Nghịch lý của đời tu

13/10/2022
1368

 

Nhìn từ bên ngoài, người ta luôn thấy đời tu rất đẹp, hệt như một Thiên Đường tại thế. Suốt ngày cất cao giọng hát ngợi khen Chúa, vui vẻ với những công việc tầm thường như việc cắt cỏ trồng rau, không một chút bon chen với cuộc đời, không phải lắng lo chuyện gia đình, con cái, không ganh đua với danh vọng cao sang. Nhìn những vị tu sĩ cao niên đắc đạo, miệng lúc nào cũng nở những nụ cười tươi, không quần áo sang trọng, không vàng bạc trữ kho, nhưng tâm hồn lúc nào cũng bình yêu thư thái, lối hành xử luôn chậm rãi khoan thai, không hờn ai, không trách cứ, đó quả thực là điều nhiều người ước mong. Rồi những tấm gương hy sinh cả một đời giúp đỡ những người cơ nhỡ, người nghèo, hay những ai bị cuộc đời ruồng rẫy, họ làm việc như thể đó là niềm vui, cho đi mà chẳng mong gì đền đáp, bao lụy phiền của nhân tình thế thái chẳng thể bám víu trái tim họ. Đời tu quả là tươi đẹp, là dấu chỉ của Nước Chúa hiện diện ở trần gian.

Thế nhưng, chỉ có những ai sống trong đời tu mới có thể hiểu rõ được sống đời tu thật không dễ tí nào. Để có thể trở nên một cây cổ thụ sừng sững uy phong, nó đã phải trải qua không ít những gian nan thử thách. Cây nào chịu đựng được thì lớn lên; cây nào không đủ sức thì gục ngã. Đời tu tuy đẹp đấy, nhưng để có thể sống trọn vẹn lý tưởng này, chẳng con người nào có thể tự sức mình mà sống được. Ấy là bởi vì sống đời tu là sống giữa nghịch lý vô cùng căng thẳng của kiếp người.

Người đi tu là người sống giữa thế gian nhưng không được để mình bị thế gian đụng đến. Họ người có đôi chân chạm đất nhưng đầu thì hướng thẳng về trời cao. Họ phải sống trong cuộc đời nhưng lại bị xem là người ở cõi khác. Họ chọn đời hiến dâng không phải để trốn đời, hận đời, nhưng là để vào đời và yêu mến đời nhiều hơn. Người đi tu cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp như ai kia, nhưng phải chọn lấy cho mình phần kém nhất. Họ phải trải rộng tình thương của mình cho người khác, nhưng lại không được để một người nào đó được phép yêu mình. Họ phải yêu người nhưng không được giữ lại riêng cho mình một ai. Họ yêu nhưng không được nắm giữ.

Ai cũng mong muốn mình có một bến đỗ dừng chân, nơi một mái ấm nhỏ, có tiếng cười của con thơ. Nhưng người đi tu thì phải vượt trên mong muốn ấy. Họ có đôi bàn chân không bao giờ ngừng bước. Họ như ngọn gió ngao du khắp núi rừng, băng qua biển khơi. Chẳng nơi đâu là nhà nhưng cũng chẳng nơi đâu là xa lạ. Nơi họ đặt chân đến là quê hương, là cuộc sống của họ… Họ không được đậu neo ở điểm dừng nào, không được để lòng lưu luyến ai hay bất cứ nơi đâu, nhưng phải thanh thoát và tự do với mọi sự. Nơi con tim của người đi tu chất chứa đầy những tâm tư sâu kín. Họ có yêu ai không, không ai biết; họ có ghét ai không, chẳng ai hay; họ có nóng giận, buồn phiền với ai không, không ai tỏ. Dù bên trong có thế nào, điều mà họ thể hiện ra bên ngoài phải là niềm hạnh phúc, phải là niềm vui, phải là dấu chỉ của Nước Trời.

Đó là lý tưởng đẹp, nhưng cũng là điều không phải dễ mà sống được. Sống giữa căng thẳng luôn làm người ta như muốn xé nát con người mình làm đôi. Làm sao giữa dòng đời vạn biến, tâm mình vẫn không động, vẫn yên vui? Làm sao giữa một thế giới đang hô hào chuyện hưởng thụ vật chất, sống trụy lạc và tự do cá nhân, mình lại chủ trương chọn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục người khác? Có những tu sĩ đã vì những xu hướng và thúc bách cá nhân đưa đẩy, lại thiếu đi sự kết hiệp với Chúa nên đã dần dần đánh mất đi lý tưởng tuyệt vời và cao quý của đời tu.

Trong giờ phút này, chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho những vị tu sĩ ấy:

Trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang đứng trước chọn lựa giữa đời tu và đời sống bình thường. Xin cho họ được ơn soi sáng để có thể bình tâm chọn lựa điều nào hợp với thánh ý Chúa cho cuộc đời mình.

Chúng ta cũng xin Chúa đến kề bên và nâng đỡ những tu sĩ nào đang bị ngả nghiêng theo cơn gió cuộc đời. Xin cho họ biết chạy đến với Chúa khi tâm hồn có chút gợn sóng nhân gian để được ủi an và thêm sức, chứ đừng tìm bù trừ nơi những niềm vui thế tục, nơi những vật chất, tiện nghi. Xin Chúa giúp cho các tu sĩ biết tìm hạnh phúc nơi những hy sinh và thập giá, chứ không phải nơi bạc tiền và danh vọng.

Xin cho các tu sĩ nhận ra rằng biết bao linh hồn đang cần họ đi tới và chia sẻ; có rất nhiều người đang nhìn đến đời sống phục vụ vô vị lợi của họ mà thầm tạ ơn Chúa và nhờ đó có thêm nghị lực đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho họ đừng vì ích kỷ cá nhân và quên đi lời gọi mời cao quý Chúa đã dành cho họ.

Xin cho các tu sĩ, mỗi ngày nên giống Đức Giêsu Kitô vác thập giá – mẫu gương đời sống dâng hiến của họ hơn.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

https://dongten.net/nghich-ly-cua-doi-tu/