ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 02 - ĐỐI THOẠI
Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34)
Kinh Thánh trình bày ơn gọi của các ngôn sứ và các môn đệ dưới hình thức đối thoại. Ơn gọi của Đức Maria cũng được cấu thành từ sự đối thoại. Trong khung cảnh mở đầu, Đức Maria và sứ thần Gabriel đã được Thánh sử Luca giới thiệu. Sau đó, cuộc đối thoại đã được triển khai, chúng ta lưu ý cách thức kế hoạch của Thiên Chúa được mạc khải cho Đức Maria và cách thức Mẹ chấp nhận ý Chúa qua tiếng “Xin vâng” trong cuộc đối thoại cởi mở với sứ thần.
Cuộc đối thoại của Đức Maria với Sứ thần[1]
Thánh Luca kể lại rằng: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,28-29). Sứ thần Gabriel mở cuộc đối thoại với Đức Maria, trong đó tin vui về mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu được thông báo cho Mẹ, và Mẹ được yêu cầu cộng tác với Thiên Chúa, để Ngài có thể thiết lập một giao ước mới với chúng ta. Vì Đức Maria không thể hiểu làm sao mình có thể sinh hạ một con trai khi đang là một trinh nữ, nên Mẹ đã hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34).
Một số người đã thắc mắc tại sao Đức Maria lại không bị phạt khi đặt câu hỏi như vậy với sứ thần, ngược lại ông Dacaria lại bị phạt vì đã hỏi lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Tại đây, chúng ta phải hiểu ngụ ý đằng sau những câu hỏi của họ.
Câu hỏi của Đức Maria không nằm ngoài niềm tin của Mẹ vào lời sứ thần Gabriel. Mẹ đặt câu hỏi này như một dấu hiệu Mẹ khao khát muốn biết nhiều hơn về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Mẹ, mặc dù Mẹ là một trinh nữ. Ngược lại, ông Dacaria, một người lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm tôn giáo và đang phục vụ như là tư tế trước mặt Thiên Chúa, ông đặt câu hỏi này bởi vì ông không tin. Đó là lý do sứ thần nói với ông: “Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được... bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20). Do đó, cuộc đối thoại của Đức Maria với sứ thần là dấu chỉ cho thấy Mẹ ước muốn biết nhiều hơn về ý Chúa và sự sẵn sàng của Mẹ để phục vụ Ngài. L.T Johnson bình luận rằng: “Cách thức Đức Maria trả lời thì tích cực hơn ông Dacaria. Thay vì hỏi ‘dựa vào đâu mà tôi biết được’, vốn là một yêu cầu cần được chứng minh, thì Đức Maria chỉ đơn giản hỏi rằng việc ấy sẽ xảy ra cách nào để lời hứa có thể trở thành sự thật trong khi Mẹ đồng trinh”[2]. Đó là lý do tại sao Mẹ đã đáp lại trong sự vâng phục của đức tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Thánh Ambrôsiô thành Milan (mất năm 397) nhận xét về câu hỏi Đức Maria đã đặt ra (x. Lc1,34) như sau: “Có vẻ Mẹ không nghi ngờ biến cố này, nhưng muốn hỏi nó sẽ được diễn ra như thế nào. Rõ ràng, nếu Mẹ đã hỏi nó sẽ diễn ra như thế nào, hẳn Mẹ đã tin lời hứa sẽ được ứng nghiệm. Vì thế, Mẹ xứng đáng được nghe lời này từ bà Êlisabeth: ‘Em thật có phúc, vì đã tin’ (Lc 1,45). Vâng, Mẹ thật có phúc vì đã vượt qua tư tế Dacaria, trong khi vị tư tế đã chối bỏ, thì Đức Trinh nữ Maria đã khắc phục sự khó hiểu. Không lạ gì khi Thiên Chúa muốn cứu độ thế giới này, thì Ngài đã bắt đầu công trình của Ngài với Đức Maria. Vì thế, nhờ Mẹ mà ơn cứu độ đã được chuẩn bị cho tất cả mọi người, và Mẹ cũng là người đầu tiên lãnh nhận hoa trái ơn cứu độ”[3].
Đức Maria dạy chúng ta đối thoại
Cuộc đối thoại giữa sứ thần Gabriel và Đức Maria mở ra kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm thiết lập giao ước mới với dân Ngài. Đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa có thể làm nên những điều kỳ diệu và phép mầu cho thế giới này. Tiến trình hiệp hành đặt nền tảng trên sự đối thoại với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chỉ qua đối thoại, chúng ta mới có thể để cho Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho hành trình cuộc đời chúng ta.
Mặc dù, Đức Maria bối rối bởi lời chào của sứ thần, Mẹ vẫn không ngừng lắng nghe sứ thần. Thánh Luca nói rằng: Mẹ đã bắt đầu phân định lời chào này có ý nghĩa gì (câu 28). Cần lưu ý động từ “phân định”. Rất quan trọng để hiểu được rằng việc Mẹ lắng nghe sứ thần đã dẫn dẫn Mẹ đến sự phân định. Không có lắng nghe, thì không có đối thoại. Không có đối thoại, thì không có phân định.
Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe
Nếu chúng ta muốn Giáo hội là một Giáo hội hiệp hành thì Giáo hội phải biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và tiếng nói của anh chị em chúng ta: một Giáo hội không biết lắng nghe, không phải là một Giáo hội hiệp hành. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Thượng Hội đồng cho chúng ta cơ hội để trở thành một Giáo hội biết lắng nghe, thoát ra khỏi thói quen và tạm ngừng các mối quan tâm mục vụ của chúng ta để dừng lại và lắng nghe. Để lắng nghe Thánh Thần trong sự tôn thờ và cầu nguyện. Ngày hôm nay, chúng ta thiếu việc cầu nguyện tôn thờ biết bao; rất nhiều người đã đánh mất không chỉ thói quen mà còn cả ý tưởng về ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa! Lắng nghe các anh chị em của chúng ta nói về hy vọng của họ và về những khủng hoảng đức tin hiện diện ở những nơi khác nhau trên thế giới, về nhu cầu canh tân của một đời sống mục vụ và về những tín hiệu mà chúng ta đang nhận được từ những người trên mặt đất”[4].
Học từ Giáo hội sơ khai để lắng nghe
Trong hành trình cùng nhau của chúng ta, chúng ta phải học từ Giáo hội sơ khai cách lắng nghe nhau và sống đức tin Kitô giáo của mình. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong cộng đoàn Kitô giáo sơ khai, họ đều triệu tập toàn thể cộng đoàn để lắng nghe nhau và cùng nhau đưa ra quyết định với sự đồng tâm nhất trí. Điều này được thể hiện rất rõ ràng qua hai biến cố: việc chọn bảy phó tế (x. Lc 6,1-7) và Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15,1-35). Mọi thứ đều được thực hiện thông qua lắng nghe và đối thoại. Như chúng ta biết rõ, đó là “chính Chúa Giêsu giới thiệu Ngài ‘là con đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14, 6), và “các Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là ‘Những người theo Đạo (con đường)’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22)”[5].
Lắng nghe và phát biểu
Trong ngày Truyền tin, cả Đức Maria và sứ thần Gabriel đều lắng nghe nhau. Khi chúng ta đối thoại với nhau, với con tim tự do và cởi mở hướng đến quan điểm và ý kiến của nhau, thì chúng ta có thể cảm nghiệm được sự mới mẻ. Chúng tôi trích dẫn ở đây hai đoạn văn trong chuyên đề về Lắng nghe và Phát biểu:
“Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Giáo hội đặc thù của chúng ta “cần lắng nghe” ai? Làm thế nào để thành phần giáo dân, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ, được lắng nghe? Làm thế nào để đón nhận sự đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến? Đâu là chỗ để những nhóm thiểu số, những người bị loại bỏ và bị loại trừ cất lên tiếng nói của họ? Chúng ta có nhận ra những định kiến và khuôn mẫu cản trở chúng ta lắng nghe hay không? Bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó chúng ta đang sống được chúng ta lắng nghe thế nào? Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn (parrhesia) lên tiếng, nghĩa là, phải bao gồm cả sự tự do, chân lý và bác ái. Làm thế nào để thúc đẩy trong cộng đồng và các tổ chức của nó một phong cách trao đổi tự do và đích thực, không giả dối và cơ hội chủ nghĩa? Và trong mối tương quan với xã hội mà chúng ta là thành phần? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì là quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông (không chỉ truyền thông Công giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu, và họ được chọn ra sao?”[6]. Lắng nghe ai đó không chỉ đơn thuần là nghe những lời của người đó. Chú ý lắng nghe là bước đầu tiên để đi vào đối thoại.
Tầm quan trọng của đối thoại trong Giáo hội hiệp hành
Trong tiến trình hiệp hành, đối thoại giữa linh mục và giáo dân là điều cơ bản. Liên quan vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta muốn nói về một Giáo hội hiệp hành, chúng ta không thể chỉ thoả mãn với vẻ bề ngoài; chúng ta cần nội dung, phương tiện và cấu trúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và tương tác trong Dân Chúa, đặc biệt là giữa các linh mục và giáo dân. Tại sao tôi nhấn mạnh vào điều này? Bởi vì đôi khi có thể có một thứ giai cấp ưu tú nào đó trong chức linh mục khiến họ tách rời khỏi giáo dân; cuối cùng linh mục trở thành một “ông chủ” hơn là một mục tử của toàn thể cộng đoàn đang tiến bước. Điều này sẽ đòi hỏi phải thay đổi một số tầm nhìn về Giáo hội chỉ từ trên xuống, méo mó và cục bộ, về chức vụ linh mục, vai trò giáo dân, trách nhiệm Giáo hội, vai trò quản trị, v.v...”[7]
Đối thoại trong Đại kết và Liên tôn?
Vì Đức Maria là người nữ của đối thoại, lắng nghe tiếng Chúa và mọi người, nên Mẹ truyền cảm hứng cho chúng ta để lắng nghe những người ngoài tôn giáo và tiến đến sự đối thoại với họ. Đức Maria là người Mẹ của hiệp nhất, chớ không phải Mẹ của chia rẽ. Nếu Giáo hội muốn trở thành một Giáo hội hiệp hành, thì Giáo hội phải thúc đẩy sự hiệp thông với các Giáo hội khác thông qua lắng nghe và đối thoại.
Đức Maria là một người phụ nữ Do thái, trung thành với các thực hành và giáo lý của Do thái giáo. Mẹ là cầu nối giữa dân Israel cũ và Israel mới. Mẹ truyền cảm hứng cho chúng ta tiến đến việc đối thoại với Do thái giáo. Đức Maria cũng được Kinh Quran miêu tả là một người nữ thánh thiện, tinh tuyền và đạo đức. Đức Maria rất được tôn vinh và nhìn nhận là một người nữ của đức tin trong Kinh Quran. Do đó, Đức Maria có thể được xem là cầu nối giữa Hồi giáo và Kitô giáo để lắng nghe lẫn nhau và đối thoại hiệu quả, để thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ.
Chúng ta hãy kết thúc suy tư của mình bằng một tuyên bố quan trọng: “Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội “ra đi”, một Giáo hội truyền giáo với “những cánh cửa luôn rộng mở” (EG, 46). Điều này bao hàm lời mời gọi làm sâu sắc thêm mối tương quan với các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác mà chúng ta được liên kết bởi một phép Rửa duy nhất. Đàng khác, viễn tượng ‘cùng nhau cất bước hành trình’ thì rộng rãi hơn và bao trùm toàn thể nhân loại, trong đó chúng ta cùng chia sẻ ‘vui mừng và hy vọng, u sầu và lo âu của con người ngày nay’ (GS, 1)”[8]. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta hãy học với Đức Maria để mở rộng đối thoại với Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”
Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections
[1] Xem M. Isabell Naumann, Luca 1, 26-38 như một “kiểu mẫu đối thoại”, Thánh Mẫu Học đầu thiên niên kỷ Thứ Ba, do Kevin Wagner và những người khác biên tập, Eugene (OR) 2017, 1-31.
[2] Sacra Papina. The Gospel of Enke, vol. 3, Liturgical Press, Collegeville (MN) 2006, p. 39.
[3] Expositio in Encam 2,17; PL 15,1640.
[4] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.
[5] Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, số 3.
[6] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30.
[7] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.
[8] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 15.
Nguồn: hdgmvietnam.com