể cả việc có thể thực hiện các cuộc hành hương. Vì thế các tín hữu Công Giáo được phép tin nhận điều ấy một cách thần trọng, nhưng không bắt buộc phải tin.
Đức cha cũng khuyên những người đọc các bút tích của bà Gilli hãy để ý tới những giải thích làm sáng tỏ của thư Bộ giáo lý đức tin.
3. Đức Mẹ mọi dân nước
Ngày 11/7 vừa qua, Bộ giáo lý đức tin ra thông cáo báo chí đề cập đến những điều gọi là “các cuộc hiện ra của Đức Mẹ mọi dân nước”, tại Amsterdam, thủ đô Hòa Lan, từ năm 1045 đến 1959.
Thông báo ghi nhận rằng trong quá khứ Bộ không công bố lý do những quyết định về hiện tượng này. Nhưng dưới ánh sáng những nghi ngờ còn tồn động về những cuộc hiện ra mà bà Ida Peerdeman đã nói, Bộ giáo lý đức tin quyết định chia sẻ những chi tiết của phán quyết hồi năm 1974. Các thành viên Bộ Giáo Lý đức tin đồng thanh quả quyết những cuộc hiện ra ấy không có tính cách siêu nhiên và kết luận rằng các biến cố đó cần được điều tra sâu hơn. Các quyết định ấy đã được ĐGH Phaolô VI phê chuẩn sau đó.
Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: “Thông tin trên đây được thông báo để dân thánh của Chúa và các mục tử có thể rút ra những kết luận thích hợp”.
4. Đức Mẹ đá tảng (Madonna dello Scoglio)
Trong sắc lệnh công bố ngày 16/7 vừa qua, Bộ Giáo lý đức tin phán quyết tích cực về những thành quả thiêng liêng tiếp sau cũng cuộc hiện ra của Đức Mẹ với Cosimo Fragomeni, ở Santa Domenica, làng Placanica, miền Calabria, nam Ý. Bộ không phán quyết về nguồn gốc siêu nhiên của các cuộc hiện ra, nhưng các tín hữu được phép tin nhận.
Trong sắc lệnh nhắm trả lời cho thư đề ngày 3/6 vừa qua của Đức Cha Francesco Oliva, Giám Mục giáo phận Locri-Gerace. Đức Hồng Y Tổng trưởng, Victor Fernandez viết: “Trong một thế giới chúng ta đang sống bị tục hóa, bao nhiêu người sống mà không có sự tham chiếu nào về sự siêu việt, sự kiện các tín hữu đến Đền Thánh Đức Mẹ Đá tảng là một dấu chỉ đức tin mạnh mẽ” và Đức Hồng Y xác nhận việc Đức Cha đề nghị là “không có gì ngăn trở” (Nihil obstat).
Lai lịch Đền Thánh
Lịch sử Đền thánh bắt đầu cách đây 56 năm: ngày 11/5/1968, Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu tiên với Cosimo Fragomeni, một nông dân khiêm hạ 18 tuổi.
Theo lời kể của anh Cosimo, cuộc hiện ra lần đầu tiên của Đức Mẹ hồi năm 1968 khởi sự với một luồng sáng đến từ một tảng đá ở gần nhà anh và được lập lại trong 4 ngày liên tiếp. Trong những sứ điệp được Cosimo kể lại, Đức Mẹ mời gọi hoán cải và cầu nguyện, đồng thời bày tỏ ý muốn thấy nơi này thành một trung tâm lớn về linh đạo, nơi mà con người có thể gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa. Cosimo đã phá khu rừng quanh tảng đá, làm thành một khu đất bằng phẳng và khoét tảng đó thành một cái hốc để đặt một tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch quý.
Nơi đó chẳng bao lâu trở thành nơi hành hương, các tín hữu đến từ các nơi ở Ý và nước ngoài. Ban đầu chỉ là một nhà nguyện nhỏ nhưng sau đó thành một Đền thánh lớn. Dân chúng gọi đây là “Lộ Đức miền Calabria”. Năm 1987, Cosimo trở thành một hội viên dòng Phanxicô tại thế.
Ngày 7/12/2008, Đức Cha Fiori Morosini, đặt Đền thánh Đức Mẹ Tảng Đá dưới sự chăm sóc của Giám Mục giáo phận. Ngày 22/05/2013, ông Cosimo được Đức Giám Mục đi kèm, đến xin ĐTC Phanxicô làm phép viên đá đầu tiên để xây Đền Thánh “Đức Mẹ Đá tảng”. 3 năm sau, Đức Cha Oliva, Giám Mục bản quyền nâng nơi này thành Đền thánh giáo phận và năm sau, 2017, ngài ủy thác cho các Thừa Sai loan báo Tin Mừng đảm trách việc mục vụ tại Đền Thánh này.
Trong sắc lệnh, Đức Hồng Y Fernandez đề cao những hoa trái thiêng liêng đời sống Kitô tại Đền Thánh Đức Mẹ Tảng Đá, tinh thần cầu nguyện, một số ơn gọi linh mục và tu sĩ, chứng tá bác ái và lòng sùng một chân thành tại đây.
Nguồn:vaticannews.va