Bài Giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh của ĐGM. Giuse Nguyễn Đức Cường

23/12/2019
2307
Trong đêm tràn đầy ánh sáng và rộn ràng những giai điệu vui tươi, mừng Chúa Giáng Sinh làm người ở giữa và ở với chúng ta hôm nay, xin mời mọi người hướng mắt về hang đá, tập trung vào máng cỏ, chúng ta thấy có Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.  Vừa chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, chúng ta vừa lắng nghe lời Sứ thần Chúa nói với các mục đồng Bêlem năm xưa và cũng nói với chúng ta đêm nay: “ Các ngươi đừng sợ, đây Ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi…Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn vải  và đặt nằm trong máng cỏ”. Tại sao Hài Nhi Giêsu lại là tin vui cho chúng ta?

Vì trong Bài tin Mừng chúng ta vừa nghe, sứ thần Chúa nói rằng Hài Nhi Giêsu là ĐÁNG CỨU THẾ. Ngài còn là CON MỘT của Thiên Chúa (x. Ga 3,16), là Thiên Chúa (Ga 1,1), là Đấng EMMANUEL, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,14; Mt 1,23). Không vui sao được khi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã ở cùng chúng ta, nhận chúng ta là bạn hữu của Ngài. Cũng giống như một người bạn thân thiết nhất của chúng ta luôn giúp đỡ, an ủi chúng ta trong những lúc ốm yếu, đau khổ, buồn phiền và cô đơn, Ngài là một Thiên Chúa muốn ở với chúng ta trong những lúc chúng ta đau khổ, khốn cùng, cô đơn và lo lắng, những hoàn cảnh mà chúng ta dường như không thể làm gì, nhưng thật sự Ngài ở đó. Ngài muốn an ủi và khích lệ chúng ta với sự hiện diện đầy khiêm tốn.

Quả thật, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu tự đồng hóa với chúng ta, mặc dù Ngài không có tội lỗi nào. Chính Ngài mang lấy thân phận đầy giới hạn của chúng ta, tình trạng hiện hữu mong manh, dễ vỡ của chúng ta. Ngài muốn dấn mình vào tình trạng của chúng ta để nên một với chúng ta, để ở cùng chúng ta. Và tất cả các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, nhất là cái chết của Ngài trên Thập giá đều phát xuất từ tình yêu. Xin gửi tới mọi người một vài hình ảnh nói lên trái tim chất chứa yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.

Mt 14,14: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì động lòng thương và chữa lành các bệnh tật của họ- Mt 15,32: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy động lòng thương đám đông vì họ đã ở luôn với Thấy ba ngày rồi và họ không có gì ăn…” và Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ - Mc 1,40: Khi nhìn thấy người bị phong cùi, “ Ngài động lòng thương, giơ tay đụng vào anhvà chữa lành cho anh - Lc 7,13: Với bà góa thành Na-in có người con trai duy nhất chết, thì Chúa Giêsu “Trông thấy bà, Chúa động lòng thương…” và Ngài đã truyền cho anh thanh niên sống lại và trao cho bà - Ga 11,32-44: Trước cái chết của ông Lazarô và thấy người thân của ông khóc, Chúa Giêsu “thổn thức trong lòng và xao xuyến, Ngài liền khóc”, Ngài đã cho ông Lazarô sống lại.

Bất cứ khi nào Chúa Giêsu thấy dân chúng đau khổ, Ngài đã động lòng thương. Ngài cảm thấy chiều sâu nỗi đau của họ. Ngài cảm thấy đau khổ sâu xa hơn chính họ. Ngài đau yếu hơn, đói khát hơn, buồn sầu hơn họ. Lòng thương xót của Chúa Giêsu không phải là sự cúi xuống tầng lớp dưới từ một tầng lớp có đặc quyền. Ngược lại, Ngài đến trực tiếp với những người đó và cư ngụ nơi nỗi đau hữu hình và cụ thể, cắm lều ở đó và không quay trở lại trước khi đã có kinh nghiệm về tất cả những nỗi khốn cùng, lo âu, cô đơn, đau đớn và đau khổ của họ. Cái chết trên Thập Giá và sống lại của Chúa Giêsu là bằng chứng tối hậu cho tình yêu giầu lòng thương xót của Ngài.

Tuy cuộc sống ngày nay của chúng ta đã đầy đủ hơn nhưng vẫn còn đó những khổ đau tinh thần và thể xác, vẫn còn đó những lo lâu và khắc khoải, vẫn còn đó những khao khát vô hạn và nhất là vẫn còn đó nỗi lo về sự sống và cái chết. Những điều này vượt quá khả năng giải quyết của chúng ta. Lời Chúa và Phụng vụ Lễ Giáng Sinh hôm nay nói với chúng ta: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta đã đến. Ngài là Đấng luôn động lòng thương trước những nỗi khốn cùng của chúng ta. Ngài không chỉ có khả năng giải quyết những khó khăn và đau khổ của chúng ta mà còn luôn ở với chúng ta, đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống với ánh mắt đầy yêu thương, với trái tim luôn động lòng thương của một Thiên Chúa làm người, của một người Thầy, của một người anhvà của một người bạn. Vì thế, không có lý do nào để chúng ta không vui trong đêm nay và trong suốt cuộc đời mình. Hãy vui lên, hãy hướng mắt về tương lai và mở rộng nụ cười vì chúng ta đã có Chúa Giêsu rồi.

Còn các bạn trẻ thân mến, chúng ta bắt đầu bước vào cuộc hành trình 3 năm mà Giáo Hội Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt cho các bạn. Lễ Giáng Sinh nói với các bạn rằng chúng ta có một người bạn đặc biệt là Chúa Giêsu. Ngài đang đồng hành với các bạn trên mọi nẻo đường đời. Hãy mang lấy niềm vui này và duy trì niềm vui này trong suốt cuộc đời qua việc “chuyên chăm tâm sự với Ngài trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể. Các bạn hãy bày tỏ niềm vui qua việc đồng hành với Chúa Giêsu “đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các bạn đang sinh sống, học hành, làm việc. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, các hội đoàn; nhờ đó các bạn cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân”. Các bạn hãy mạnh dạn kể lại câu chuyện Chúa Giêsu cho các bạn trẻ khác, “kinh nghiệm đức tin của mình vào Chúa Giêsu, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các bạn. Được như thế, các bạn sẽ trở thành những sứ giả loan báo tin vui: Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc”. (x. Thư Chung của HĐGMVN 2019).

Kính thưa cộng đoàn,

Chớ gì tất cả chúng ta, những người tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của mình: hãy vui luôn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn duy trì niềm vui của Đêm Cực Thánh này trong tâm hồn mình và bày tỏ niềm vui này qua đời sống yêu thương, phục vụ hằng ngày. Ước mong chúng ta luôn nhớ lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô dặn dò: “Một Kitô hữu không có niềm vui thì hoặc không còn là Kitô hữu nữa hoặc đang bị ốm đau. Một Kitô hữu khỏe mạnh là một Kitô hữu luôn vui tươi”.  

   + Giuse Nguyễn Đức Cường
Giám mục Giáo phận Thanh Hóa


Xin bấm vào đây để download bài giảng xuống.