Ưu tư và thao thức mục vụ cho các gia đình trẻ di dân

21/09/2021
2165

“Như Chúa Giêsu, họ bị buộc phải chạy trốn. Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân nội địa”, đó là những lời mở đầu trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới người di dân và tị nạn lần thứ 106, ngày 27/09/2020. Sứ điệp diễn tả sự quan tâm sâu sắc của Giáo hội đối với các anh chị em di dân, đặc biệt là những người di dân nội địa, trong nhiều cách thế khác nhau. Sứ điệp nhấn mạnh đến những hành động thực tế hơn là lý thuyết, ý hướng đó được Đức Thánh Cha gợi mở qua những cặp động từ: “cần biết để hiểu; cần gần gũi để phục vụ; để hòa giải cần lắng nghe; để tăng trưởng cần chia sẻ; cần tham dự để thăng tiến và cần hợp tác để xây dựng”.

Giáo hội Việt Nam, cùng thao thức với Đức Thánh Cha và Giáo hội hoàn vũ, chúng ta đã và đang cố gắng đề ra các đường hướng mục vụ vừa đa dạng vừa linh hoạt để hướng đến người di dân: như trợ giúp các nhu cầu cấp thiết cho người di dân qua các chương trình mục vụ; các hoạt động mục vụ hướng đến việc phát triển, thăng tiến bền vững cho người di dân; các hoạt động tông đồ quy tụ và hiệp nhất các người di dân trong đức tin,... nhằm tạo điều kiện để người di dân được tham gia và đóng góp các tiềm năng, tài năng, lòng nhiệt thành và đời sống đạo đức mà những người di dân có thể cống hiến cho các cộng đoàn tiếp đón họ. Nói cách lạc quan, sự hiện diện của các anh chị em di dân đã tạo nên sự phong phú và năng động mới cho các cộng đoàn nơi họ sinh hoạt.

Tuy nhiên, bên cạnh khía cạnh tích cực mà các anh chị em di dân đã sống, hòa nhập và dấn thân cho giá trị của Tin Mừng, chúng ta cũng thấy họ phải đối diện với biết bao những thách thức, khó khăn trong đời sống Kitô hữu như: sự hòa nhập với môi trường sống mới, vấn đề văn hóa, phong tục, luân lý, các thực hành đức tin,... Bởi đó, chúng ta tự vấn làm sao để có thể giúp anh chị em di dân của chúng ta nói chung và cách riêng biệt là các gia đình trẻ di dân sớm hội nhập và thăng tiến đời sống của họ theo giá trị của Tin Mừng.

Bài viết: “Ưu tư và thao thức mục vụ cho các gia đình trẻ di dân” là một trong những đề tài cụ thể mà người viết muốn thu nhỏ lại đối tượng hướng đến, đó là gia đình trẻ di dân. Đây cũng là chủ đề riêng biệt nối kết với định hướng mục vụ cho năm 2020-2021 mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra: “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Để hướng đến gia đình trẻ di dân, câu hỏi đặt ra cho chúng ta: “Làm thế nào để đồng hành với gia đình trẻ di dân? Phương cách nào để chúng ta đưa ra một hướng đi cụ thể và thực tế cho họ?”. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện, người viết xin gợi ra một vài suy tư sau:

 
 
Mục lục
I. ƯU TƯ CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ DI DÂN
        1. Ưu tư quyền và nghĩa vụ liên quan đến cư sở, bán cư sở của người di dân
        2. Ưu tư về đời sống đức tin và các thực hành đạo đức
        3. Ưu tư về những vấn đề luân lý và đạo đức
II. THAO THỨC MỤC VỤ CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ DI DÂN
        1. Giáo hội Việt Nam với định hướng mục vụ cho các gia đình trẻ di dân
        2. Tái khám phá vai trò của giáo xứ và cha xứ trong việc chăm sóc cho các gia đình trẻ di dân
        3. Hướng đến nghĩa vụ và quyền lợi của các gia đình trẻ di dân
III. KẾT LUẬN
 

 

I. ƯU TƯ CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ DI DÂN

 
Khi nói đến hai từ di dân, người ta nghĩ ngay đến những người phải rời xa quê hương, làng xóm để đến một nơi khác lập nghiệp hay làm việc và học tập. Người di dân có thể chuyển từ các vùng nông thôn lên thành thị hay từ thành phố này đến thành phố khác ở trong nước, cũng có những người phải di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chú ý phần lớn vào những người di dân nội địa và đặc biệt là những gia đình trẻ di dân, nghĩa là những gia đình trẻ di dân để lập nghiệp ở nơi khác trong cùng một quốc gia hay những người trẻ đến, cư ngụ ở nơi khác rồi có ý định lập nghiệp hay lập gia đình tại nơi đó.

Dĩ nhiên, khi đề cập đến vấn đề gia đình trẻ di dân, chúng ta đều thừa nhận có những mặt tích cực là họ có thể tìm kiếm được những cơ hội, vận may và khám phá mới để có một cuộc sống tốt lành hơn, bên cạnh mặt tích cực, cuộc sống của biết bao gia đình trẻ di dân phải đối diện với bao khó khăn, thách đố và ưu tư, chúng ta có thể đề cập đến một vài ưu tư thực tế.

 

 

1. Ưu tư quyền và nghĩa vụ liên quan đến cư sở, bán cư sở của người di dân

 
Một trong những quan niệm sống đúng đắn và ý nghĩa sâu sắc mà ông cha ta khẳng định về mối quan hệ giữa cuộc sống và sự nghiệp chính là câu tục ngữ “an cư lạc nghiệp”, nghĩa là, có ổn định chỗ ăn chỗ ở thì mới an lòng mà lo công việc sinh kế hoặc phát triển cuộc sống. Hay nói trên bình diện pháp lý, nếu một gia đình hay cá nhân có nơi cư trú ổn định theo đúng pháp lý thì họ được đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân cách rõ ràng và bền vững để dễ ổn định cuộc sống hơn. Tương tự như bình diện của luật dân sự, những ai đón nhận Bí tích Rửa Tội, thì được sáp nhập vào Giáo hội và trở thành thể nhân trong Giáo hội, nghĩa là họ lãnh nhận tư cách chủ thể các nghĩa vụ và quyền lợi riêng của người Kitô hữu theo hoàn cảnh và mức độ hiệp thông với Giáo hội , nhưng để có thể hành sử những quyền lợi ấy cách đầy đủ thì phải chờ tới 18 tuổi. Tuy nhiên, từ khi được 7 tuổi trọn thì thể nhân có quyền chọn bán cư sở riêng cho mình . Vì vậy, việc xác định cư sở và bán cư sở có những hậu quả pháp lý không nhỏ. Trong phạm vi bài viết, xin được nêu lên một yếu tố rất quan trọng: chính bởi nơi cư trú mà một tín hữu trở thành phần tử của một Giáo phận hay Giáo xứ, từ đó, họ được biết ai là chủ chăn riêng của mình và họ cũng xác định được quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với mình.

Cho nên, khó khăn trước hết của các gia đình trẻ di dân, đó là vấn đề ý định cư ngụ của họ. Theo Giáo luật, điều 102: Để thủ đắc “cư sở” tại tại một Giáo xứ hay một Giáo phận, thì cần: (1) hoặc có ý định cư ngụ vĩnh viễn tại một nơi hoặc (2) trên thực tế, đã cư ngụ 5 năm tại nơi ấy. Để thủ đắc: “bán cư sở” tại một Giáo xứ hay một Giáo phận, thì cần (1) hoặc là có ý định hoặc (2) trên thực tế, đã cư ngụ 3 tháng tại nơi ấy. Do vậy, nếu các gia đình đã có ý định rõ ràng, có nhà cửa, thì dễ dàng đăng ký sinh hoạt vào trong một giáo xứ hay giáo phận và họ có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ hay đón nhận được quyền nghĩa vụ cách trọn vẹn và cụ thể. Nhưng với những gia đình mà điều kiện sống con quá khó khăn (thuê nhà trọ hay là thường xuyên di chuyển chỗ này đến chỗ khác,...) xét về phương diện cụ thể thì họ vẫn thuộc Giáo xứ quê nhà, nhưng họ lại làm việc và sinh sống ở nơi khác, thì quả thật khó khăn cho đời sống Kitô hữu của họ.

Kế đến, trong tình trạng của các gia đình trẻ di dân, họ vẫn chưa được đồng hành, chưa được hướng dẫn để đăng ký sinh hoạt vào các địa hạt của một Giáo xứ để được đón nhận quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một Kitô hữu. Phần lớn, nơi các gia đình trẻ di dân hiện nay, việc sinh hoạt và các thực hành đạo đức trong đời sống đức tin chỉ dừng lại qua việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và Bí tích Hòa Giải, còn các nghĩa vụ và quyền lợi khác thì họ chưa đón nhận tất cả.

 

 

2. Ưu tư về đời sống đức tin và các thực hành đạo đức

 
Nơi các gia đình Kitô hữu trẻ di dân, chúng ta nhận thấy bên cạnh những như cầu về đời sống vật chất, thì đời sống thiêng liêng với các thực hành đạo đức là điều không thể không quan tâm. Thực tế cuộc sống nhiều khi đặt các gia đình trẻ chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà quên đi và dần đánh mất cảm thức đức tin với những thực hành đạo đức thiêng liêng. Giúp cho các gia đình trẻ ý thức và làm mới lại đời sống đức tin là điều quan trọng. Nơi đời sống của các gia đình trẻ di dân, đức tin giúp mọi người tin tưởng, đón nhận, lắng nghe, vâng phục và sống Lời Chúa. Chính nhờ đức tin mà các thành viên trong gia đình sống tương quan tình yêu, chia sẻ và đón nhận tất cả, vượt qua những thách đố từ chính hoàn cảnh của mình. Đức tin giúp cho các thành viên can đảm đón nhận chính hoàn cảnh thực tế của mình. Do đó, nếu gia đình muốn hoàn thành những kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mỗi người, chắc chắn mỗi người trong gia đình phải bám víu vào đời sống đức tin.

Tuy nhiên, gia đình trẻ di dân hiện nay đang đối diện với muôn vàn sóng gió về đời sống đức tin. Trước hết, họ phải đối diện với một xã hội đang thay đổi nhanh chóng và đa dạng đã làm ảnh hưởng không ít đến đời sống trong gia đình. Kế đến, bên khía cạnh tích cực, đó là quyền tự do cá nhân được đề cao trong xã hội hiện nay, thì chúng ta thấy xuất hiện mặt tiêu cực, đó là con người quá dựa vào tự do cá nhân làm thay đổi mối quan hệ gia đình và kết thúc việc coi mỗi thành viên trong gia đình như một hòn đảo, bởi chính cá nhân tự xây dựng cuộc sống theo mong muốn ích kỷ của chính mình và coi ý cá nhân của mình là tuyệt đối, là đúng hết, trong khi đó đời sống gia đình cần xây dựng trên một mối tương quan yêu thương và đùm bọc lẫn nhau . Ngoài ra, một trong những nhược điểm lớn nhất của nền văn hóa ngày nay là sự cô đơn, hậu quả của sự thiếu vắng Chúa trong đời sống con người và sự mong manh của các mối quan hệ. Cũng có một cảm giác chung là bất lực trước thực tế kinh tế - xã hội thường làm tan nát các gia đình, bởi nỗi lo lớn nhất cho các gia đình là công ăn việc làm, cơm áo, gạo tiền và nhà cửa.

Chính vì thế, chúng ta thấy rằng cuộc khủng hoảng đức tin trong đời sống gia đình, phần lớn bị ảnh hưởng bởi vấn đề tục hóa, xã hội, kinh tế, công ăn, việc làm, sức khỏe, tiền bạc, tương quan giữa các thành viên và con cái… Khi đối diện với những vấn đề này, các gia đình trẻ di dân thường bị xoay chuyển theo chiều hướng tìm giải pháp để giải quyết và chạy đua theo lối sống của xã hội mà quên giá trị nền tảng nơi chiều sâu tâm linh, đó là niềm tin vào Chúa. Chỉ có Chúa mới là chỗ dựa vững chắc và chỉ có đường lối của Thiên Chúa mới giúp cho chúng ta từng bước gỡ rối khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

 

 

3. Ưu tư về những vấn đề luân lý và đạo đức

 
Một lợi thế cho các gia đình trẻ di dân hiện nay, đó là sự phát triển của xã hội, của khoa học hiện đại đã mang đến biết bao nhiêu thuận lợi và sự tiện nghi để các gia đình trẻ thăng tiến đời sống. Có thể nói, các gia đình trẻ di dân hiện nay đang nỗ lực để vừa lưu giữ các giá trị truyền thống của gia đình, vừa tiếp nhận các yếu tố của xã hội văn minh, hiện đại. Trong số các giá trị luân lý, đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình , kế đến là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực mà chúng ta đã nhìn nhận được, chúng ta thấy đời sống của gia đình trẻ di dân hiện nay cũng phải đối diện với vô vàn những thách đố, trong đó là vấn đề luân lý, đạo đức là các yếu tố cần chú trọng.

Chúng ta có thể liệt kê ra một vài điểm chú ý về những ảnh hưởng về luân lý, đạo đức. Trước hết, chúng ta có thể đề cập trào lưu hiện đại đang tấn công nền luân lý Kitô giáo mà Đức Thánh Gioan Phaolô II nói đến chính là trào lưu của chủ nghĩa tục hóa (secularism). Trào lưu này có hai đặc điểm chính: đòi quyền tự quyết về cách thức suy tư và cách sống khi tham chiếu những chuẩn mực luân lý của tôn giáo và những nguyên tắc siêu hình học; thứ đến, khẳng định con người chỉ cần những nguyên tắc và những chuẩn mực giúp định hướng đời sống luân lý của mỗi cá nhân . Kế đến, bối cảnh của cuộc sống xã hội vật chất, công ăn, việc làm, giáo dục và các tương quan khác đã làm cho các gia đình trẻ di dân gặp phải muôn vàn khó khăn trong vấn đề tình yêu vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Cuối cùng, con người ngày nay đang quá đề cao tự do cá nhân tuyệt đối để tránh né lương tâm luân lý, giá trị của nền đạo đức hay nói cách khác là người ta tìm cách biện luận theo ý riêng của chính mình để gạt ra bên ngoài quy luật nền tảng về luân lý.

Chính vì thế, chúng ta thấy không thiếu những vấn nạn luân lý, đạo đức đã và đang len lỏi, ảnh hưởng, đồng thời diễn ra cách phổ biến và ngày càng phức tạp làm thay đổi đời sống của các gia đình trẻ di dân. Chúng ta thấy xuất hiện một vài vấn nạn luân lý nơi các gia đình trẻ di dân, chẳng hạn như: ngoại tình, phá thai, tránh thai, đặt vòng, số đề, cờ bạc, ma túy và bạo lực trong đời sống gia đình.

 

 

II. THAO THỨC MỤC VỤ CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ DI DÂN

 
Mục vụ cho các gia đình trẻ di dân ngày nay là một thực tế được đặt ra từ chính bối cảnh sống của người di dân và đây là điều quan trọng trong việc định hướng phát triển toàn diện và bền vững nhằm “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Bởi họ là đối tượng mà Giáo hội địa phương cần phải dành nhiều sự quan tâm hơn. Chính khó khăn và thách đố trong cuộc sống đã tự làm cho những nếp sống đạo thường tình của các gia đình trẻ di dân dễ bị thay đổi vì hoàn cảnh. Điều này sẽ là một nguy cơ dẫn đến sự xa lìa đức tin, buông nhẹ đời sống luân lý và đạo lý, nếu họ không được quan tâm chăm sóc mục vụ kịp thời. Chúng ta cùng nhau mở ra một viễn cảnh mục vụ cho các gia đình trẻ di dân.
 

 

1. Giáo hội Việt Nam với định hướng mục vụ cho các gia đình trẻ di dân

 
Giáo hội tại Việt Nam đã nhận thức về hiện trạng gia đình trong một bối cảnh mới của đất nước: “Đời sống gia đình tại Việt Nam đang trải qua nhiều biến đổi. Mô hình truyền thống về gia đình đang lỏng lẻo dần. Mối tương quan giữa cha mẹ và con cái có nguy cơ rạn nứt; sự chung thủy trong hôn nhân bị đe dọa; số ly dị đang lớn dần cũng như nạn phá thai đang đến mức báo động ngay giữa các kitô hữu; trào lưu sống thử cũng đã có mặt giữa các bạn trẻ Công giáo. Trước những tiêu cực đó, cần nhấn mạnh rằng hôn nhân là một ơn gọi và các Kitô hữu trong bậc sống ấy hoàn toàn có thể đạt tới sự thánh thiện cao độ của đức ái trọn lành. Giáo hội vẫn minh định gia đình là Giáo hội tại gia và là nền tảng của Giáo hội và xã hội. Hơn nữa, gia đình còn là chiếc nôi và trường dạy sự hiệp thông. Vì thế, Giáo hội tại Việt Nam mong muốn các chủ chăn giúp các gia đình trẻ bằng một nền giáo lý tiền hôn nhân vững chắc và hợp thời cũng như vận dụng các sáng kiến cho mục vụ hậu hôn nhân. Nhờ đó, các gia đình trẻ có thể vượt thắng các khó khăn và trở nên chói sáng nhờ chứng từ đức ái và sự chung thủy. Tuy nhiên, vì đời sống gia đình là một ơn gọi, nên gia đình sẽ không thể canh tân được nếu không dựa trên cầu nguyện, vì “không có Thầy, các con chẳng làm được gì” (Ga 15, 5)” .

Trong những năm từ 2016-2019, định hướng mục vụ của Hội Thánh Việt Nam tập trung chính yếu vào việc chăm sóc và đồng hành cho các gia đình với những điểm nhấn cho từng năm: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; Đồng hành với các gia đình trẻ; Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn . Đặc biệt, với các gia đình trẻ di dân, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định rằng: “Ngày nay, vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ có một số ít thành công, còn phần lớn gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, nhiều khi họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và tin tưởng bước tới tương lai ngay giữa những khó khăn thử thách” .

Gần đây nhất, Giáo Hội Việt Nam trong việc quan tâm đến người trẻ đã dành ba năm 2019-2022 để chăm lo mục vụ giới trẻ. Chủ đề chính cho năm 2021 này là: “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Thư mục vụ nhấn mạnh: “Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà. Gia đình cũng là nơi người trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm. Ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện, mái ấm yêu thương và nơi đào tạo con người trưởng thành toàn diện” (số 6) . Với thao thức này, Giáo Hội Việt Nam cũng mong muốn người trẻ trong các gia đình di dân hãy vun đắp gia đình của mình thành gia đình cầu nguyện, chan chứa tình yêu thương và thành nơi giáo dục con người trưởng thành toàn diện.

 

 

2. Tái khám phá vai trò của giáo xứ và cha xứ trong việc chăm sóc cho các gia đình trẻ di dân

 
Trước hết, chúng ta định nghĩa: Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định, được thành lập cách cố định trong một Giáo hội địa phương, mà việc chăm sóc mục vụ được uỷ thác cho một linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền của Giám mục giáo phận . Giáo xứ được hình thành nhằm để đáp ứng mọi nhu cầu mục vụ rõ rệt, cụ thể là đem Tin Mừng đến với dân chúng bằng việc thông truyền Đức tin và cử hành các Bí tích. Nguyên nghĩa của từ “giáo xứ” cho thấy rõ ý nghĩa của cơ chế này: giáo xứ là một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà và lời giải đáp cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống và hoạt động giữa cộng đoàn. Công Đồng Vaticanô II, trong Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem khẳng định rằng: “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo hội địa phương.” .

Kế đến, trong giáo xứ, cộng đoàn Kitô hữu là yếu tố cơ bản của giáo xứ và cha sở là vị chủ chăn riêng của giáo xứ được trao phó để thi hành trách nhiệm mục vụ của cộng đoàn được uỷ thác cho ngài, dưới quyền Giám mục Giáo phận. Cha sở được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục hoặc các phó tế khác và với sự giúp đỡ của các giáo dân . Với nhiệm vụ giảng dạy, cha sở có bổn phận mang Lời Chúa không những tới các tín hữu trong giáo xứ, nhưng còn cho hết những người đang sống trên lãnh thổ của giáo xứ, kể cả những người ngoại đạo vô thần . Trong nhiệm vụ thánh hóa của cha sở, trước hết chúng ta thấy ưu tiên đầu tiên đó chính là làm cho Bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ. Kế đến, ngài cổ võ cho các tín hữu tích cực lãnh nhận các Bí tích và tham gia cách sống động vào các cử hành phụng vụ và thúc đẩy đời sống cầu nguyện. Cuối cùng, nhiệm vụ lãnh đạo, cha sở hãy lo liệu tìm hiểu đoàn chiên của mình, chia sẻ những vấn đề của họ, cũng như sửa dạy các lỗi lầm của họ, đặc biệt ngài phải quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật, những người cô đơn, những người tha hương, cũng như những người đang gặp những khó khăn. Hơn thế nữa, ngài cũng phải ra sức nâng đỡ các bậc vợ chồng và các bậc cha mẹ trong việc chu toàn bổn phận riêng của họ và phải cổ vũ sự thăng tiến đời sống Kitô giáo trong gia đình.

Như vậy, với vai trò trách nhiệm mục vụ hướng đến mọi thành phần dân Chúa thuộc địa hạt mình, đặc biệt chú ý đến gia đình trẻ di dân để giúp họ hòa nhập và tham gia mọi hoạt động nơi giáo xứ, cha sở cùng với cộng đoàn giáo xứ thực hiện yếu tố trọng tâm sau đây: làm Chứng tá (martyria), cử hành Phụng vụ (leiturgia), Hiệp thông (koinonia), Phục vụ (diakonia), và Truyền giáo (missio).

a. Martyria: làm chứng tá. Giáo xứ là một cộng đồng lắng nghe Lời Chúa và làm chứng tá cho đức tin bằng lời giảng và bằng đời sống. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, huấn giáo này cũng phải hướng đến cho các gia đình trẻ di dân.

b. Leiturgia: cử hành phụng vụ. Giáo xứ là một cộng đồng được triệu tập để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, đặc biệt qua việc cử hành Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của cuộc sống và hành động. Ngoài phụng vụ Bí tích, giáo xứ còn cổ động việc cầu nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau (các việc đạo đức bình dân), như vậy các các gia đình trẻ di dân cũng được mời gọi để hiệp thông và dự phần cách tích cực vào các cử hành này.

c. Koinonia: hiệp thông. Giáo xứ là một cộng đồng hiệp thông: hiệp thông giữa những cá nhân trong giáo xứ, hiệp thông giữa những hội đoàn, những tầng lớp xã hội. Sự hiệp thông của giáo xứ còn mở rộng ra sự hiệp thông với giáo phận và Giáo hội phổ quát, các gia đình trẻ di dân cũng là thành phần quan trọng của Giáo hội, nên họ cũng phải hiệp thông trọn vẹn với toàn thể Giáo hội .

d. Diakonia: phục vụ. Giáo xứ là một cộng đồng phục vụ, mở rộng đến việc đáp ứng những nhu cầu tinh thần và vật chất của các phần tử cũng như của những người láng giềng, đặc biệt là người nghèo. Gia đình trẻ di dân cũng được phục vụ và cũng chia sẻ sứ mạng phục vụ cho anh chị em khác.

e. Missio: truyền giáo. Giáo xứ chia sẻ sứ mạng đem Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, hoặc những người đã lìa bỏ nhà thờ. Trong tình trạng gia đình trẻ di dân gặp những khủng hoảng, cha sở và giáo xứ đem sứ mạng tái rao giảng Tin Mừng để các gia đình trẻ di dân họ trở về lại tham dự vào những sinh hoạt của Giáo hội.

 

 

3. Hướng đến nghĩa vụ và quyền lợi của các gia đình trẻ di dân

 
Dựa vào Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II, chúng ta có thể khẳng định rằng các gia đình trẻ di dân, cũng là những tín hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy, được sáp nhập vào thân thể Đức Kitô, làm thành dân Chúa và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô theo cách thế riêng của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo hội và giữa thế giới . Chính vì thế, họ cũng có những nghĩa vụ và quyền lợi trong bậc sống tại nơi mà họ hiện diện. Giáo hội phải đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi này cho họ. Xin được nêu lên một số quyền lợi và nghĩa vụ của Kitô hữu theo Giáo luật, cách riêng đề cập đến những người di dân.

Trước hết, nghĩa vụ của các gia đình trẻ di dân, họ phải duy trì sự hiệp thông với Giáo hội và tuân hành các luật lệ của Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương (Đ. 209); phải đạt đến sự thánh thiện cá nhân như phương tiện để tăng trưởng Hội thánh và để cổ võ sự thánh hóa Hội thánh (Đ. 210); có nghĩa vụ và quyền lợi cộng tác với sứ điệp cứu độ (Đ. 211); phải vâng phục các chủ chăn, đại diện Chúa Kitô, trong tư cách là thầy dạy đức tin và dẫn dắt Giáo hội (Đ. 212 §1) và đồng thời có nghĩa vụ cổ võ công bằng xã hội, và quan tâm đến nhu cầu người nghèo (Luật tự nhiên; Đ. 222 §2).

Kế đến, quyền của các gia đình di dân trẻ: quyền thỉnh nguyện, bộc lộ những nhu cầu, cách riêng những nhu cầu thiêng liêng, và các nguyện vọng lên các chủ chăn (Đ. 212 §2); bày tỏ ý kiến liên quan đến công ích của Giáo hội, quyền tạo ra công luận trong Giáo hội (Đ. 212 §3); lãnh nhận các của cải thiêng liêng, nhất là Lời Chúa và các Bí tích từ các chủ chăn (Đ. 213); phụng thờ Thiên Chúa theo nghi điển riêng, và quyền theo linh đạo riêng (Đ. 214); lập hiệp hội nhằm những mục tiêu từ thiện, đạo đức hoặc cổ võ ơn gọi Kitô giáo (Đ. 215); cổ võ hoạt động tông đồ (Đ. 216).

Cuối cùng, họ được đón nhận một vài quyền lợi nói trên thuộc về “Luật tự nhiên”, chứ không phải là đặc hữu của người kitô hữu trong Hội thánh, chẳng hạn như: họ đều được bình đẳng về phẩm giá và hoạt động (Đ. 208); có bổn phận phải luôn duy trì sự hiệp thông (Đ. 209); bổn phận nên thánh (Đ. 210); bổn phận tham gia vào sứ mạng của Hội thánh (Đ. 211); có những nghĩa vụ và quyền lợi phát xuất từ tương quan giữa các tín hữu với hàng giáo phẩm: bổn phận vâng phục (Đ. 212 §1); quyền bộc lộ những nhu cầu với các chủ chăn (Đ. 212 §2); quyền lợi và nghĩa vụ bày tỏ cho các chủ chăn và cộng đồng ý kiến về thiện ích của Giáo hội (Đ. 212 §3); Những quyền lợi đối với các phương tiện thánh hóa mà phải có: quyền được lãnh nhận những của cải thiêng liêng của Giáo hội (Đ. 213); quyền được phụng thờ Thiên Chúa theo nghi điển riêng và quyền đi theo một linh đạo riêng (Đ. 214). Những bổn phận và quyền lợi liên quan đến sứ mạng của Hội thánh: quyền được thành lập và điều khiển các hiệp hội và quyền nhóm họp (Đ. 215); quyền được nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng những sáng kiến riêng (Đ. 216); quyền được nhận lãnh một nền giáo dục Kitô giáo (Đ. 217); quyền được tự do truy tầm và được phổ biến kết quả nghiên cứu, dành cho những người dấn thân cho các thánh khoa (Đ. 218). Ngoài ra, họ được hưởng vài quyền lợi cá nhân: quyền tự do lựa chọn bậc sống (Đ. 219); quyền giữ thanh danh và bảo vệ đời tư (Đ. 220); quyền được bảo vệ những quyền lợi của mình trước các tòa án Giáo hội (Đ. 221§1); quyền được xét xử theo pháp luật được áp dụng theo lẽ phải (Đ. 221§2); quyền chỉ thụ hình theo quy tắc luật pháp (Đ. 221§3). Và trong những nghĩa vụ mang nội dung xã hội, họ bổn phận giúp đỡ các nhu cầu của Giáo hội (Đ. 222 §1); bổn phận cổ võ công bằng xã hội và giúp đỡ người nghèo (Đ. 222§2); bổn phận, khi thi hành quyền lợi cá nhân, phải lưu ý đến công ích của Giáo hội, các quyền lợi của tha nhân và bổn phận của mình đối với tha nhân (Đ. 223) .

 

 

III. KẾT LUẬN

 
Việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trẻ di dân luôn là thao thức mà Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương đang rất quan tâm, bởi Giáo hội nhận biết rằng họ là những Kitô hữu đang cố gắng để tìm kiếm một cuộc sống mới và chắc chắn họ sẽ có những vận may mới, nhưng họ cũng sẽ gặp phải muôn vàn thách đố về cả đời sống và đức tin. Giáo hội luôn mong muốn đồng hành với mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để mở ra một đường hướng cụ thể, thực tế và hiệu quả, chúng ta phải thừa nhận đây là một vấn đề nan giải, bởi môi trường sống, bối cảnh xã hội và các yếu tố tác động khác. Hơn thế nữa, vấn đề tổ chức nhân sự là điều không dễ dàng chút nào.

Những ưu tư trên phát xuất từ những kinh nghiệm thực tế, những thao thức trên là định hướng của người viết trong cảm thức chung với toàn Giáo hội, cách riêng người viết muốn diễn giải qua những hướng dẫn từ góc nhìn Giáo luật để cùng đồng hành và định hướng cho những gia đình trẻ di dân.

Chúng ta cần có một tổ chức nối kết giữa các ủy ban trong Hội Đồng Giám Mục, tiếp đến là các Giáo phận, các Hội dòng, Tu đoàn tông đồ, quan trọng nhất là Giáo xứ, các Cha xứ, các tổ chức hội đoàn và mọi thành phần trong Giáo xứ. Mong sao tất cả các thành phần dân Chúa, cách riêng là các gia đình trẻ di dân, đều ý thức về việc mục vụ này và chung tay cộng tác với các vị mục tử, để gìn giữ đời sống đức tin, xây dựng hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái trong tình yêu của Chúa. Cuộc sống nào cũng luôn có những thuận lợi và khó khăn, điều quan trọng là chúng ta luôn đi trong đức tin, đi trong sự hiệp nhất của Giáo hội và đi theo những giá trị của Tin Mừng. Tất cả yếu tố này làm nên một nền tảng vững chắc để giữ vững hạnh phúc và giúp cho gia đình vượt qua khó khăn.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021) 

Lm. Phêrô Nguyễn Hùng Hải,
Dòng Thừa Sai Đức Tin


https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uu-tu-va-thao-thuc-muc-vu-cho-cac-gia-dinh-tre-di-dan-42741