BÀI GIẢNG THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2021 - của ĐGM. Giuse Nguyễn Đức Cường

24/12/2021
1508
Hằng năm, vào dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta thường thấy cảnh trí lộng lẫy, ánh sáng lung linh, người người tấp nập, không khí náo nhiệt… Nhưng Lễ Giáng Sinh năm nay, vì dịch Covid, không được như thế nữa.  Tiếc quá! Phải thành thật nhìn nhận rằng, bầu khí tưng bừng đó đã mang lại một chút thanh thản và bình an cho tâm hồn giữa những vất vả, lo âu của cuộc sống… Tuy nhiên, mặt khác chúng ta tự hỏi phải chăng Lễ Giáng Sinh không mang lại điều gì hơn nữa ngoài một chút thanh thản mau qua thôi sao? Biết đâu nhờ bầu khí thiếu tưng bừng như mọi năm lại cho chúng ta một cơ hội tốt để tìm hiểu ý nghĩa chính yếu và sâu xa của Lễ Giáng Sinh, hầu mọi người cảm nhận được sự thanh thản, sự bình an sâu xa và bền lâu. Chúng ta cùng suy niệm về Mầu Nhiệm Giáng Sinh qua Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

Trong Bài Tin Mừng, sau khi Sứ Thần Chúa loan báo cho các người chăn chiên rằng Đấng Cứu Độ đã sinh ra ở Bêlem và cho họ dấu chỉ để nhận ra Người: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”  (Lc 2,12), các người chăn chiên đã vội vã đến Bêlem và “gặp bà Maria, ông Giuse  cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”(Lc 2,16)  Họ ra về lòng tràn đầy niềm vui, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 2, 20). Rất vui nhưng có lẽ họ cũng rất ngạc nhiên. Tại sao Đấng Cứu Độ lại sinh ra trong hang bò lừa? Thánh Luca viết: “Vì ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”(Lc 2,7).  Chăc chắn Thiên Chúa muốn nói với chúng ta nhiều điều quan trọng qua việc sinh ra của Con Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa trong cảnh nghèo hèn này.

1. Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng vì yêu thương chúng ta, Ngài đến ở với chúng ta: Lễ Giáng Sinh đặt trước mắt chúng ta hình ảnh Thiên Chúa là một hài nhi yếu ớt và nghèo khổ. Hình ảnh này có ý nghĩa gì? Đây là một mầu nhiệm: Thiên Chúa vô hạn ở trong hình dạng con người đầy giới hạn. Thiên Chúa đã làm người, và từ nay Ngài sẽ ở với chúng ta luôn mãi. Quả thật, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu tự đồng hóa với chúng ta, mặc dù Ngài không có tội lỗi nào. Ngài muốn dấn mình vào tình trạng của chúng ta để nên một với chúng ta, để ở cùng chúng ta. Ngài là một Thiên Chúa muốn ở với chúng ta trong mọi lúc, nhất là trong những lúc chúng ta đau khổ, khốn cùng, cô đơn và lo lắng, những hoàn cảnh mà chúng ta dường như không thể làm gì. Chỉ vì yêu thương Ngài mới làm như thế. Chúng ta cảm thấy ngạc nhiên , nhưng đồng thời thấy kính sợ và tạ ơn. Chúng ta quá hạnh phúc vì cóThiên Chúa ở cùng và ở với chúng ta!

2. Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài muốn chúng ta hãy sống như Ngài.

2.1. Sẵn sàng nhận lãnh và trao ban: Khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, chúng ta thường có khuynh hướng tạo ra Thiên Chúa theo ý của mình. Chúng ta thường nghĩ về sự giầu sang và quyền lực. Chúng ta gán cho Thiên Chúa phải như thế. Chúng ta đánh giá người khác dựa vào những tiêu chuẩn đó. Chúng ta mong muốn mình cũng được như thế. Việc Con Thiên Chúa sinh ra cách nghèo khổ nơi hang đá và được đặt trong máng ăn của súc vật thách đố chúng ta xem xét lại những giá trị này. Trong một thế giới mà sự giầu sang, quyền lực chiếm đoạt tâm trí con người thì Thiên Chúa đến với chúng ta với tư cách là một hài nhi nghèo khổ, không quyền lực và rất khiêm tốn. Ngài đến với con người trong tư thế cần tới người khác. Mầu nhiệm Giáng sinh muốn nói với chúng ta: Hạnh phúc và sự thành toàn đích thực không đến từ quyền lực và giầu sang nhưng là từ việc“cần tới người khác, phụ thuộc lẫn nhau”. Sự tự mãn là cái chết của cộng đoàn. Khi chúng ta sẵn sàng nhận lãnh cũng như trao ban, lúc ấy chúng ta được chúc phúc.

2.2. Tôn trọng và đón nhận người khác: Nhìn vào Hang đá, ta thấy Thiên Chúa khiêm nhường biết bao. Ngài có tất cả những điều con người mơ ước, nhưng Ngài lại bỏ tất cả, trở thành một Hài Nhi để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn thăng tiến cộng đoàn trong bình an và công chính , chúng ta hãy đầu tư vào con người. Tiền bạc và quyền lực có thể giúp con người hạnh phúc nhưng rất thường mang đến chia rẽ và bạo lực. Trái lại, sự tin tưởng vào người khác, ở với họ, trao quyền cho họ và giúp họ sáng tạo như Thánh Phaolô đã viết: “Coi người khác hơn mình” (Pl2,3) mới là cách thế thăng tiến cộng đoàn . Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy tôn trọng người khác và óc sáng tạo của họ, ở với người khác và xây dựng một bầu khí huynh đệ.

2.3. Sống vì  người khác: Hãy yêu thương và dâng hiến bản thân cho người khác như Chúa nói : “ Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13), và như Thánh Phaolô kêu gọi: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”(Pl 2,4). Lễ Giáng Sinh cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã dâng hiến bản thân mình cho chúng ta ngay từ giây phút đầu đời. Hình ảnh Chúa nằm trong máng ăn của bò lừa cho thấy Ngài sẽ trở nên lương thực cho loài người chúng ta. Đây là con đường nhập thể: không hành động từ trên cao, từ vị trí của tiền bạc và quyền lực nhưng là luôn ở với, giúp đỡ  và sống vì người khác.

   ---- Như thế, Mầu nhiệm Giáng Sinh cho chúng thấy: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đồng hành với chúng ta trong thân phận con người đầy giới hạn, luôn cần tới người khác, phụ thuộc lẫn nhau, sẵn sàng nhận lãnh cũng như trao ban , luôn tôn trọng người khác và óc sáng tạo của họ, ở với người khác, phục vụ nhau và xây dựng một bầu khí huynh đệ.

         Đó cũng chính là cách sống mà Hội Thánh đang muốn xây dựng qua Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI với chủ đề: Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Thương Hội Đồng Giám Mục lần này nhằm xây dựng Hội Thánh thành một Hội Thánh Hiệp Hành, nghĩa là một Hội Thánh mà trong đó “ Tất cả chúng ta, Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân , với tư cách là cộng đoàn Kitô, noi theo lối sống của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành trong lịch sử và chia sẻ những thăng trầm của nhân loại”.(Bài Giảng khai mạc THĐGM lần thứ XVI của ĐGH Phanxicô).  

   3. Niềm vui và bình an: Lễ Chúa Giáng Sinh nói với chúng ta: Một Hài Nhi được sinh ra trong cảnh nghèo nàn nơi một cái hang dành cho súc vật. Đó là sự thật. Gia đình Ngài rất nghèo đến nỗi không có tiền để thuê phòng trọ. Đó cũng là sự thật. Còn sự thật nào nữa? Sự thật là, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, Hài Nhi Giêsu và các người chăn chiên ngoài đồng là những người rất nghèo nhìn từ bên ngoài, nhưng lại là những người rất giầu trong trái tim, trong tâm hồn. Và vì thế, tất cả những điều khác không quan trọng nũa. Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các người chăn chiên là yêu mến Thiên Chúa và làm điều Thiên Chúa muốn. Và phần thưởng là gì? Các thiên thần trả lời cho chúng ta: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14). Mẹ Maria, Thánh Giuse và các người chăn chiên được đầy tràn bình an và niềm vui vào ngày Chúa Giêsu sinh ra.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa  vì Ngài đã chấp nhận sống nghèo để chúng ta trở nên giầu có, không phải là sự giầu có về tiền bạc, nhưng là giầu có về tình yêu, đó là biết đón nhận và cho đi, biết tôn trọng, thông cảm và yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Đó là sứ điệp của Lễ Giáng Sinh mà Chúa muốn chúng ta đón nhận và thực hành. Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết yêu Chúa và làm điều Chúa muốn mình làm như Đức Mẹ, Thánh Giuse và các người chăn chiên xưa, để chúng ta góp phần xây dựng Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ thành một Hội Thánh như lòng Chúa mong ước, để chúng ta luôn nghiệm thấy rõ ràng sự  bình an và niềm vui trong tâm hồn giữa những lăng lo, vất vả, khổ đau hằng ngày, đặc biệt những lo âu, buồn phiền, mất mát do dịch bệnh gây ra. Amen.
 
 + Giuse Nguyễn Đức Cường
Giám mục Giáo phận Thanh Hóa