TÂM THẦN: KHI NGƯỜI TA TỰ NGUYỆN MẮC BỆNH

07/07/2025
139

 


Có những căn bệnh người ta sợ hãi né tránh. Nhưng cũng có những căn bệnh, người ta lại sẵn sàng khoác vào như một tấm áo choàng để trốn chạy chính mình.

Tâm thần: Nỗi đau không ai mong muốn

Tâm thần là một căn bệnh khiến con người mất khả năng làm chủ hành vi và lý trí. Trong thần học luân lý, hành vi của người tâm thần không còn được xem là “hành vi nhân linh” tức là hành vi có đầy đủ ý thức, tự do và trách nhiệm. Vì thế, bệnh tâm thần không chỉ là một thử thách về thể lý hay tâm lý, mà còn là một vết thương sâu nơi phẩm giá con người. Không ai mong muốn mình hoặc người thân rơi vào hoàn cảnh ấy.

Có những bệnh nhân bị nhốt trong những căn phòng nhỏ, bị cột tay chân để khỏi làm hại chính mình, bị gia đình lãng quên, bị xã hội xa lánh. Có những ánh mắt hoảng loạn, những bàn tay run rẩy không thể điều khiển, những tiếng kêu vô vọng không ai hiểu được.

Họ không tìm cách trốn chạy trách nhiệm. Họ chỉ mong được gọi đúng tên mình, không phải là “con bệnh”, mà là “người”, một con người cần được yêu thương và tôn trọng.

Thế nhưng, điều thật khó hiểu và đáng đau lòng là có những người lại chủ động tìm cách được xem là mắc bệnh tâm thần. Họ không đi tìm sự chữa lành, nhưng lại dùng danh nghĩa bệnh nhân để né tránh trách nhiệm pháp lý, thậm chí để thoát khỏi hậu quả của những tội ác đã gây ra.

Khi bệnh án bị biến thành công cụ

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống gần đây, một số cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng một số cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã có những vụ việc cho thấy những người đang trong quá trình điều tra vì các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng lại bất ngờ xuất hiện với danh nghĩa “bệnh nhân tâm thần”, được cấp giấy chứng nhận mất năng lực hành vi, trong khi thực tế họ vẫn sinh hoạt bình thường và thậm chí tiếp tục tái phạm.

Dư luận không khỏi bàng hoàng trước thực trạng này, khi các bệnh viện, các trung tâm giám định tâm thần trở thành nơi cấp “tấm vé miễn tội” cho những ai có thể và phải trả giá về những hậu quả họ đã gây ra. Những sự việc ấy không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội, mà còn đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về lương tâm con người: Liệu người ta có thể “tự nguyện bị tâm thần” để trốn chạy trách nhiệm hay không?

Chiêm nghiệm lương tâm: Tôi có đang giả điên?

Nhìn lại chính mình, có lẽ bạn và tôi cũng đã từng sống như vậy, theo những cách kín đáo hơn. Tôi không mua bệnh án, nhưng tôi có đang giả vờ không biết, không nghe, không thấy để khỏi phải làm điều mình phải làm? Tôi có đang trốn tránh trách nhiệm trong gia đình, nơi công sở, trong cộng đoàn bằng cách viện cớ bận rộn, đổ lỗi cho người khác, hay khéo léo lẩn tránh những phần việc khó nhọc?

Tôi có từng chọn cách im lặng trước một sự sai trái, chỉ vì nó không liên quan trực tiếp đến mình? Tôi có từng để cấp dưới làm càn, vì như thế sẽ nhẹ việc cho tôi? Tôi có từng nhắm mắt cho qua những lỗi lầm, vì không muốn chịu mất lòng, không muốn gánh thêm phiền phức?

Có những kiểu trốn tránh không ồn ào nhưng âm thầm tàn phá phẩm giá của tôi. Có những kiểu giả điên không cần giấy tờ nhưng đủ để khiến tôi tự tha hóa lương tâm. Tôi có đang sống như một người “tâm thần tự nguyện” không vì bệnh, mà vì sự an toàn ích kỷ của chính mình?

Giả điên không chỉ là mua bệnh án. Có khi là giả như tôi không có bổn phận gì với ai.

Trốn tránh, không chỉ trong những vụ án mà trong cả những bàn họp, những lớp học, những lời hứa chưa thực hiện, những việc tốt tôi đã trì hoãn.

Có lẽ, đôi khi tôi không cần người khác hợp thức hóa cho tôi, vì chính tôi đã tự tha thứ cho mình quá dễ dàng.

Là Kitô hữu, chúng ta càng không thể thờ ơ trước những điều này. Đức tin dạy ta yêu mến sự thật, bảo vệ người yếu thế và không thỏa hiệp với gian dối dưới bất kỳ hình thức nào.

Đừng để lòng các con ra chai đá trước tiếng kêu than của người nghèo khổ.” (Amoris Laetitia, số 187)

“Điên” trong Tin Mừng: Nghịch lý của tình yêu

Thật thú vị, khi đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy chính Chúa Giêsu, Đấng là Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu cũng từng bị người thân cho là “mất trí” (x. Mc 3,21). Lý do? Vì Người sống quá khác với thế gian: không lo tích lũy, không mưu cầu an toàn, không giữ thể diện mà chỉ rao giảng tình yêu vô điều kiện và sống hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cũng nói: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là xúc phạm, người Hy Lạp cho là điên rồ.” (1 Cr 1,23)

Và ngài khẳng định mạnh mẽ: “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người.” (1 Cr 1,25)

Sự “điên” trong Sách Thánh không phải là mất lý trí, mà là sự dại khờ vì yêu, là dám sống khác với tiêu chuẩn thế gian, là sự điên rồ cứu độ. Chính những con người ấy bị xem là “khác thường” lại trở thành ánh sáng cho thế giới đang quay cuồng trong ích kỷ và sợ hãi.

Phân định: Điên thật - Điên giả

Trong đời sống hôm nay, chúng ta cần phân biệt rõ ba loại “điên”:

Điên thật: Những người thực sự mắc bệnh tâm thần, cần được yêu thương, chữa lành và đồng hành.

Giả điên để trốn tội: Những người cố tình hợp thức hóa sai phạm, giả vờ bệnh để lẩn tránh hậu quả. Họ cần được tỉnh thức và hoán cải.

Giả điên chiến lược: Những người cố ý sử dụng sự khó đoán như một công cụ quyền lực, một chiến lược chi phối đối phương. Họ cần được nhắc nhở rằng không ai có thể lẩn trốn sự thật mãi mãi.

Giữa một xã hội đang mờ nhòa ranh giới đúng - sai, chúng ta được mời gọi không sống theo sự khôn ngoan của thế gian, mà hãy chọn lấy sự “dại khờ” của Tin Mừng: sống thành thật, công chính và yêu thương cách kiên nhẫn.

Đức tin dấn thân giữa xã hội

Là người Công giáo, chúng ta không chỉ lo phần rỗi linh hồn mình, mà còn được mời gọi trở thành men, thành muối cho xã hội hôm nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa sự thật, liên đới và công lý.

Chúng ta không thể vô cảm trước những bất công đang diễn ra, nhất là khi những người yếu thế bị biến thành công cụ cho sự gian dối.

Hơn nữa, mỗi người chúng ta cần tích cực:

Lên tiếng bênh vực sự thật khi thấy bất công, dù chỉ là một chuyện nhỏ.

Góp phần xây dựng môi trường sống liêm chính ngay từ gia đình, trường học, nơi làm việc.

Đến thăm, hỗ trợ các bệnh nhân tâm thần trong các trại dưỡng lão, bệnh viện, hoặc các nhóm bác ái.

Và ngay hôm nay, bạn có thể bắt đầu bằng một hành động nhỏ: một lời xin lỗi thật lòng, một lần từ chối dối trá, một câu nói công bằng cho người bị hiểu lầm. Đừng đợi đến ngày mai.

Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, và không ai chết cho chính mình.” (Rm 14,7)

Đừng để lương tâm đóng băng

Tâm thần là một nỗi đau không ai mong muốn mang. Nhưng căn bệnh đáng sợ hơn là sự chai lì của lương tâm khi con người vẫn biết điều sai trái, nhưng vẫn làm; vẫn thấy công lý, nhưng cố lẩn tránh; vẫn hiểu sự thật, nhưng chọn dối gian.

Có những người sống với tâm trí sáng suốt nhưng lương tâm lại đóng băng.

Ước gì mỗi chúng ta, trong ánh sáng Tin Mừng, biết sống đúng với phẩm giá của mình: không lẩn trốn, không trá hình, không sợ bị xem là “khác người” nhưng dám sống như Chúa Kitô: trung thực, yêu thương và không thỏa hiệp.

Ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35)


 

Tác giả: Joseph Lee