ĐỨC MARIA TRONG BIẾN CỐ TRUYỀN TIN

25/03/2025
569

ĐỨC MARIA TRONG BIẾN CỐ TRUYỀN TIN

Từ ngày 25/3 đến ngày 25/12 đây là khoảng thời gian đủ để cho một thai nhi nên hình nên dạng trong lòng mẹ. Với lời xin vâng của Đức Maria, Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Ngài trở nên người thật như bao con người khác, ngoại trừ tội lỗi. Đây là một sự kiện vượt quá sức hiểu biết của nhân loại, chẳng có nhẽ một vì Thiên Chúa toàn năng mà cũng tầm thường phải trở nên hèn mọn đến như thế hay sao? chẳng có nhẽ một vì Thiên Chúa toàn năng, toàn trí mà lại ngụ vào một người phụ nữ thôn quê như thế hay sao? 

Lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), là nền tảng căn bản đầu tiên của Thánh Mẫu học mà chính Thiên Chúa đã muốn giới thiệu cho chúng ta qua sứ thần Gabriel. Thoạt nghe chúng ta nhận thấy lời chào này dường như không hơn gì công thức chào hỏi thời bấy giờ trong thế giới nói tiếng Hy Lạp, và truyền thống thường dịch từ này là “kính chào”. Tuy nhiên, khi đặt lời chào này dưới lăng kính của Cựu Ước, thì nó lại có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Thánh sử Luca sử dụng kiểu nói đã từng xuất hiện bốn lần trong bản Bảy mươi: “Mừng vui lên.” Lời chào này đánh dấu sự khởi đầu của Tin mừng theo nghĩa chặt; lời chào bắt đầu với từ “mừng vui”, một niềm vui mới đến từ Thiên Chúa, đây chính là lời loan báo về niềm vui Đấng Thiên Sai (Xp 3,14; Dcr 9,9; Ac 4,21).[1] Lời chào “mừng vui lên” không chỉ toát lên tính phổ quát của sứ điệp Kitô giáo, mà nó còn cho thấy tính liên tục của lịch sử cứu độ theo Kinh Thánh, khi lời chào này làm vọng lại lời tiên báo của ngôn sứ Xôphônia và hiện thực hóa lời đó:

“Reo vui lên hỡi thiếu Nữ Sion, hò vang dậy đi nào nhà Israel hỡi. Hỡi thiếu Nữ Giêrusalem hãy nức lòng phấn khởi vì Đấng muôn dân mong đợi đang đến và nhà Chúa sẽ ngập tràn ánh vinh quang” (Xp 3,14-15).

Lời mời gọi hãy reo vui và đừng sợ hãi được thánh sử Luca lặp lại khi nói về Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền tin (x. Lc 1,26-38), một biến cố liên kết trọn vẹn với toàn bộ lịch sử cứu độ.[2] Những gì nói về người thiếu nữ Sion bởi ngôn sứ Xôphônia giờ đây hướng đến Đức Maria: Mẹ được đồng hóa với thiếu nữ Sion, với dân tộc là tân nương của Thiên Chúa, và Mẹ chính là thiếu nữ Sion. Nhân danh số sót bé nhỏ, người “Thiếu nữ Sion” này tiếp nhận Đấng Cứu Thế trong vâng phục của đức tin, niềm vui, và hiện thân cho niềm hy vọng cứu thoát của dân Chúa. Khi nhắc lại hình ảnh người Thiếu nữ Sion, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng:

“Trong tâm hồn của người “Thiếu nữ Sion” này, một cách nào đó, đã hiện lên tất cả vinh quang của ân sủng mà Thiên Chúa Cha quyết định rộng ban cho nhân loại qua Con yêu dấu.”[3]

Trở lại với lời chào của Thiên thần, Đức Maria được gọi là “mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (κεχαριτωμένη), Đấng được yêu bởi Thiên Chúa (x. Lc 1,28). Thiên thần không nói: Mừng vui lên hỡi Đức Maria, mà là “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng.” Điều này có nghĩa rằng ân sủng là chân tính sâu thẳm nhất của Đức Maria.[4] Niềm vui đến từ ân sủng, đồng thời niềm vui và ân sủng (cháris) gắn chặt với nhau. Lời chào “đầy ân sủng” đó đã làm cho Đức Maria suy nghĩ, Mẹ tự hỏi lời chào như thế có ý nghĩa gì (x. Lc 1,29). Hạn từ được dùng để xác định “sự suy nghĩ” của Đức Maria là từ “dielogizeto”, gợi lại gốc của từ “dialogue – đối thoại”. Từ đây, chúng ta có thể nhận ra được rằng Đức Maria đã có một cuộc đối thoại hết sức thân mật với Lời của Thiên Chúa đã được loan báo; Đức Maria đã ngưng lại để cho Lời ấy thẩm thấu vào trí khôn và tâm hồn Mẹ để có thể hiểu những gì Chúa muốn từ Mẹ. Như vậy, ta cũng có thể hiểu “ân sủng” ở đây có nghĩa là Đức Maria là một con người hoàn toàn mở ra, một người đã hoàn toàn mở rộng chính mình, một người đã đặt mình vào tay Thiên Chúa một cách mạnh dạn, vô thời hạn và không sợ hãi cho số phận của mình.[5]

Liền sau đó, sứ thần Gabriel nói về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Maria được mời gọi cộng tác. Người Con của Bà sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao” và “Con Thiên Chúa”, được làm vua trên ngai vàng David, trị vì nhà Giacob và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (x. 2Sm 7,1-14). Trước một sự việc đặc biệt quan trọng và diễn ra bất ngờ, Đức Maria đã thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Mặc dù đặt ra câu hỏi như thế, song Đức Maria vẫn mở lòng để lắng nghe sứ thần giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Đám mây thánh – schechina – là dấu chỉ tỏ tường về sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 13,21tt; Is 61,1-2). Điều này cũng được nhắc tới trong trình thuật Chúa biến hình trên núi Tabor (x. Lc 9,34; Mc 9,7). Đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa; nó cho biết Người vừa ẩn kín vừa hiện diện. Theo thần học gia Joseph Ratzinger, kiểu nói về sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần đã lấy lại thần học Sion trong lời chào của Thiên sứ. Một lần nữa Đức Maria xuất hiện như lều sống động của Thiên Chúa, trong lều này, Thiên Chúa muốn trú ngụ nơi con người theo một cách thức mới.[6]

Tiếp theo đó, sứ thần cũng xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Và rồi, Đức Maria đã công khai bày tỏ sự ưng thuận với sự tự do: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).[7] Nói về điểm này, thần học gia Hans Urs Von Balthasar nhận định rằng đó chính là việc “ý chí hữu hạn” của Đức Trinh Nữ Maria thuận theo “tự do vô hạn” của Thiên Chúa trong biến cố truyền tin.[8] Khi nói về lời đáp “xin vâng” của Đức Maria, Origène đã sánh ví Đức Maria như là bản “sáp ong” mà thời đó người ta dùng để viết: “Với lời đáp đó, Đức Maria như muốn thưa lên với Thiên Chúa: này con đây, con là bản viết, xin văn nhân cứ viết điều ngài muốn, xin Chúa của vạn sự dùng con theo như tôn ý của Người.”[9]

Đức Maria cũng đặt câu hỏi với Thiên thần: “Việc đó sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34). Thánh Tôma Aquinô trưng dẫn lời thánh Ambrôsiô khi chú giải câu hỏi tu từ này: “Mẹ không hề nghi nan về việc thụ thai, nhưng muốn biết thụ thai bằng cách nào.”[10] Ẩn sâu trong lời thắc mắc của Đức Maria là một sự ưng thuận, nghĩa là “ngay lúc này sẽ thụ thai”. Ông Zacharia cũng đã từng đặt câu hỏi giống với Đức Maria: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Tuy nhiên, thái độ trong sự thắc mắc ấy lại hoàn toàn khác nhau. Ông Zacharia thì nghi ngờ nên ông đã bị câm, còn Đức Maria đón nhận con trẻ trong cung lòng và sau này được ca ngợi vì đức tin của mình. Đức Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng là để biết phải thi hành thánh ý Thiên Chúa như thế nào.[11]

Tiếng “Fiat” của Đức Maria là tiếng “xin vâng” nhân linh của một con người, một thụ sinh. Tất cả giá trị của tiếng “xin vâng” này là do bởi ân sủng và một cách nào đó đã được Đức Maria xác nhận ngay khi thiên thần nói về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ Đức Maria đã luôn ở trong tư thế sẵn sàng với một sự tự do nội tâm và niềm xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa dù thấy trước mắt những hệ lụy sẽ xảy đến với mình. Thật vậy, Đức Maria đã hành động hoàn toàn tự do trong đức tin, Mẹ tin vào Đấng có thể làm được mọi sự dẫu rằng Mẹ đã không hiểu được hết những điều sứ thần giải thích. Hàm ý trong thái độ này là một sự ý thức đầy đủ rằng Thiên Chúa có toàn quyền trên đời sống của Mẹ.[12] Lời “xin vâng” của Đức Maria không chỉ diễn tả sự tin tưởng tuyệt đối mà còn thể hiện sự khiêm nhường, phó thác và thể hiện niềm khát mong được cộng tác vào trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[13] Những ca từ trong bài Magnificat cho thấy, Đức Maria đã thực sự trả lại cho Thiên Chúa quyền của Người và giữ lại cho ân sủng tất cả tính nhưng không của nó.[14]

Ngước nhìn lên Đức Maria, chúng ta được mời gọi học nơi mẹ qua việc biết mở lòng mình đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa với sự tin tưởng và phó thác. Cùng với lòng ao ước được cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mệnh cứu độ nhân loại.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Kế

 

[1] Joseph Ratzinger and Hans Urs von Balthasar, Mary the Church at the Source, translated by Adrian Walker (San Francisco: Ignatius Press, 2005), tr. 43. 

[2] Nguyễn Hồng Thanh, O.C, Thánh Mẫu Học, tr. 65.

[3] RM, số 8.

[4] Raniero Cantalamessa, Đức Maria Tâm Gương Cho Giáo Hội, ed: Athanase Nguyễn Quốc Lâm (Nxb: Tôn Giáo - 2022), tr. 26.

[5] Joseph Ratzinger and Hans Urs von Balthasar, Mary the Church at the Source, tr. 45.

[6] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth – III, ed: Nguyễn Văn Trinh (Nxb: Tôn Giáo, 2013), tr. 46 - 47.

[7] Richard Griffiths, Claudel: A Reappraisal (London: Rapp and Whiting, 1968), tr. 5.

[8] Hans Urs von Balthasar, Theodrama: Theological Dramatic Theory, translated by Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), tr. 300.

[9] Origène, Xommentaire sur L’Écvangile de Luc, Frag. 18 (GCS. 49), tr. 227.

[10] Frederick M. Jelly, O.P, Tôn Sùng Đức Maria trong Thánh Truyền Công Giáo, Ed: Hồng Ân (New Orleans, 2001), tr. 204.

[11] Raniero Cantalamessa, Đức Maria Tâm Gương Cho Giáo Hội, ed: Athanase Nguyễn Quốc Lâm (Nxb: Tôn Giáo - 2022), tr. 68.

[12] Carolo Maria Martini, Lời Hứa Đã Được Thực Hiện, ed: Phạm Quốc Huyên (Nxb: Tôn Giáo Hà Nội - 2015), tr. 122.

[13] Ngô Châu Minh, CMC, Mẹ Maria Đồng Công Cứu Trung Gian Và Trạng Sư (Carthage: Regina, 2004), tr. 65.

[14] Raniero Cantalamessa, Đức Maria Tấm Gương Cho Giáo Hội, tr. 35.