“Giêsu, Maria, Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa,
xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự”.
Anê Lê thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình.
Năm 17 tuổi cô kết hôn cùng anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hoà sinh hạ được hai con trai tên Đê và Trân và bốn gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Tháng 03.1841 đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục hiện diện tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân ở nhà ông tổng Phaolô Thức, cha Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và cha Ngân ở một nhà khác. Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Chính quan Tổng Đốc đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày lễ phục sinh (14.04.1841). Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: “Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt”.
Hành vi che giấu Đạo Trưởng của bà Đê không qua mắt được quan quyền, chính vì thế bà đã bị bắt cùng với Cha Lý, ông trùm họ và hai nũ tu Mến Thánh Giá. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa. Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định.
Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời…” Các quan truyền đánh đòn bà nhiều lần. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà, vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gia. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng : “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá”
Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn chịu thêm đau đớn của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu và giúp bà. Trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con hết long theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.
Cuối cùng bà dâng lời sau hết: “Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự”. Hôm đó là ngày 12.07.1841 thời Vua Thiệu Trị, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi. Thi hài Bà được an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.
Ngày 02.05.1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Chân Phước cho bà Anê Thành.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Kính ngày 12 tháng 7 hằng năm
Giáo phận Thanh hoá rất vinh dự là quê hương của người con ưu tú Annê Nguyễn Thị Thành. Thánh nữ duy nhất trong 118 vị Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam, xứng đáng nêu gương cho cả thế giới, cách riêng cho các bà mẹ Việt Nam về đời sống đức tin can trường.