BÀI GIẢNG THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2020 - của ĐGM. Giuse Nguyễn Đức Cường

21/12/2020
1431

Anh chị em thân mến.
 
1. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Ngài “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Chính Chúa Giêsu đã cho biết, hành vi thương xót cao cả nhất của Thiên Chúa là ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Tên của Con Một nhập thể làm người đó là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Như thế, lòng thương xót tột cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta là trao ban Con Một của Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nhập thể làm người và ở cùng chúng ta. Tại sao việc cho Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta lại là một hành vi thương xót tột cùng của Thiên Chúa?

2. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đi tìm ý nghĩa của hai cặp từ quan trọng: THƯƠNG XÓT và Ở CÙNG?

- THƯƠNG XÓT: Theo nghĩa đen,  thương xót có nghĩa là ĐAU KHỔ VỚI (x. Cha John Fuellenbach SVD, trong “Proclaiming his Kingdom, trang 120). Theo nghĩa này, người có lòng thương xót là người phải đi đến nơi bị tổn thương, đi vào chỗ mà người khác đau khổ, mang lấy kinh nghiệm nỗi đau và lo lắng của họ. Người đó bị đòi hỏi phải khóc với họ, bị tổn thương với họ.

- Ở CÙNG: Người ở cùng chúng ta là người hiện diện với chúng ta trong mọi lúc, nhất là những lúc chúng ta ốm yếu, đau khổ, buồn phiền và cô đơn. Họ là những người muốn nói với chúng ta “Tôi không biết nói gì hay làm gì nhưng tôi muốn ở với bạn, tôi sẽ không rời bỏ bạn” (x. sđd trang 121).
 
Như thế, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót vì Ngài đã ban Con Một của Ngài đến ở với chúng ta, chia sẻ kiếp người với chúng ta, nhất là trong những lúc chúng ta đau khổ, khốn cùng, cô đơn và lo lắng, những hoàn cảnh mà chúng ta không thể làm gì. Quả thật, Chúa Giêsu,Thiên Chúa làm người, đã chia sẻ cách đầy đủ nhất với thân phận con người chúng ta. Ngài đã là bào thai trong bụng mẹ như chúng ta, đã là một bé sơ sinh chào đời như chúng ta, và còn khổ hơn chúng ta, Ngài đã không được sinh ra trong căn nhà của mình, mà là trong chuồng bò, không được đặt trong nôi ấm áp mà được đặt được đặt nằm trong máng cỏ cho bò lừa ăn. Khi lớn lên, Ngài cũng vất vả kiếm sống như mọi người với nghề thợ mộc. Khi thi hành sứ vụ rao giảng, Ngài ở cùng và chịu đau khổ với người khác để an ủi, khích lệ với một trái tim biết chạnh thương. Với trái tim “chạnh thương” loài người, Ngài đã chữa lành cho người bị bệnh phong (x. Mc 1,40), đã cho người con trai duy nhất đã chết của bà góa thành Nain được sống lại (x. Lc 7,15)… Và sau 33 năm làm người, Ngài đã nhận biết đầy đủ và nếm trải mọi chiều kích của thân phận con người, nhất là cái chết, Ngài đã tự nguyện chết trên Thập Giá để làm cho mọi người được sống hầu thỏa mãn khát vọng lớn nhất của con người là được sống và sống mãi trong hạnh phúc. Và nếu một bạn hữu đích thật phải là người sẵn sàng trao ban sự sống của mình cho người bạn mình, thì quả thật Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu Kitô, là người bạn đích thật của chúng ta (x. Ga 15,13).
 
Như vậy, còn tình yêu nào lớn hơn nữa? Ôi tình yêu của Chúa thật lớn lao! Thánh Phaolô đã diễn tả tình yêu lớn lao này như sau: Thiên Chúa “sai chính Con mình mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3).
 
3. Vì thế, trong Đêm Cực Thánh này, chúng ta hãy ngước mắt nhìn vào Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, lắng nghe lời Sứ Thần Chúa loan báo: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay,  Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavit, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11), để từ trái tim, chúng ta thốt lên lời cảm tạ tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Hãy khơi lên trong tâm hồn niềm tin vững vàng rằng Ngài sinh ra trên trần gian để ở với chúng ta, chia sẻ kiếp người còn nhiều giới hạn của chúng ta, đồng hành với chúng ta, chịu đau khổ với chúng ta, chạnh thương chúng ta, chữa lành và khích lệ chúng ta. Hãy để niềm vui Giáng Sinh hôm nay đốt lên trong chúng ta niềm hy vọng được sống và sống mãi trong hạnh phúc. Hiện nay, cuộc sống chúng ta còn nhiều bất ổn và lo âu, nhất là lo âu về dịch bệnh Covid-19 đang hoành hoành trên thế giới, đã giết chết  hơn 1 triệu bảy trăm ngàn người và đang có nguy cơ tái phát tại đất nước chúng ta, chúng ta hãy phó thác chúng ta, gia đình chúng ta, đất nước chúng ta và toàn thể thế giới cho Chúa. 

4. Chúng ta hãy nhìn vào hang đá một lần nữa, ngoài Hài Nhi Giêsu, chúng ta còn thấy Mẹ Maria và Thánh Giuse, và như thế, chúng ta thấy một gia đình. Một gia đình gồm những người chỉ sống cho người khác và phục vụ hạnh phúc của người khác.Thật vậy, Thánh Giuse cùng với Mẹ Maria đã vâng theo ý Chúa Cha, cộng tác vào việc nhập thể làm người của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Theo Thánh Gioan Kim khẩu, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã tự đặt mình “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi”. Để giúp mỗi người, mỗi gia đình sống như gia đình Thánh Gia: 

-  Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thiết lập Năm Thánh kính Thánh Giuse vào ngày 08-12 vừa qua, bắt đầu từ 08-12-2020 tới 08-12-2021, để cho chúng ta thấy rõ sự cộng tác của Thánh Giuse vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, hầu chúng ta bắt chước cách sống của Ngài. Quả thật, “Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI). 

- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã kêu gọi chúng ta “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình” trong suốt năm 2021 này. Hiện nay, do ảnh hưởng của khuynh hướng trần tục hóa, coi trọng tiền bạc, lợi, thú đã tạo ra một lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, nên giới trẻ dễ bị khủng hoảng về niềm tin và mất phương hướng, có nguy cơ đánh mất những tương quan căn bản của đời người là tương quan thân tình với Chúa, tương quan hiếu thảo với cha mẹ và tương quan yêu thương anh chị em trong gia đình. Qua đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong muốn các bậc cha mẹ hãy làm cho gia đình mình trở thành trường học để đào tạo con cái thành những người biết sống yêu thương. Cách sống của Gia đình Ba Đấng: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là mẫu để chúng ta bắt chước.
 
Vì thế, tất cả chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ, hãy hướng mắt về Hài Nhi Giêsu, về Mẹ Maria và Thánh Giuse trong Đêm Cực Thánh này, để nhận ra cách sống đẹp nhất của con người là cuộc sống vì người khác. hãy học nơi Thánh Giuse và Mẹ Maria tinh thần hy sinh phục vụ làm cho Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót, hiện diện, lớn lên trong gia đình mình, trong môi trường mình đang sống và đang làm việc.

5. Giờ đây, xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm trí đón nhận sự bình an mà Chúa Hài Nhi trong Đêm Cực Thánh này mang đến và cho chúng ta cảm nhận được sự bình an của Chúa ngay trong Thánh Lễ này, để chúng ta luôn vững tin vào Chúa và can đảm sống yêu thương như Chúa trong đời sống hàng ngày. Amen.

 + Giuse Nguyễn Đức Cường
Giám mục Giáo phận Thanh Hóa