Học tập trong đời tu

03/02/2020
1647
Chúng ta đang sống trong thời đại của tri thức, khoa học và công nghệ. Thế giới ấy đòi hỏi mỗi người phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản trên hầu hết các lãnh vực của đời sống xã hội. Tu sĩ là những người được thánh hiến để thuộc về Thiên Chúa, nhưng họ vẫn sống trong thế gian và chịu sự tác động của thế gian. Do đó, trên con đường truy tìm chân lý, ngoài việc trang bị cho mình những tri thức vững chắc về Giáo lý, Tu đức và Đời sống tâm linh, người tu cần thiết phải trau dồi cho mình những trải nghiệm phong phú về cuộc sống, về cuộc đời và về con người, hầu có thể dấn thân một cách đắc lực hơn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 
Bàn về hạn từ “tri thức”, từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, xuất bản năm 1998 đã định nghĩa: “Tri thức là những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội”. Triết gia Aristote cũng cho rằng: “Tri thức được hình thành nhờ thế giới và trong đời sống hiện tại chứ không phải do kiếp trước nào”. Chính trong cộng đồng xã hội, người ta có thể rút ra được những kinh nghiệm, những hiểu biết hay còn gọi là tri thức về thế giới và con người. Hiểu theo nghĩa này, tri thức chính là những kinh nghiệm sống, là tinh hoa của nhân loại đã được chắt lọc, đúc kết và được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tri thức còn có thể hiểu đồng nghĩa với nhận thức. Tuy nhiên, tri thức chỉ những điều hiểu biết thu nhận được do hoạt động có hệ thống và liên tục trong một thời gian dài của trí tuệ. Vì thế, Thánh Thomas tiến sĩ cũng đã viết: “Trí tuệ là một đời sống, là tất cả những gì có trong đời sống hoàn hảo hơn”. Bởi lẽ lý trí là thứ quan năng tuyệt vời nắm bắt, tiếp cận chiếm lĩnh hữu thể, do đó mới có câu định nghĩa phổ thông nhất: “Trí tuệ là quan năng về hữu thể”, có nghĩa là: mắt là quan năng về màu sắc, nhận biết và chiếm hữu màu sắc, thì trí tuệ cũng được xếp đặt để chiếm lĩnh hữu thể. Mọi thứ hữu thể, vật chất hoặc tinh thần, thụ tạo hoặc Thượng Đế, bản thể hoặc phụ thể, đồng thời chiếm hữu những gì hiện diện. Chính do trí tuệ mà chủ thể nhận thức trở nên mọi sự.
 
Đào tạo tri thức là công việc hệ trọng suốt cuộc đời mỗi con người, cách riêng với người Tu sĩ. Ngày nào con người bằng lòng với vốn hiểu biết của mình, ngày đó con người đang bước đến bên bờ vực thẳm. Chỉ khi được đào luyện trong một môi trường xã hội cụ thể với các kỹ năng chuyên môn cần thiết, người tu mới có thể tự tin bước vào sứ vụ, mà không bị choáng ngợp trước muôn vàn sắc màu của cuộc sống. Sự hiểu biết đầy đủ sẽ giúp con người có khả năng đứng vững trước những đổi thay của thời cuộc và của lòng người. Dẫu biết rằng, việc đào tạo tri thức cho người Tu sĩ chỉ là một nhu cầu, một phương tiện giúp họ thi hành tốt hơn sứ vụ tông đồ, nhưng trong thời đại ngày nay, một thế giới đề cao vị trí và vai trò của chất xám, thì việc đào tạo tri thức cho người thánh hiến lại càng trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.

Việc trang bị kiến thức về đạo trước tiên giúp người Tu sĩ tin và sống theo lời Chúa dạy. Vì lẽ thông thường, chúng ta không thể tin theo điều mà chúng ta chưa hề nghe hoặc chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Bên cạnh tính chắc chắn và thiết thực với cuộc sống, tri thức giúp người tu “miễn nhiễm” trước những quyến rũ đầy màu sắc của cuộc sống. Chỉ khi việc đào tạo đáp ứng được đòi hỏi này, cánh đồng truyền giáo mới có thể mọc lên những bông hoa đầy hương sắc giữa những pha tạp của đời thường, để tô điểm thêm bức tranh muôn màu của cuộc sống. Thêm vào đó, việc đào luyện giúp các Tu sĩ có khả năng hoà nhập để cảm thấu con người trong xã hội, nhưng không bị hoà tan trong những vụn vặt của thời đại. Mặt khác, chỉ khi biết Chúa, yêu mến Chúa và có kinh nghiệm về Ngài, chúng ta mới có thể giới thiệu, giải thích, hướng dẫn người khác hiểu và sống Lời Chúa. Biết ở đây không phải là biết một cách lơ mơ, đại khái, nhưng là biết chính xác, chi tiết và sâu sắc. Có như vậy, người tu mới tạo được niềm tin và giúp người khác xác tín vào những gì người tu rao giảng.
 
Sống trong thời đại ngày nay, người Tu sĩ chỉ hiểu biết về đạo không thôi chưa đủ, nhưng thêm vào đó, họ cần thủ đắc cho mình tri thức trong các lãnh vực khác một cách có chọn lọc. Tri thức xã hội giúp cho lời nói, bài giảng và những chia sẻ của người tu thêm sinh động, phong phú, sâu sắc, gần gũi và dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, sự hiểu biết về tâm lý học sẽ giúp chúng ta nắm bắt được suy nghĩ của từng độ tuổi khác nhau, để rồi từ đó, người tu có cách tiếp cận và dẫn dắt người khác đến với Chúa một cách phù hợp. Các kỹ năng về sinh hoạt, xã hội sẽ giúp chúng ta biết khả năng, sở thích của người khác và có cách thức rao giảng hữu hiệu hơn. Đặc biệt, khi người tu nắm bắt được nhịp sống và sự phát triển của xã hội, họ có khả năng hướng dẫn con người nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Hơn nữa, đứng trước một thế giới không ngừng biến chuyển và quá đỗi phức tạp như hiện nay, bên cạnh một đức tin kiên vững, thì các kiến thức về khoa học, xã hội sẽ giúp người tu vững vàng hơn trên bước đường dấn thân phục vụ.

Nội dung tri thức của người tu trước hết phải gắn liền với Thiên Chúa và sau là nối kết với cuộc sống, bởi vì con người được mời gọi sống chung, sống cùng và sống với người khác. Do đó, không ai trong chúng ta được phép tách mình ra khỏi cộng đồng nhân loại, để rồi phải cô đơn trong ốc đảo của mình. Thành ra, dù nam hay nữ, dù trẻ trung hay cao niên, người tu cũng đều sống trong một giai đoạn lịch sử cụ thể với những bối cảnh và điều kiện nhất định. Hơn nữa, Tu sĩ có đời sống tâm linh sâu sắc phải là người có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa và với các thực tại trần thế, sẵn sàng đón nhận tính cách nhân loại của mình. Cũng trong chiều kích đó, người Tu sĩ toàn diện, bên cạnh những giây phút chiêm niệm để kín múc nguồn dưỡng khí từ trời cao, họ cũng chính là những người biết cảm thấu những cảnh đời đau thương trong xã hội, dang rộng đôi tay và trái tim hầu xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn con người. Thành ra, tri thức không phải chỉ tiếp nhận trên trường lớp, nhưng là bài học trải rộng, trải dài trong cuộc sống và trong mối tương quan hàng ngày.
 
Các thách đố của thời đại ngày nay cho thấy, nếu Tu sĩ không có “tay nghề” vững vàng thì thật khó đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội cũng như Giáo hội. Vẫn biết rằng, Lời Chúa không bao giờ thay đổi, nhưng thời đại ngày nay là thời đại của “mì ăn liền”, thành ra, việc hiểu Lời Chúa, giảng dạy Giáo lý cũng phải phù hợp với “khẩu vị” của “khách hàng”. Hoàn cảnh thực tế của việc “chuyên môn hoá” cho việc giảng dạy và phục vụ đã cho thấy tính cấp thiết của việc đào tạo tri thức. Nhờ việc đào luyện ấy, Tin Mừng của Chúa mới có khả năng được lan rộng khắp nơi và không ngừng trổ sinh hoa trái. Thành ra, những năm tháng “dùi mài kinh sử” trong Học viện hay Chủng viện chưa đủ cho người tu bước vào đời, nhưng họ còn phải không ngừng học hỏi và khám phá những giá trị tiềm tàng nơi các bậc khôn ngoan, giàu kinh nghiệm. Để có cái nhìn phong phú, đa diện, người Tu sĩ cần phải biết mình còn thiếu gì, cần phải trang bị những gì trước khi thi hành sứ vụ. Bên cạnh việc tích lũy tri thức khoa học thánh, người tu còn cần không ngừng trau dồi kiến thức xã hội, với những kỹ năng chuyên môn như đàn, nhạc, ngoại ngữ, vi tính, cũng như cập nhật những thông tin mới, qua các phương tiện truyền thông, hầu làm phong phú vốn tri thức của mình, hầu đem chúng ra phục vụ cuộc đời.

Tuy nhiên, người tu cần nhớ rằng, tri thức suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện để đạt được mục đích cao nhất và tối hậu là nhận biết Chúa Kitô. Quả vậy, bốn chiều kích căn bản của đời tu là nhân bản, đời sống thiêng liêng, tri thức và mục vụ, thì tri thức chỉ được xếp ở vị trí thứ ba mà thôi. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một số Tu sĩ lại quá coi trọng tri thức mà quên đi căn tính đời tu của mình. Không thiếu những Tu sĩ vì được sở hữu một vốn tri thức sâu rộng, đã quay lưng lại với Giáo hội, khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, suy nghĩ lệch lạc, khủng hoảng lòng tin, thậm chí dẫn đến bội giáo, ly giáo. Cũng không thiếu những Tu sĩ vì quá đề cao kiến thức, dẫn đến thái độ cạnh tranh, ghen tương, đố kỵ về thành tích học tập, theo tinh thần thế tục không xứng bậc tu trì. Thái độ và lối suy nghĩ ấy vô cùng nguy hiểm, không nằm trong ý định của Thiên Chúa, và cần phải loại trừ. Thành ra, tri thức chỉ đúng đắn và có giá trị khi chúng được xây dựng trên nền tảng vững chắc là chính Đức Kitô, dưới sự hướng dẫn của vị thầy tối cao là Chúa Thánh Thần mà thôi.

Mục đích việc học tập của Tu sĩ không phải là để đạt đến sự sung mãn cho bản thân nhưng là để hiểu biết, tin tưởng, yêu mến và phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân. Vì lẽ đó, Lời Chúa không thể tồn tại, nếu không qua một tiến trình thanh luyện tâm linh là cầu nguyện, và chúng ta cũng không thể nói với thế giới, nếu mỗi người không mở lòng đón nhận Lời Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, để học tập đạt hiệu quả, người tu hãy tập cho mình nếp sống thinh lặng và yêu thích đời sống chiêm niệm, vì nó là phương tiện giúp người Tu sĩ truy tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Việc đào tạo tri thức và vấn đề học tập của người tu vẫn còn đó nhiều việc phải làm.Vì lẽ, một số Tu sĩ có kiến thức về thần học, nhưng lại thiếu kinh nghiệm về Thiên Chúa, hoặc một số người tuy có đời sống đạo đức, nhưng lại thiếu nền tảng căn bản về Giáo lý và các cử hành phụng vụ. Do đó, Giáo hội luôn khuyến khích các Đan viện, các Dòng tu, các Học viện, các Chủng viện, hãy cung cấp cho người tu một sự huấn luyện toàn diện, song song với việc đào tạo và thông truyền Đặc sủng riêng của Hội Dòng hay Tu Hội mà họ được kêu gọi dấn thân, phục vụ.

Người Tu sĩ được mời gọi “Hãy ra khơi!”, nhưng để con thuyền không bị nhấn chìm giữa giông tố của biển cả, người tu phải không ngừng học tập, trau dồi cho mình những hành trang cần thiết trước khi thả lưới, quăng chài. Để hoàn thành tốt sứ mệnh ấy, mỗi Tu sĩ hãy cậy dựa vào sức mạnh và sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, bằng đời sống náu ẩn trong Chúa qua thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm. Nhờ đó, người tu mới có đủ khả năng, dấn thân hết mình trong công cuộc loan báo Tin mừng.


Tác giả bài viết: Tâm Thành

(Nguồn: http://gpbuichu.org)