
TỔNG QUAN VỀ TÀI LIỆU “ANTIQUA ET NOVA”: TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO AI – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Trí thông minh nhân tạo (AI) không được coi như một con người, không được thần thánh hóa nó, nó không thay thế được các mối tương quan con người, nhưng chỉ nên được sử dụng “như một công cụ bổ sung cho trí khôn con người”. Những cảnh báo của Đức Thánh Cha về trí thông minh nhân tạo trong những năm gần đây tạo thành khuôn khổ cho tài liệu Antiqua et Nova.
WHĐ (14/5/2025) – Ngày 28/01/2025, Văn phòng Tòa thánh cho công bố tài liệu “Antiqua et Nova” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nội dung của kiện này là “ghi chú về mối tương quan giữa trí thông minh nhân tạo và trí tuệ con người, suy ngẫm về những cơ hội và thách thức của tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo AI”[1] và kêu gọi con người xã hội “sử dụng nó với trách nhiệm” dựa trên những suy tư về mặt đạo đức và nhân học. Bởi vì, trí thông minh nhân tạo AI không được coi như một con người, không được thần thánh hóa nó, nó không thay thế được các mối tương quan con người, nhưng chỉ nên được sử dụng “như một công cụ bổ sung cho trí khôn con người”. Những cảnh báo của Đức Thánh Cha về trí thông minh nhân tạo trong những năm gần đây tạo thành khuôn khổ cho tài liệu Antiqua et Nova[2].
I. BỐI CẢNH XÃ HỘI
1. AI là gì? Lịch sử của trí thông minh nhân tạo AI[3]
Bằng sáng chế đầu tiên cho việc phát minh ra điện thoại xảy ra vào năm 1876, và sau đó, khái niệm AI đã được xuất hiện. Nói đúng ra, lĩnh vực nghiên cứu AI được bắt nguồn từ một hội thảo được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Dartmouth vào mùa hè năm 1956. Vào thời điểm đó, người ta dự đoán rằng một cỗ máy thông minh như con người sẽ có thể tồn tại và họ đã được cấp hàng triệu đô la để biến ý tưởng này thành hiện thực.
1950 - Thời điểm mà tất cả mọi thứ mới bắt đầu
Mặc dù khái niệm này đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ trước đó nhưng cho đến năm 1950, nhiều người vẫn chưa biết đến thuật ngữ này. John McCarthy, người được biết đến với tư cách là người sáng lập trí thông minh nhân tạo đã đưa ra thuật ngữ về 'Trí thông minh nhân tạo - Artificial intelligence (AI)' vào những năm 1955.
McCarthy cùng với Alan Turing, Allen Newell, Herbert A. Simon và Marvin Minsky được biết đến như những cha đẻ của AI. Alan đã đưa ra gợi ý đầu tiên về AI rằng: Nếu con người sử dụng thông tin có sẵn và tư duy lý trí, để giải quyết các vấn đề và đưa ra quyết định - thì tại sao việc này không thể được thực hiện với sự trợ giúp của máy móc?
Kể từ đó, báo cáo cho biết: “Nghiên cứu AI đã tiến triển nhanh chóng” và kết quả là “nhiều nhiệm vụ trước đây chỉ do con người quản lý thì giờ được giao cho AI” và “nhiều nhà nghiên cứu còn mong muốn phát triển 'Trí thông minh nhân tạo tổng quát' (AGI) - một hệ thống duy nhất có khả năng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nhận thức và thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào trong phạm vi trí tuệ của con người”.
AI (trí thông minh nhân tạo) là lĩnh vực khoa học máy tính giúp máy móc có khả năng thực hiện các tác vụ thông minh như con người, bao gồm học tập, suy luận, nhận diện giọng nói, hình ảnh, và ra quyết định. Ví dụ: AI trong giao thông giúp xe tự lái trên cao tốc, AI trong tìm kiếm, ta chỉ cần tìm chữ “giày thể thao” thì ngay lập tức giày thể thao này sẽ xuất hiện đầy trên các ứng dụng khác, hay AI nghệ thuật sẽ tạo ra những bức tranh mùa Thu theo những dữ liệu mà ta đưa vào, AI trong y tế có thể chuẩn đoán bệnh nhanh chóng và đưa ra phương pháp điều trị...
Mục tiêu của AI là mô phỏng trí thông minh của con người đã thiết kế ra nó. Ví dụ, không giống như nhiều sáng tạo khác của con người, AI có thể được đào tạo dựa trên kết quả sáng tạo của con người và sau đó tạo ra các "mô phỏng" mới với tốc độ và kỹ năng thường sánh ngang hoặc vượt trội hơn những gì con người có thể làm, chẳng hạn như tạo ra văn bản hoặc hình ảnh không thể phân biệt được với các tác phẩm của con người. Điều này làm dấy lên những lo ngại quan trọng về vai trò tiềm tàng của AI trong cuộc khủng hoảng sự thật đang gia tăng trên diễn đàn công cộng. Hơn nữa, công nghệ này được thiết kế để học hỏi và đưa ra một số lựa chọn cách tự động, thích ứng với các tình huống mới và cung cấp các giải pháp mà những người lập trình có thể không lường trước được. Do đó, nó đặt ra những câu hỏi cơ bản về trách nhiệm đạo đức và sự an toàn của con người, với những tác động rộng hơn đối với toàn xã hội[4].
AI luôn chỉ biết làm theo chức năng mà thôi. Nhưng con người quyết định hành động dựa vào kinh nghiệm, mối tương quan, đạo đức và luân lý... vì thế AI không thể hoàn toàn thay thế cho con người trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
2. Bối cảnh xã hội thời hiện đại
a. Thoáng nhìn về những thay đổi của lịch sử
Cuộc sống xã hội luôn phát triển không ngừng, Giáo Hội cũng nằm trong vòng xoáy của sự thay đổi đó. Vào khoảng năm 1500, thế kỷ thứ XVI, có những thay đổi sâu sắc về xã hội, công nghệ, chính trị và địa lý đặc trưng, một kỷ nguyên đánh dấu bằng việc khám phá ra châu Mỹ, sự bành trướng của châu Âu và sự khởi đầu của thời hiện đại.
Thời kỳ Phục Hưng và những khám phá địa lý vĩ đại là thời kỳ hỗn loạn và biến đổi sâu sắc. Việc Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492 và sự bành trướng của Châu Âu sau đó đã làm mất đi ổn định trật tự đã được thiết lập của thế giới từ thời Trung Cổ. Xã hội Châu Âu đã chuyển từ thế giới quan tập trung vào châu Âu và Giáo hội Công giáo sang thế giới quan toàn cầu, với những vùng đất, con người và nguồn tài nguyên mới, định hình lại các mối quan hệ kinh tế và chính trị. Giai đoạn này cũng chứng kiến cuộc Cải cách Tin Lành, do Martin Luther khởi xướng vào năm 1517, đã làm tan vỡ sự thống nhất tôn giáo của châu Âu và định hình lại mối quan hệ giữa Giáo quyền (Giáo Hội) và chính quyền dân sự (Nhà nước).
Lúc đó người Châu Âu thấy mình phải đối mặt với một thế giới “bất ổn”, họ phải đối mặt với thời kỳ mà các cấu trúc truyền thống dường như đang sụp đổ: Một thời kỳ được đặc trưng bởi những cải tiến công nghệ đã làm thay đổi cách con người nhận thức về thời gian và không gian.
Giáo Hội cũng không thoát khỏi những thay đổi nhanh chóng của xã hội.
b. Bối cảnh thời công nghệ hiện đại[5]
Ngày nay, cũng giống như những năm 1500, chúng ta vẫn đang chứng kiến những sự chuyển đổi tương tự. Sự sụp đổ của tính hợp lý khoa học vào cuối thế kỷ XX, với lý thuyết lượng tử đặt ra nghi ngờ về bản chất của không gian và thuyết tương đối lật đổ khái niệm thời gian của chúng ta, cũng như sự ra đời của tính toán và các mô hình thống kê mới do trí thông minh nhân tạo thúc đẩy đã cách mạng hóa bối cảnh khoa học, làm thay đổi căn bản nó.
Thêm vào đó, AI hôm nay đang làm thay đổi sâu sắc động lực xã hội, luân lý đạo đức, chính trị và pháp lý, đặt ra những câu hỏi quan trọng về ý nghĩa và giá trị của nhân phẩm con người. Những giá trị này đang bị thách thức bởi sự gia tăng tích hợp công nghệ AI vào quá trình ra quyết định và vai trò của nó trong hành xử thay thế con người. Trong khi AI mang lại cơ hội cải thiện hiệu quả hành chính và khả năng tiếp cận công lý, nó cũng đòi hỏi sự cảnh giác liên tục để tránh sự tập trung quyền lực phi dân chủ và phi luân lý. Vì vậy, trong thời đại mất phương hướng tập thể này, tài liệu “Antiqua et Nova” coi trọng di sản truyền thống (antiqua) nhưng mở ra cuộc đối thoại với những điều mới mẻ (nova) trong tiến trình phát triển của con người. Giáo hội tự coi mình là người bạn đồng hành của tất cả những người thiện chí đang tìm kiếm ý nghĩa trong thế giới phức tạp hiện đại, kể cả thế giới kỹ thuật số.
3. Sự ra đời của Antiqua et Nova
Trong bối cảnh của việc chạy đua công nghệ này[6], những năm gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa AI trở thành chủ đề trung tâm trong triều đại của mình. Ngài đã chọn trí thông minh nhân tạo làm chủ đề cho các sứ điệp của mình nhân ngày Thế giới Hòa bình và ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2024. Viện Hàn lâm Khoa học và Khoa học Xã hội Giáo Hoàng gần đây đã tổ chức một hội nghị về AI và hạnh phúc, đưa các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp đến Vatican để thảo luận về tác động của công nghệ đối với sự phát triển của con người.
Trong những năm gần đây, Tòa thánh đã tham gia tích cực vào cuộc tranh luận về những vấn đề đạo đức có thể phát sinh do sự phát triển mạnh mẽ của AI. Năm 2020, Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã phát động "Lời kêu gọi của Rome về đạo đức AI", một tài liệu nhằm thúc đẩy ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo các công nghệ AI đang phát triển vẫn phục vụ cho nhân loại và không đe dọa đến phẩm giá của con người[7]. Hiệp ước này được ký kết bởi các công ty như IBM, Microsoft và Cisco. Tiếp theo văn bản này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đích thân can thiệp nhiều lần để bảo vệ cách tiếp cận AI tập trung vào phẩm giá con người, đặc biệt là diễn văn quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây nhất được tổ chức tại miền Nam nước Ý vào ngày 14 tháng 6 năm 2024.
Tài liệu Antiqua et Nova là kết quả của nỗ lực nghiên cứu chung giữa Bộ Giáo lý Đức tin, do Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández đứng đầu, và Bộ Văn hóa và Giáo dục, do Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça đảm nhiệm[8], với sự tham vấn của nhiều chuyên gia khác nhau, bao gồm cả những người trong lĩnh vực AI được soạn thảo trong sáu tháng[9] (từ sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội miền Nam nước Ý của các nước G7 về sự phát triển công nghệ AI ngày 14 tháng 06 năm 2024)[10].
Tài liệu này đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô chấp ký trong buổi yết kiến cho các Tổng Trưởng và Thư Ký bộ Giáo Lý Đức Tin và Văn hóa Giáo dục vào ngày 14 tháng 01 năm 2025 và ra lệnh công bố ngày 28 tháng 01 năm 2025 trong dịp lễ kính Thánh Tôma Aquinô, Tiến sĩ Hội Thánh, bằng 3 ngôn ngữ tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Antiqua et Nova gồm 117 đoạn văn nói lên những ý kiến đóng góp có liên quan từ truyền thống Kitô giáo ban đầu và gần đây hơn, cũng như từ Công đồng Vatican II và các giáo huấn của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI. Tài liệu này đặc biệt dựa trên các giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã dành sự quan tâm lớn cho AI trong suốt triều đại giáo hoàng của mình[11].
II. NỘI DUNG ANTIQUA ET NOVA
Tài liệu gồm 117 đoạn (khoảng 30 trang A4) được gởi đến đặc biệt cho những người truyền giảng đức tin gồm: Cha mẹ, giáo viên, linh mục và giám mục, và hết thảy mọi người. Tài liệu Antiqua et Nova phân định mối tương quan của trí thông minh nhân tạo và trí tuệ con người, trong đó nêu bật những cơ hội và thách đố mà AI mang lại trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ quốc tế và xã hội, cũng như trong bối cảnh chiến tranh. Tài liệu cũng đưa ra các hướng dẫn đạo đức để sử dụng AI cách có trách nhiệm để duy trì phẩm giá con người và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.
1. Phần giới thiệu
Trong phần giới thiệu này, tài liệu nói trí tuệ con người là món quà Thiên Chúa ban (St 1, 27) để “canh tác và giữ gìn” trái đất (St 2, 15). Thế nhưng trí tuệ này phải được sử dụng cách có trách nhiệm để hợp tác với Thiên Chúa hoàn thiện công trình sáng tạo hữu hình, như sách Huấn ca khẳng định (Hc 38, 6).
Tài liệu nhắc tới tầm quan trọng của việc tham gia công nghệ mô phỏng trí thông minh của con người là AI, gọi AI là sự thay đổi mang tính thời đại, nhưng nó cũng vừa là cơ hội và vừa là thách thức, vì thế cần phải sử dụng AI có trách nhiệm để phục vụ con người và công ích.
2. Định nghĩa trí tuệ nhân tạo: Phân biệt trí thông minh nhân tạo và trí tuệ con người
Trong phần này, tài liệu nói sơ qua về lịch sử hình thành “trí thông minh nhân tạo” AI, nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy (số 1956) đưa ra định nghĩa AI “khiến máy móc hoạt động cách thông minh theo cách con người hoạt động” (số 7).
- Hoạt động của AI
AI hoạt động dựa vào hệ thống suy luận thống kê chứ không phải suy luận logic. “Bằng cách phân tích các tập dữ liệu lớn để xác định các mô hình, AI có thể dự đoán kết quả và đề xuất các phương pháp tiếp cận mới, mô phỏng một số quá trình nhận thức điển hình trong quá trình giải quyết vấn đề của con người” (số 8). Do đó, AI có thể tăng cường hoặc thậm chí thay thế những gì con người có thể làm trong nhiều lĩnh vực.
- Đức Thánh Cha phân biệt rõ trí thông minh nhân tạo và trí khôn con người
Thế nhưng, tài liệu cho rằng, thuật ngữ “trí thông minh” không thể được sử dụng theo cùng một cách (đồng hóa) để chỉ trí tuệ con người và AI. Bởi vì, trí tuệ con người là một năng lực liên quan đến toàn bộ con người, trong khi đó AI chỉ là một hoạt động theo chức năng, phương pháp luận (số 10). Máy móc chỉ thực hiện nhiệm vụ thông minh cụ thể, còn con người hành động theo chiều rộng của trãi nghiệm bao gồm: sự trừu tượng, cảm xúc, sự sáng tạo, tương quan, kinh nghiệm, bối cảnh… và các yếu tố thẩm mỹ đạo đức và tôn giáo (số 11).
AI mang lại khả năng tinh vi để thực hiện nhiệm vụ, nhưng không phải khả năng suy nghĩ (số 12).
3. Giá trị của trí thông minh con người theo truyền thống triết học và thần học của Kitô giáo
Phần này giúp ta hiểu mối quan hệ giữa tư duy con người và công nghệ AI.
a. Lý trí (Rationality)
Tài liệu Antique et Nova nhắc lại câu nói nền tảng của triết gia Aristote từ thuở xưa rằng: “Tất cả mọi người theo bản chất đều mong muốn được nhận thức” (Cogito Ergo sum: Tôi suy tư, nên tôi hiện hữu). Lý trí giúp con người tách khỏi thế giới động vật và là “người” hơn (số 13).
Còn Thánh Tomas Aquinô giải thích rằng: Thuật ngữ ‘trí tuệ thông minh” (intelligence) của con người được hiểu bao gồm cả lý trí (reason, ratio) và trí tuệ (intellect, intellectus). Đây không phải là những khả năng riêng biệt mà là hai chế độ của trí tuệ thông minh cùng hoạt động. Thuật ngữ trí tuệ (intellect) được suy ra từ sự nắm bắt chân lý nội tại bên trong sự vật, trong khi lý trí (reason) được rút ra từ quá trình thẩm định và góp nhặt. Trí tuệ (intellectus) đề cập đến sự nắm bắt trực quan chân lý, tức là nắm bắt “đôi mắt” của tâm trí, điều này đi trước và là cơ sở chính cho mọi lập luận. Lý trí (ratio) liên quan đến lý luận đúng đắn, quá trình giải thích phân tích dẫn đến phán đoán. Cả hai khả năng cơ bản này bổ sung cho nhau tạo nên hành động thông minh (intelligere) của trí tuệ con người (số 14)
Trí tuệ thông minh con người là khía cạnh nội tại liên quan đến bản chất con người, bao gồm tất cả các khả năng của con người, bao gồm toàn bộ cả “biết” (knowing) và “hiểu” (understanding) và các khả năng về ý chí, biện phân và ước muốn (số 15).
b. Sự biểu hiện (Embodiment)
Con người là một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, sống trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân cả bên trong và xuyên qua sự hiện hữu của thể xác bên ngoài này (số 16). Do đó, khả năng siêu việt của trí tuệ và sự tự do tự chủ của ý chí thuộc về linh hồn nhưng hoạt động trong một thân xác cụ thể. Vì thế, con người là “một thể thống nhất của xác và hồn” (số 17).
c. Mối tương quan
Con người có mối tương quan với người khác, do đó trí tuệ của con người không phải là một khả năng biệt lập mà được rèn luyện trong các mối quan hệ, nhờ đối thoại, hợp tác và liên đới.
Ơn gọi của con người là được sống trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, được Thiên Chúa ban ân sủng và được mời gọi chia sẻ ân sủng của Chúa cho anh chị em bằng việc yêu thương, và chăm sóc lẫn nhau. (Số 18, 19, 20)
d. Mối tương quan với chân lý
Chúa ban cho con người trí tuệ thông minh để con người có thể nắm bắt chân lý vượt ra ngoài giới hạn của dữ liệu thực nghiệm. Khát vọng hiểu biết chân lý là khát vọng trong bản chất con người (số 21). Chân lý đạt được ý nghĩa cuối cùng trong Thiên Chúa. Con người phó thác toàn bộ mình cho Thiên Chúa, trong đó trí tuệ và ý chí giúp con người hành động cách tự do tròn đầy (số 23).
e. Chăm sóc quản lý thế giới
Con người sử dụng trí tuệ thông minh và kỹ năng Chúa ban cho để hợp tác với Thiên Chúa trong việc hướng dẫn thụ tạo hướng tới mục đích Tối Thượng, qua đó Thiên Chúa được tôn vinh và giúp con người vươn tới Thiên Chúa hơn (số 24, 25).
f. Một sự hiểu biết toàn diện về trí tuệ thông minh con người
Trí tuệ là phần không thể thiếu của con người tương tác với thực tế; nó gồm tinh thần, nhận thức, biểu hiện và tương quan (số 26) và mỗi người có cách tương tác khác nhau tùy cách hiểu, sáng tạo, tiếp xúc, khả năng và mục tiêu theo đuổi hạnh phúc của mình (số 27).
Trí tuệ thông minh theo Kitô giáo là sự kết hợp chân lý vào đời sống đạo đức và tinh thần của con người, hướng dẫn hành động của con người theo ánh sáng của lòng tốt lành và sự thật của Thiên Chúa, cho nên trí tuệ thông minh luôn mang đến tình yêu, niềm vui, chân thực và sự ngọt ngào (số 28). Trí tuệ thông minh con người được hình thành bởi tình yêu thiêng liêng, được đổ đầy bởi Chúa Thánh Thần, từ đó làm ta tiếp cận được chân lý mặc khải (intellectus fidei), sự cởi mở cách vô vị kỷ với Chân, Thiện, Mỹ, vượt lên trên bất kỳ mục đích thực dụng nào (số 29).
g. Giới hạn của AI
TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO AI |
TRÍ TUỆ THÔNG MINH CON NGƯỜI |
Trong khi AI là một thành tựu công nghệ phi thường có khả năng bắt chước một số đầu ra liên quan đến trí thông minh của con người, thì nó hoạt động bằng cách thực hiện các nhiệm vụ, đạt được mục tiêu hoặc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu định lượng và logic tính toán. |
Ngược lại, trí tuệ con người phát triển một cách tự nhiên trong suốt quá trình phát triển thể chất và tâm lý của một người, được hình thành bởi vô số trải nghiệm trong cuộc sống thể lý. |
Về cơ bản nó vẫn bị giới hạn trong một khuôn khổ logic-toán học, áp đặt những hạn chế cố hữu |
Trí tuệ con người vượt xa mọi giới hạn, không bị áp đặt và trói buộc. |
Các hệ thống AI tiên tiến có thể "học" thông qua các quá trình như học máy. |
Sự phát triển phát triển của trí tuệ con người, được hình thành bởi các trải nghiệm cụ thể, bao gồm đầu vào cảm giác, phản ứng cảm xúc, tương tác xã hội và bối cảnh độc đáo của từng khoảnh khắc. |
AI không có cơ thể vật lý, mà dựa vào khả năng suy luận tính toán và học hỏi dựa trên các tập dữ liệu khổng lồ bao gồm kinh nghiệm và kiến thức được ghi lại của con người. |
Trãi nghiệm, cảm xúc, tương tác xã hội, bối cảnh cụ thể... là những yếu tố định dạng và hình thành nên đặc tính cá vị riêng biệt trong lịch sử cá nhân của mỗi người. |
AI có thể mô phỏng các khía cạnh lý luận của con người và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với tốc độ và hiệu quả đáng kinh ngạc, nhưng khả năng tính toán của nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong khả năng rộng lớn hơn của trí óc con người. |
Khả năng trí óc của con người rộng lớn hơn |
AI hiện không thể sao chép được sự phân định đạo đức hoặc khả năng thiết lập các mối quan hệ chân thực. |
Trí tuệ thông minh của con người nằm trong lịch sử hình thành trí tuệ và đạo đức cá nhân, về cơ bản định hình quan điểm của cá nhân, bao gồm các chiều kích vật lý, cảm xúc, xã hội, đạo đức và tinh thần của cuộc sống. |
AI không thể cung cấp sự hiểu biết đầy đủ này, nên các cách tiếp cận chỉ dựa vào công nghệ này hoặc coi nó là phương tiện chính để diễn giải thế giới có thể dẫn đến “mất đi sự đánh giá cao đối với toàn thể, đối với các mối quan hệ giữa các sự vật và đối với chân trời rộng lớn hơn” |
Trí tuệ của con người không phải chủ yếu là hoàn thành các nhiệm vụ chức năng mà là hiểu biết và tích cực tham gia vào thực tế trong mọi chiều kích của nó; nó cũng có khả năng đưa ra những hiểu biết đáng kinh ngạc |
Vì AI chỉ hoạt động với dữ liệu, thiếu sự phong phú về tính vật chất, tính quan hệ và sự cởi mở của trái tim con người đối với chân lý và lòng tốt, nên khả năng của nó - mặc dù có vẻ vô hạn - là không thể so sánh với khả năng nắm bắt thực tế của con người. |
Nhiều trải nghiệm mà chúng ta có với tư cách là con người mở ra những chân trời mới và mang đến khả năng đạt được trí tuệ mới |
Tài liệu nhắc lại: “Phẩm giá của một người không phụ thuộc vào việc sở hữu các kỹ năng cụ thể, thành tựu về nhận thức và công nghệ, hay thành công cá nhân, mà phụ thuộc vào phẩm giá vốn có của người đó, dựa trên việc được tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Phẩm giá này vẫn còn nguyên vẹn trong mọi hoàn cảnh, kể cả đối với những người không thể thực hiện được khả năng của mình, cho dù đó là một đứa trẻ chưa chào đời, một người bất tỉnh hay một người lớn tuổi đang đau khổ” (số 34). Vì thế, “AI không nên được coi là một dạng trí tuệ con người mà chỉ là sản phẩm của trí thông minh con người mà thôi” (số 35).
4. Vai trò của đạo đức trong việc hướng dẫn phát triển và sử dụng AI
Phần IV của tài liệu này dành riêng cho “vai trò của đạo đức trong việc hướng dẫn phát triển và sử dụng AI”. Tài liệu thừa nhận rằng trong khi công nghệ đã “khắc phục vô số điều xấu… thì không phải tất cả những tiến bộ công nghệ tự thân chúng đều đại diện cho sự tiến bộ thực sự của con người”. Tài liệu tái khẳng định sự phản đối của Giáo hội “đối với những ứng dụng [của công nghệ] đe dọa đến sự thiêng liêng của sự sống hoặc phẩm giá của con người”. Giống như bất kỳ nỗ lực nào của con người, tài liệu cho biết, “sự phát triển công nghệ phải hướng đến mục tiêu phục vụ con người và góp phần theo đuổi công lý lớn hơn, tình huynh đệ rộng rãi hơn và trật tự nhân đạo hơn trong các mối quan hệ xã hội”[12].
Mở đầu phần này, tài liệu khẳng định rằng khoa học công nghệ không thể trung lập: “Công nghệ không mang tính trung lập mà là một nỗ lực của con người , tham gia vào các chiều kích nhân văn và văn hóa của sự sáng tạo của con người” (số 36)[13].
Công nghệ là món quà Chúa ban để phục vụ con người (số 37), nhưng nó phát triển có thể theo mặt tích cực cũng như tiêu cực “không phải mọi tiến bộ của công nghệ đều thực sự đại diện cho sự tiến bộ của con người” (số 38). Khi con người có tự do để lựa chọn điều sai thì bóng ma cái ác lỡn vỡn xung quanh (số 40)
Ở cấp độ xã hội, sự phát triển của công nghệ cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ và động lực quyền lực không phù hợp (số 41). Vậy con người phải phát triển công nghệ dựa trên đạo đức và trách nhiệm (số 39), vì chỉ con người mới là chủ thể đạo đức, bởi người có lương tâm phân biệt tốt xấu và làm lành lánh dữ (số 39)
Mục đích của phát triển công nghệ phải đảm bảo việc tôn trọng phẩm giá con người và thúc đẩy công ích (số 42). Điều này không chỉ nằm trong ý nghĩa nhưng cả trong phương tiện sử dụng nó (số 41).
Hỗ trợ tự do và ra quyết định của con người
Trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về người thiết kế, nhà sản xuất... vì thế trách nhiệm đạo đức sẽ hỗ trợ những người này ra đưa ra quyết định (số 44). Tuy nhiên, cái khó là máy móc AI ngày càng có khả năng tự học độc lập, nên quyền kiểm soát của nhà thiết kế cũng có thể dần yếu đi (số 45). Trách nhiệm đạo đức phải có ngay cả người sử dụng công nghệ (số 46). Người sử dụng không chỉ đơn thuần là tính đến các kết quả đạt được, mà còn có trách nhiệm chăm sóc người khác” (số 47).
5. Các khía cạnh cụ thể
Trong phần này, tài liệu đưa ra các trường hợp cụ thể để định hướng đạo đức AI.
- AI và xã hội
AI có thể giúp đổi mới trong nông nghiệp, giáo dục và văn hóa, nâng cao mức sống xã hội (số 51), tuy nhiên nó cũng có thể làm cản trở hoặc chống lại sự phát triển của con người: Gia tăng bất bình đẳng, khác biệt về của cải vật chất và cả khác biệt về khả năng tiếp cận ảnh hưởng chính trị và xã hội, như: duy trì sự thiệt thòi và phân biệt đối xử, tạo ra các hình thức nghèo đói mới, nới rộng “khoảng cách số” và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội hiện có (số 52).
Tập trung quyền lực vào một số công ty AI, thao túng AI để đạt lợi ích cho cá nhân hoặc doanh nghiệp, định hướng dư luận bởi lợi ích riêng, tạo ra các cơ chế thao túng lương tâm và quá trình dân chủ (số 53).
Nguy cơ coi AI là “mô hình kỹ trị” giải quyết được mọi vấn đề, đặt hiệu quả lên trên hết, “tình nghĩa huynh đệ bị gạt sang một bên” (số 54).
Để giải quyết vấn đề này, tài liệu nhắc nhở: Con người có trách nhiệm nặng nề bởi có tự do, mà tự do của con người là do Chúa ban, đến từ Thiên Chúa và nhằm mục đích phục vụ người khác. Vậy phát triển công nghệ AI phải là để phục vụ “lợi ích chung của toàn thể gia đình nhân loại” (số 55).
- AI và các mối tương quan của con người
Con người là thực thể xã hội tính, có mối quan hệ với người khác để phát triển năng khiếu, trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau phát triển tài năng và tìm kiếm chân lý (số 56). Cùng nhau tìm kiếm sự thật trong đối thoại cởi mở và đích thực (số 57).
AI có tiềm năng thúc đẩy các kết nối trong gia đình nhân loại. Tuy nhiên, nó cũng có thể cản trở một cuộc gặp gỡ thực sự với thực tế và cuối cùng, dẫn mọi người đến “một sự bất mãn sâu sắc và u sầu với các mối quan hệ giữa các cá nhân, hoặc một cảm giác cô lập có hại” (số 58). Cho nên không được nhân cách hóa AI và làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc số (số 59). Nhân cách hóa AI có nguy cơ làm cho trẻ em tương tác giáo viên như AI, chỉ là cung cấp thông tin, thay vì là người cố vấn hướng dẫn và nuôi dưỡng về sự phát triển trí tuệ và đạo đức cho học sinh, bởi mối quan hệ chân chính luôn có sự đồng cảm và kiên định (số 60). Vì thế, không thể coi AI như một con người (số 62). Con người có những mối quan hệ trãi nghiệm đích thực với nhau, còn AI chỉ có thể là mô phỏng những mối quan hệ đó (số 63).
Nếu chúng ta thay thế các mối quan hệ với Chúa và với người khác bằng các tương tác với công nghệ, chúng ta có nguy cơ thay thế mối quan hệ đích thực bằng một hình ảnh vô hồn (số 63).
- AI, kinh tế và lao động
Nói về AI, nền kinh tế và lao động, tài liệu lưu ý rằng AI đang ngày càng được tích hợp vào các hệ thống kinh tế và tài chính và cảnh báo rằng một số "tập đoàn lớn" có thể hưởng lợi từ AI nhiều hơn "các doanh nghiệp sử dụng nó". Tòa thánh nói thêm rằng "trong khi AI hứa hẹn sẽ thúc đẩy năng suất bằng cách đảm nhiệm các nhiệm vụ tầm thường, thì nó thường buộc người lao động phải thích nghi với tốc độ và nhu cầu của máy móc thay vì máy móc được thiết kế để hỗ trợ những người làm việc".
Điểm quan trọng thực sự đầu tiên trong lĩnh vực này liên quan đến khả năng từ sự tập trung các ứng dụng AI trong tay một số ít tập đoàn (số 64).
Cần cân nhắc kỹ tác động của AI đến kinh tế - tài chính, đặc biệt là sự cân bằng giữa thế giới số và thực tế. Sự đa dạng của các tổ chức kinh tế nên được khuyến khích, vì nó giúp ổn định nền kinh tế, nhưng sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ số có thể làm mất đi tính đa dạng và đối thoại tự nhiên giữa các bên liên quan (số 65).
AI có tiềm năng nâng cao chuyên môn và năng suất, tạo ra việc làm mới, cho phép người lao động tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo hơn và mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo và đổi mới (số 66). Tuy nhiên, AI thường buộc người lao động phải thích nghi với tốc độ và nhu cầu của máy móc thay vì máy móc được thiết kế để hỗ trợ những người làm việc, làm giảm kỹ năng của người lao động một cách nghịch lý, khiến họ phải chịu sự giám sát tự động và giao cho họ những nhiệm vụ cứng nhắc và lặp đi lặp lại, làm xói mòn ý thức về tác nhân của người lao động và kìm hãm khả năng đổi mới sáng tạo (số 67).
Lao động của con người không chỉ phục vụ cho lợi nhuận mà còn phải “phục vụ cho toàn thể con người […] có tính đến nhu cầu vật chất của con người và các yêu cầu của đời sống trí tuệ, đạo đức, tinh thần và tôn giáo của người đó” (số 69).
- AI và chăm sóc sức khỏe
Mở đầu phần này tài liệu nhắc lại Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (Evangelium Vitate): “Chăm sóc sức khỏe mang chiều kích đạo đức nội tại và không thể phủ nhận, nghề này phải tôn trọng tuyệt đối sự sống con người và tính thiêng liêng của nó” (số 71).
AI mang tiềm năng to lớn trong các ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực y tế (ví dụ: hỗ trợ chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị mới (số 72)…), nhưng nếu AI thay thế mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, khiến bệnh nhân tương tác với máy móc thay vì con người, thì nó sẽ có nguy cơ “làm trầm trọng thêm sự cô đơn thường đi kèm với bệnh tật“ (số 73).
Những lựa chọn của chuyên gia y tế phải có cơ sở đạo đức, tôn trọng phẩm giá bệnh nhân và nhu cầu đồng ý có hiểu biết (số 74).
Việc sử dụng AI để xác định ai nên được điều trị chủ yếu dựa trên các biện pháp kinh tế hoặc số liệu về hiệu quả là sai lầm. Vì, “tối ưu hóa nguồn lực có nghĩa là sử dụng chúng theo cách có đạo đức và tình anh em, và không trừng phạt những người yếu đuối nhất, không được thiên vị và phân biệt đối xử, không tạo ra bất công, không tạo ra các hình thức bất bình đẳng trong xã hội” (số 75), người giàu được dịch vụ chất lượng, người nghèo thi chỉ cơ bản thôi (số 76).
- AI và giáo dục
Lời nhắc đầu tiên phần này là: Giáo dục “không bao giờ chỉ là một quá trình truyền đạt các sự kiện và kỹ năng trí tuệ: đúng hơn, mục đích của nó là góp phần vào sự hình thành toàn diện của con người trong nhiều khía cạnh khác nhau (trí tuệ, văn hóa, tinh thần, v.v.) (số 77).
Trọng tâm của việc hình thành nên toàn bộ con người học sinh là sự hiện diện của giáo viên (số 79). “AI mang đến cả cơ hội và thách thức. Nếu được sử dụng một cách thận trọng, trong bối cảnh mối quan hệ thầy-trò hiện có và hướng đến các mục tiêu đích thực của giáo dục, AI có thể trở thành một nguồn giáo dục có giá trị” (số 80). AI có thể cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và cung cấp “phản hồi thông tin ngay lập tức” cho sinh viên (số 80).
Một phần thiết yếu của giáo dục là hình thành “trí tuệ để lý luận tốt trong mọi vấn đề, vươn tới chân lý và nắm bắt nó”, trong khi giúp “ngôn ngữ của cái đầu” phát triển hài hòa với “ngôn ngữ của trái tim” và “ngôn ngữ của đôi tay”. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi AI trong giáo dục có thể khiến học sinh ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, làm xói mòn khả năng thực hiện một số kỹ năng một cách độc lập và làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của họ vào màn hình (số 81).
Nhiều hệ thống AI “chỉ đưa ra những câu trả lời thay vì khuyến khích học sinh tự tìm ra câu trả lời hoặc tự viết văn”, dẫn đến mất khả năng rèn luyện về mặt tích lũy thông tin hoặc phát triển tư duy phê phán, phản biện (số 82).
Chưa kể số lượng “thông tin bị bóp méo hoặc bịa đặt” hoặc “nội dung không chính xác” mà một số chương trình có thể tạo ra, do đó hợp pháp hóa “tin giả” (số 84).
- Thông tin sai lệch, tin giả và lạm dụng
Tài liệu cảnh báo về nguy cơ AI tạo ra tin giả (fakenews) và nội dung giả mạo (deepfake), có thể được sử dụng để thao túng dư luận. Vì thế, tài liệu kêu gọi mọi người thận trọng kiểm chứng thông tin và tránh lan truyền những nội dung xúc phạm phẩm giá con người.
AI có thể giúp con người tìm kiếm thông tin đáng tin cậy (số 85) nhưng cũng có thể tạo ra nội dung bị thao túng và thông tin sai lệch giống với sự thật. “Ảo giác AI” tưởng thật nhưng không thật. Vậy tất cả những người tham gia vào việc sản xuất và sử dụng các hệ thống AI nên cam kết về tính trung thực và chính xác của thông tin được xử lý bởi các hệ thống như vậy và phổ biến đến công chúng (số 86).
Tai hại hơn nếu AI bị sử dụng sai mục đích để thao túng, phát tán nội dung sai lệch với mục đích lừa dối hoặc gây hại, deepfake (số 87), dần dần làm suy yếu xã hội, thúc đẩy sự phân cực chính trị và bất ổn xã hội (số 88).
Do đó, người sản xuất phải luôn siêng năng xác minh sự thật của những gì được tiết lộ và trong mọi trường hợp tránh “chia sẻ những từ ngữ và hình ảnh hạ nhục con người”, loại trừ “những điều nuôi dưỡng hận thù và không khoan dung, làm suy thoái vẻ đẹp và sự thân mật của tình dục con người, và bóc lột những người yếu đuối và không có khả năng tự vệ”… và người sử dụng phải thận trọng phân định (số 89).
- Quyền riêng tư và giám sát
Dữ liệu cá nhân có thể liên quan đến nội tâm và lương tâm của họ (số 90). Bảo vệ quyền riêng tư cá nhân là quyền cơ bản của con người (số 91).
AI có thể suy luận hành vi con người từ lượng dữ liệu nhỏ, làm cho quyền riêng tư trở nên quan trọng hơn trong việc bảo vệ phẩm giá con người. Đức Giáo hoàng Phanxicô cảnh báo rằng quyền riêng tư đang dần biến mất khi mọi người ngày càng bị giám sát liên tục (số 92).
AI cần được sử dụng minh bạch và có trách nhiệm, tránh giám sát quá mức làm tổn hại quyền tự do và phẩm giá con người (số 93).
Không nên để AI định nghĩa con người qua dữ liệu hoặc chấm điểm xã hội, vì điều đó có thể củng cố định kiến và cản trở cơ hội thay đổi, phát triển của mỗi cá nhân. ‘Dữ liệu như vậy có thể bị ô nhiễm bởi các định kiến và quan niệm trước của xã hội. Không nên sử dụng hành vi trong quá khứ của một người để từ chối anh ấy hoặc cô ấy cơ hội thay đổi, phát triển và đóng góp cho xã hội” (số 94)
- AI và việc bảo vệ môi trường ngôi nhà chung
AI rất có giá trị trong cai thiện mối quan hệ của chung ta với “ngôi nhà chung”: dự báo thời tiết, đề xuất giải pháp phòng tránh, quản lý hoạt động cứu trợ, dự đoán dân số, hỗ trợ nông nghiệp bền vững, tối ưu hóa sử dụng năng lượng, cảnh báo sớm sức khỏe cộng đồng… (số 95).
AI tiêu thụ lượng lớn năng lượng, nước và thải ra nhiều CO₂, gây áp lực lên tài nguyên môi trường. Khi AI phát triển mạnh hơn, đặc biệt là các mô hình lớn, nhu cầu tài nguyên sẽ tăng theo, đòi hỏi các giải pháp bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (số 96).
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng giải pháp không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở sự thay đổi con người, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện tôn trọng trật tự sáng tạo, từ bỏ chủ nghĩa nhân văn lệch lạc và huyền thoại về tiến bộ, đồng thời kết hợp trách nhiệm đạo đức để bảo vệ ngôi nhà chung (số 97).
- AI và chiến tranh
Tiếp đến, tài liệu nói: “Hòa bình là công trình của công lý và là hiệu quả của lòng bác ái và không thể đạt được chỉ bằng vũ lực; thay vào đó, hòa bình chủ yếu phải được xây dựng thông qua ngoại giao kiên nhẫn, việc thúc đẩy tích cực công lý, tình đoàn kết, sự phát triển toàn diện của con người và sự tôn trọng phẩm giá của mọi người” (số 98).
Nhưng “vũ khí hóa trí thông minh nhân tạo” sẽ gây ra nhiều vấn đề (số 99). “Khả năng phân tích” của AI có thể được sử dụng để giúp các quốc gia theo đuổi hòa bình và an ninh, nhưng các hệ thống vũ khí tự hành gây chết người có khả năng “xác định và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người” tạo thành “một nguồn gây lo ngại nghiêm trọng về mặt đạo đức” (số 100). Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để cấm sử dụng chúng, như ngài đã nói tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Ý vào ngày 14 tháng 6 năm 2024: “Không một cỗ máy nào được chọn lấy đi mạng sống của một con người. Những cỗ máy có khả năng giết người với độ chính xác tự hành và những cỗ máy khác có khả năng hủy diệt hàng loạt tạo thành mối đe dọa thực sự đối với sự sống còn của nhân loại hoặc toàn bộ các khu vực” (số 101). Antiqua et Nova tố cáo những công nghệ này “mang đến cho chiến tranh sức mạnh hủy diệt không thể kiểm soát, ảnh hưởng đến nhiều thường dân vô tội, thậm chí không tha cho trẻ em”. Do đó, để ngăn chặn nhân loại rơi vào “vòng xoáy tự hủy diệt”, cần phải “đưa ra quan điểm rõ ràng chống lại tất cả các ứng dụng công nghệ vốn đe dọa sự sống và phẩm giá của con người một cách nội tại” (số 103).
- AI và mối quan hệ của chúng ta với Chúa
Tài liệu trích dẫn Kinh thánh để cảnh báo về nguy cơ AI có thể trở thành một “thần tượng” mới. AI chỉ là “một phản chiếu mờ nhạt” của con người, và con người không thể thần thánh hóa AI mà biến mình thành nô lệ của chính tác phẩm do mình tạo ra. Do đó, tài liệu nhấn mạnh rằng AI phải “chỉ được sử dụng như một công cụ bổ trợ cho trí tuệ con người, chứ không thay thế sự phong phú của nó”.
Có một số người quá ảo tưởng và tôn sùng trí thông minh tổng quát (AGI), tìm kiếm nơi nó ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc đời, nhưng không đúng, vì chỉ có Chúa mới thỏa mãn những khao khát của con người (số 104)
Nếu thay thế Chúa bằng AGI, là con người đang sùng bái ngẫu tượng, như trong Xuất hành 20,4; 32,1-5; 34,7). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ rằng AI chỉ là sự phản ánh nhợt nhạt của nhân loại - nó được tạo ra bởi tâm trí con người, được đào tạo trên vật liệu do con người tạo ra. AI không thể sở hữu nhiều khả năng cụ thể đối với cuộc sống con người và nó cũng có thể sai lầm. Bằng cách coi AI là “Đấng khác” được nhận thức là vĩ đại hơn chính nó, để chia sẻ sự tồn tại và trách nhiệm, nhân loại có nguy cơ tạo ra một sự thay thế cho Chúa. Tuy nhiên, không phải AI cuối cùng được tôn sùng và sùng bái, mà chính là nhân loại - đã trở thành nô lệ cho chính công việc của mình (số 105)
Con người, qua đời sống nội tâm, gặp gỡ Thiên Chúa trong trái tim mình, nơi họ khám phá sự kết nối giữa tự nhận thức và tình yêu trao ban, đặt mình trong sự kính sợ và vâng phục trước Ngài (số 107).
6. Suy tư và kết luận
Trong phần này, tài liệu nhắc rằng Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến trách nhiệm, giá trị và lương tâm con người (số 108), và đặt câu hỏi rằng: Con người có tốt hơn không? (số 109), cho nên rất cần đánh giá để đảm bảo các lợi ích chung cho con người và xã hội của ứng dụng AI (số 110), xét đến khía cạnh kết nối cá nhân và cộng đồng, không đổ thừa cho máy móc, vì chỉ có con người mới có trách nhiệm đạo đức (số 111). Một thách thức nữa là: “Mối nguy hiểm không nằm ở việc gia tăng máy móc, mà nằm ở số lượng ngày càng tăng những con người đã quen từ nhỏ chỉ mong muốn những gì máy móc có thể mang lại”, tức là vì tốc độ số hóa nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến “chủ nghĩa giản lược kỹ thuật số”, trong đó các khía cạnh không thể định lượng của cuộc sống bị gạt sang một bên rồi bị lãng quên.
Vì thế AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ để bổ sung cho trí thông minh của con người chứ không phải thay thế sự phong phú của nó.
Chúng ta cần “trí tuệ đích thực” trong thời đại này. Theo đó, “chỉ bằng cách áp dụng cách nhìn nhận thực tại theo hướng tâm linh, chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đối mặt và diễn giải được sự mới mẻ của thời đại chúng ta” (số 114).
Chúng ta cũng cần ân sủng của Chúa Thánh Thần để “nhìn mọi thứ bằng con mắt của Chúa để thấy được các mối liên hệ, tình huống, sự kiện và khám phá ra ý nghĩa thực sự của chúng” (số 115).
Vì “sự hoàn thiện của một con người không được đo lường bằng lượng thông tin hay kiến thức họ sở hữu, mà bằng chiều sâu của lòng bác ái,” cách chúng ta ứng dụng AI để nâng đỡ những người yếu thế, dễ tổn thương và thiếu thốn nhất chính là thước đo chân thực nhất của tính nhân văn. Chỉ khi “trí tuệ của trái tim” soi sáng và hướng dẫn, công nghệ này mới thực sự phục vụ con người, thúc đẩy lợi ích chung, bảo vệ “ngôi nhà chung,” nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện, củng cố tình đoàn kết và tình huynh đệ, đồng thời dẫn dắt nhân loại đến đích điểm cuối cùng: hạnh phúc và sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa (số 116).
III. VÀI TƯ TƯỞNG THẦN HỌC TỪ TÀI LIỆU
1) Số 15, con người có lý trí, tức là con người được Chúa ban khả năng nhận thức, thẩm thấu, suy luận, phán đoán hành đồng, liên quan đến ý chí, tình yêu, cảm xúc, kinh nghiệm… Khả năng này làm con người khác với con vật, và làm con người “giống hình ảnh của Thiên Chúa”.
2) Số 16, con người là một hữu thể sống trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, bên trong và thông qua sự hiện hữu của thể xác. Mầu nhiệm Nhập Thể soi sáng cho ta ý nghĩa của mối tương quan này và nâng con người lên một phẩm giá cao cả.
3) Số 19, các mối tương quan của con người được đặt nền tảng trên sự tự hiến vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu của Người được mặc khải trong sáng tạo và cứu chuộc, từ đó con người được kêu gọi chia sẻ bằng cả kiến thức và tình yêu, trong chính sự sống của Thiên Chúa: “Như Thầy yêu thương”.
4) Số 21 và 24, trí tuệ thông minh con người là quà tặng Chúa ban để con người đồng hóa và đạt đến chân lý vượt trên hiện tượng thực nghiệm cảm giác. Chân lý chỉ đạt được ý nghĩa cuối cùng và nguyên thủy của chúng trong Thiên Chúa.
5) Số 24-25, Thiên Chúa sáng tạo không phải để gia tăng tôn vinh Người, nhưng là biểu lộ và thông truyền vinh quang đó. Thiên Chúa mời gọi con người đảm nhận và chăm sóc công trình sáng tạo của Người là thế giới này. Trí tuệ thông minh của con người phản ánh Trí khôn sáng tạo của Thiên Chúa, do đó, trong sự chăm sóc và tương quan với vạn vật cách đúng đắn, con người hợp tác với Chúa làm cho mọi vật có ý nghĩa và làm cho mình “giống” Chúa hơn.
6) Số 28, trí tuệ con người theo Kitô giáo là sự kết hợp chân lý vào đời sống đạo đức và tinh thần của con người, hướng dẫn hành động của con người theo ánh sáng của lòng tốt lành và sự thật của Thiên Chúa, cho nên trí tuệ thông minh luôn mang đến tình yêu, niềm vui, chân thực và sự ngọt ngào (số 28).
7) Trí tuệ thông minh con người được hình thành bởi tình yêu thiêng liêng, được đổ đầy bởi Chúa Thánh Thần, từ đó làm ta tiếp cận được chân lý mặc khải (intellectus fidei), sự cởi mở cách vô vị kỷ với Chân, Thiện, Mỹ, vượt lên trên bất kỳ mục đích thực dụng nào (số 29).
8) Số 34, phẩm giá con người dựa trên việc được tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Phẩm giá này vẫn còn nguyên vẹn trong mọi hoàn cảnh, kể cả đối với những người không thể thực hiện được khả năng của mình, cho dù đó là một đứa trẻ chưa chào đời, một người bất tỉnh hay một người lớn tuổi đang đau khổ.
9) Số 55, con người có trách nhiệm, có tự do, và năng lực này đến từ Chúa và được sử dụng để phục vụ người khác.
10) Số 104, Một số người thậm chí còn suy đoán rằng AGI có thể đạt được khả năng siêu phàm. Đồng thời, khi xã hội dần xa rời mối liên hệ với sự siêu việt, một số người bị cám dỗ chuyển sang AI để tìm kiếm ý nghĩa hoặc sự viên mãn - những khát khao chỉ có thể thực sự được thỏa mãn khi giao tiếp với Chúa. Chỉ mình Chúa mới có thể thỏa mãn khao khát của con người. “Lạy Chúa tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Augustinô).
11) Số 107, con người, “bằng đời sống nội tâm của mình, vượt lên trên toàn bộ vũ trụ vật chất; họ cảm nhận được chiều sâu nội tâm này khi đi vào cõi lòng mình, nơi Thiên Chúa – Đấng thấu suốt lòng dạ – đang chờ đợi họ, và nơi họ quyết định vận mệnh của mình trước nhan Ngài.” Chính trong cõi lòng, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở, mỗi người khám phá ra “mối liên kết huyền nhiệm giữa việc tự nhận thức bản thân và sự cởi mở với tha nhân, giữa việc gặp gỡ sự độc nhất của chính mình và sự sẵn sàng hiến thân cho người khác.” Do đó, chỉ có trái tim mới có thể “quy tụ tất cả các khả năng và đam mê của chúng ta, đặt toàn bộ con người trong tư thế kính sợ và vâng phục yêu thương trước Chúa,” Đấng “luôn mời gọi mỗi người chúng ta như một ‘ngôi vị’, mãi mãi và vĩnh cửu”. Con người, qua đời sống nội tâm, gặp gỡ Thiên Chúa trong trái tim mình, nơi họ khám phá sự kết nối giữa tự nhận thức và tình yêu trao ban, đặt mình trong sự kính sợ và vâng phục trước Ngài.
IV. THỬ ĐƯA RA VÀI GỢI Ý THỰC HÀNH
Sau khi tìm hiểu về tài liệu “Anatiqua et Nova” cách chi tiết, chúng ta thử đưa ra vài ứng dụng thực hành theo kêu gọi của tại liệu này.
1) Các dòng tu, chủng viện và giáo xứ có thể tổ chức hội thảo về AI, nhấn mạnh ảnh hưởng của nó đến đức tin, luân lý và đời sống con người. Có thể mời chuyên viên về AI đến để giảng dạy. Giảng dạy theo niên khóa, theo định kỳ, hoặc theo quý, theo tháng…
2) Các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, cha mẹ, và những nhà giáo dục… hướng dẫn giáo dân, học sinh, con cháu trong nhà… sử dụng AI có trách nhiệm, tránh loan truyền tin giả, luôn biết biện phân, phát tán tin tức có trách nhiệm và phân định tin thật tin giả, hoặc tránh bị thao túng bởi AI. Không quá tin tưởng vào AI trong nhiều trường hợp, vì quyết định của con người phải là toàn diện các mối tương quan và năng lực con người, chứ không phải là một thống kê của máy móc. Hướng dẫn giáo dân cách bảo vệ mình, bảo vệ các dữ liệu cá nhân mình và tránh bị lạm dụng bởi các hệ thống AI.
3) Kêu gọi và cổ vũ bằng bài giảng, bằng gặp gỡ, bằng các nền tảng truyền thông xã hội, facebook, website… với các giáo viên và học sinh Công giáo rằng: Giáo dục là quan trọng, không phụ thuộc hoàn toàn vào AI để đào tạo con người, cần duy trì sự gặp gỡ, các buổi học trực tiếp, sự tương tác của thầy cô và học sinh, Chính điều đó mới là giáo dục, mới là đào tạo, và hình thành nên nhân cách con người.
4) Kêu gọi và cỗ vũ cũng bằng các hình thức trực tuyến và giảng dạy mục vụ cho các bác sĩ và nhân viên y tế, những người chăm sóc sức khỏe bệnh nhân: Làm việc bằng cả trái tim và tôn trọng nhân phẩm của người được chăm sóc, không áp dụng các phương pháp điều trị cách máy móc gây tổn thương nhân phẩm của người đau khổ và yếu thế.
5) Các linh mục, tu sĩ, giáo dân có thể tham gia vào đối thoại liên tôn, đối thoại với các tôn giáo khác, và các người thiện chí… để cùng nói lên tiếng nói của đạo đức, công bằng, bác ái… trong việc kêu gọi cổ võ sử dụng AI để bênh vực bảo vệ người nghèo và yếu thế. Giáo hội có thể hợp tác với các nhà khoa học, triết gia, và chuyên gia công nghệ để xây dựng định hướng AI nhân văn, giúp định hình quan điểm Kitô giáo về AI, hợp tác hợp tác với các tôn giáo khác để tìm ra giải pháp chung trong việc sử dụng AI có trách nhiệm.
6) Nếu có thể nên chọn người ưu tuyển có khả năng để đưa đi học chuyên sâu về AI, để có thể hiểu biết và theo kịp những phát minh mới về công nghệ mỗi ngày, hầu có thể làm chuyên viên cố vấn cho Giáo hội…
7) Ngày nay trong thế giới ngụp lặn bởi công nghệ, con người đang nói đến “công nghệ chay” (digital fasting) tức là hạn chế hoặc tạm ngưng sử dụng công nghệ trong một thời gian nhất định, để mọi người gặp gỡ nhau cách đích thật, nói chuyện với nhau, cùng nhau làm bác ái, đọc kinh cầu nguyện… Nhà thờ có thể tổ chức những buổi công nghệ chay như thế này, vài giờ, hoặc một buổi chiều Chúa nhật… để mọi người ý thức lại giá trị của mình không phải bởi máy móc, và tăng đoàn kết yêu thương nhau cũng như kết hợp thiêng liêng với Chúa.
Giáo Hội luôn bước đi, luôn có những cái mới để đương đầu với những thánh thức, nhưng Giáo Hội luôn bước đi trong hy vọng (chủ đề Năm thánh 2025), Giáo hội còn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Giáo hội luôn giữ gìn Lời Chân Lý và trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội luôn là con đường đưa con người đến ý nghĩa cuối cùng là Chân, Thiện, Mỹ trong Chúa Kitô.
---------
[1] Antiqua et Nova số 1, https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_ddf_doc_20250128_antiqua-et-nova_en.html
[2] https://www.vaticannews.va/fr/vatican/news/2025-01/intelligence-artificielle-dicastere-doctrine-de-la-foi.html
[3] https://viettelidc.com.vn/tin-tuc/cam-nang-ai-lich-su-cua-tri-tue-nhan-tao-qua-khu-hien-tai-va-tuong-lai-cua-ai-3139.
[4] Antique et Nova số 3
[5] https://www.avvenire.it/opinioni/pagine/il-mondo-dell-intelligenza-artificiale-tra-vecchio-e-nuovo
[6] (Tháng 1 năm 2025, Trung Quốc vừa cho ra đời chatbox DeepSeek, sau đó Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo về việc khởi động "Stargate ", một kế hoạch hỗ trợ phát triển AI tại Hoa Kỳ trị giá 500 tỷ đô la. Dự án này hướng tới việc xây dựng các "trung tâm dữ liệu " giúp tăng cường năng lực công nghệ và năng lượng để xử lý dữ liệu AI). (https://fr.aleteia.org/2025/01/28/le-vatican-publie-un-texte-de-reference-sur-le-fulgurant-developpement-de-lia-dans-le-monde)
[7] https://www.usccb.org/news/2024/ai-pope-expresses-concern-over-technocratic-future
[8] https://www.americamagazine.org/politics-society/2025/01/28/vatican-artificial-intelligence-document-249797
[9] https://www.nytimes.com/2025/01/28/world/europe/vatican-artificial-intelligence-warning.html
[10] https://www.americamagazine.org/politics-society/2025/01/28/vatican-artificial-intelligence-document-249797
[11] https://www.usccb.org/news/2024/ai-pope-expresses-concern-over-technocratic-future
[12] https://www.americamagazine.org/politics-society/2025/01/28/vatican-artificial-intelligence-document-249797
[13] Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo các tổng thống và thủ tướng ở miền Nam nước Ý vào ngày 14 tháng 6 rằng trí tuệ nhân tạo có nguy cơ khóa chặt trật tự thế giới trong một "mô hình kỹ trị": "Không có sự đổi mới nào là trung lập", Đức Giáo hoàng nói với các nhà lãnh đạo. Thay vào đó, công nghệ "đại diện cho một hình thức trật tự trong các mối quan hệ xã hội và sự sắp xếp quyền lực, do đó cho phép một số người thực hiện các hành động cụ thể trong khi ngăn cản những người khác thực hiện các hành động khác". Ngài nói thêm rằng công nghệ "luôn bao gồm thế giới quan của những người đã phát minh và phát triển nó". (https://www.usccb.org/news/2024/ai-pope-expresses-concern-over-technocratic-future)
Nguồn: hdgmvietnam.com