Lời cầu nguyện của người chiêm niệm

04/03/2018
1666
Ngày 29 tháng Sáu năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký ban hành Tông Hiến Vultum Dei Quaerere, "Tìm kiếm gương mặt Thiên Chúa", về đời sống chiêm niệm nữ giới. Gần một năm sau, trong các ngày 25-29 tháng Tư năm 2017, Các Dòng Chiêm Niệm Cát Minh Nữ Hoa Kỳ đã tổ chức Hội Nghị tại St Louis, Illinois, để học hỏi về Tông Hiến này. Linh Mục Daniel Chowing, Cố Vấn Dòng Discale Carmelites, nhân dịp này, đã đọc một bài thuyết trình rất hay tựa là Cầu Nguyện Như Một Việc Biến Đổi, dựa trên Tông Hiến và linh đạo Têrêxa-Gioan Thánh Giá. Chúng tôi xin chuyển bài của Cha sang tiếng Việt.

Trong hội nghị này, tôi muốn nói về chủ đề cầu nguyện và chiêm niệm trong Tông Hiến Vultum Dei Quaerere và, cũng như trong hội nghị trước, tôi muốn suy niệm về vấn đề này dưới viễn ảnh Têrêxa/Gioan Thánh Giá. 

Phần thứ tư của Tông Hiến giới thiệu các yếu tố chủ chốt của đời sống chiêm niệm. Giáo Hội nhìn nhận đời sống chiêm niệm là một đặc sủng, là hồng phúc của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, một hồng phúc sinh tồn qua nhiều thời kỳ thăng hoa và thoái hóa. Nói về đời sống chiêm niệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không định nghĩa chiêm niệm như một kinh nghiệm cầu nguyện phú bẩm vượt quá giai đoạn suy niệm suy lý mà ta có thể tìm thấy trong các trước tác của Thánh Têrêxa hay của Thánh Gioan Thánh Giá hoặc các nhà huyền nhiệm khác, và ngài cũng không định nghĩa đời sống chiêm niệm như một lối sống nội cấm, mặc dù ngài thừa nhận đời sống cầu nguyện và chiêm niệm cần được sống “trong thinh lặng và nội cấm” và trong “thâm cung lòng mình”. Ngài định nghĩa đời sống chiêm niệm là việc đi tìm dung nhan Thiên Chúa và duy trì một tình yêu vô điều kiện với Chúa Giêsu Kitô. 

Đời sống cầu nguyện là một “lịch sử yêu đương say đắm dành cho Chúa và nhân loại”; một khát vọng say mê đi tìm dung nhan Thiên Chúa trong mối tương quan thân mật với Người, một tương quan diễn ra hàng ngày. Nó là một đáp trả đối với tình yêu của Chúa; tình yêu của Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta (1 Ga 4:19). 

Những người chiêm niệm là tiếng nói của Giáo Hội không ngừng ca ngợi, tạ ơn, nài van và cầu bầu cho toàn thể nhân loại. Bằng cách này, họ là những đồng công nhân của Thiên Chúa, “giúp các thành viên ngã qụy của nhiệm thể vinh quang của Người chỗi dậy” (9). Là các đồng công nhân của Thiên Chúa, các người chiêm niệm có một sứ mệnh tông đồ trong Giáo Hội. 

Trong cầu nguyện bản thân và cộng đồng của mình, chúng ta bước vào một sự thân mật nồng nàn hơn với Chúa và khám phá ra Chúa như kho báu đời mình. Tình thân mật của ta với Thiên Chúa lớn lên trong “thâm cung lòng mình,” trong “sự cô tịch của nội cấm,” và trong đời sống huynh đệ nơi ta cố gắng sống trung thành cuộc sống tin mừng. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt Đức Maria làm mẫu mực cho đời sống chiêm niệm. Đức Maria là người đàn bà của đức tin, người lấy Thiên Chúa làm tâm điểm đời mình, vốn là “điều duy nhất cần thiết” (Lc 10:42). Người chiêm niệm là người có trái tim bị Thiên Chúa “đánh cướp”, Đấng hàn gắn lòng ta và phục hồi sự hợp nhất trong ta, do đó, giúp ta có thể nhìn sáng thế và người khác bằng con mắt đức tin và tình yêu. 

Tông Hiến đề xuất việc cầu nguyện, cả phụng vụ lẫn bản thân, như là điều “căn bản để nuôi dưỡng đời sống chiêm niệm.” (16). Cầu nguyện là “cốt lõi” của đời tận hiến, và càng là thế đối với đời chiêm niệm. Đức Thánh Cha đưa ra một nhận xét quan trọng: nhiều người thời nay không biết phải cầu nguyện ra sao, hoặc họ chỉ giới hạn mối tương quan với Chúa vào lúc cần thiết mà thôi. Đối với những người khác, họ chỉ cầu nguyện vào lúc hạnh phúc. Vì lý do này, ơn gọi chiêm niệm có tính tiên tri: người chiêm niệm ca ngợi Thiên Chúa bằng Phụng Vụ Các Giờ Kinh và kết hợp với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện bản thân cho tất cả những ai không biết cầu nguyện ra sao. Đời sống cầu nguyện của người chiêm niệm có một ý nghĩa tông đồ: đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của họ phải ôm lấy toàn bộ nhân loại, nhất là những ai đang đau khổ. 

Rất giống với chương hai của Tông Huấn Evangelii gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề xuất việc đọc “các dấu chỉ thời đại;” ngài liệt kê một số các đau khổ đa dạng mà người ta đang chịu trong xã hội ta: các tù nhân, các di dân, các người tị nạn và các nạn nhân bị bách hại; các gia đình đang kinh qua khó khăn, người thất nghiệp, người nghèo đói, người bệnh hoạn, và những người đang khốn khổ vì nghiện ngập. Trong lời cầu nguyện của mình, ta đem tới trước Thiên Chúa các anh chị em của ta, những người, vì bất cứ lý do nào, đang không thể tới để cảm nghiệm được lòng thương xót hàn gắn của Thiên Chúa, “dù cho Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi họ.” (16) Nhờ lời cầu nguyện của mình, ta có thể hàn gắn các vết thương của anh chị em của ta và của thế giới. 

Đức Thánh Cha đề ra 2 mô thức cho đời sống chiêm niệm, đó là tiên tri và cầu bầu. Mô thức đầu là Đức Maria, mẫu mực tối cao trong việc chiêm ngắm Chúa Kitô. “Ngài là Mẹ và là Thầy của việc đồng dạng đồng hình với Con của ngài.” Mô thức thứ hai là Môsê, với đôi tay giơ lên để cầu nguyện, đem lại chiến thắng cho dân mình trước kẻ thù của họ. Môsê là hình ảnh hùng hồn của sức mạnh và tính hữu hiệu của việc cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại và Giáo Hội, nhất là nhân danh những người dễ bị thương tổn và thiếu thốn. Giống trong quá khứ, cả ngày nay nữa, chúng ta có thể kết luận rằng số phận nhân loại được quyết định bởi “những trái tim cầu nguyện và những bàn tay giơ cao của các phụ nữ chiêm niệm.” (17) Vì lý do này, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta luôn trung thành với việc cầu nguyện cả phụng vụ lẫn tư riêng, để đừng “thích bất cứ điều gì hơn “opus Dei,” (việc làm của Chúa) vì người chiêm niệm có thừa tác vụ cầu nguyện và các cộng đồng ta sẽ trở nên “các trường cầu nguyện.” 

Hai chủ đề chủ yếu nổi bật trong phần này của Tông Hiến: ý nghĩa đời sống chiêm niệm, và cầu nguyện như lời cầu bầu cho nhân loại, nhất là người đau khổ, người dễ bị thương tổn, và người nghèo. 

Sống đời sống chiêm niệm 

Sống đời sống chiêm niệm có nghĩa gì? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì như Tông Hiến đã nhắc nhở chúng ta: “trong các thập niên qua, nhiều thay đổi mau chóng có tính lịch sử đã diễn ra đòi phải đối thoại” và biện phân. Đồng thời, các giá trị chủ yếu của đời sống chiêm niệm: thinh lặng, chú ý lắng nghe, ơn gọi cuộc sống nội tâm và ổn định, có thể và phải thách đố não trạng đương thời vì các giá trị chiêm niệm có tính tiên tri và phản văn hóa trong xã hội duy tục vốn đánh mất cảm thức nội tâm. (8) 

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, làm người chiêm niệm nghĩa là hướng cái nhìn của ta về Chúa Giêsu và để mình được người ngắm nghía ngõ hầu cái ngắm nghía của Người có thể biến đổi chúng ta và “làm chúng ta nên nhân bản hơn và giúp ta sống một cuộc sống mới mẻ.” (1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta huấn luyện cái nhìn của trái tim ta, biết hướng về tâm điểm của ta vì “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm.” (2) 

Viễn kiến của Thánh Têrêxa về đời sống chiêm niệm là viễn kiến nào? Để trả lời câu hỏi này, ta cần trở về với cội nguồn đặc sủng của ngài. 

Đặc sủng của một đan viện tu là hồng phúc ngoại thường do Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội và tiếp diễn với thời gian. Hiến Pháp của các chị (năm 1991) viết rằng: 



“Khởi thủy của gia đình Têrêxa trong Dòng Carmel, và ý nghĩa ơn gọi của nó trong Giáo Hội có liên hệ chặt chẽ với việc khai triển đời sống thiêng liêng của Thánh Têrêxa và đặc sủng của ngài. Cách riêng, nó phát sinh từ các ơn phúc huyền nhiệm từng thúc đẩy ngài canh tân Carmel... Kinh nghiệm huyền nhiệm của Thánh Têrêxa dẫn ngài từ từ tiến tới việc thăm dò và, có thể nói như thế, nội tâm hóa đời sống Giáo Hội, với các nỗi buồn, nát tan hợp nhất, và trên hết, việc xúc phạm Thánh Thể và chức linh mục. Diễn trình này góp phần vào việc phát triển và minh xác dự án khởi đầu của ngài. Được đánh động bởi các biến cố này, ngài đã đem lại cho đời sống mình và đời sống gia đình mới một chiều hướng tông đồ.” (1.4.5) 

Các đặc sủng của một việc thành lập luôn luôn phát sinh từ các bối cảnh chính xác của lịch sử. Được Chúa Thánh Thần linh hứng, các vị sáng lập cùng với các dòng tu, tu hội và phong trào của mình đề ra các giải pháp giải quyết các vấn đề và nhu cầu thời đại. Ta có thể thấy điều này cả trong cuộc cải tổ theo hướng của Thánh Têrêxa. Ngài nói rõ điều này trong các chương đầu tiên của cuốn Đường Trọn Lành rằng Giáo Hội nằm ở tâm điểm quyết định của ngài trong việc thành lập Đan Viện Thánh Giuse và việc trở về với lý tưởng nguyên thủy của Carmel. Thánh Têrêxa rất mẫn cảm đối với thế giới ngài sống và các dấu chỉ thời đại. 



“Lúc ấy, tin tức đến với tôi về sự tai hại đang diễn ra ở Pháp và về các tàn phá mà những người theo Luthêrô đã gây ra và việc phái đáng thương này đang lớn mạnh ra sao. Các tin tức này làm tôi buồn rầu lắm, và, như thể tôi có thể làm được gì hay là điều gì đó, nên tôi kêu van Chúa và nài xin Người cho tôi được chữa lành một sự ác như thế. Dường như tôi sẵn sàng hy sinh cả ngàn mạng sống để cứu một linh hồn trong số nhiều linh hồn đang bị mất ở đấy. Tôi hiểu rõ tôi chỉ là một người đàn bà và là một người đàn bà thảm hại và không thể làm được bất cứ điều hữu ích nào để phục vụ Chúa. Tôi vốn chỉ ước mong và vẫn còn ước mong rằng Người có quá nhiều kẻ thù và ít bạn bè như thế, nên số bạn bè ít oi này phải là những bạn bè thật tốt. Thành thử, tôi quyết tâm làm những điều bé nhỏ trong khả năng của mình; nghĩa là, sống theo các lời khuyên của Tin Mừng một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể và cố gắng để số người ít ỏi đang sống ở đây này cũng làm y như vậy.” (W.1.2) 

Vì Giáo Hội bị chia rẽ và đầy thương tích, nên Thánh Têrêxa muốn làm “điều bé nhỏ mà ngài có thể làm” để đem lại sự gàn gắn. (W.1.1.)

 
Phong Trào Cải Cách Thệ Phản 

Một trong “các bão tố lớn lao” thời Thánh Têrêxa là Phong Trào Cải Cách Thệ Phản. Dù thiếu nhiều thông tin, Thánh Têrêxa vẫn đích thân biết Giáo Hội “bị chia rẽ” bởi lạc giáo của phe “Luthêrô”, một hạn từ bao gồm mọi kẻ bất đồng với Giáo Hội từng giết chóc các linh mục, triệt hạ các nhà thờ, di chuyển Bí Tích Cực Trọng ra khỏi bàn thờ v.v... Ngài cũng biết Giáo Hội có Tòa Dị Giáo chuyên tìm những người lạc giáo, những người ly giáo, những nhà huyền nhiệm giả dối và những người truyền Đạo Do Thái, kết án họ, và thậm chí còn lên án tử hình họ nữa. 

Hai phạm vi đang phủ bóng đen lên Giáo Hội được Thánh Têrêxa biết đến. Trước hết, đó là một Giáo Hội tội lỗi, thiếu sót và cần được cải tổ. Thứ hai, càng sống, ngài càng thấy các thiếu sót và tội lỗi của các nhà lãnh đạo Giáo Hội: các giám mục, kinh sĩ, linh mục, tu sĩ nam nữ. “Giữa bão táp dữ dằn như các bão táp Giáo Hội đang chịu đựng, chúng ta sẽ ra sao nếu không có lời cầu nguyện.” (L.13.21) 
  
Mặc dù các thiếu sót của Giáo Hội, Thánh Têrêxa vẫn yêu thương Giáo Hội và ngài chịu đau khổ cho Giáo Hội để xây dựng Giáo Hội. Ngài là “con gái đích thực của Giáo Hội”. Ngài cũng đau khổ vì Giáo Hội. Ngài biết Giáo Hội có khuynh hướng quá nghiêng về nam giới, chỉ được điều khiển bởi nam giới; nam giới là những người duy nhất được giảng dậy và các quan tòa nam giới luôn để mắt và kết án nhiều thực hành tôn giáo của những người phụ nữ sùng đạo, mà trên hết, là những người thực hành việc cầu nguyện trong tâm trí và có các trải nghiệm huyền nhiệm. Giáo Hội phẩm trật của Tây Ban Nha thế kỷ 16 rất nghi ngờ việc cầu nguyện chiêm niệm, nhất là do các phụ nữ thực hiện. 
    
Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế Giới 

Thánh Têrêxa cũng học biết Giáo Hội ở Tân Thế Giới nhờ tu sĩ Dòng Phanxicô là Alonso Maldonado, người có ghé qua Đan Viện Thánh Giuse năm 1567 và tường trình kinh nghiệm của ngài về người Da Đỏ bị các người khai hoang bóc lột, và thậm chí còn bị chính các nhà truyền giáo và truyền giảng Tin Mừng đối xử tàn tệ nữa, trong số những người này có 7 anh chị em của Thánh Têrêxa. 
  
Ngài nhận ra rằng cánh tay phàm trần (“sức mạnh con người”) không đủ sức đem lại hợp nhất và hòa bình trong Giáo Hội. Điều cần phải có là các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa để nâng đỡ người yếu đuối: các phụ nữ (các Kitô hữu tốt lành) sẵn sàng lui vào các đô thị kiên cố (lâu đài) và chiến đấu cho các nhà lãnh đạo và thần học gia của Giáo Hội bằng việc cầu nguyện và các hy sinh. “Chính các cánh tay Giáo Hội, chứ không phải các cánh tay phàm trần, sẽ cứu chúng ta. Vì trong cả cánh tay Giáo Hội lẫn cánh tay phàm trần ta đều không ích lợi chi đối với Vua chúng ta, nên ta hãy cố gắng trở nên những người lấy lời cầu nguyện làm ích để giúp các đầy tớ của Thiên Chúa.” (W.3.2) 
  
Trong quyển Đường Trọn Lành, Thánh Têrêxa nhấn mạnh rõ ràng rằng các chị em của ngài tham gia cuộc sống tu trì không phải cho riêng họ hay cho sự thánh hóa của riêng họ mà thôi. Họ bước vào cuộc sống đó vì Giáo Hội. Con cái của ngài phải mang các nhu cầu và đau khổ của Giáo Hội cận kề trái tim mình. 
  
“Ôi chị em của tôi trong Chúa Kitô, chị em hãy giúp tôi nài van những điều ấy nơi Chúa. Đó là lý do Người đã tụ tập chị em lại với nhau tại đây. Đó là ơn gọi của chị em. Đó hẳn là những vấn đề bận bịu mà chị em đã dấn thân vào. Đó hẳn phải là những điều chị em ước nguyện, những điều chị em vẫn khóc cho; đó hẳn là những đối tượng chị em cầu xin, chứ không phải, thưa chị em của tôi, các việc bận bịu của thế gian. Vì tôi từng cười nhạo và thậm chí còn buồn rầu nữa trước những điều người ta tới đây xin chúng ta cầu nguyện cho: xin Đấng Uy Nghi ban cho giầu có và tiền bạc, và việc này do những người mà tôi muốn yêu cầu nên xin Người ơn thánh để chà đạp mọi sự dưới chân. Họ có ý ngay lành, và cuối cùng, chúng ta cầu theo ý họ vì lòng đạo đức của họ, mặc dù đối với tôi, tôi không nghĩ Chúa có bao giờ nghe tôi khi tôi cầu xin những việc như thế. Thế giới đang rực lửa; họ muốn lên án Chúa Kitô một lần nữa, có thể nói như thế, vì họ đang nêu lên hàng ngàn chứng cớ giả tạo chống lại Người; họ muốn tàn phá Giáo Hội, nên có phải chúng ta đang phí thì giờ cầu xin Chúa những điều mà nếu Chúa ban cho họ thì chúng ta sẽ có ít một linh hồn trên thiên đàng hơn không? Không, thưa chị em, nay không phải là lúc thảo luận với Thiên Chúa những chuyện ít quan trọng.” (W.1.5) 
  
Thánh Têrêxa tin rằng cách tốt nhất giúp Giáo Hội là sống Tin Mừng, trở thành bạn tốt của Chúa Kitô và bạn tốt của nhau, dấn thân cầu nguyện liên lỉ cho các mục tiêu tông đồ: cầu nguyện cho Giáo Hội và cho thế giới. Thánh Têrêxa biết rằng các nữ tu mà ngài viết cho là các nữ tu chiêm niệm nội cấm, những người bị giới hạn trong việc nối vòng tay lớn với Giáo Hội trong các thời buổi khó khăn. Các chị không rao giảng hay dạy dỗ. Các chị giúp đỡ cách nào? Bằng cách sống Tin Mừng, trước hết, ngay trong cộng đồng của họ.   
  
“Ngoại trừ sự kiện nhờ cầu nguyện, chị em sẽ giúp đỡ rất nhiều, chị em cần có ước nguyện sinh ích cho toàn thế giới nhưng phải tập trung vào những người đang đồng hành với mình, và nhờ thế, việc làm của chị em sẽ lớn lao hơn vì chị em có nhiều nghĩa vụ hơn đối với họ. Chị em có nghĩ rằng sự khiêm nhường sâu xa như thế, sự hãm mình của chị em, việc phục vụ mọi người và đức ái lớn lao đối với họ, và tình yêu Chúa có chút ích lợi nào không? Ngọn lửa tình yêu này nơi chị em làm bừng nóng linh hồn họ, và bằng mọi nhân đức khác, chị em luôn làm họ tỉnh thức. Một phục vụ như thế sẽ không nhỏ bé nhưng rất lớn lao và rất đẹp lòng Chúa. Thực vậy, do những gì chị em làm, điều mà chị em có thể, Đấng Uy Nghi sẽ hiểu rằng chị em sẽ làm nhiều hơn thế. Nhờ vậy, Người sẽ dành cho chị em phần thưởng mà Người có thể dành nếu chị em mang nhiều linh hồn về cho Người.” (7M.4.14) 

Con đường sống chiêm niệm của Thánh Têrêxa 
  
Sau khi đã trình bầy với các chị em của ngài về mục đích của cuộc sống chung, Thánh Têrêxa đặt câu hỏi: “Chị em nghĩ chúng ta sẽ phải ra sao nếu chúng ta bị Thiên Chúa và thế giới coi là không bạo dạn lắm?” (W.4.2) Câu hỏi của Thánh Têrêxa nhấn mạnh tới việc là hơn việc làm (more being than doing). Chị em phải là thế nào, trong con người mình, nếu chị em muốn thành bạn tốt của Chúa Kitô và của nhau và tiến hành cuộc chiến thiêng liêng cho Giáo Hội? 
  
Các chị phải sống một cuộc sống không ngừng cầu nguyện. “Qui luật nguyên thủy của ta qủa quyết rằng ta phải cầu nguyện liên lỉ”.[2] Nếu ta làm điều này một cách hết sức thận trọng, vì cầu nguyện liên lỉ là khía cạnh quan trọng nhất của luật dòng, nên các việc ăn chay, giữ kỷ luật và im lặng như Dòng đòi hỏi sẽ không sai phạm.” (W.4.1-2) 
  
Kiểu nói “cầu nguyện liên lỉ” không được Thánh Têrêxa hiểu theo nghĩa như ta đọc trong Đường Trọn Lành; đúng hơn, ngài muốn nói tới cách hiện hữu, một cách hiện hữu đòi thinh lặng, cô tịch, bình an, các liên hệ đúng đắn, và lối sống đơn giản, vì cầu nguyện và lối sống xa hoa không đi đôi với nhau. 
     
Khi nói tới đời sống cầu nguyện, Thánh Têrêxa trở nên thực tế và có tính toàn diện. Quả thực, ngài nói: “chị em yêu cầu tôi nói một điều gì đó về cầu nguyện ư? Được, xin chị em chờ trong giây lát, vì trước khi tôi nói bất cứ điều gì về các vấn đề nội tâm, tôi phải nhắc đến một vài điều cần thiết đối với những ai tìm kiếm cách cầu nguyện, cần thiết đến nỗi cho dù những người này không chiêm niệm bao nhiêu, họ vẫn có thể tiến xa trong việc phục vụ Chúa nếu họ sở đắc được các điều này. Và nếu họ không sở đắc được, thì họ không thể chiêm niệm bao nhiêu. Nếu họ nghĩ họ chiêm niệm, thì họ quả đã tự đánh lừa mình rất nhiều. Ba điều đó là: yêu thương nhau, không dính bén các tạo vật, và khiêm nhường thực sự, điều vốn là thực hành chính và bao gồm mọi điều khác. (W.4) Thánh Têrêxa nói với con cái ngài, và cả chúng ta, làm người chiêm niệm có nghĩa gì. Nó không phải là chuyện dành thì giờ để thinh lặng cầu nguyện hay sống trong một đan viện, mặc dù dành thì giờ qúy báu để cầu nguyện chiêm niệm là một điều chủ yếu đối với đặc sủng Têrêxa. Làm người chiêm niệm không phải là chuyện có các thị kiến hay thần ngôn, mà đúng hơn, là chuyện phải liên hệ với Thiên Chúa, với người khác, với sáng thế và với chính mình chúng ta như thế nào, và theo học thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá, phải sống đời sống tin, cậy và mến ra sao. Trong tòa thứ 7 (Interior Castle), Thánh Têrêxa viết rằng: “tôi xin nhắc lại, điều cần thiết là nền tảng của chị em không chỉ bao gồm cầu nguyện và chiêm niệm. Nếu chị em không cố gắng vươn tới các nhân đức và thực hành chúng, chị em sẽ mãi là những người lùn.” (7M.4.9) 
  
Như tôi từng nói trong hội nghị lần trước, Thánh Têrêxa dẫn dắt các chị em của ngài, và cả chúng ta nữa, đi vào một diễn trình hồi hướng và biến đổi con người mình. Nếu chúng ta muốn trở thành bạn tốt của Chúa Kitô, thì ta phải bước vào diễn trình thanh tẩy và biến đổi hàm chứa trong ba nhân đức này. Cam kết lớn lên trong ba nhân đức này sẽ củng cố tình bạn của ta với Chúa Kitô. Nếu cầu nguyện là một liên hệ, thì cầu nguyện bao hàm mọi mối liên hệ của ta và hàm nghĩa một diễn trình hồi hướng và biến đổi ý thức. 
  
Thánh Têrêxa coi mọi đan viện Carmel như một lâu đài nhỏ của các Kitô hữu tốt lành đang giúp Giáo Hội bằng việc cầu nguyện và hy sinh của họ. Tôi nghĩ hình ảnh lâu đài còn có một ý nghĩa khác. Mỗi người là một lâu đài, là kim cương, là hòn ngọc đông phương, là cây sự sống trồng ở biển sự sống, tức Thiên Chúa, vốn là các biểu tượng cho phẩm giá con người chúng ta như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lâu đài nội tâm của Thánh Têrêxa đơn giản không phải là một “lâu đài say đắm lòng người” như ta thấy ở Disney World, nhưng, là lâu đài chiến đấu, nơi diễn ra trận chiến thiêng liêng. Muốn giúp Giáo Hội và thế giới, chúng ta không những phải cầu nguyện, mà còn phải chiến đấu với các lực lượng bóng tối ngay trong trái tim mình, những lực lượng vốn góp phần vào sự ác của thế giới này, như lòng ích kỷ, giận dữ, các khuynh hướng bạo động, tính ganh tị, ghen ghét v.v... của ta. 
  
Có một câu truyện về một vị giáo phụ sống trong sa mạc. Vị này nói rằng ngài vào sa mạc vì ngài giống một con chó cần được nhốt lại để đừng cắn ai. Các giáo phụ và giáo mẫu sa mạc tin rằng việc nội tâm do các ngài thực hiện tại hang trú của các ngài là để làm sạch môi trường. Các ngài càng được chữa khỏi các chứng ích kỷ, giận dữ, kiêu căng, ham muốn v.v... thì xã hội bên ngoài sa mạc càng được chữa lành và biến đổi. Ta tin rằng chiêm niệm có hiệu quả chữa lành và biến đổi đối với thế giới. Một cộng đồng chiêm niệm giống như một trung tâm năng lượng phát ra sự chữa lành. Tình yêu chiêm niệm có sức chữa lành. Bởi thế, ta phải thực hiện việc nội tâm của ta và mở lòng đón nhận hành động thanh tẩy của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện chiêm niệm, thanh tẩy ta khỏi gốc gác của xáo trộn và tội lỗi trong tâm hồn ta. Hiệu quả chữa lành và biến đổi của tình yêu chiêm niệm sẽ góp phần vào việc chữa lành thế giới bị thương của ta, vốn bị sự ác, bạo lực và chết chóc làm hại. 


Quay hướng nhìn về Chúa Giêsu   

Tôi đã trưng dẫn cái hiểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đời sống chiêm niệm: hướng nhìn về Chúa Giêsu, trở về tâm điểm vì “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm.” Hướng nhìn về Chúa Giêsu (Tâm Điểm của ta) là lời Thánh Têrêxa khuyên ta. Theo tôi, một trong các bản văn đẹp nhất tổng hợp được đời sống chiêm niệm theo Thánh Têrêxa tìm thấy ở chương 26 cuốn Đường Trọn Lành
  
“Nếu chị em tiến tới chỗ quen thuộc với việc có Người ở bên cạnh, và Người nhận thấy chị em làm thế vì tình yêu và chị em cố gắng làm vui lòng Người, thì chị em, như người ta thường nói, không thể nào rời xa Người được; Người sẽ không bao giờ làm chị em thất vọng; Người sẽ giúp đỡ chị em trong mọi cơn thử thách của chị em; chị em sẽ thấy Người ở khắp nơi. Chị em có nghĩ có một người bạn như thế ở bên cạnh là một chuyện nhỏ không?” (W.26.2) 
  
Thánh Têrêxa cũng hỏi cùng một câu hỏi trên ở chương 22 cuốn Đời Sống của ngài: “Ta còn ước ao điều gì hơn là có một người bạn tốt như thế ở bên cạnh ta, người sẽ không bao giờ bỏ rơi ta trong các khó nhọc và khổ não của ta, như bạn bè ở thế gian vẫn thường bỏ rơi? Phúc cho ai yêu Người thực sự và luôn giữ Người ở bên cạnh!” (L.22.7)[1] 
  
Đối với Thánh Têrêxa, chiêm niệm (đời sống chiêm niệm) là dán mắt ta vào Chúa Giêsu và để cái nhìn yêu thương của Người biến đổi ta. Điều này có nghĩa: nhận Chúa Giêsu làm bạn, vun sới tình bạn thân mật với Người, dành thì giờ ở một mình với Đấng “ta biết Người yêu ta,” và sánh bước với Người trong mọi khía cạnh của đời ta: trong cầu nguyện riêng tư, trong Thánh Thể, trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong lúc đọc sách thánh theo lối cầu nguyện, trong sinh hoạt anh em và chị em, và trong mọi biến cố và đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, để hỗ trợ một lối sống chỉ chăm chú đầy yêu thương tới Chúa Giêsu, Thánh Têrêxa còn lập ra nội cấm làm phương thế giữ cho cái nhìn của ta (đời ta) luôn dán chặt vào Chúa Kitô và mở lòng ra đón nhận trải nghiệm sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Ta phải nhớ rằng ý tưởng của Thánh Têrêxa về đan viện Thánh Giuse là để sửa lại phong tục mừng Lễ Nhập Thể vốn cho phép ra ngoài nhiều quá vì các lý do khác nhau: nghèo khó, bệnh tật, an ủi các ân nhân, và du hành như ngài đã làm. 
  
Đối với Thánh Têrêxa, trải nghiệm Thiên Chúa là một trải nghiệm về Chúa Kitô. Do đó, ngài khuyên ta duy trì cái nhìn của ta chú mục vào một mình Người. 
  
“Tôi không yêu cầu chị em lúc này phải nghĩ đến Người hay rút tỉa nhiều ý niệm hoặc dùng tri thức, thực hiện các suy niệm lâu giờ và tinh tế. Tôi không yêu cầu chị em làm bất cứ điều gì khác ngoài việc nhìn ngắm Người. Vì ai có thể làm chị em thôi không hướng con mắt linh hồn của chị em về phía vị Chúa này, cho dù là làm thế trong giây lát nếu không thể làm hơn? Chị em có thể nhìn những điều rất xấu xa; há chị em lại không thể nhìn một điều đẹp đẽ không thể tưởng tượng được hay sao? Này, hỡi các con, Phu Quân của các con không bao giờ rời mắt khỏi các con. Người vốn đau khổ vì các con phạm cả ngàn vi phạm và những chuyện ghê tởm xấu xa chống lại Người, nhưng sự đau khổ này vẫn không đủ để Người thôi nhìn các con. Có quá đáng hay không khi yêu cầu các con đừng nhìn những sự vật ở bên ngoài nữa để đôi lúc có thể nhìn lên Người? Này, Người không chờ mong điều gì khác, như Người từng nói với nàng dâu, [2] hơn là ta nhìn Người. Càng ước muốn Người, các con sẽ càng tìm thấy Người. Người qúy việc ta nhìn Người đến nỗi Người sẽ không thiếu một lãng quên nào.” (W.26.3) “Nếu chị em đang vui, chị em hãy nhìn Người như Đấng Sống Lại. Chỉ tưởng tượng Người từ mồ chỗi dậy ra sao cũng đủ đem lại nềm vui cho chị em rồi... Nếu chị em đang gặp thử thách hay sầu buồn, chị em hãy nhìn Người trên đường tới thửa vườn: Người buồn rầu đến chừng nào trong linh hồn; Người sẽ quên các buồn rầu này để an ủi chị em trong cơn buồn rầu của chị em, chỉ vì chị em đã chạy tới với Người để được an ủi, và chị em sẽ quay đầu nhìn Người.” (W.26.4-5) 
  
Chúa Giêsu Kitô là “cuốn sách sống” đối với Thánh Têrêxa. (L.26.5) Ta không thể hiểu việc cầu nguyện hay ý niệm sống chiêm niệm của Thánh Têrêxa nếu không có Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một phép lạ của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Sống Lại. Việc ngài khám phá ra con người Kitô là khám phá vĩ đại nhất của đời ngài. Nó là chìa khóa dẫn tới các cuộc hồi tâm của ngài năm 1554 trước Đức Kitô đầy thương tích và năm 1556 nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Ngắm nhìn vẻ đẹp của Chúa Giêsu Sống Lại đã chữa lành cảm giới của ngài và giải thoát để ngài sống tự do không bị tính ích kỷ chi phối nữa. (L.37.4)[2]  Cầu nguyện như “làm bạn” với Chúa Giêsu đã thay đổi đời ngài một cách năng động. Mối liên hệ của ngài với Chúa Kitô là một trải nghiệm tiệm tiến đầy năng động, một trải nghiệm đã trở nên thâm hậu hơn, nội thẳm hơn, thực chất hơn, bản vị hơn, và nhân bản hơn. 
  
“Một tình yêu và một lòng tin tưởng lớn hơn nhiều dành cho vị Chúa này bắt đầu lớn mạnh trong tôi khi tôi coi Người như Đấng tôi được chuyện trò liên tục.  Tôi thấy Người là một con người, dù Người là Thiên Chúa; Người không ngạc nhiên trước các yếu đuối của con người: Người hiểu bản chất khốn cùng của chúng ta, chịu nhiều sa ngã do tội lỗi đầu tiên mà Người tới để sửa chữa. Tôi có thể nói với Người như với một người bạn, dù Người là Chúa.” (L.37.5)    
   
Ngoài ra, Thánh Têrêxa muốn nối kết các chị em của ngài với các nguồn gốc nguyên thủy và ẩn sĩ của Dòng và do đó, chuẩn bị tư thế để họ trải nghiệm Thiên Chúa và các thực tại siêu nhiên một cách huyền nhiệm. Thánh Têrêxa thường hay gọi tinh thần này là “ẩn sĩ”. Đối với ngài, hình ảnh các vị ẩn sĩ cao niên trên Núi Carmel luôn hiện diện trước ngài. Ngài cảm thấy các nữ tu của ngài không những là các nữ tu mà còn là các nữ ẩn sĩ nữa. 

Trở về Tâm Điểm 

Quan niệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi đời sống chiêm niệm như là cuộc huấn luyện cái nhìn của trái tim ta và việc ta trở về tâm điểm nhắc tôi nhớ đến một bản văn trong bài thơ Ngọn Lửa Sống Động của Tình Yêu. Trong mấy câu thơ đầu của bài này, Thánh Gioan Thánh Giá lấy ẩn dụ hòn đá để mô tả cuộc hành trình của ta tiến về tâm điểm con người mình nơi Thiên Chúa cư ngụ. Thiên Chúa là tâm điểm của ta, là cơ sở cho hữu thể của ta. “Tâm điểm linh hồn là Thiên Chúa.” (Fl.12) Giống hòn đá rơi xuống tâm điểm sâu xa nhất của nó trên trái đất, chúng ta, từ trong nội tại, cũng được đẩy về hướng Thiên Chúa vì chúng ta vốn được tạo nên vì Thiên Chúa, được tạo dựng từ tình yêu và cho tình yêu. Thánh Gioan nói với ta rằng hành trình tiến về tâm điểm chính là hành trình yêu thương. Tình yêu đem chúng ta vào tâm điểm của chúng ta. Trở nên hướng tâm là chuyện lớn lên trong tình yêu. 

Thánh Gioan viết: “Tình yêu là xu hướng, sức mạnh, và lực lượng dành cho linh hồn trong việc thực hiện cuộc đi về với Thiên Chúa, vì tình yêu hợp nhất nó với Thiên Chúa. Mức độ yêu thương càng cao, nó càng đi sâu hơn vào Thiên Chúa và đặt tâm điểm nơi Người. Tình yêu càng lớn sự hợp nhất càng cao, và nhờ cách này, chúng ta có thể hiểu được nhiều biệt thự mà Con Thiên Chúa từng tuyên bố là có trong nhà Cha Người. (Jn. 14:2) 
  
Do đó, để linh hồn có thể ở trong tâm điểm của nó là Thiên Chsúa, chỉ cần nó sở hữu một mức độ yêu thương, vì chỉ cần một mức độ yêu thương, nó cũng hợp nhất với Người nhờ ơn thánh. Nếu có đến hai mức độ, nó sẽ hợp nhất và tập trung vào Thiên Chúa ở một tâm điểm nữa, sâu xa hơn. Nếu đạt tới mức độ thứ ba, nó sẽ ở tâm điểm thứ ba. Nhưng một khi đạt tới mức độ cuối cùng, tình yêu Thiên Chúa sẽ đến làm linh hồn bị thương ở tâm điểm tối hậu và sâu xa nhất của nó, nghĩa là rực chiếu nó và biến đổi trọn cả hữu thể nó, lực lượng của nó, và sức mạnh của nó, và theo khả năng của nó, cho tới khi nó giống như Thiên Chúa.” (F1.13) 
  
Càng trở nên yêu thương hơn, ta càng được hợp nhất với Thiên Chúa và đặt tâm điểm nơi Người, và càng đặt tâm điểm nơi Thiên Chúa, ta càng được chữa lành và biến đổi để có thể chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa khắp thế giới.      
  
Trong linh đạo của mình, ta thường dùng các kiểu nói “tâm điểm,” “đặt tâm điểm,” và “nội tâm,” cùng “nội tâm tính” để nói về cuộc hành trình thiêng liêng và đời sống chiêm niệm. Ta có khuynh hướng nghĩ tới việc đi vào tâm điểm hay bên trong như là việc đi vào một nơi ‘địa dư’ nào đó bên trong mình. Dán mắt nhìn vào “tâm điểm” và học cách trở thành “bên trong” đều là các ẩn dụ, không phải là nơi địa dư, nhưng để chỉ phẩm chất hữu thể và ý thức. Chúng diễn tả cách liên hệ với Thiên Chúa, với người khác và với sáng thế. Trong các Sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nói tới Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không phải là một nơi, nhưng là Một Người, tức Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô. Do đó, vào Nước Thiên Chúa là bước vào mối tương quan liên ngã với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, và trong mối liên hệ này, ta được hồi tâm, biến đổi và học cách yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma, Thánh Phaolô nói với ta rằng Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, mà là chuyện “chính trực, bình an, và hân hoan của Chúa Thánh Thần.” (Rm. 14:17) Chính trực, bình an và hân hoan của Chúa Thánh Thần là các phẩm tính của hữu thể con người và lối họ liên hệ với đời sống và người khác. 
  
Khi nói rằng hành trình tiến về tâm điểm của ta, tức cuộc hành trình của ta tiến về Thiên Chúa mà nơi Người ta sống, di chuyển, và có hữu thể của mình (Sách Công Vụ 17:28) là cuộc hành trình tình yêu, ta muốn hiểu tình yêu ra sao? Tình yêu luôn là một từ ngữ nguy hiểm, nhất là trong nền văn hóa của ta, vì có quá nhiều hiểu lầm liên quan tới bản chất tình yêu chân thực. Ta có khuynh hướng nghĩ đến tình yêu như một trạng thái được lý tưởng hóa, một cảm xúc lãng mạn hay một kinh nghiệm đầy an ủi lúc ta được khẳng nhận, hay cảm thấy được cần đến và chăm sóc. Ta có thể nói một cách hùng hồn và “huyền nhiệm” về tình yêu trong linh đạo. Trong Tự Sắc Thiết Lập Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “Dù sao, tình yêu cũng không bao giờ có thể chỉ là một điều trừu tượng. Do chính bản chất của mình, nó chỉ một điều cụ thể: ý định, thái độ, tác phong biểu lộ trong đời sống hàng ngày.” [3] Dorothy Day thường trích dẫn cuốn tiểu thuyết Anh Em Nhà Karamazov của Dostoevsky: “Tình yêu trong hành động là một điều khắc nghiệt và đáng sợ hơn là tình yêu trong mộng mơ.” Chúa Giêsu và các thánh của ta dạy ta ý nghĩa của tình yêu chân thực bằng chính cuộc đời của các ngài, chứ không bằng thứ “tình yêu trong mộng mơ.” Trong thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, ngài viết rằng nếu ta muốn biết ý nghĩa của tình yêu chân chính, thì ta phải bắt đầu chiêm niệm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu. [4] Cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu bị đóng đinh là mẫu mực của tình yêu chân thực vì Chúa Giêsu hiến mạng sống của Người một cách tự ý, chỉ vì tình yêu mà thôi. Khi Phôngxiô Philatô tra vấn Chúa Giêsu, ông ta ráng đe dọa Người bằng cách nói rằng “tôi có thể cứu đời ông cũng như lấy nó đi.” Chúa Giêsu đáp lại rằng “Không ai có thể lấy mất đời tôi; tôi tự ý hiến nó.” (Jn. 19:10-11) [5]  Tình yêu và đau khổ đi đôi với nhau, tay trong tay, vì tình yêu bao hàm hy sinh. 
  
Các Sách Tin Mừng dạy ta về tình yêu triệt để của Chúa Giêsu. “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, hãy chìa má bên kia, hãy đi thêm một dặm nữa, hãy cho mà đừng đòi đáp lại, hãy tha thứ thì anh em sẽ được tha thứ; đừng phán đoán để khỏi bị phán đoán; hãy có lòng thương xót như Cha trên trời của các con thương xót.” (Mt. 5:43-48) Mátthêu 25 vào tận cốt lõi của tình yêu Tin Mừng “Khi Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta trần truồng, các con đã mặc áo quần cho Ta; ta đau yếu các con đã thăm viếng Ta... Điều các con làm cho người hèn mọn nhất trong các anh chị em Ta, là các con làm cho Ta.” 
  
Ở nơi Tòa Thứ Tư (Interior Castle) Thánh Têrêxa nói rằng cầu nguyện không phải là chuyện nghĩ nhiều, mà là yêu nhiều, “nên chị em hãy làm điều gì kích thích chị em yêu thương hơn cả.” Tuy nhiên, ngài thắc mắc không biết ta có hiểu bản chất của tình yêu hay không. Ngài viết: “Có lẽ ta không biết tình yêu là gì. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì nó không hệ ở việc vui thích lớn lao nhưng hệ ở việc ước ao một cách rất cương quyết nhất định sẽ làm vui lòng Thiên Chúa trong mọi sự bằng cách cố gắng hết sức không xúc phạm đến Người, và bằng cách cầu xin Người ơn phát huy vinh dự và vinh quang của Con Người và việc tăng tiến của Giáo Hội Công Giáo. Đó là các dấu chỉ tình yêu. Chị em đừng nghĩ vấn đề hệ ở việc không nghĩ tới điều gì khác, và nếu chị em chia trí một chút thì sẽ đánh mất mọi sự.” (4D.1.7) 
  
Điều đáng lưu ý là Thánh Têrêxa đã nhắc lại cùng một giáo huấn này trong chương năm cuốn Các Nền Tảng khi ngài viết rằng thực chất của việc cầu nguyện hoàn hảo không phải là nghĩ nhiều mà là yêu nhiều. (F.5.2) 
  
Nhưng khi Thánh Têrêxa nói rằng thực chất của cầu nguyện hoàn hảo là tình yêu, chứ không ấp ủ các ý nghĩ thiêng liêng cao vời, ngài muốn mở rộng cái hiểu của ngài về cầu nguyện như việc yêu thương. Thánh Têrêxa đặt câu hỏi: “Người ta đạt được tình yêu này cách nào?” Ngài trở nên thực tế và mở rộng tình yêu như lời cầu nguyện cho đời sống, cho các đòi hỏi của đời sống hàng ngày, nhất là khi nó kéo theo đức vâng lời và đức ái.    
     
“Người ta đạt được tình yêu này cách nào? Bằng cách nhất quyết làm việc và chịu đau khổ, và làm thế khi có dịp. Qủa thực, bằng cách nghĩ đến những gì ta mắc nợ Chúa, Người là ai, và ta là ai, thì quyết tâm của linh hồn sẽ phát triển, và lối suy nghĩ này rất có công và thích hợp đối với những người mới bắt đầu. Nhưng phải hiểu rằng điều này đúng miễn là không điều gì cản trở đức vâng lời và phải gây ích cho người lân cận của mình. Khi nào một trong hai điều này hiện diện thì còn tùy thời gian, và cả việc từ bỏ điều ta hết lòng mong dành cho Thiên Chúa, tức việc, theo ý ta, được ở một mình nghĩ tới Người và vui thú trong những điều vui thú Người ban cho ta. Để qua một bên các vui thú này vì một trong hai điều kia là dành vui thú cho Người và làm việc cho Người, như Người từng nói: điều các con làm cho những người hèn mọn nhất này là các con làm cho Thầy.[2] và trong các vấn đề liên quan tới đức vâng lời, Người không muốn linh hồn nào thực sự yêu thương Người đi theo con đường nào khác hơn là con đường Người đã đi: vâng lời cho tới chết: obediens usque ad mortem.[3]” (F.5.3) 
  
Nói cách khác, tình yêu như lời cầu nguyện không phải là việc thinh lặng nghỉ yên trong vòng tay Người ta Yêu Thương. Yêu là một động từ, một hành động. Ta đạt được tình yêu này bằng việc nhất quyết làm việc và chịu đau khổ trong bối cảnh vâng lời và yêu thương: vâng lời theo nghĩa gốc La Tinh có nghĩa là “ob-audire,” nghĩa là thận trọng lắng nghe, chú ý lắng nghe. Ta lớn mạnh trong tình yêu bằng cách thận trọng lắng nghe giây phút hiện tại, lắng nghe người khác và nhu cầu của họ, và lưu tâm tới các bổn phận trong ơn gọi của ta. Khi ta đáp ứng các nhu cầu của con người, thì ta có tình yêu chân chính, và do đó, việc cầu nguyện. “Người yêu đích thực yêu khắp mọi nơi và luôn nghĩ tới Người ta Yêu Thương! Sẽ là một điều khó có thể chịu đựng được khi ta chỉ có thể cầu nguyện lúc ở một góc nào đó.” (F.5.16) 
  
Thánh Têrêxa đưa ra điều trên ở Tòa Thứ Năm trong đó, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức ái trong cuộc sống hàng ngày.  
    
“Khi tôi thấy các linh hồn tha thiết cố gắng hiểu việc cầu nguyện họ đang có và rất rầu rĩ khi đang làm việc này, vì dường như họ không dám để tâm trí họ di động hay khuấy động kẻo sự vui thích và sùng mộ thiêng liêng của họ bị mất đi, thì điều này làm tôi hiểu họ ít hiểu xiết bao về cách phải làm sao mới đạt được sự kết hợp; họ nghĩ trọn vấn đề hệ ở các điều này. Không đâu, thưa các chị em, tuyệt đối không; các việc làm là điều Chúa muốn! Người muốn nếu chị em thấy một chị bị bệnh, mà chị em có thể làm chị ấy bớt bệnh, thì chị em phải cảm thương chị ấy và đừng lo mất lòng sùng mộ kia; và nếu chị ấy bị đau, chị em cũng phải cảm nhận cái đau này; và, nếu cần, chị em phải nhịn ăn để chị ấy ăn, không phải vì chị ấy cho bằng chị em biết đấy đó là điều Chúa của chị em muốn. Đấy mới là sự kết hợp thực sự với thánh ý Người, và nếu chị em thấy người nào đó được ca ngợi, thì Chúa muốn chị em phải vui hơn là chính chị em được ca ngợi. Điều này, quả thực, là điều dễ dàng vì nếu chị em có lòng khiêm nhường, chị em sẽ cảm thấy buồn khi thấy chính chị em được ca ngợi. Nhưng hạnh phúc nào diễn ra khi người ta biết đến các nhân đức của Các Chị thì đó là điều rất tốt; và khi ta thấy một lỗi lầm nào đó nơi Các Chị, thì cũng sẽ là rất điều tốt nếu ta buồn và dấu lỗi lầm này như thể là của chính chúng ta.” (5M.3.11) 
  
Khi ta nói tới đời sống chiêm niệm như là một cuộc huấn luyện để hướng cái nhìn tâm hồn ta về tâm điểm của ta, là chúng ta nói về việc lớn lên trong tình yêu Tin Mừng, nghĩa là, yêu như Chúa Giêsu yêu. Dĩ nhiên, để lớn lên trong tình yêu này, nghĩa là tình yêu Thiên Chúa, ta cần chính tình yêu của Người để thanh tẩy, chữa lành và biến đổi ta khỏi mọi điều kình chống và ngăn cản tình yêu Thiên Chúa khỏi chiếm hữu đời ta và chiếu sáng qua ta. Chính trong việc cầu nguyện chiêm niệm hiểu như “việc chia sẻ thân mật giữa bạn bè với Đấng chúng ta biết là yêu thương chúng ta” (L.8.5), hay như Thánh Gioan Thánh Giá từng mô tả: “như một việc Thiên Chúa chẩy tràn vào linh hồn để tẩy rửa và chữa lành các ngu dốt và thiếu sót của ta và bí mật dạy ta yêu thương, để ta lớn lên trong tình yêu Tin Mừng.” (2N.5.1) [6]    
  
Trong Ca Khúc Thiêng Liêng của Thánh Gioan Thánh Giá, ta có một đoạn văn tuyệt vời hỗ trợ cho học lý của Thánh Têrêxa. Thánh Gioan cho ta hay: song song với việc cầu nguyện và chiêm niệm, ta còn phải ráng đừng sai phạm trong tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và người lân cận bằng cách thực hành điều Thánh Phaolô dạy ta: điều đáng lưu ý là Thiên Chúa không đặt ơn thánh và tình yêu của Người trong linh hồn ngoại trừ theo ước muốn và tình yêu của nó. Những ai thực sự yêu mến Thiên Chúa phải ráng đừng sai phạm trong tình yêu này, vì nhờ thế họ sẽ khiến Thiên Chúa, nếu ta được phép nói như thế, yêu họ hơn nữa và thấy vui thú nơi họ. Và để đạt được đức ái này, ta nên thực hành điều Thánh Phaolô dạy: 
  
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (phù hợp với đức ái) [1 Cor. 13:4-7].” (SC.13.12) 
  
Kiên nhẫn, hiền hậu, khiêm nhường, tin, cậy, mến, đây là các nhân đức nâng đỡ, đồng hành, và thâm hậu hóa việc cầu nguyện chiêm niệm.


Cầu nguyện và Dấn thân 

Khi xem xét kinh nghiệm cầu nguyện của Thánh Têrêxa như “một chia sẻ thân mật giữa bạn bè,” ta có thể thấy việc cầu nguyện và lý tưởng chiêm niệm của ngài là một kinh nghiệm dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó. Điều này hiển hiện ngay ở các trang đầu của Đường Trọn Lành; “Tôi vốn chỉ ước mong và vẫn còn ước mong rằng vì Người có quá nhiều kẻ thù và ít bạn bè như thế, nên số bạn bè ít ỏi này phải là những bạn bè thật tốt. Thành thử, tôi quyết tâm làm ít thôi trong khả năng của mình; nghĩa là, sống theo các lời khuyên của Tin Mừng một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể và cố gắng để số người ít ỏi đang sống ở đây này cũng làm y như vậy.” (W.1.2) Cầu nguyện đưa chúng ta vượt quá chính chúng ta. Có một sự dấn thân thâm hậu hóa muốn sống ơn gọi của mình một cách trung thành và đáp trả các đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử trong đó, ta đang sống. 
  
Dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó cho Giáo Hội và thế giới không phải chỉ là hoa trái của cầu nguyện. Đối với Thánh Têrêxa, cầu nguyện còn là việc dấn thân và quyết tâm giúp đỡ thế giới nữa. 
      
Cầu nguyện như tình bạn với Thiên Chúa là phải hòa mình vào thế giới của Thiên Chúa vì Thiên Chúa vốn dấn thân với con người và lịch sử nhân bản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm,” vì cầu nguyện chiêm niệm thanh tẩy và giải thoát ta khỏi các dây trói của ích kỷ và biến đổi cách nhìn và cách yêu thương của ta; chiêm niệm mở đôi mắt ta để thấy vẻ đẹp của thế giới Thiên Chúa và của các anh chị em ta và đổ đầy trái tim ta lòng cảm thương đối với các đau khổ của con người. Người của cầu nguyện nào biết mình được Thiên Chúa yêu thương sẽ thấy mình được tái tạo và được Thiên Chúa cứu rỗi và nay trở nên dụng cụ cứu rỗi cho người khác. Gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện là gặp gỡ chính ta, khám phá ra sự thật của riêng ta, và rồi ta hiến mình cho người khác, vì đời sống là về tất cả các điều ấy: tự hiến, yêu thương, hiệp thông. 
  
Chính vì thế, ở TòaThứ Bẩy, Thánh Têrêxa bảo chúng ta rằng “Các con thân mến, đây là lý do để cầu nguyện, mục đích của cuộc hôn nhân thiêng liêng này: luôn luôn sinh ra việc làm tốt lành, việc làm tốt lành.” (7M.4.6) Người của cầu nguyện cảm nghiệm một sức mạnh ở bên trong thúc đẩy họ chia sẻ tình yêu và cảm thương của Thiên Chúa với người khác. Đây là một điều Thánh Têrêxa quan sát được từ chính kinh nghiệm của ngài. “Tôi để ý có một số người, không nhiều lắm do tội lỗi của ta, càng tiến tới trong lối cầu nguyện và hồng ân của Chúa chúng ta này, thì họ càng chú tâm tới nhu cầu của người lân cận họ, nhất là các nhu cầu của linh hồn những người này.” (MC.7.9) 
  
Ta thấy điều đó nơi Thánh Têrêxa. Ta thường giải thích ơn gọi của các nữ tu Carmel Đi Chân Đất bằng chính lời lẽ của Thánh Têrêxa: “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ Bản B). Là “tình yêu trong trái tim Giáo Hội” có nghĩa gì? Nghe thì đẹp quá, nhưng ở đời thực, nó tròn méo ra sao? 
  
Như ta biết, ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa cháy rất sâu trong trái tim Thánh Têrêxa. Ngài cảm thấy những ước nguyện không tài nào thể hiện được và rất mênh mông muốn được yêu Chúa Giêsu và công bố Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa cho người khác. Ngài bị dằn vặt bởi các ước muốn được làm chiến binh, thập tự quân, linh mục, tông đồ, tiến sĩ Giáo Hội, và tử đạo.  
     
“Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, nếu con muốn viết ra tất cả các ước muốn của con, thì con cần đến cả một cuốn tiểu sử: trong đó các hành động của mọi vị thánh được ghi lại.” (Thủ Bản B) Được thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô gợi hứng, với lời dạy rằng tình yêu là ơn phúc thiêng liêng vĩ đại nhất và kéo dài mãi mãi, Thánh Têrêxa đã khám phá ra ơn gọi làm tình yêu trong trái tim Giáo Hội. “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu”. Ngài muốn được kết hợp với Chúa Thánh Thần đến độ trở thành sự hiện diện yêu thương trong Giáo Hội, trong cộng đồng của ngài, và trong thế giới. Hơn nữa, Thánh Têrêxa cũng là người hiện thực. Ngài hiểu rõ tình yêu không thể tồn tại trên bình diện mộng mị, viễn mơ và xúc cảm. Tình yêu phải được phát biểu bằng hành động. Ngài cũng biết: tình yêu là vĩnh cửu và có năng lực đi thâu qua các bức tường, các biên giới, các quốc gia, các dinh thự Giáo Hội, các gia đình, và chữa lành được các cõi lòng tan nát và hồi hướng các cuộc đời. Dùng hình ảnh “rắc hoa,” ngài nói lên sự dấn thân của ngài trong việc thực hiện các hành vi yêu thương cụ thể ngay lúc này và các hành vi yêu thương này sẽ có hiệu quả nhân thừa trong thế giới. Chúng sẽ có giá trị vô chừng trước mặt Thiên Chúa và giúp Giáo Hội chiến đấu và những người đang chịu đau khổ trong luyện ngục.     
  
Điều gây ấn tượng hết sức về Thánh Têrêxa là ngài sống một cách có ý hướng. Ngài áp dụng tình yêu một cách có ý hướng, có ý thức, và lưu ý đến mọi hành vi và mối liên hệ trong đời sống hàng ngày của ngài và dâng các hành vi yêu thương này vì phần rỗi của người khác. Các hành vi tin và yêu đầy tính anh hùng của ngài trong 18 tháng sau cùng của đời ngài khi ngài bị săn đuổi bởi các hồ nghi đầy ám ảnh về việc hiện hữu của sự sống đời đời, (một thứ đêm đen đức tin ngài có chung với những người tội lỗi và vô thần, những người được ngài gọi là anh em, và dâng các đau khổ của mình cho họ), chứng tỏ sự cảm thương và quan tâm sâu xa của ngài đối với phần rỗi của nhân loại. 

Thánh Têrêxa thách thức ta nghi vấn tính ý hướng của ta, việc yêu thương của ta, và cách ta sống đời sống chiêm niệm của mình. Tại sao ta làm điều ta đang làm? Đâu là động lực khi ta thức dậy vào buổi sáng? Điều gì làm động lực cho các mối liên hệ của ta, cho các cuộc gặp gỡ của ta với người khác, cho việc làm, việc cầu nguyện, các hành vi đơn giản của ta? Ta đem lại ý nghĩa gì cho các đau khổ, các tranh chấp, các cám dỗ, và thử thách của ta? Ta áp dụng tình yêu ra sao trong đời sống hàng ngày và trong các tương tác cộng đồng? Đó là các câu hỏi nghiêm túc vì nếu ta nói tới đời sống chiêm niệm và giá trị tông đồ của việc ta cầu nguyện cho nhân loại, thì tính ý hướng trong việc cầu nguyện của ta, trong các liên hệ của ta và trong việc ta yêu thương hết sức quan trọng và chủ yếu. 
  
 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” 
  
 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Điều này đúng xiết bao đối với thế giới Thế Kỷ 21 của ta. Thế giới của ta đang rực lửa! Khi tôi đang viết giòng này vào Ngày Lễ Lá, hai nhà thờ Coptic đang bị đặt bom ở Ai Cập, sát hại ít nhất 43 người. Hãy nghĩ tới chiến tranh hóa học từng sát hại hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Syria. Thế giới quả đang rực lửa và Nhiệm Thể Chúa Kitô đang chịu một cuộc đóng đinh tại Trung Đông, Syria, Mễ Tây Cơ, và phần lớn Phi Châu. Hôm nọ, tôi đọc thấy năm nay 20 triệu người sẽ chết đói! Tình hình di dân hiện nay ở đất nước này và số phận nghiêm trọng của các di dân đang tuyệt vọng trốn thoát Trung Đông sang Âu Châu và nhiều nơi khác là một tình huống nghiêm trọng trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng làm ta thức tỉnh đối với nỗi đau khổ của các di dân và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới mở cửa biên giới và trợ giúp những người không nhà này. 
      
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một phân tích về thực tại hiện thời và khuyên ta “luôn tỉnh táo rò xét các dấu chỉ thời đại.” (51)  

Một số các thách đố được Đức Giáo Hoàng khám phá ra là: 
  
-  Ta đang thấy một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Thực phẩm bị vứt đi trong khi người ta chết đói. 
  
- Chính các con người nhân bản bị vứt bỏ. Ta đang trải nghiệm việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng và con người đang trở nên không tài nào cảm nhận được lòng thương xót trước sự kêu gào của người nghèo, hay khóc trước đau đớn của người khác. Ta ngày càng trở nên vô cảm trước nỗi đau thương của con người. 
  
- Ta đang thấy việc thờ ngẫu thần tiền bạc. 
  
- Đang có lời kêu gọi để có nhiều an ninh hơn tại các thành phố vì sự bất bình đẳng giữa người giầu và người nghèo đang nuôi dưỡng ngày một nhiều bạo lực hơn. Bạo lực giữa người trẻ ở Hoa Kỳ đang leo thang. 
  
- Về văn hóa, việc duy tục hóa xã hội có xu hướng thu gọn đức tin và Giáo Hội vào lãnh vực tư và cá nhân. Ta đang thấy việc bác bỏ siêu việt và việc giảm giá trị đạo đức do đó mà ra, và việc làm suy yếu cảm thức tội cá nhân và tập thể. 
  
-Các giám mục Hoa Kỳ vốn chỉ ra rằng việc Giáo Hội nhấn mạnh tới các qui luật luân lý khách quan, có giá trị đối với mọi người, đang bị chống đối bởi nhiều người trong nền văn hóa của ta và bị coi như một giáo huấn bất công. Giáo Hội bị coi như đang cổ vũ một thiên kiến đặc thù và xen mình vào tự do cá nhân. (64) 
  
-Các gia đình đang gặp khủng hoảng thực sự. Hôn nhân bị coi chỉ là một hình thức thỏa mãn xúc cảm có thể được xây dựng hay pha chế tùy ý. 
  
Hiện có khá nhiều thách đố trong việc hội nhập văn hóa đức tin. Đã có sự suy sụp trong cách người Công Giáo truyền lại đức tin cho lớp trẻ. Nhiều người cảm thấy vỡ mộng và không còn tự đồng hóa với truyền thống Công Giáo nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ huynh không thực hành đức tin, hoặc đưa con đi chịu phép rửa và dạy dỗ chúng cách cầu nguyện nữa. 
     
Thánh Têrêxa sống trong “thời buổi khó khăn” nên ngài nói với con cái ngài rằng: “thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Thế giới hiện vẫn đang rực lửa và Chúa Kitô đang bị đóng đinh hàng ngày ở Syria, Phi Châu, Iraq, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Ta có thể làm gì giúp giập tắt các đám lửa bạo lực, hận thù, bất khoan dung tôn giáo, thờ ngẫu thân tiền bạc và dửng dưng đối với người nghèo và người thiếu thốn? Thánh Têrêxa cho biết: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.” (L.15.5) Chúng ta được kêu gọi trở nên những người bạn mạnh mẽ của Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện chiêm niệm và bác ái huynh đệ, mở tâm mở trí đón nhận năng lực biến đổi của chiêm niệm để có thể trở thành những cỗ xe chuyên chở chữa lành và cứu chuộc đến cho thế giới. Là các tu sĩ Carmel, ta tin rằng cầu nguyện có năng lực thay đổi cõi lòng và biến đổi thế giới. Ta không tận hiến đời ta cho Thiên Chúa nguyên vì lý do tìm sự cứu rỗi của riêng mình, mà là sự cứu rỗi của người khác và chia sẻ hồng ân tình yêu của Thiên Chúa, đặc sủng của chúng ta, vì sự cứu rỗi của mọi người. Thiên Chúa đã yêu ta đến độ đã ban cho ta khả năng yêu như Chúa Giêsu yêu; Chúa Giêsu, Đấng hiến đời mình để cứu chuộc mọi người và cứu ta để biến ta thành “những người cứu vớt,” cùng với Người, mang nhãn hiệu thập giá, trở nên nô lệ của mọi người như Người đã trở nên. (7M.4.8) 
  
Các trường cầu nguyện 

Trong tư cách người chiêm niệm, làm sao ta rao giảng Tin Mừng? Một cách để ta rao giảng Tin Mừng là bằng đời sống cầu nguyện. Bằng cuộc sống của mình, ta làm chứng cho chiều sâu nội tâm của con người nhân bản như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa và sau cùng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn cõi lòng con người mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta rằng ngày nay, nhiều người không biết phải cầu nguyện ra sao. Nhiều người đơn giản không còn cảm thấy nhu cầu phải cầu nguyện hay chạy đến với Thiên Chúa lúc cần nữa. Nói cách khác, không còn mối liên hệ thực chất nào với Thiên Chúa nữa. Vì lý do này, các người chiêm niệm có thừa tác vụ cầu nguyện, có sứ vụ làm chứng cho những chiều sâu nội tâm của con người nhân bản và nỗi khát khao Thiên Chúa của ta được biểu lộ trong đời sống cầu nguyện. Không điều gì nên “làm bế tắc, làm trệch hướng, hay làm gián đoạn thừa tác vụ cầu nguyện của ta.” Bằng cách này, nhờ chiêm niệm, ta trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết hình ảnh Chúa Kitô và các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện.” (17)  Ý niệm cho rằng các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện” là điều quan trọng sinh tử, và tôi hiểu “trường cầu nguyện” đây là nơi người ta có thể cảm nghiệm được thánh nhan Thiên Chúa và được lôi kéo vào việc cầu nguyện và học cách cầu nguyện. Điều buồn là nhiều người không biết cầu nguyện ra sao, hay thậm chí không muốn cầu nguyện. 
  
Số 2 của điều 5 phần kết luận và các qui luật khuyến khích việc nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các tu sĩ tận hiến khác và các giáo dân như phương thế để chia sẻ kinh nghiệm biến đổi của lời Thiên Chúa và như một biểu thức nói lên tình hiệp thông đích thực trong Giáo Hội. Đây là một chỉ thị quan trọng. Làm thế nào các đan viện của qúy chị trở thành các trung tâm nối vòng tay lớn thiêng liêng và “trường cầu nguyện?” Hình thức nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các người tận hiến và các giáo dân khác sẽ tùy thuộc từng cộng đồng và sự biện phân của họ. Có nhiều cách ta có thể khuyến khích một cuộc nối vòng tay lớn thiêng liêng. Thí dụ, mời người ta tham dự phụng vụ, chia sẻ sách thánh ca và cả sách Thánh Vịnh với những người tới dự Thánh Lễ và Kinh Phụng Vụ. Nếu có thể, cho phép người ta cầu nguyện trong nhà nguyện. Trong Đường Trọn Lành, Thánh Têrêxa nói với ta rằng “việc bận bịu của chị em là cầu nguyện;” “Thiên Chúa là việc để chị em bận bịu.” Nếu là thế, thì làm sao ta có thể giúp người ta cầu nguyện, làm sao đụng đến những tầng sâu nội thẳm nhất của họ? 
    
Kết luận: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.” 
  
Thánh Têrêxa nhìn thấy sự quan trọng của các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa để nâng đỡ các người yếu ớt trong các thời buổi khó khăn của thế kỷ 16. Ngày nay, điều y hệt như thế cũng đang đúng trong thế kỷ 21 với mọi thách đố và thử thách ta đang đương đầu về phương diện bản thân, quốc gia và hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Đừng bao giờ quên rằng không được sống đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của chị em như một hình thức chỉ chăm chú đến mình: phải mở rộng trái tim chị em để ôm lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người đau khổ.” (16)   
  
Tôi xin kết luận bằng những lời sau đây của Mẹ Têrêxa Chúa Giêsu trích từ chương 3 cuốn Đường Trọn Lành
  
“Đừng nghĩ sẽ vô ích khi có những lời cầu xin này [1] liên tục trong lòng, vì đối với một số người, không cầu nguyện nhiều cho linh hồn của chính họ hình như là một điều khó khăn đối với họ. Nhưng có lời cầu nguyện nào tốt hơn những lời cầu xin tôi đã nhắc đến? Nếu chị em băn khoăn nghĩ rằng các đau khổ của chị em trong luyện ngục sẽ không được rút ngắn, thì chị em hãy biết cho rằng nhờ lối cầu nguyện này, chúng sẽ được rút ngắn; và nếu chị em vẫn còn phải trả một số nợ nào đó, thì cứ làm. Đâu có hệ gì nếu tôi phải ở trong luyện ngục cho đến ngày phán xét nếu nhờ lời cầu nguyện của tôi mà tôi có thể cứu được dù chỉ là một linh hồn? Càng ít hệ trọng hơn xiết bao nếu lời cầu nguyện của tôi sinh ích cho nhiều người và để vinh danh Chúa. Đừng lưu ý tới các đau khổ sẽ chấm dứt nếu qua chúng, một phục vụ lớn lao hơn được thực hiện cho Người, Đấng đã chịu quá nhiều đau khổ vì ta. 

Dường như tôi quá bạo dạn khi nghĩ rằng tôi có thể đóng một vai trò nào đó trong việc có sự đáp ứng các lời cầu xin này. Lạy Chúa, con tin tưởng vào các tôi tớ của Chúa đang sống ở đây, và con biết họ muốn và không cố gắng làm điều gì khác hơn là làm vui lòng Chúa. Vì Chúa, họ từ bỏ chút ít mà họ có, và họ muốn có nhiều hơn để có thể phụng sự Chúa. Vì lạy Chúa, Đấng dựng nên con, Chúa không vô ơn, nên con nghĩ Chúa nhất định sẽ làm điều họ nài xin Chúa. Mà Chúa, lạy Chúa, khi Chúa còn sống trên thế gian, Chúa cũng không khinh miệt đàn bà; đúng hơn, với lòng xót thương lớn lao, Chúa luôn giúp đỡ họ. [Và Chúa thấy nơi họ nhiều yêu thương và đức tin hơn là nơi đàn ông. Trong số họ, có Mẹ diễm phúc nhất của Chúa, và nhờ các công phúc của ngài, và vì chúng con mặc áo của ngài, chúng con cũng đáng được điều chúng con không xứng đáng, vì các lỗi phạm của chúng con...][2] Khi chúng con xin Chúa ban vinh dự, thu nhập, tiền bạc, hay các sự thế gian, Chúa đừng nghe chúng con. Nhưng khi chúng con xin Chúa cho vinh quang của Con Chúa, thì há tại sao Chúa lại không nghe chúng con, lạy Cha trường cửu, vì Người, Đấng đã mất cả ngàn vinh dự và cả ngàn sự sống vì Chúa? Lạy Chúa, không phải cho chúng con, vì chúng con không xứng đáng, nhưng cho máu Con Chúa và các công phúc của Người.” (W.3.6-7) 

------------------------------ 
Chú Thích 

[1] Điều quan trọng cần nhớ câu hỏi và lời khuyên giữ Chúa Giêsu ở bên cạnh mình phát xuất từ chính cảm nghiệm của ThánhTêrêxa về Chúa Giêsu Phục Sinh (thị kiến Kitô Học), Đấng ngài “cảm thấy” rồi thấy bên cạnh ngài. Xem Đời Sống, 27-29. 

[2] Sau khi nhìn ngắm vẻ đẹp lạ thường của Chúa, tôi không thấy có ai khi so với Người mà lại lôi cuốn được tôi hay chiếm giữ ý nghĩ của tôi. Nhờ hướng cái nhìn của tôi chỉ một chút thôi vào bên trong để nhìn ngắm hình ảnh tôi có trong linh hồn, tôi nhận được một sự tự do về phương diện này đến nỗi mọi sự tôi thấy ở dưới thế này đều đáng ghét thế nào khi so sánh với các phẩm tính trổi vượt và đẹp đẽ tôi được nhìn ngắm nơi vị Chúa này. (L.37.4) 

[3] Đức Phanxicô, Misericordiae Vultus, 10. 

[4] “Đây là tình yêu trong hình thức triệt để nhất của nó. Nhờ chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (xem 19:37), ta có thể hiểu khởi điểm của Thông Điệp này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính ở đó sự thật này được chiêm niệm. Chính từ đó, định nghĩa về tình yêu của ta phải bắt đầu. Trong việc chiêm niệm này, Kitô hữu khám phá được con đường mà đời họ và tình yêu của họ phải theo.  (Deus Caritas Est, 12) 

[5] Chỉ Phôngxiô Philatô và câu Chúa Giêsu trả lời, mượn của Ronald Rolheiser, The Passion and the Cross, Franciscan Media, 2015, 12. 

[6] Đêm đen này là việc Thiên Chúa chẩy tràn vào trong linh hồn tẩy rửa nó khỏi những ngu dốt và bất toàn thường tình, tự nhiên và siêu nhiên, và các người chiêm niệm gọi là chiêm niệm phú bẩm hay thần học huyền nhiệm.  Qua việc chiêm niệm này, Thiên Chúa dạy linh hồn một cách bí mật và huấn giáo nó sự trọn lành của tình yêu mà không xét đến việc nó làm hay hiểu nó xẩy ra cách nào. (2N.5.1)