Đối với Giáo hội, di dân là giải pháp chứ không phải là vấn đề

29/04/2018
1574
Người lao động ở nước ngoài cũng có thể là nhà truyền giáo.
 
Linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll chịu trách nhiệm xuất bản của ucanews.com, sống ở Tokyo.

Các giám mục Nhật Bản gần đây có chuyến hành hương ad limina đầu tiên sang thăm Đức Thánh cha Phanxicô. Các giám mục có bổn phận hành hương sang Rôma 5 năm một lần để báo cáo tình hình Giáo hội trong giáo phận và quốc gia của mình. Vì nhiều lý do khác nhau mà 7 năm nay các Giám mục Nhật Bản mới thực hiện một chuyến hành hương như thế.

Tờ Nhật báo Công giáo online của Giáo hội Nhật Bản nói nhiều đến quyền tự do mà các giám mục có thể thảo luận với Đức Thánh cha, quyền tự do thảo luận với các viên chức Vatican khác nữa. Đó là điều đáng đưa tin vì trước đây những người ở Rôma thường nói nhiều hơn là lắng nghe.

Một trong những vấn đề mà các giám mục thảo luận với Đức Thánh cha đó là chăm sóc mục vụ cho di dân và vai trò thừa sai của họ. Những di dân như thế bao gồm người tị nạn, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cả những người đi làm ăn trên khắp thế giới.

Đây là một vấn đề quan trọng không chỉ ở Nhật Bản, mà còn trên cả thế giới, trong đó có Giáo hội tại Á châu, và có lẽ đặc biệt ở đây là trường hợp di dân xa nhà vì việc làm.

Đi qua các sân bay ở châu Á, bạn sẽ thấy người lao động đến từ Bangladesh, Indonesia, Nepal, Pakistan, Philippines, Thái Lan và các nơi khác bắt đầu đi làm hoặc đi làm về, thường thì họ làm những công việc phục vụ và nguy hiểm, ở những nơi như Đông Á và Trung Đông.

Có tới 10% dân Philippines đi xuất khẩu lao động, và đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này. Tiền của họ gửi về nhà trở thành một trong những trụ cột kinh tế của quốc gia này.

Chăm sóc những người này ở các nước xuất khẩu lao động và các nước tiếp nhận lao động là một thách thức mục vụ ngày càng rất lớn.

Các nước xuất khẩu lao động gặp phải các vấn đề gia đình đổ vỡ khi một hay cả hai bố mẹ do tình cảnh bắt buộc hay theo đuổi những giấc mơ thường là hão huyền phải xa con cái để tìm việc làm ở nước ngoài.

Những người hợp đồng lao động vô đạo đức lợi dụng những người trẻ ngây thơ, ít học hành. Những người lao động bị tai nạn và mắc các bệnh liên quan đến lao động dẫn đến mất khả năng lao động khi trở về nhà cần được chăm sóc, nhưng gia đình nghèo không thể lo cho họ được. Những trường hợp khác đặc biệt là phụ nữ khi trở về nhà thường bị tổn thương thể lý, tâm lý và tinh thần do bị lạm dụng và khai thác tình dục và thể xác.

Trong các nước tiếp nhận những người lao động như thế, thường ít để ý bảo vệ họ tránh tình trạng khai thác. Họ thường sống và làm việc trong những điều kiện không an toàn, ít được bồi thường hay chữa trị trong trường hợp bị tổn thương. Người lao động bị lừa gạt tiền công. Họ nhớ nhà. Đặc biệt phụ nữ bị lạm dụng hoặc bị ép vào con đường mại dâm. Thường thì phụ nữ đi làm ở nước ngoài cảm thấy mình hỗ trợ tài chính cho người chồng không chung thủy khi trở về nhà.

Ở cả nước xuất khẩu lao động lẫn nước tiếp nhận lao động, Kitô hữu, thường có ít nguồn lực và ít sự hỗ trợ, nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người đàn ông và phụ nữ này.

Tại các nước tiếp nhận lao động như Nhật Bản chẳng hạn, ngoài nỗ lực đáp ứng các nhu cầu, còn có một thách thức nữa đó là chăm sóc mục vụ cho di dân Công giáo. Bất đồng ngôn ngữ và văn hóa thường khiến các lãnh đạo Giáo hội và thừa tác viên vất vả chăm lo nhu cầu mục vụ, bí tích và phụng vụ cho di dân.

Không ngạc nhiên gì khi người ta xem tình hình của di dân là vấn đề đối với Giáo hội địa phương.

Tuy nhiên, trong chuyến hành hương ad limina, các giám mục Nhật Bản dường như nhìn xa hơn các vấn đề này và thấy được cơ hội mà di dân mang lại cho Giáo hội trong các nước có mùa gặt thật lớn nhưng thợ gặt lại ít.

Cơ hội đó là di dân có thể đóng vai trò thừa sai trong nước tiếp nhận họ. Di dân Công giáo chẳng hạn những người đến Nhật Bản từ Brazil, Peru và Philippines có thể và nên được Giáo hội chào đón như là những tác nhân truyền giáo mới, thúc đẩy và tiếp sức cho các hoạt động Công giáo địa phương.

Tuy nhiên, tuyên bố những người Công giáo này hiện nay là các nhà truyền giáo không phải là một vấn đề đơn giản. Họ thường xuất thân từ những nơi Kitô hữu chiếm đa số. Có thể họ chưa từng gặp mặt những người ngoài Kitô giáo, chứ đừng nói là các xã hội ngoài Kitô giáo, cho đến khi họ trở thành di dân.

Giáo lý của họ thường không hợp để làm chứng cho Phúc âm tại nơi ở mới. Cách sống đạo của họ cần thay đổi cho phù hợp với Giáo hội và văn hóa ở nơi họ sống, kiểu thích nghi này cần phải có ở tất cả các thừa sai. Họ phải học cách làm Kitô hữu theo những cách mới, thay đổi một số tục lệ, bỏ đi một số nhưng đồng thời chấp nhận một số.

Đây là thách thức thực sự trong việc chăm sóc mục vụ ở những nước tiếp nhận di dân. Cử hành phụng vụ và bí tích bằng ngôn ngữ của họ là chưa đủ.

Như các giám mục Nhật Bản đã tự làm hay làm theo gợi ý của Đức Thánh cha đó là công nhận những người Công giáo này, cũng như tất cả người Công giáo, có sứ mạng làm sứ giả Tin Mừng khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Sau đó phải hướng tất cả sự chăm sóc mục vụ cho họ đến việc giúp họ trở thành các nhà truyền giáo thực sự trong nơi ở mới hay nơi ở tạm của họ.

(Theo UCAN VIETNAM, 10.04.2015)