Để hiểu về triều Đức Phanxicô, hãy đến Lampedusa và quên Rôma

11/07/2020
713
cruxnow.com, John L. Allen Jr., 2020-07-09
 
Trong bức hình ngày 8 tháng 7 năm 2013, Đức Phanxicô nói chuyện với người di dân, một số đội mũ trắng trong chuyến thăm đảo Lampedusa, miền nam nước Ý. Ngài làm cho việc chăm sóc người di dân trở thành một dấu ấn cho triều giáo hoàng của ngài, trong chuyến đi đầu tiên trong cương vị giáo hoàng, ngài đã đến đảo Lampedusa để nâng đỡ tinh thần người tị nạn sống sót sau các vụ đắm tàu và các vụ vượt biên giới để đến châu Âu. (Hình: Alessandra Tarantino / AP.)
 


Có một số địa danh liên kết đến một đoạn đặc biệt nào đó của lịch sử, khi nhắc đến là gợi lên cảm xúc và một số yếu tố kèm theo. Chẳng hạn như các địa danh Gettysburg, Dunkerque, Robben Island và ngay cả Woodstock, mở rộng hơn nữa là Lampedusa, khi chúng ta đánh dấu kỷ niệm lần thứ bảy của một trong những chuyến đi ngắn nhất và tiêu biểu nhất mọi thời.

Người công giáo chắc chắn sẽ biết Lampedusa, vốn được liên kết chặt chẽ với các nỗ lực không ngừng của Đức Phanxicô để thúc đẩy các công việc tốt lành, là một trong ba đảo vùng Pelagian được xem là một phần của vùng Sicile, nước Ý. Tuy nhiên, cái tên không liên quan đến tu sĩ thế kỷ thứ tư đã dạy con người có thể có được cứu rỗi qua nỗ lực của chính mình, nhưng tên này là một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “biển mở”.

Nằm ngoài khơi bờ biển Sicile, đảo Lampedusa là đảo ở cực nam nước Ý, thực sự nó gần với Tunisia hơn, chỉ cách Tunisia 70 dặm, cách đảo Sicile 120 dặm, về mặt địa lý, Lampedusa là một phần của lục địa châu Phi. Từ lâu, đây là nơi nghỉ hè với Bãi biển Rabbit được TripAdvisor bầu là bãi biển đẹp nhất thế giới năm 2013.

Trải qua nhiều thời kỳ, Lampedusa là một phần của Tây Ban Nha, đảo Malta, đế chế Anh, Vương quốc Naples, và, kể từ năm 1861 Lampedusa là của nước Ý, dù lòng trung thành của nó đối với bất kỳ nước nào trong các nước trên chỉ là tượng trưng. (Chuyện kể vào năm 1943, trong thời Thế chiến Thứ hai, một phi công chiến đấu người Anh đã buộc phải hạ cánh trên đảo khi hết nhiên liệu – khi đó, chỉ huy của quân đồn trú địa phương đã nhanh chóng đầu hàng phi công, chính ông cũng ngạc nhiên.)

Tuy nhiên, không chuyện nào trong các chuyện này làm cho đảo Lampedusa được toàn cầu nhớ đến. Nhưng Lampedusa là điểm chính để vào Âu châu sau làn sóng người di cư và người tị nạn  trốn khỏi Châu Phi, Trung Đông và Châu Á.

Đó là năm 1998 khi một trung tâm đầu tiên tiếp nhận và giam giữ người nhập cư (tiếng Ý là centro di prima accoglienza) được thành lập trên đảo Lampedusa, để đáp ứng với số lượng người di cư, người tị nạn và xin tị nạn chính trị vượt biển Địa Trung Hải ngày càng tăng. Ban đầu, phần lớn là người châu Phi từ các quốc gia như Ghana, Mali và Nigeria, họ ra đi vì nghèo đói và bạo lực trong khu vực.

Các gợn sóng ban đầu vào cuối những năm 1990 đã sớm trở thành một làn sóng thủy triều vào những năm 2000, đặc biệt là sau nội chiến tại Syria bắt đầu vào năm 2011, cùng với các vụ nổi dậy ở Tunisia và Libya. Sức chứa của trung tâm từ 800 người đã vượt quá, có khi lên đến trên 2.000 người vào cùng một lúc. Hàng chục ngàn người khác được ở trong các khu vực tạm thời trên một cánh đồng mở gần đó. Điều kiện sống rất sơ khai – một báo cáo nổi tiếng của đài truyền hình quốc gia Ý RAI đã từng so sánh trung tâm Lampedusa với trại tập trung của Đức Quốc xã và của Abu Ghraib.

Điều khiến cho Lampedusa trở thành biểu tượng không chỉ là tình trạng đau khổ của con người, nhưng do sự việc một tân giáo hoàng đã chọn nơi này cho chuyến đi ngoài Rôma của ngài ngày 8 tháng 7 năm 2013. Chuyến thăm chỉ dài bốn tiếng rưỡi, nhưng hiếm khi có một nửa ngày trong đời sống của một triều giáo hoàng lại được hoàn thiện với đầy cả biểu tượng và chất liệu.

Khi đến nơi, Đức Phanxicô đã thả một vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ hàng ngàn người di cư và tị nạn đã chết khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải trong những chiếc thuyền ọp ẹp, quá đông đúc và nguy hiểm. Một ước tính có khoảng 20.000 người đã bị chết đuối trên biển trong thập kỷ qua.

Đức Phanxicô đã dâng thánh lễ ngoài trời trên  cánh đồng nơi người di cư bị giam giữ, gần nơi mà người dân địa phương gọi là “nghĩa trang kiêu hãnh” do các chiếc tàu thủy nặng nề khó lái mà những người mới đến này dùng để đi. Bàn thờ của ngài được làm từ một trong các chiếc thuyền cho dịp này. Đức Phanxicô đã lên án cái mà ngài gọi là “dửng dưng hóa toàn cầu” đối với số phận của những người chạy trốn bạo lực và nghèo đói, ngài dành thì giờ để nói chuyện, ôm vào lòng và cầu nguyện với nhiều người trong số họ.

Ngài nói, nhìn hình ảnh của những người di cư và tị nạn giống như có gai đâm thâu trái tim, buộc ngài phải đến đây.

Kể từ đó, Đức Phanxicô đã nhắc đến Lampedusa nhiều lần, đến nỗi nơi này đồng nghĩa cho toàn bộ chương trình nghị sự xã hội và truyền giáo của ngài. Hàng năm ngài dâng thánh lễ kỷ niệm chuyến đi như ngài đã dâng hôm qua, trong số các kỷ niệm ngài nhắc lại, có cuộc nói chuyện với một người tị nạn Ê-ti-ô-pia và người thông dịch đã bỏ qua một số chi tiết đau lòng. Sau đó, trong một buổi tiếp tân, một phụ nữ người Ê-ti-ô-pia nói với ngài những gì người phiên dịch đã nói, chỉ là một phần tư của sự tra tấn và đau khổ mà họ đã trải qua.

Bảy năm sau, bằng chứng cho tác động của chuyến đi là một thỏa ước toàn cầu của các tổ chức Phi chính phủ đã chỉ định ngày 8 tháng 7 là Ngày Quốc tế Biển Địa Trung Hải nhằm nỗ lực nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của người di cư và người tị nạn, cũng như hệ sinh thái, các thách thức mà khu vực Địa Trung Hải này phải đương đầu, họ chọn ngày kỷ niệm chuyến đi Lampedusa của Đức Phanxicô.

Đôi khi muốn hiểu về nhiệm kỳ của tổng thống Abraham Lincoln bạn phải đến Gettysburg. Theo cách tương tự, có thể nói bạn không thể hiểu được Đức Phanxicô mà không đến Lampedusa –  vị trí duy nhất trên bản đồ hơn bất cứ nơi nào, còn hơn cả Argentina quê hương của ngài hay thành phố Rôma nơi ngài ở, là tầm nhìn của Giáo hội và nhân loại, mãi mãi gắn kết với nhau.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

(Nguồn: Phanxico.vn)

Bài gốc tại đây