Hạnh Linh Mục Phaolô Nguyễn Ngân (1771 – 1840)

06/11/2018
4009
http://giaophanthanhhoa.org/uploads/imgnews/1321802052.jpg
“Tạ ơn Chúa! Lòng tôi tràn ngập niềm vui. 
Trí tôi chỉ còn nghĩ đến con đường lên Trời, qua những khổ cực đời này”

 
Thánh linh mục Phaolô Nguyễn Ngân, sinh năm 1771 tại làng Cự Khánh – Thanh Hóa, nay là giáo họ Cự Khánh, giáo xứ Yên Khánh, giáo phận Thanh Hóa (Xã Định Công – huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hoá).

Từ nhỏ cậu Ngân đã có ý định dâng mình cho Chúa và được gia đình cũng như bà con làng xóm khích lệ tinh thần. Một tin vui đến với làng Cự Khánh là chú Ngân đã được bề trên xét đủ tư cách để được đi học tại Chủng viện Vĩnh Trị. Bạn học cùng lớp là chú Nguyễn Đình Nghi, người sau này cùng hưởng phúc vinh tử đạo cùng nhau. Tốt nghiệp Chủng viện và được thụ phong Linh mục, cha Ngân về giúp xứ Phúc Nhạc, phụ trách họ Duyên Mậu và các họ lẻ quanh vùng. Được ít lâu, cha bị bệnh sốt rét, được Bề Trên đưa về nghỉ và dạy học tại Chủng viện Vĩnh Trị trong khoảng thời gian 7 năm. Sau khi sức khỏe phục hồi, cha được đưa về làm chánh xứ Trình Xuyên trong 3 năm và sau đó về làm phó xứ Kẻ Báng giúp cha Giuse Nguyễn Đình Nghi, bạn học, được gần một năm thì bị bắt.

Dưới thời Trịnh Quang Khanh, Tổng đốc Nam Định, một người khét tiếng ghét đạo Công giáo. Ông đã cho quân đi truy lùng các xóm làng xuốt ngày đêm để tìm bắt các đạo trưởng, thậm chí ông còn treo giải thưởng cho ai chỉ điểm nơi ẩn náu của các ngài. Một lý trưởng ngoại đạo bị giam tại Nam Định, vì muốn lập công chuộc tội, đã xin Trịnh Quang Khanh cho đi dò thám làng Kẻ Báng để bắt các đạo trưởng. Khi biết chắc trong làng có chứa chấp các ngài, thì mật báo về phủ Nam Định.

Ngày 30 tháng 5 năm 1840, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, quan Phủ Thiện Bổn cùng 1000 quân lính bao vây làng Kẻ Báng, bắt dân tập hợp ra sân đình để điểm danh. Nam nhân trên 15 tuổi bị trói tập trung lại một nơi. Tất cả phải ngồi phơi nắng, phơi sương suốt hai ngày đêm. Đồng thời cho lính đi lục soát tất cả hang cùng ngỏ hẻm. Ngày thứ nhất và thứ hai không tìm thấy linh mục nào, ngày thứ ba quan đã cho lệnh phá các vách ngăn dầy trong nhà dân và đã bắt được cha Nguyễn Ngân, cha Nguyễn Đình Nghi và cha già Thịnh đã hơn 80 tuổi đang bị bệnh. Ông Gioan Baotixita Cỏn – lý trưởng làng Kẻ Báng, ông Martino Thọ và 20 giáo dân cũng bị bắt, giải về nhà lao Nam Định cùng với ba cha vì can tội chứa chấp các đạo trưởng.

Ròng rã suốt ba tháng, trong chốn lao tù ở trại Lá hay trại quan Thượng Nam Định, cả ba linh mục bị đóng gông, đêm đến lại bị xích xiềng. Nhiều lần bị điệu đến trước mặt quan, bị tra tấn, buộc khai báo nơi ẩn trốn của các đạo trưởng Tây dương hay bị buộc quá khóa (bước qua thánh giá); dầu bị bỏ đói và phơi nắng suốt ngày không cho ăn uống chút gì, nhưng vẫn không lay chuyển nổi sự can trường trong đức tin của các ngài.

Ngày 14.10.1840, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh lên án tử hình và đệ trình bản án về kinh đô và đã được Minh Mạng châu phê.

Ngày 08.11.1840, toàn thể 5 vị Anh hùng Đức tin bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu với đoàn bính lính hùng hậu áp giải. Tại pháp trường, cha Phaolô Nguyễn Ngân nói lên những lời bất khuất, ghi đậm trong tâm các tín hữu hai xứ Kẻ Bền (xứ cũ khi chưa tách xứ Yên Khánh) và Kẻ Báng : "Tạ ơn Chúa ! Tạ ơn Chúa ! Lòng tôi tràn ngập niềm vui. Trí tôi chỉ còn nghĩ đến con đường lên Trời, qua những khổ cực đời này".

Cha Martino Tạ Đức Thịnh, Cha Giuse Nguyễn Đinh Nghi, Cha Phaolô Nguyễn Ngân, Ông Gioan Baotixita Trần Ngọc Ban (Cỏn) và Ông Martinô Trần Ngọc Quang (Thọ) thinh lặng, qùi gối cầu nguyện. Lý hình trói các ngài vào năm chiếc cọc và năm chiếc đầu lần lượt rơi xuống, năm dòng máu chan hòa mặt đất.

Cha Nguyễn Ngân, hưởng thọ 69 tuổi, lãnh ngành lá vạn tuế ngày 08.11.1840, Thầy giảng Sự rước xác cha Phaolô về an táng tại làng Kẻ Báng. Cha Nguyễn Ngân được nâng lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900 do Đức thánh cha Lêô XIII và Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh vào ngày 19.06.1988 tại Giáo đô Roma.