“HỠI BÀ, NÀY LÀ CON BÀ!” - ĐỨC MARIA, MẸ CÁC TÍN HỮU

19/01/2025
12
Header


“HỠI BÀ, NÀY LÀ CON BÀ!” - ĐỨC MARIA, MẸ CÁC TÍN HỮU

Khi suy niệm về Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã chiêm ngắm Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; ở đây, khi suy tư về Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta muốn chiêm ngắm Đức Maria là Mẹ các tín hữu và là Mẹ chúng ta.

WHĐ (14/01/2025) – Trong bài này, chúng ta suy tư phần thứ hai đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan: “Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà”. Ðoạn lại nói với môn đồ: “Này là Mẹ con!”. Và từ giờ đó, môn đồ đã lãnh nhận Bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).

Khi suy niệm về Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã chiêm ngắm Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; ở đây, khi suy tư về Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta muốn chiêm ngắm Đức Maria là Mẹ các tín hữu và là Mẹ chúng ta.

“Mỗi người hãy sống theo ân sủng đã lãnh nhận”

Chúng ta cần xác định ngay từ đầu rằng, hai tước hiệu hay hai chân lý được bàn đến không nằm trên cùng một bình diện. “Mẹ Thiên Chúa” là một tước hiệu được định tín cách long trọng, dựa trên mẫu tính thực (maternité réelle) chứ không chỉ trên mẫu tính tinh thần (maternité spirituelle); tước hiệu này liên hệ cách chặt chẽ và tất yếu với chân lý trung tâm của đức tin chúng ta, chân lý đó là: Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người trong cùng một ngôi vị. Tước hiệu này được chấp nhận trong toàn Giáo hội. “Mẹ các tín hữu” hay “Mẹ chúng ta” liên hệ đến mẫu tính tinh thần. Mối liên hệ với chân lý trung tâm của Kinh Tin Kính ít chặt chẽ hơn. Không thể nói rằng, trong Kitô giáo, tước hiệu này đã được đón nhận “khắp nơi, mọi thời và bởi mọi người”. Nó biểu thị giáo lý và lòng đạo đức của một số Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội Công giáo, nhưng không phải chỉ Giáo hội Công giáo mà thôi.

Thánh Augustinô giúp chúng ta phân định rõ những điểm dị biệt giữa hai vai trò làm Mẹ của Đức Maria: “Đức Maria, về mặt thể xác, chỉ là Mẹ Ðức Kitô, trong khi về mặt tinh thần, bởi Người đã thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Người là chị em và là Mẹ Ðức Giêsu, là Mẹ về mặt tinh thần, nhưng Người không đóng vai trò đó đối với Ðầu là chính Ðấng Cứu Thế, mà đúng hơn, Người là con của Ðầu xét về mặt tinh thần. Người chắc chắn là Mẹ về mặt tinh thần của các chi thể là chúng ta, bởi lẽ Mẹ đã cộng tác, bằng lòng mến, vào việc sinh ra các tín hữu trong Giáo hội, những chi thể của Ðầu”[1].

Sự khác biệt giữa hai tước hiệu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, được nhấn mạnh như thế để thấy rằng, đối với tước hiệu thứ hai là tước hiệu phản ánh lòng đạo đức, sùng kính hơn là tín lý, thì việc chấp nhận một sự tự do nào đó đối với tước hiệu này giữa các Giáo hội Kitô là điều có thể, thậm chí, là đúng đắn nữa. Dù vẫn dựa trên Lời Chúa, nhưng đó không phải là một hệ quả buộc mọi người phải chấp nhận với cùng một mức độ mạnh mẽ, cùng một mức độ hiển nhiên. Trong phần suy niệm ở đây, chúng ta mong muốn khám phá ra tất cả sự phong phú hàm chứa trong tước hiệu này, và xem ơn sủng nào của Ðức Kitô, được biểu lộ qua tước hiệu đó: làm như thế chúng ta không những thêm cho Đức Maria một vinh dự nữa, mà chính chúng ta cũng được xây dựng trong đức tin và được tăng triển trong việc noi theo Ðức Kitô. Phần suy niệm còn nhằm làm cho anh em Tin Lành hiểu được tước hiệu này cũng như ý nghĩa của nó theo như người Công giáo chúng ta hiểu, vì anh em Tin Lành khó có thể chấp nhận tước hiệu này cũng như một số tước hiệu khác nói lên sự tham dự tích cực của Đức Maria vào ơn cứu chuộc và vào đời sống của Giáo hội, ngay cả trong hiện tại.

Phải chăng đây là lúc cần nhắc lại một đoạn Kinh Thánh về sự phân phối các ân lộc, hay các đoàn sủng (charismes) trong Thân Mình Ðức Kitô: “Mỗi người tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1P 4,10). Lời này không chỉ áp dụng cho những nhân vật đặc biệt trong Giáo hội, mà còn áp dụng cho những nhóm, những trào lưu khác nhau, cho các truyền thống hình thành trong lòng Giáo hội. Như thế, ý nghĩa của bản văn sẽ là: mỗi Giáo hội, tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng quá sức lớn lao và sung mãn đến nỗi không thể rút lại thành “độc dạng”.

Một số hình thức tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria là một ân sủng, một ơn đặc biệt cho Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống cũng chia sẻ phần lớn. Các Giáo hội này cần phải duy trì và phát triển những hình thức đặc biệt đó để các Kitô hữu khác cũng được hưởng nhờ, nhưng không vì thế mà đòi buộc họ phải chấp nhận thực hành như thế. Các Giáo hội Cải cách lại được ân huệ đặc biệt đào sâu Lời Kinh Thánh theo một cách thức nào đó, và ngày nay các Giáo hội Công giáo và Chính thống đang được hưởng nhờ.

Dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nhắc đến, có hai đòi hỏi đề ra cho chúng ta: trước hết, hãy sống ân sủng đã lãnh nhận, làm cho nó sinh hoa kết quả, và sau đó đưa ra phục vụ tha nhân. Ðây chính là điều chúng tôi đề nghị thực hiện. Với cách nhìn như thế, tước hiệu Đức Maria “Mẹ các tín hữu” tuy không phải là điều bắt buộc mọi người phải chấp nhận, nhưng tầm quan trọng của nó đối với chúng ta không vì thế mà suy giảm đi chút nào. Theo một nghĩa nào đó, nó còn tăng thêm phần quan trọng: chúng ta cũng chịu trách nhiệm về ân sủng đó đối với các anh em khác.

“Mọi người chúng ta đều sinh ra tại đó”

Tương tự như mẫu tính thể lý, mẫu tính tinh thần thể hiện qua hai giai đoạn và hai hành vi: thụ thai và sinh hạ. Mỗi giai đoạn tự nó không đủ. Đức Maria đã trải qua hai giai đoạn đó. Người đã thụ thai và sinh hạ chúng ta cách thiêng liêng. Người đã thụ thai chúng ta, nghĩa là đã đón nhận chúng ta trong tâm hồn của Người, có thể ngay lúc Truyền Tin và chắc chắn về sau, lúc Ðức Giêsu dần dần tiến tới trong sứ mạng của Ngài, Người khám phá ra rằng Con của mình không phải như những đứa con khác, nghĩa là một cá nhân riêng lẻ, nhưng là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), và chung quanh Ngài, một “số sót” tập hợp lại, làm thành một cộng đoàn.

Ðể tìm một hình ảnh tương tự, tuy chưa đúng tầm mức, có lẽ ta không khỏi nghĩ đến mẹ của các linh mục sáng lập hoạt động từ thiện, chẳng hạn như mẹ của Don Bosco: thấy những nhóm “bạn nhỏ”, “tụi nhóc đáng thương” kéo đến nhà mình ngày một đông, do chính con mình cầm đầu, lặng lẽ, không cần giải thích nhiều, các bà mẹ đó bắt đầu tự thích ứng với những đòi hỏi mới và bảo đảm cơm ăn, chốn ở, phí tổn nuôi dưỡng cho những đứa trẻ mới đến đó, như thể chúng là con ruột của mình.

Trong trường hợp Đức Maria, điều đó còn sâu xa hơn rất nhiều. Về những kẻ mới đến này, những người mà Ðức Giêsu gọi là “anh em, chị em và mẹ Ta”. Ngài nói: “Những gì các ngươi làm (cho cơm ăn, áo mặc, thăm viếng) cho một trong anh em hèn mọn nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Đức Maria – trong thời gian đó – khi nghe hoặc được biết Con mình đã nói: “Hãy đến với Ta, hết thảy những ai lao đao vác nặng” (Mt 11,28) hẳn Người hiểu rằng, mình không thể lánh mặt hay từ chối đón nhận làm con tất cả những kẻ được Con mình mời đến, nếu không, Người sẽ không còn là Mẹ của Ngài về mặt tinh thần nữa.

Ðó là thời gian thụ thai, thời gian nói lên tiếng “xin vâng” của tâm hồn. Dưới chân Thập Giá là giờ sinh hạ, Ðức Giêsu nói với Mẹ Ngài bằng tiếng “Hỡi Bà”. Tuy không thể khẳng định chắc chắn, nhưng vì biết thánh sử Gioan thường nói theo lối ẩn dụ, biểu trưng, gợi nhắc, nên chúng ta có thể nói rằng, lời này liên quan đến điều Ðức Giêsu từng nói: “Ðàn bà sinh con thì ưu phiền vì giờ của Bà đã đến”. Lời đó còn ám chỉ đến những gì sách Khải huyền nói về người đàn bà, ở đây trước tiên là Giáo hội, cộng đoàn Giao Ước Mới, sinh ra con người mới và thế giới mới, thì Đức Maria được bao gồm trong đó trước hết, như là sự khởi đầu và là người đại diện cho cộng đoàn tín hữu đó. Giáo hội đã sớm nhận ra mối quan hệ gần gũi giữa Đức Maria và người đàn bà khi nhìn Đức Maria như là Evà mới, “Mẹ của chúng sinh mới” (thánh Irênê đã nhận ra điều đó, mà ngài là môn đệ của Polycarpe, và vị này lại là môn đệ của Gioan).

Giờ đây chúng ta nhìn vào bản văn của Gioan, xem ngài có thể soi sáng về điểm này như thế nào. Lời của Ðức Giêsu nói với Đức Maria “Hỡi Bà, này là con Bà”, và với Gioan “Này là Mẹ con” trước tiên có một nghĩa trực tiếp và cụ thể. Chúng ta không nên vội lướt qua ý nghĩa trực tiếp này: Ở đây ta khám phá thấy một khía cạnh quan trọng trong hành trình thiêng liêng của Mẹ Thiên Chúa. Một lần nữa, ta thấy Người như khách kiều cư lữ thứ trong thế giới này, không mái ấm, không nơi ở thực sự là của mình trên trần gian. Người để cho Thiên Chúa “đặt định” thời gian sinh Con, khi Lời Chúa đặt Người vào trong hoàn cảnh hoàn toàn cô đơn trước mọi người, Thiên Chúa yêu cầu Giuse đón nhận Đức Maria: “Giuse, con của Ðavít, ngươi chớ sợ cưới Maria vợ ngươi về nhà” (Mt 1,20). Tỉnh giấc, Giuse đã đem Người về nhà mình. Giờ đây, lúc Con chết, một lần nữa Người lại đơn độc trong cuộc đời. Thiên Chúa yêu cầu Gioan đem Người về nhà mình và “Gioan từ giờ ấy đã lãnh lấy Bà về nhà mình”. Đức Maria quả là người phụ nữ lênh đênh, không bám vào đâu cả, từ đầu đến cuối, Người để cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời mình. Ðối với chúng ta, Người như hiện thân của nghèo khó, “Ðức Bà Nghèo Khó”.

Tuy nhiên, điều này chưa phải đã nói hết ý nghĩa cảnh tượng đó. Khoa chú giải hiện đại, nhờ những tiến bộ lớn lao trong hiểu biết về ngôn ngữ cũng như về những kiểu diễn tả của Tin Mừng thứ tư, đã xác tín về điều đó còn hơn thời các Giáo phụ. Nếu chỉ dùng một chìa khoá duy nhất để hiểu đoạn văn này, coi đó như những lời trăng trối cuối cùng thì, như người ta nói, bản văn trở thành như “một con cá bắt ra khỏi nước”, không hòa hợp với văn mạch. Ðối với Gioan, giờ chết là Giờ tôn vinh Ðức Giêsu, Giờ hoàn tất trọn vẹn Kinh thánh, hoàn tất mọi sự. Ngay trước những lời liên quan đến Đức Maria, Gioan nói đến tước hiệu “Vua dân Do Thái” với ám chỉ rõ ràng đến nghĩa tiên tri và nghĩa viên mãn của nó. Ngài nói đến chiếc áo chùng không có đường khâu (x. Ga 19,23), gợi lại chiếc áo chùng của Vị Thượng Tế, vì áo đó cũng được dệt liền mảnh (Xh 28,31), và gợi lại sự hoàn tất lời tiên tri. Ngay sau những lời đó, ta đọc thấy Ðức Giêsu “phó thác Thần Khí”, nghĩa là Ngài tắt thở nhưng cũng có nghĩa là Ngài sai Thánh Thần, như lời ghi chú tiếp theo sau về máu và nước chảy ra từ cạnh sườn cho thấy rõ điều đó. Thư thứ nhất của thánh Gioan làm sáng tỏ: “Có ba nhân chứng: Thần Khí, nước và máu” (1Ga 5,7-8). Cạnh sườn khai mở ám chỉ lời tiên tri Êzêkiel: nước hằng sống trào ra từ bên hông Ðền Thờ Mới (x. Ez 47,1tt). Chính Ðức Giêsu từng nói về thân mình Ngài bị phá hủy như về Ðền Thờ Mới (x. Ga 2,19tt).

Toàn văn mạch cho thấy rõ, bản văn sẽ bị giải thích cách gượng ép nếu người ta chỉ muốn thấy trong đó một nghĩa riêng tư, cá nhân, thay vì, cùng với lối chú giải truyền thống, nhận ra rằng bản văn mang một nghĩa phổ quát, nghĩa Giáo hội rõ rệt hơn, có liên hệ với khuôn mặt người “đàn bà” trong Khởi nguyên 3,15 và trong Khải huyền 12. Nghĩa Giáo hội của bản văn đó là: người môn đệ ở đây không chỉ là Gioan, nhưng là người môn đệ, trong tư cách là môn đệ Ðức Giêsu, thực tế là mọi môn đệ. Ðức Giêsu trong cơn hấp hối trao họ cho Đức Maria để họ nên con của Người, và trao Đức Maria cho họ, để Người nên Mẹ của họ.

Lời của Ðức Giêsu có khi mô tả một thực tại đã có, mạc khải điều đang hiện diện; có khi ngược lại, Lời của Ngài sáng tạo, làm cho hiện hữu điều mà nó diễn tả. Những lời của Ðức Giêsu lúc hấp hối nói với Đức Maria và với Gioan thuộc vào loại thứ hai này. Khi nói: “Này là Mình Thầy” Ðức Giêsu biến bánh trở thành Thân Mình Ngài. Cũng thế - tuy vẫn có tất cả những khác biệt - khi nói: “Này là Mẹ con” và “Này là con Bà”, Ðức Giêsu đã làm cho Đức Maria nên Mẹ của Gioan, và Gioan nên con của Đức Maria. Ðức Giêsu không công bố vai trò làm Mẹ mới của Đức Maria, nhưng đã thiết lập vai trò làm Mẹ đó. Vai trò làm Mẹ này không bởi Đức Maria, nhưng bởi Lời Chúa, không dựa trên công phúc, nhưng trên ân sủng.

Như thế, dưới chân Thập Giá, Đức Maria xuất hiện như là Nữ Tử Sion, sau khi chịu tang các con mình, đã được Thiên Chúa ban cho một dòng dõi mới, không theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, một dòng dõi đông hơn dòng dõi ban đầu. Ðây là điều mà một thánh vịnh được phụng vụ áp dụng cho Đức Maria nói lên: “Kìa xứ Philitinh, thành Tyr cùng miền Ethiopi, tại đó kẻ này người nọ đã sinh ra”. Nhưng về Sion, người ta có thể nói: “Người người sinh tại đó.” Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó” (Tv 87,2tt). Ðúng vậy: tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó, mọi người đã sinh ra. Điều đó nói về tôi, về bạn.

Phải chăng chúng ta đã không “được tái sinh nhờ Lời Hằng Sống và vĩnh cửu của Thiên Chúa” (x. 1P 1,23)? Phải chăng chúng ta đã không sinh ra “do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13)? Không tái sinh “bởi nước và Thần Khí” (Ga,5)? Hẳn rồi! Nhưng điều đó không loại trừ việc chúng ta còn được sinh ra bởi lòng tin và nỗi đau khổ của Đức Maria, theo một nghĩa khác, nghĩa tùng phục và nghĩa dụng cụ. Nếu Thánh Phaolô, là tôi tớ và là tông đồ của Ðức Kitô, có thể nói với các tín hữu của ngài: “Nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em trong Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 4,15), thì Đức Maria còn có lý gấp mấy để nói như thế, vì Người là Mẹ của họ: “Này con cái của tôi, những kẻ tôi đã phải quặn đau mà sinh ra” (Ga 4,19)? Ai có thể nói lời đó của thánh Tông đồ đúng hơn Đức Maria? Người sinh chúng ta “một lần nữa” dưới chân Thập Giá, bởi lẽ Người đã sinh chúng ta lần đầu tiên, không phải trong quặn đau mà là trong vui mừng khi Người sinh cho đời “Lời Hằng Sống và vĩnh cửu” là Ðức Kitô, trong Ngài, chúng ta được tái sinh.

Các Lời Thiên Chúa hứa không liên hệ đến những điều trừu tượng, đến các thành phố hay các bức tường, nhưng dành cho những con người cụ thể mà các biểu tượng hay hình ảnh biểu thị. Vậy nếu liên hệ đến những con người cụ thể thì những lời đó ứng nghiệm nơi ai rõ ràng nhất nếu không phải là nơi Đức Maria, Nữ Tử Sion khiêm hạ, khởi đầu của “số sót”, ngay cả trên bình diện niên biểu - những người mà Thánh Phaolô nói: “Các lời hứa đã được dành cho họ” (x. Rm 11,5tt)?

Vậy, như chúng ta đã áp dụng cho Đức Maria khúc Ai ca về Sion bị tàn phá, phải uống chén nghĩa nộ của Thiên Chúa, giờ đây, tin vào khả năng chứa đựng và sự phong phú vô cùng của Lời Chúa, vốn vượt xa các lược đồ chú giải, chúng ta áp dụng cho Đức Maria bài ca Sion được tái thiết sau lưu đày. Tròn mắt kinh ngạc khi nhìn thấy những đứa con mới của mình, Người kêu lên: “Những người ấy ai đã dưỡng dục”? (Is 49,21).

Áp dụng như thế không phải là chủ quan mà là khách quan, vì không dựa trên việc Đức Maria lúc bấy giờ có nghĩ hay không nghĩ đến những lời ấy, nhưng do sự sắp xếp của Thiên Chúa, những lời ấy đã thành hiện thực nơi Đức Maria. Nhận ra được điều này là nhờ cách đọc Kinh Thánh theo Thần Khí (lecture spirituelle), thực hiện trong Giáo hội và cùng với Giáo hội. Nếu không đặt mình trong điều kiện như thế, người ta sẽ không thể khám phá ra điều đó. Mất đi Thần Khí, người ta đành thỏa mãn với văn tự. Khoa giải thích hiện đại đã đưa ra một nguyên tắc rất hay: để hiểu một bản văn, người ta không thể không kể đến những tác động cũng như những âm vang của nó trong lịch sử (Wirkungsgeschichte). Nguyên tắc này càng có giá trị đối với các bản văn Kinh Thánh: người ta chỉ có thể hiểu được các bản văn đó trong nội dung toàn thể cũng như các khả năng tiềm tàng của chúng nhờ tất cả những gì chúng đã tạo ra trong lịch sử, trước hết là nơi Israel và sau đó là nơi Giáo hội, nhờ ánh sáng và sức sống mà chúng làm tỏa phát. Ðiều này rất đúng, nhất là đối với những lời Kinh thánh như chúng ta đang tìm hiểu. “Lịch sử các ứng nghiệm” (histoire des réalisations) này được Giáo hội gọi là truyền thống.

Tổng hợp về Đức Maria của Công đồng Vatican II

Công đồng Vatican II đã đem lại một lối diễn đạt mới cho giáo lý Công giáo truyền thống về Đức Maria, Mẹ các tín hữu. Giáo huấn về Đức Maria được lồng vào một khung cảnh rộng lớn hơn, qua đó Đức Maria được đặt vào trong lịch sử cứu độ và trong mầu nhiệm Ðức Kitô: “Vì muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa quan phòng trên trần gian, Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Người là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong Ðền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập giá. Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Người thật là Mẹ chúng ta”[2]. Và Công đồng lưu tâm xác định ý nghĩa vai trò làm Mẹ này của Đức Maria: “Vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ sức mạnh của vai trò trung gian đó. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phải là điều đương nhiên, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng nhờ cậy dựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, ảnh hưởng của Đức Maria rút sức mạnh từ nguồn mạch đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô”[3].

Bên cạnh tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, một phạm trù căn bản khác được Công đồng sử dụng để minh họa vai trò của Đức Maria, đó là phạm trù mẫu mực hay hình bóng: “Ðức Trinh Nữ, nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo hội, như thánh Ambrôsiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái, và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô”[4].

Nhờ những bản văn này soi sáng và qua những gì chúng ta đã nói cho đến lúc này, chúng ta có thể tóm tắt mối quan hệ kép của Đức Maria với Ðức Giêsu và với Giáo hội. Với Ðức Giêsu, Người là “Mẹ và là môn đệ”. Với Giáo hội, Người là “Mẹ và là Thầy”, nghĩa là mẫu mực, khuôn mặt gương mẫu. Người quả thực có thể nói như thánh Phaolô, và còn hơn Phaolô nữa: “Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Ðức Kitô” (1Cr 11,1). Người quả là mẫu mực của chúng ta vì Người là môn đệ và là người noi theo Ðức Kitô cách hoàn hảo.

Ðiểm hết sức mới mẻ của giáo huấn về Đức Maria chính là vị trí mà nó được lồng vào: Hiến chế tín lý về Giáo hội. Làm được điều này, tuy không phải là không gặp những đau khổ, xâu xé như vẫn luôn xảy ra trong những trường hợp như vậy, Công đồng quả đã thực hiện một canh tân sâu xa về Thánh Mẫu học so với các thế kỷ trước. Khảo luận thần học về Đức Maria không còn là một đề tài riêng lẻ, tách biệt, như thể chiếm một vị trí trung gian giữa Ðức Kitô và Giáo hội, nhưng được đưa trở lại vào lãnh vực Giáo hội như vào thời các Giáo phụ. Thánh Augustinô từng nói đến điều đó: Đức Maria là chi thể tuyệt hảo của Giáo hội, nhưng là một trong các chi thể của Giáo hội chứ không phải là người ở bên ngoài hay bên trên Giáo hội: “Đức Maria thánh thiện, Đức Maria đầy phúc, nhưng Giáo hội quan trọng hơn Đức Maria. Vì sao? Vì Đức Maria là một phần của Giáo hội, một chi thể thánh thiện, tuyệt vời, trổi vượt trên mọi chi thể khác, thế nhưng vẫn là một chi thể của toàn thân thể. Nếu là một chi thể của toàn thân thì thân thể hiển nhiên quan trọng hơn một chi thể”[5].

Tuy vậy, Giáo hội vẫn làm nổi bật vai trò làm Mẹ Ðức Kitô như là mối quan hệ độc nhất vô nhị mà phần còn lại của Giáo hội không tham dự vào. Chương bàn về điểm này mang tựa đề: “Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội”. Việc xác định rõ ràng như thế có tầm quan trọng của nó: không những trong mầu nhiệm Giáo hội, mà cả trong mầu nhiệm Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.

Ngay sau Công đồng, Ðức Phaolô VI đã khai triển chủ đề mẫu tính của Đức Maria, Mẹ các tín hữu. Ngài gán cho Đức Maria tước hiệu Mẹ Giáo hội cách minh nhiên và long trọng: “Vì vinh danh Đức Maria và vì niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tôn xưng Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh là Mẹ Giáo hội, nghĩa là Mẹ của toàn Dân Chúa, của tín hữu cũng như của các mục tử, những người gọi Ngài là Mẹ rất mến yêu. Và chúng tôi mong muốn từ nay, với tước hiệu rất dịu êm này Ðức Trinh Nữ sẽ càng được toàn dân Kitô giáo tôn kính và khấn cầu hơn nữa”[6].

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 143 (Tháng 9 & 10 năm 2024)

________

[1] Saint Augustine, La sainte virginité 5 - 6 (PL 40, 399).

[2] Lumen gentium 61.

[3] Ibid 60.

[4] Ibid 63.

[5] Saint Augustin, Sermons 72A (= Denis 25), 7 (Misc. Agost. 1, p. 163).

[6] St. Paul VI. Discours de clôture de la troisième période du Concile (AAS 56, 1964, p. 1016).

Nguồn: hdgmvietnam.com