
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG ÁNH SÁNG CỦA LINH ĐẠO THÁNH I-NHÃ
WHĐ (07/7/2025) – Bốn thuật ngữ có thể giúp sử dụng AI một cách khôn ngoan hơn: phân định (discernment), hơn nữa (magis), hồi tâm (examen), chiêm niệm trong hoạt động (contemplation in action). Bốn thuật ngữ này tương đối phổ biến khi diễn giải về linh đạo I-nhã.
3. Hồi tâm, phản tỉnh về việc sử dụng AI |
Dẫn nhập
Tôi trích lời nhận xét của Lm. Robert Ballecer SJ, chuyên gia công nghệ tại Vatican: “Bản chất của AI hiện đại là sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều ngành khoa học, các nền văn hóa và nhiều tầng lớp dân chúng, điều này thực ra rất phù hợp với thông điệp nền tảng của Dòng Tên: Tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Tuy nhiên, việc không có sự phân biệt trong dữ liệu dùng để huấn luyện mô hình AI, lại đi ngược với nguyên lý cơ bản của Dòng Tên.”[1]
AI đang đem lại những biến chuyển sâu rộng trong giáo dục và xã hội[2]. Chẳng hạn tôi đồng ý với nhận định của giáo sư công nghệ Paul Tallon: “Trong tương lai, chúng ta sẽ phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, và sẽ không thể làm các công việc hằng ngày nếu thiếu AI.”[3] Trong giáo dục cũng thế. Có lẽ vì điều này mà nhiều đại học đã và đang lập hội đồng chuyên trách về AI, chỉnh sửa chính sách và giáo trình nhằm giúp sinh viên thăng tiến, hoặc ít là ngăn họ không lạm dụng AI để gian lận. Điều chớ trêu là chính các trường học cũng cần đến AI để phát hiện xem sinh viên dùng bao nhiêu phần trăm AI trong bài viết! Cả hai đều phụ thuộc vào máy móc! Tôi nghĩ cách tiếp cận này thường mang tính đối phó nhất thời.
Với truyền thống giáo dục lâu đời, các nhà giáo dục Dòng Tên không đứng ngoài cuộc. Lợi thế là linh đạo Thánh I-nhã đã cung cấp sẵn những định hướng nền tảng giúp chúng ta đương đầu và thích nghi với thách đố của AI một cách căn cơ hơn. Mục tiêu là sử dụng AI làm sao để được định hướng bởi các giá trị Tin Mừng và phục vụ lợi ích chung[4].
Đứng trước cuộc cách mạng AI, một câu hỏi đặt ra là: Liệu những nguyên tắc cốt lõi của linh đạo I-nhã có thể giúp người Công giáo đón nhận AI một cách tích cực và có trách nhiệm hay không? Để trả lời câu này, bốn thuật ngữ sau đây có thể giúp sử dụng AI một cách khôn ngoan hơn: phân định (discernment), hơn nữa (magis), hồi tâm (examen), chiêm niệm trong hoạt động (contemplation in action). Bốn thuật ngữ này tương đối phổ biến khi diễn giải về linh đạo I-nhã.
1. Phân định để sử dụng AI
Phân định là khả năng nhận ra và chọn lựa theo Thánh ý Thiên Chúa giữa muôn vàn lựa chọn trong cuộc sống. Thánh I-nhã thường nhắc chúng ta không quyết định vì “một tình cảm lệch lạc nào” (Linh thao 21). Vì điều này, mà trong Nguyên lý và nền tảng, ngài đề nghị chúng ta: “Chỉ được sử dụng thọ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở” (Linh Thao 23). Vậy có thể nói nhiệm vụ đầu tiên trong phân định theo Thánh I-nhã là nhận diện và tháo gỡ những dính bén lệch lạc đang trói buộc lòng mình.
Để đạt được mục đích trên, Thánh I-nhã liệt kê các nguyên tắc phân biệt thần loại (Linh Thao số 328-336). Trong đó, ngài viết: “Ðặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng” (Linh thao, số 329). Phân định không phải là quyết định thuần lý trí, nhưng là một tiến trình thiêng liêng lâu dài, đòi hỏi kiên nhẫn, cầu nguyện và tin tưởng. Khi tương quan thân tình với Chúa lớn lên, ta dần nhận ra kế hoạch yêu thương của Người luôn tốt đẹp hơn ý riêng mình. Kết quả của phân định là một tâm hồn tự do để đáp lại tiếng Chúa “cách quảng đại hơn”.
Trong bối cảnh AI, phân định đòi hỏi ta xét xem AI đóng vai trò gì trong đời sống cá nhân và cộng đoàn (nhân chủng học). Từ ý tưởng này, chúng ta phân biệt điều gì là lợi ích thật sự do AI mang lại, điều gì là nguy cơ hoặc cám dỗ cần tránh. Chẳng hạn, AI có thể giúp ta tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, nhưng thông tin đó có đưa ta đến gần chân lý và tình yêu hơn không, hay chỉ khiến ta chìm ngập trong “biển dữ liệu” hỗn độn? Khi áp dụng linh đạo I-nhã, chúng ta được mời gọi “sàng lọc” những tác động của AI trên tâm hồn mình, tương tự như khi xét mình hằng ngày: Việc sử dụng mạng xã hội, công cụ AI hôm nay đã đem lại cho tôi sự bình an, niềm vui phục vụ, hay khiến tôi lo lắng, phân tâm, thiếu bác ái? Việc phản tỉnh đều đặn như thế giúp người tín hữu nhận ra “thần lành” hay “thần dữ” đằng sau mỗi tương tác công nghệ, từ đó quyết định nên tiếp tục, điều chỉnh hay từ bỏ một ứng dụng AI nào đó. Ví dụ dùng AI để tạo tin giả, đạo văn hay gian lận, có thể đây là tác động của thần dữ. Hoặc AI khiến tôi phụ thuộc quá mức, điều gì cũng phải tìm thông tin trên AI, nghiện AI chẳng hạn.
Thực tế, AI có thể hỗ trợ tiến trình phân định nếu được sử dụng khôn ngoan. AI cung cấp thông tin đa chiều, đưa ra những gợi ý để ta cân nhắc lựa chọn tốt hơn trên cơ sở dữ liệu phong phú. Tuy nhiên, nguy cơ lớn là người dùng dễ phó thác hoàn toàn quyết định đạo đức cho AI. Điều này càng dễ xảy ra đối với thiếu nhi và người trẻ. Không ít người xem AI như một “nhà tiên tri” bất khả ngộ. Thánh I-nhã khuyên chúng ta phải chú ý đến tiến trình, đầu, giữa và cuối của một hành động, cũng như những hoa trái mà nó sinh ra, để nhận biết xem nó có từ Thiên Chúa hay không (Linh thao, số 333).
Nếu “đào sâu” những gì AI đề xuất, chúng ta có thể nhận ra không ít thiên kiến hoặc một chiều sau lớp vỏ bề ngoài hấp dẫn. Đơn giản vì đầu não của AI đặt ở một nước nào đó, do một công ty cài đặt. Hơn nữa, thậm chí AI có thể tự học, thì chúng có nguy cơ bị “giáo dục” lệch chuẩn. Đó chưa kể đến những tin tặc-hacker cố tình tạo tin giả. Ngoài ra, yếu tố chính trị được nhúng vào AI là hoàn toàn có thể, v.v.
Ví dụ trên chỉ là một trong những lý do khiến phân định Kitô giáo trong thời AI đòi hỏi một sự tỉnh thức cao: “Hãy cân nhắc các thần khí” (x. 1Ga 4,1), hãy đối chiếu đầu ra của AI với các giá trị Tin Mừng, với Giáo huấn Hội thánh và lương tâm ngay thẳng. Khi ChatGPT hoặc bất cứ AI nào đưa ra câu trả lời, người Kitô hữu được mời gọi không chỉ kiểm chứng thông tin, mà cần chất vấn mình xem: Điều này có hợp với tinh thần bác ái, công bằng, sự thật không? Nó thúc đẩy hay cản trở tình yêu Thiên Chúa và tha nhân?
2. Magis hay magic với AI
Một đặc nét nổi tiếng của linh đạo I-nhã là nguyên lý “magis”, nghĩa là “hơn nữa” (the more). Magis không đơn thuần chỉ “nhiều hơn” về số lượng, mà hướng đến chất lượng. Tinh thần này nằm trong khẩu hiệu của Dòng: “Ad Maiorem Dei Gloriam - Cho vinh danh Chúa hơn”. Thánh I-nhã mời gọi mỗi người Kitô hữu đừng hài lòng với một tình yêu danh cho Chúa “thường thường bậc trung”. Chẳng hạn trong sách Linh thao, ngài không chấp nhận một tình yêu hời hợt hay một đời sống đạo “vừa đủ”. Ngài viết về mẫu người “muốn diệt trừ lòng quyến luyến của cải, mà họ muốn đến nỗi, chẳng còn tha thiết tới việc giữ hay không giữ của cải đã kiếm được, nhưng chỉ muốn là sẽ muốn hay không muốn của ấy theo như Thiên Chúa. Chúa chúng ta sẽ thúc đẩy ý muốn của họ, và chính họ thấy tốt hơn cho việc phụng sự và ngợi khen Chúa Chí Tôn” (Linh thao, số 155). Nếu không có lòng khao khát chính đáng này, tôi nghĩ mọi việc làm của chúng ta sẽ thành ma thuật (magic)!
Tinh thần magis còn là sáng tạo và cầu tiến. Ngài nêu gương về sự uyển chuyển, biết dừng lại để học hỏi khi cần. Điều này có thể thấy trong Tự thuật (x. số 70) khi ngài quyết định đi học tại Paris. Tinh thần magis do đó bao hàm việc không ngừng tự cải thiện, đào sâu hiểu biết, linh hoạt thay đổi phương cách nhằm phục vụ Chúa “mỗi ngày một hữu hiệu hơn”. Có được tinh thần này, bước vào thế giới AI, chúng ta có thể “làm chủ cuộc chơi”!
Thay vì nhìn AI với tâm thế e sợ hoặc bài xích, linh đạo magis khuyến khích một thái độ cởi mở và tích cực kiếm tìm “cái hơn” mà AI có thể đóng góp cho sứ mạng phục vụ con người. Nếu xem AI là một ơn huệ sáng tạo của Thiên Chúa thông qua tài năng con người, ta sẽ biết cách sử dụng nó như một công cụ để làm việc tốt hơn, vươn tới những tầm cao mới trong việc thăng tiến con người. Ví dụ, AI có thể “trao tặng cho ta thêm thời gian”, nhờ tự động hóa. Nếu tiết kiệm được thời gian và công sức nhờ AI, con người có thể dành “nhiều hơn” cho những việc khác, cho gia đình và cộng đoàn, cũng như tăng “chất lượng” của thành quả lao động.
Đừng quên, magis luôn đi kèm với động lực đúng đắn: “Cho vinh danh Chúa hơn và phục vụ tha nhân nhiều hơn”, chứ không phải vì ích kỷ hay kiêu hãnh. Vì vậy, khi ứng dụng AI, ta phải canh chừng để không rơi vào cạm bẫy của “magis giả”. Chẳng hạn trong một bài báo A Jesuit Approach to Artificial Intelligence viết: Đối với nhiều cựu sinh viên Loyola đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, sự trỗi dậy của AI được đón nhận với một sự lạc quan dè dặt, phản ánh tinh thần cởi mở của Dòng Tên trong việc khám phá những khả năng mới[5].
Theo tinh thần trên, một sinh viên của trường, Robert LoCascio, đồng sáng lập tổ chức EqualAI nhằm vận động phát triển AI một cách công bằng, giảm thiểu thiên kiến vô thức trong thuật toán để AI phục vụ mọi nhóm người chứ không thiên vị ai. Magis thật đòi hỏi ta tự hỏi: AI có thể giúp ích gì cho những người yếu thế? Có cách nào dùng AI để đem lại công bằng và nâng cao phẩm chất cuộc sống cho nhiều người hơn không? Thật đáng khích lệ khi đã có những tín hiệu theo hướng này. Đây là ví dụ của việc lồng ghép magis và công lý: làm cho công nghệ trở nên tốt hơn, phục vụ nhiều người hơn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.
Tinh thần magis cần tinh thần học hỏi nghiêm túc. Một Kitô hữu sống magis sẽ không ngại trang bị hiểu biết về AI, ít là hiểu cách nó vận hành, tiềm năng và giới hạn của nó. Điều này đặc biệt quan trọng trong giáo dục Công giáo. Thay vì cấm đoán sinh viên dùng AI (một việc gần như không thể), các giảng viên Dòng Tên đã chọn cách “embrace-đón nhận” AI vào lớp học và hướng dẫn sinh viên sử dụng nó một cách sáng tạo, trung thực[6]. Chẳng hạn, PGS. Dobin Yim tại Loyola yêu cầu sinh viên bắt buộc dùng ChatGPT trong môn học của ông: “Tôi đang tích hợp ChatGPT nhiều nhất có thể trong học kỳ mùa thu này và xem đó là một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên. Tôi không muốn chỉ dạy sinh viên cách ghi nhớ. Tôi muốn dạy họ cách sử dụng kiến thức và công nghệ.”[7] Cách làm này chẳng phải vừa tận dụng được ưu thế công nghệ (nhanh, nhiều gợi ý), vừa rèn luyện sinh viên tư duy phản biện và đạo đức nghề nghiệp khi đồng hành cùng AI sao? Đó chính là “làm cho mọi sự trở nên tốt hơn” – một biểu hiện của magis – trong môi trường giáo dục.
3. Hồi tâm, phản tỉnh về việc sử dụng AI
“Hồi tâm – examen” giúp tín hữu luôn sống trong thái độ biết ơn và ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống hằng ngày. Chúng ta đã biết năm bước hồi tâm này trong đời sống thiêng liêng: (1) Tạ ơn Chúa; (2) Xin ơn; (3) Xét mình; (4) Sám hối và quyết tâm; (5) Hướng tới ngày mới (Linh thao, số 43).
Năm bước trên có thể áp dụng trực tiếp vào bối cảnh kỹ thuật số: Mọi người được khuyến khích thực hiện một “bài Examen kỹ thuật số” trong ngày. Chẳng hạn, hôm nay việc lên mạng, dùng điện thoại, tương tác với AI… đã ảnh hưởng thế nào đến tâm trí và con tim tôi? Có khoảnh khắc nào tôi cảm thấy gần Chúa hơn, yêu người hơn nhờ một nội dung trên AI? Trái lại, có lần nào tôi thấy bất an, khó chịu sau khi lướt mạng hay trò chuyện với chatbot? Ghi nhận những điều đó trong cầu nguyện, ta dâng lời tạ ơn Chúa về những mặt tích cực và xin ơn tha thứ, chữa lành cho những tiêu cực. Nhờ vậy, dần dần người tín hữu sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về mối tương quan giữa đời sống thiêng liêng và thói quen công nghệ của bản thân.
Vô tình hay hữu ý, AI đang tác động đến đời sống nội tâm con người. Ứng dụng giải trí có thể làm ta tiêu tốn thời gian lẽ ra dành cho gia đình hoặc cầu nguyện. Ngoài mạng xã nội, giờ thêm một cơn nghiện khác: “Nghiện dùng AI”[8]. Nếu không phản tỉnh, tâm hồn ta dễ “tê liệt” trước sự chi phối âm thầm đó. “Hồi tâm không chỉ là một sự hồi tưởng nội tâm hay tự xét mình, mà là một cuộc đối thoại tương quan giữa con người và Thiên Chúa.”[9] – cha Timothy Gallagher giải thích. Trong cuộc đối thoại này, tôi tin chúng ta có cơ hội dùng mạng xã hội, hoặc AI một cách khôn ngoan hơn.
Ngoài ra, phản tỉnh kiểu I-nhã cũng nên được vận dụng ở cấp độ cộng đoàn và xã hội khi nói đến AI. Trước mỗi chính sách về AI, mỗi dự án triển khai công nghệ mới, các nhà lãnh đạo Công giáo có thể áp dụng các câu hỏi I-nhã: Quyết định này có phục vụ “ơn cứu rỗi các linh hồn”, tức ích lợi toàn diện cho con người không? Có điều gì trong kế hoạch này khiến lương tâm ta bất an (dấu hiệu Chúa không đồng thuận)? Điều gì mang lại bình an và hy vọng cho tôi và cho người khác (dấu hiệu Chúa đồng hành)? Thực hiện một “examen” chung như vậy giúp tránh được tình trạng say mê công nghệ mà mù quáng trước hậu quả đạo đức của nó. Ngược lại, cũng giúp ta không bỏ lỡ cơ hội quý báu để dùng công nghệ làm việc lành chỉ vì bảo thủ hoặc sợ rủi ro.
4. Chiêm niệm trong việc dùng AI
Thánh I-nhã muốn xóa bỏ lối suy nghĩ nhị nguyên rằng chỉ có lúc ở nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện mới là “việc đạo đức”, còn những việc đời thường là tách biệt với Chúa. Với I-nhã, cả trong phụng vụ và cuộc sống thường nhật đều tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa. Có lẽ vì thế thánh nhân mời gọi chúng ta “tìm Chúa trong mọi sự – seek God in all things”.
Theo tinh thần trên, chúng ta có thể “tìm kiếm Thiên Chúa trong AI không”?
Chiêm niệm trong hoạt động giúp người tín hữu giữ được sự quân bình: vừa nhận ra giá trị của AI như một công cụ trong thế giới sáng tạo (tìm thấy điều thiện, cái đẹp trong nó), vừa không để AI cướp đi những giá trị nhân văn cao quý trong đời sống thường nhật gắn với tương quan thật. Thánh I-nhã có một châm ngôn khá nổi tiếng: “In all things, to love and to serve – Trong mọi sự, để yêu mến và để phục vụ”. Một đàng, AI chỉ là phương tiện, không bao giờ là cứu cánh. Đàng khác, AI nếu được dùng trong ánh sáng đức tin và tình yêu, câu trả lời là có thể. Hoặc nói như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Trí tuệ nhân tạo phải phục vụ tiềm năng tốt nhất của con người và của những khát vọng cao nhất của chúng ta”[10] Nếu được điều này, dường như câu trả lời là có. Nếu tôi sử dụng AI với tâm thế yêu mến, biết ơn, phân định, tôi vẫn có thể gặp Chúa nơi đó:
- Khi AI giúp tôi khám phá vẻ đẹp của sự thật;
- Khi AI gợi mở cho tôi các tương quan liên kết người khác với tình yêu;
- Khi tôi cảm nhận một lời mời gọi vượt qua giới hạn máy móc để trở lại tương quan với Đấng Sáng Tạo.
Để tránh những tác động xấu đến từ AI, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ thêm điều này: “Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, chúng ta không thể quên rằng thi ca và tình yêu là điều cần thiết để cứu lấy nhân tính của mình. Không thuật toán nào có thể nắm bắt được, chẳng hạn, nỗi hoài niệm mà mọi người cảm nhận khi nhớ lại lần đầu mình dùng cái nĩa xắn mép chiếc bánh mà mình phụ mẹ làm” (Dilexit nos, số 20). Cũng trong Tông huấn này, ngài liệt kê hàng loạt khoảnh khắc nhỏ bé nhưng thánh thiêng của đời người: từ nụ cười khi trêu đùa, trận bóng đá, đến bông hoa ép trong trang sách, chú chim non được ta chăm sóc… Tất cả những kỷ niệm bình dị mà sâu sắc ấy “không một thuật toán nào nắm bắt nổi”, vì chúng được cất giữ trong trái tim con người. Đó chính là những “chất keo” gắn kết thế giới nội tâm và xây đắp nên cuộc đời mỗi người.
Kết luận
Với chút suy tư trên đây, hy vọng người dùng AI có thêm góc nhìn thú vị. Dĩ nhiên nơi mỗi linh đạo trong lòng Giáo hội đều có thể soi sáng cho mỗi hành động của chúng ta. Với linh đạo I-nhã, hy vọng chúng ta đang suy tư về “kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” có thêm cách tiếp cận. Là con cái Dòng Tên, tôi tin vài thuật ngữ trên đây tiếp tục giúp tôi có thể dùng AI để phụng sự Thiên Chúa và hướng đến tha nhân. Chắc chắn đang còn nhiều tranh cãi liên quan đến AI. Mỗi góc nhìn, mỗi trải nghiệm sẽ làm phong phú hơn cho hành trình khác phá thế giới AI này. Mong thay!
________________
[1] https://dongten.net/tri-tue-nhan-tao-co-the-giai-toi-duoc-khong/
[2] Embrace AI through Ignatian pedagogy: Embrace AI through Ignatian pedagogy | by Conversations on Jesuit Higher Education | Conversations on Jesuit Higher Education
[3] A Jesuit Approach to Artificial Intelligence (AI)
[4] Như trên
[5] https://www.loyola.edu/explore/magazine/issues/2023-fall/jesuit-approach-to-artificial-intelligence.html
[6] Xem mục AI in the Classroom (https://www.loyola.edu/explore/magazine/issues/2023-fall/jesuit-approach-to-artificial-intelligence.html)
[7] Như trên
[8] https://tuoitre.vn/khi-sinh-vien-nghien-dung-ai-20240507122840116.htm
[9]Ignatian Wisdom of the Examen Prayer
[10] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-12/su-diep-cua-dtc-phanxico-cho-ngay-the-gioi-hoa-binh-thu-57.html
Nguồn: hdgmvietnam.com