BÀI GIẢNG LỄ TRUYỀN CHỨC ĐỨC GIÁM MỤC THANH HÓA GIUSE NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
(27/06/2018)
Cách đây 8 tháng, ngày 13 tháng 10 năm 2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cùng với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Thanh Hóa cử hành Thánh lễ Cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo phận, với chủ đề “Duc in altum”:“Hãy ra chỗ nước sâu”.(27/06/2018)
Trong dịp khai mạc Năm Thánh, Đức Tổng Giám mục Giuse, trong vai trò Giám quản Giáo phận Thanh Hóa, đã chia sẻ: “Chủ đề của Năm Thánh là “hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5, 4), Theo lệnh Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng ấy, chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt đến sứ mệnh truyền giáo, sẽ hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những ai chưa biết Ngài”.
Muốn tiếp nối định hướng mục vụ của vị tiền nhiệm và của cả Giáo phận Thanh Hóa, Đức Giám mục Tân cử đã chọn khẩu hiệu: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Khẩu hiệu đó trích từ đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 5, 1-11), nhắc nhớ bối cảnh Chúa Giêsu gọi ông Simon làm tông đồ. Thánh Luca thuật rằng: một hôm, Đức Giêsu xuống thuyền của ông Simon, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Chắc hẳn ông Simon rất tự hào vì được Đức Giêsu mượn thuyền của mình để giảng dạy dân chúng.
Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Có lẽ lúc đó ông Simon nghĩ rằng: ông Giêsu này làm nghề thợ mộc, biết gì chuyện chài lưới mà bảo ra chỗ nước sâu! Đánh cá chuyên nghiệp đây mà suốt đêm có bắt được con nào đâu! Thôi thì nể ông, tôi cứ làm như vậy, nhưng ông sẽ thấy rằng ông không giỏi hơn tôi đâu!
Thánh Luca thuật tiếp: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới… Thấy thế, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Như thế, sau mẻ cá lạ, ông Simon đã nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu và sự hèn yếu tội lỗi của mình. Chính lúc đó, vâng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã chọn ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”.
Sau này, trong thư thứ nhất (x.1 Pr 5,5b-14), thánh Phêrô đã khẳng định rằng: “Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định”.
Khi đến thời được cất nhắc làm đấng kế vị các Tông đồ, có lẽ Đức Tân Giám mục muốn thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy Giêsu, sau hơn 25 năm thả lưới trên miền núi Tây Nguyên Lâm Đồng, nay được sai đến vùng biển Thanh Hóa, vâng lời Thầy, con xin thả lưới. Mặc dù biết khả năng mình rất hạn chế, nhưng con xin đồng hành với mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đã và đang nỗ lực ra chỗ nước sâu, đi đến với với đông đảo bà con còn chưa biết tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con ơn biết tín thác vào quyền năng của Chúa”.
Về việc ra chỗ nước sâu, bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh đã quảng diễn rằng: “Cứ đi ra và tung lưới, với tàu lớn, thuyền nhỏ, hay thúng mủng gì cũng được, hoặc ít nữa là thả câu, chắc chắn thế nào cũng được một cái gì đó đem về, cá to cá bé, hay ít là con tôm con tép. Ngược lại, nếu cứ yên thân ngồi ở nhà, thì chắc chắn sẽ không có gì”.
Thật vậy, đi ra chỗ nước sâu là đi đến những vùng ngoại vi, đến với những người nghèo khổ bệnh tật, bị bỏ rơi và bị gạt ra bền lề xã hội, đến với những người sống trong những hoàn cảnh đau thương, tâm hồn cũng như thể xác. Ra chỗ nước sâu là mạo hiểm, là đương đầu với sóng gió biển cả, là dấn thân vào những môi trường khó khăn, những công việc vất vả.
Sau nhiều năm vất vả, ĐTC Bênêdictô XVI công bố quyết định từ nhiệm, mà ngài gọi là “một chọn lựa đau đớn”, khiến tôi nhớ đến lời của một vị bề trên mãn nhiệm: “Nhiệm vụ của bề trên là một thập giá. Nhưng đôi khi điều khó khăn nhất không phải là bước lên thập giá mà là xuống khỏi thập giá”. Tuy nhiên, khi xuống khỏi thập giá, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhìn lại 8 năm thi hành sứ vụ Phêrô của mình, đã tâm sự trước khoảng 100.000 người tại quảng trường thánh Phêrô, đại ý nói lên 2 điều: một là, ngài thấy mình như Thánh Phêrô và các Tông đồ trong con thuyền trên hồ Galilê: Chúa đã cho biết bao ngày nắng đẹp, gió nhẹ, những ngày đánh được nhiều cá; nhưng cũng có những lúc biển động, gió ngược, khi đó Chúa dường như cứ ngủ. Tuy nhiên ngài luôn ý thức rằng trong con thuyền này vẫn có Chúa, và con thuyền Hội Thánh không phải của ngài, nhưng là của Chúa và Chúa không để nó chìm mất; hai là, ngài xác tín rằng Chúa dẫn dắt con thuyền Hội Thánh qua những người Chúa chọn, vì Người đã muốn vậy.
Một tháng sau, ngày 19/3/2013, khi Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô khai mạc sứ vụ tại Rôma, ngài đã ngỏ lời, đại ý nói rằng: chắc chắn Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho Phêrô, nhưng đừng bao giờ quên rằng quyền hành đích thực chính là phục vụ cách trung thành, cụ thể và khiêm hạ.
Hôm nay, trong nghi thức diễn nghĩa, Đức Tân Giám mục được trao nhẫn, mão và gậy, vừa tượng trưng cho quyền hành vừa nói lên trách nhiệm phục vụ mọi người.
Giờ đây, chúng ta tham dự nghi lễ Truyền chức Giám mục với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các mục tử, cách riêng cho vị Giám mục thứ năm của Giáo phận Thanh Hóa, luôn biết đáp lại ơn gọi với niềm khiêm hạ tín thác vào quyền năng của Chúa trong sứ vụ thả lưới nơi chỗ nước sâu. Amen.
ĐC. Antôn Vũ Huy Chương
Giám mục Giáo phận Đà Lạt