Đức Mẹ Guadalupe và tấm áo choàng thần kỳ

18/08/2020
3367
Đức Mẹ Guadalupe và Tấm Áo Choàng Thần Kỳ
 

Đức Mẹ Guadalupe là một sự kiện thần kỳ và nổi tiếng ở xứ sở Mexico. Đức Mẹ Guadalupe là một tước hiệu của Đức Maria, tên gọi này minh chứng cho cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại vùng Guadalupe, Mexico vào năm 1531. Năm 1999, Giáo hội chính thức tuyên bố tượng Đức Mẹ Guadalupe là "Nữ thần bảo hộ Châu Mỹ". 

Ngày 12/12 hàng năm, Giáo hội mừng kính Đức Mẹ Guadalupe, đánh dấu ngày Đức Mẹ hiện ra với người nông dân tên Juan Diego ở Mexico vào năm 1531. Theo các ghi chép về sự việc này, Đức Mẹ đã hiện ra vài lần trước mặt Juan Diego, yêu cầu Juan đến gặp vị Giám Mục sở tại xin ngài xây dựng một nguyện đường mới tại nơi này. Vị Giám mục lúc đầu không tin, nên đã yêu cầu một dấu hiệu để chứng minh. Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac để truyền đạt lại yêu cầu của Giám mục.

Đức Mẹ chấp thuận và bảo Juan lên đỉnh đồi Tepeyac vốn rất khô cằn để gom một số hoa hồng vào áo Tilma của anh (Tilma là một loại áo choàng thô dệt bằng sợi cây xương rồng thổ dân nghèo châu Mỹ thường mặc). Anh vâng lời Đức Mẹ đi lên đồi. Anh đã thấy một vườn hoa hồng tuyệt đẹp mặc dù xung quanh đất đai cằn cỗi. Juan đến gặp vị Giám mục một lần nữa. Trước mặt vị Giám Mục, Juan mở áo choàng ra, hoa hồng rơi xuống đất để lộ chân dung mầu nhiệm của Đức Mẹ một cách thần kỳ. Hình tượng Đức Mẹ trên tấm áo choàng Tilma về sau được biết đến dưới cái tên “Đức Mẹ Guadalupe”.

Tấm áo choàng vẫn lưu tồn cho đến tận ngày nay. Nó được treo trang trọng trên bàn thờ tại Vương Cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe tại thủ đô Mexico City.

Các nhóm khoa học gia khác nhau đã tiến hành nhiều loại thí nghiệm trên lớp vải và bức hình. Nhưng họ không thể tìm thấy bất kỳ lời giải thích khoa học nào cho quá trình tạo nên bức hình này.

Thánh ảnh cho thấy Mẹ mặc áo mặt trời chân đạp trên mặt trăng hình lưỡi liềm, tượng trưng cho địa vị cao cả của Mẹ - vĩ đại hơn các mẫu tượng khác. Mẹ mặc áo choàng màu ngọc lam xanh - tượng trưng cho hoàng tộc - khoác ngoài áo dài màu hồng tượng trưng cho tình yêu cao cả.


MỘT SỐ CHÚ GIẢI LIÊN QUAN ĐẾN BỨC TƯỢNG ĐỨC MẸ GUADALUPE

Đôi mắt: Đầu Mẹ hơi cúi xuống và đôi mắt đang nhìn xuống trong tư thế khiêm cung tượng trưng cho người nữ tỳ của Chúa. Đôi mắt Mẹ ẩn chứa hình ảnh của Juan Diego và vị Giám mục, nhưng điều này chỉ có thể nhìn thấy bằng công nghệ hiện đại.

Đôi bàn tay chấp niệm: Đôi bàn tay chắp trong tư thế cầu nguyện. Bên trái tối và bên phải sáng hơn. Hình ảnh này đại diện cho hai chủng tộc.

Nơ mẫu tử: Là hình ảnh của sự trinh tiết. Vị trí này thể hiện Mẹ đang mang trong mình một đứa trẻ. Dây Mẫu Tử thắt quanh eo tượng trưng cho người nữ đang mang thai.

Bông hoa: Những hình mẫu này là ký tự của ngôn ngữ bản địa, chứa đựng các thông điệp phức tạp khác nhau

Nhiệt độ: Nhiệt độ của chiếc áo choàng Tilma không thay đổi, ở mức 98,6°F = 37°C, tương đương với nhiệt độ của một cơ thể sống.

Độ bền: Màu sắc của hình ảnh vẫn tươi mới một cách kì diệu dù đã hơn 500 năm tuổi. Những hình ảnh được thực hiện trên vải thường tan rã trong vòng 15-30 năm nhưng tấm áo Tilma này không hề có dấu hiệu phai mờ hoặc nứt rạn của màu sắc

Khả năng phục hồi: Tấm áo choàng Tilma đã sống sót sau một vụ đánh bom và cũng tự phục hồi một cách kỳ diệu sau khi bị dung môi axit nitric đổ vào.

Ngôi sao: Các ngôi sao trên áo choàng của Mẹ phác họa ra chính xác các chòm sao khác nhau trên bầu trời Mexico ngày 12 tháng 12 năm 1531, Thứ Bảy, lúc 10:26 sáng.

Nhịp tim: Khi đặt một ống nghe bên dưới chiếc nơ màu đen, đo được nhịp đập nhịp nhàng 115 mỗi phút, giống như nhịp tim của một em bé trong bụng mẹ

Bản gốc: Không có dấu hiệu của sơn, nét cọ, hoặc nét phác thảo nào được tìm thấy; hình ảnh này không thể tạo ra bản sao khác; Và nếu quan sát ở phạm vi 3-4 inch tính từ vải, hình ảnh này sẽ biến mất, chỉ còn lại tấm vải nguyên gốc.

Mặt trăng: Người nữ đang đứng trên mặt trăng lưỡi liềm là tín hiệu cho biết Bà là đấng cao cả hơn hắc thần (thần đêm tối) và nguyệt thần (thần mặt trăng). Bên cạnh đó, Mẹ đứng trên mặt trăng có lớp da rắn. Đây là một biểu tượng của một vị thần rắn của người Azp về sự hy sinh của con người.

Thiên thần: Thiên thần ở dưới chân Đức Mẹ với đôi cánh lông vũ mang Đức Mẹ đến với mọi người. Chiếc áo choàng của thiên thần màu đỏ tượng trưng cho trái đất, trong khi chiếc áo choàng của Mẹ Maria màu xanh tượng trưng cho thiên đường.

Tổng hợp và dịch : Goretti.Tran
Trình bày : Hồng Nhật

Nguồn: https://ymagazine.net/vn/bai-viet/duc-me-guadalupe-va-tam-ao-choang-than-ky