Đối diện với tai tiếng và nợ nần, Giáo hoàng tiến qua cải cách tài chánh

11/07/2020
564
cruxnow.com, John L. Allen Jr., 2020-07-01
 
Có lẽ chưa có một chương trình cải cách nào, nhưng một bánh lái để thay đổi thường là giao điểm của tai tiếng và sự cần thiết. Đây gần như chắc chắn là trường hợp của Đức Phanxicô liên quan đến tài chánh, nơi kể từ năm 2013-2014, không có các cải cách nào đã được làm nhanh chóng và quyết liệt như bây giờ.
 
Đức Phanxicô chào giáo dân sau Kinh Truyền Tin ngày thứ hai 29 tháng 6, sau thánh lễ Thánh Phêrô-Phaolô tông đồ (Hình: Riccardo De Luca / AP.)


Sự khác biệt là bảy năm trước, làn sóng hoạt động chủ yếu là về các luật mới và cấu trúc mới. Bây giờ là ứng dụng và thực thi nhiều hơn, điều vốn luôn phức tạp hơn, vì có nghĩa là sẽ có một số người mất việc làm hoặc mất quyền, và trong một số trường hợp, họ có thể phải đối diện với các cáo buộc hình sự.

Tiến trình mới nhất đã diễn ra vào ngày thứ ba, sau vụ khám xét các văn phòng điều hành Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô (Fabbrica di San Pietro, Công xưởng Thánh Phêrô), Đức Phanxicô đã chỉ định Tổng Giám mục người Ý Mario Giordana, 78 tuổi, cựu Sứ thần Tòa Thánh ở Haiti và Slovak, làm Đặc ủy của ngài tại Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô phụ trách cập nhật Qui chế của cơ quan này, làm sáng tỏ về quản trị và tái tổ chức lại các văn phòng hành chính và kỹ thuật.

Theo các báo cáo trên báo chí Ý, quyết định này được đưa ra sau nhiều vụ khiếu nại trong nội bộ của Cơ quan về sự bất thường trong hợp đồng, đã làm tăng nghi ngờ về sự thiên vị. Theo tuyên bố của Vatican, Tổng Giám mục Giordana, 78 tuổi sẽ có một Ủy ban trợ giúp.

Dù có bị chững lại do coronavirus trong các tháng vừa qua, nhưng đã đến lúc phải có một hạn cho cải tổ tài chính ở Vatican, mà cải tổ ngày thứ ba vừa qua chỉ là chương mới nhất.

Nước Ý đã bị cách ly toàn quốc ngày 8 tháng 3, trong thời gian này Đức Phanxicô đã thực hiện các bước sau:

– Ngày 15 tháng 4, ngài bổ nhiệm kinh tế gia giám đốc ngân hàng người Ý Giuseppe Schlitzer làm giám đốc Cơ quan Giám sát Tài chánh của Vatican (AIF), đơn vị cảnh giác tài chính, sau sự ra đi đột ngột của chuyên gia chống rửa tiền Thụy Sĩ René Brülhart vào tháng 11 năm ngoái.

– Ngày 1 tháng 5, ngài sa thải năm nhân viên của Vatican bị cho là có liên quan đến vụ mua bán bất động sản gây tranh cãi ở London của phủ Quốc vụ khanh diễn ra giữa các năm 2013 và 2018.

– Triệu tập một cuộc họp của tất cả các trưởng bộ phận của cơ quan trung ương Tòa Thánh để bàn thảo về tình trạng tài chính của Vatican và những cải cách có thể có vào đầu tháng 5, gồm một báo cáo chi tiết của Linh mục Dòng Tên Juan Antonio Guerrero Alves, được Đức Phanxicô chỉ định làm giám chức trong  Ban Thư ký Kinh tế tháng 11 năm ngoái.

– Đóng cửa chín công ty cổ phần vào giữa tháng 5 có trụ sở tại các thành phố Lausanne, Geneva và Friborg của Thụy Sĩ, tất cả đều được thành lập để quản lý các tài khoản đầu tư của Vatican và các cổ phần đất đai và bất động sản.

– Chuyển “Trung tâm Phát triển Dữ liệu” của Vatican, chủ yếu là dịch vụ giám sát tài chính,  từ Cục Quản lý Di sản Tông đồ (APSA) sang Ban Thư ký Kinh tế, trong mục đích phân biệt rõ giữa quản trị và giám sát.

– Công bố một luật mới về chi tiêu công cộng kể từ 1 tháng 6, áp dụng cả cho giáo quyền, bộ máy hành chánh quản trị Giáo hội hoàn vũ, cả cho Nhà nước Thành Vatican. Bộ luật cấm mâu thuẫn lợi ích, buộc phải gọi thầu và tập trung kiểm soát các hợp đồng.

– Bổ nhiệm giáo dân người Ý Fabio Gasperini, cựu chuyên gia dịch vụ ngân hàng của Ernst and Young, là nhân vật số hai tại Cục Quản lý Tòa thánh, ngân hàng trung ương Vatican.

Động lực nào thúc đẩy làn sóng hoạt động này?

Để bắt đầu, đó là trường hợp London.

Vụ bê bối này là vụ gây hoang mang lớn, đặt vấn đề về tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách của giáo hoàng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì đã đến lúc, năm nay Vatican sẽ phải đối diện với vòng kiểm soát tiếp theo của Moneyval, cơ quan chống rửa tiền của Hội đồng Châu Âu, và nếu cơ quan này quyết định vụ London không ổn có nghĩa là Vatican không nghiêm túc về việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và trách nhiệm, Vatican có thể bị đóng băng khỏi thị trường tiền tệ và phải đối diện với các chi phí giao dịch cao hơn rất nhiều.

Một yếu tố khác: coronavirus

Bản phân tích được Linh mục Guerreo trình cho giáo hoàng và cho các ban bộ cho thấy năm nay Vatican có thể thâm hụt đến 175%, gần 160 triệu đôla, do thu nhập từ đầu tư và bất động sản bị giảm cũng như các khoản đóng góp từ các giáo phận trên khắp thế giới khi họ cũng gặp vấn đề tài chính riêng của mình.

Sự thâm hụt này cọng thêm một số điểm yếu về cấu trúc dài hạn trong tình hình tài chính của Vatican, nhất là cuộc khủng hoảng hưu bổng sắp tới. Về cơ bản, Vatican có quá nhiều nhân viên so với các nguồn lực và khó đối diện với khối lượng lương khổng lồ, đó là không nói đến phải dành ra một số tiền cần thiết vì bây giờ lực lượng lao động đã đến tuổi nghỉ hưu.

Nói cách khác, các biện pháp thanh lọc tài chính toàn diện không còn đơn giản là một mong muốn luân lý hay một chiến dịch giao tế công khai để tránh các vụ bê bối công khai khác trong tương lai. Đây là vấn đề sống còn, mà hầu như luôn có tác dụng làm rõ suy nghĩ và cho thấy một cảm giác cấp bách.

Chỉ còn phải xem các biện pháp mới này sẽ hiệu quả như thế nào. Một mặt, điều quan trọng là phải xem liệu đánh giá của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô có tuân theo cùng một đường lối như rất nhiều cuộc điều tra khác của Vatican hay không về các vụ bê bối tài chính, đó là định danh một số ít giáo dân Ý, hoặc các chuyên gia cố vấn bên ngoài hoặc nhân viên trực tiếp, và đổ lỗi tất cả trên họ, để các hồng y và các giáo sĩ cao cấp khác khỏi mang tội.

Tuy nhiên cũng phải thấy cách đây sáu tháng, người ta bị cám dỗ cho rằng Đức Phanxicô đã từ bỏ chương trình cải tổ tài chính. Bây giờ, trước sự gia tăng gấp đôi các vụ bê bối và nợ nần, chắc chắn lần này ngài dứt khoát cải tổ.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

(Nguồn: Phanxico.vn) 

Bài gốc tại đây