Tân Chân phước Pauline Jaricot: Một trái tim truyền giáo

26/05/2022
1059

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Hôm 22.5.2022, gần 12.000 người tham dự đã thánh lễ phong chân phước cho Đấng đáng kính Pauline Jaricot tại Hội trường Triển Lãm Chassieu, Lyon, do Đức Hồng y Luis Antonio Tagle - Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc - chủ tế với sự đồng tế của nhiều Hồng y, Giám mục, và hơn 500 linh mục từ khắp nơi trên thế giới.

Cùng với Đức Tổng Giám mục Olivier de Germay của Lyon, Đức Hồng y Tagle chào đón 120 Giám đốc Quốc gia của các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo hiện diện trong thánh lễ để bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng đối với vị sáng lập Pauline Jaricot trong ngày trọng đại này.

1. Chân phước Pauline Jaricot: một trái tim hiến dâng trọn vẹn

Việc phong chân phước hôm nay là kết quả của việc Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận vào năm 2020, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chị Pauline Jaricot, phép lạ chữa lành cho bé Mayline Tran vào năm 2012.

Sự việc xảy ra, khi mới 3 tuổi, Mayline bị nghẹn một chiếc xúc xích nhỏ khi ăn và rơi vào hôn mê. Các bác sĩ cho là tuyệt vọng, do nguồn cung cấp ôxy cho não bị ngưng, em không còn cơ hội đi lại hoặc nói chuyện được nữa.

Sau tuần cửu nhật cầu nguyện với Đấng đáng kính Pauline Jaricot, sức khỏe của Mayline có tiến triển, và được hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tháng. Một hội đồng chuyên môn coi việc hồi phục này không thể giải thích được về mặt y học.

Phép lạ thực sự tồn tại và Mayline là bằng chứng sống động về điều đó”, người cha của Mayline xúc động chia sẻ trước thánh lễ, trước sự chứng kiến ​​của nhiều tín hữu và Mayline, hiện 13 tuổi đứng ở hàng ghế đầu, mỉm cười trong hạnh phúc.

Pauline Jaricot, một trái tim quảng đại

Thánh lễ được bắt đầu với việc Đức Hồng y tuyên đọc bằng tiếng Anh sứ điệp, được Đức Giáo hoàng Phanxicô ký vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương xót 24.4.2022, công bố Đấng đáng kính Pauline Jaricot “từ nay được gọi là Chân phước”.

Trong sứ điệp, sau khi tuyên dương việc thánh nhân “đã hiến dâng cuộc đời mình cho việc truyền giáo, cho việc phục vụ người nghèo, và cho việc cầu nguyện”, Đức Giáo hoàng ước mong:

đức ái của chúng ta cũng sáng tạo và hiệu quả như của chị Pauline Jaricot. Chúng ta hãy học cách quảng đại cống hiến tài năng và những gì chúng ta có cho Thiên Chúa, cho anh chị em, đặc biệt là những người nghèo nhất để hỗ trợ sứ mệnh được trao phó cho chúng ta trong Giáo Hội là mang Tin Mừng đến thế giới.

Ngay sau sứ điệp của Đức thánh cha, thánh tích là trái tim của vị tân Chân phước được rước lên, trao cho Mayline Tran, và cô kính cẩn đặt thánh tích trên bục bên cạnh bàn thờ.

 

Pauline Jaricot: một trái tim nồng nàn

Khi chia sẻ bằng tiếng Pháp, bài Tin mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm C, Đức Hồng y Tagle nhấn mạnh về lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu “Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con sẽ giữ các giới răn của Thầy”. Qua đó, Đức Hồng y cho thấy Chân phước Pauline Jaricot đã sống tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, bằng cách trở thành một nhà truyền giáo, một người chị em của người nghèo, và một công cụ của tình huynh đệ phổ quát. Đức Hồng y nêu bật vài điểm chính:

- Yêu mến Chúa Giêsu, đó là đáp lại với lòng biết ơn Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Yêu mến Chúa Giêsu, đó là để cho Người, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa, sống, hành động và yêu thương trong chúng ta và qua chúng ta. Chúng ta nhìn thấy nơi Chân phước Pauline Jaricot một chứng tá sống động về sức mạnh của tình yêu đối với Chúa Giêsu, một tình yêu trở nên đồng nhất với Chúa Giêsu;

- Yêu mến Chúa Giêsu, đó là trung thành với lời của Người nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta ngạc nhiên thán phục khi thấy Chân phước Pauline Jaricot đã ngoan ngoãn như thế nào với Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy ngài với những ý tưởng và sáng kiến mới mẻ để loan truyền Tin Mừng và phục vụ người nghèo;

- Yêu mến Chúa Giêsu, Chân phước Pauline Jaricot chấp nhận mất tất cả để để nhận được bình an của chính Chúa Giêsu. Nhờ đó, ngài có được sự thanh thản, kiên nhẫn và can đảm khi phải đương đầu với những khó khăn về thể lý, những khổ đau, sỉ nhục về tinh thần để không đánh mất sự bình an của lòng tin, và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

 
 
Pauline Jaricot: một trái tim can đảm

Trong bài chào mừng trước thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Olivier de Germay bày tỏ niềm vui của toàn thể Dân Chúa trước sự kiện trọng đại khi một người con của Lyon được tôn phong Chân phước.

Là một phụ nữ thích chiêm niệm và năng động, với phương châm, "Một xu và một lời cầu nguyện" Chân phước Pauline Jaricot đã dành cuộc đời cho việc truyền giáo và mang lại nhiều hoa trái cho sứ mạng cốt lõi này; Là một phụ nữ giàu có, cuối cùng chị đã chấp nhận sống trong sự nghèo túng, bị sỉ nhục và lãng quên.

Cùng ngày, tại Quảng trường thánh Phêrô, sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng ca ngợi Chân phước Pauline Jaricot,

là một phụ nữ can đảm, biết lưu tâm đến những thay đổi diễn ra vào thời đại của mình và có tầm nhìn toàn cầu về sứ mệnh của Giáo hội. Xin cho tấm gương của chị khơi dậy nơi mỗi tín hữu niềm khao khát muốn tham gia, bằng kinh nguyện và việc bác ái, vào sứ mệnh truyền bá Tin mừng trên khắp thế giới.

2. Chân phước Pauline Jaricot: hành trình của một tâm hồn truyền giáo

Là con út trong số 7 anh chị em, Pauline Jaricot sinh ngày 22.7.1799 trong một gia đình giàu có, sở hữu một nhà máy sản xuất tơ lụa ở Lyon. Dù sống giữa những hỗn loạn của cuộc Cách mạng Pháp và cuộc đảo chính của Napoléon Bonaparte, cô bé Pauline Jaricot luôn đón nhận tình yêu thương và được truyền cảm hứng bởi đức tin sống động và những hành động bác ái của cha mẹ.

Sống cạnh Nhà thờ Saint-Nizier, ngay từ khi còn nhỏ, Pauline Jaricot thích đến nhà thờ để nói chuyện với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể như một người bạn thân. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi thiếu niên, trở thành một cô gái xinh đẹp, Pauline Jaricot bị lôi cuốn vào vòng xoáy phù phiếm của lối sống thượng lưu, và thích được tâng bốc, tán tỉnh.

Pauline Jaricot, một tâm hồn hoán cải

Nhưng sau đó, do bị một cú ngã nặng gây tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng việc cử động và lời nói; ngoài ra, anh trai và mẹ cũng qua đời không lâu sau đó, tất cả đã khiến Pauline Jaricot khép mình với thế giới, và sức khỏe ngày một xấu đi.

Năm 1815, gia đình chuyển đến gần khu phố La Croix-Rousse, nơi những người thợ lụa nghèo khó sinh sống. Một linh mục địa phương thường xuyên đến thăm và với sự giúp đỡ của ngài, Pauline Jaricot vượt thắng những chấn thương sâu đậm ấy và cuộc đời chị được thay đổi hoàn toàn. Từ đây, chị chìm đắm trong tình yêu với Chúa Giêsu, lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hàng ngày, liên lỉ cầu nguyện cho việc hoán cải tội nhân và cho việc loan báo Tin Mừng trên thế giới.

Pauline Jaricot đã cho đi những thứ sang trọng, chọn cách ăn mặc như những người thợ dệt để gần gũi với họ. Chị tận tụy phụng sự Thiên Chúa nơi người nghèo, hằng ngày đi thăm viếng, an ủi bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh nan y, như là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa họ.

Sau những ngày cầu nguyện, vào Giáng sinh năm 1816, tại một nhà nguyện Đức Mẹ Fourvière ở Lyon, Pauline Jaricot quyết định dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tuyên khấn khiết tịnh vĩnh viễn.

Tại nhà thờ Thánh Polycarp ở La Croix-Rousse, Pauline Jaricot đã lập ra nhóm Những người an ủi thánh tâm bị hiểu lầm và bị khinh miệt của Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện và hành động. Linh đạo của nhóm tập trung vào Bí tích Thánh thể và lòng sùng kính Thánh giá.

Pauline Jaricot, một tâm hồn truyền giáo và cầu nguyện

Qua người anh trai tên Phileas, đang theo học để trở thành một linh mục truyền giáo, Pauline Jaricot biết được những khó khăn về kinh tế của hoạt động truyền giáo, và cảm thấy được thôi thúc xúc tiến các sáng kiến ​​giúp đỡ qua lời cầu nguyện và việc gây quỹ. Vì vậy, ở tuổi 19, cùng với người thân, bạn bè, và một số công nhân tại xưởng dệt, Pauline Jaricot bắt đầu quyên góp “le sou de Pauline” (những đồng xu của Pauline). Một cách cụ thể, từng nhóm nhỏ gặp nhau hằng tuần để cầu nguyện, trao đổi tin tức, và quyên góp tiền cho việc truyền giáo.

Từ những khởi đầu đơn giản này đã hình thành nên Hội Truyền bá Đức tin, và chính thức ra đời vào ngày 3.5.1822, tại Lyon, như một cách để mời gọi tín hữu hỗ trợ sứ mệnh truyền giáo thông qua lời cầu nguyện và các khoản quyên góp nhỏ. Hội ngày càng phát triển và sau đó được chuyển thành Hiệp hội Truyền bá Đức tin. Đúng một thế kỷ sau, vào ngày 3.5.1922, Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong cho Hiệp hội tước hiệu “Giáo hoàng”. Từ đây, các văn phòng trung tâm của Hiệp hội Truyền bá Đức tin đã được chuyển về Rôma để cộng tác với Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc trong việc thúc đẩy tinh thần và hoạt động truyền giáo. Ngày nay Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội lâu đời nhất trong bốn Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, một nhóm bảo trợ của các hoạt động truyền giáo dưới quyền của Đức Giáo hoàng.

Năm 1825, để đáp lại lời mời gọi người Công giáo lần hạt Mân Côi của Đức Giáo hoàng Lêô XII, Pauline Jaricot đã thành lập Hiệp hội Mân Côi Sống. Như là một mắt xích trong một chuỗi hiệp thông cầu nguyện, Hiệp hội nhấn mạnh đến “sức mạnh của nhóm”: một nhóm gồm 15 người cùng nhau cầu nguyện Kinh Mân Côi mỗi ngày qua việc mỗi người cam kết đọc 10 kinh của chuỗi Mân Côi.  Như vậy, mỗi ngày, nhóm cùng nhau suy niệm về 15 mầu nhiệm, tức là lần chuỗi Mân Côi trọn vẹn.

3. Chân phước Pauline Jaricot: một cuộc đời phủ bóng của thánh giá

Nhờ Hiệp hội Truyền bá Đức tin và Hiệp hội Mân Côi Sống, danh tiếng của Pauline Jaricot ngày càng lan rộng. Chị nhận được thư từ của nhiều nhân vật trong Giáo hội và của các nhà truyền giáo trên khắp thế giới. Nhưng những năm cuối đời của Pauline Jaricot được đánh dấu bằng sự đau khổ tột cùng dưới bóng của Thánh giá.

Vào năm 1835, sức khỏe của Pauline Jaricot bị suy yếu trở lại, được lôi cuốn cầu nguyện với Thánh Philomena, chị lên đường đến Mugnano, một thị trấn ở miền nam nước Ý, nơi lưu giữ các di tích của Thánh Philomena. Nhờ lời cầu bầu của thánh nhân, chị được cho là đã được chữa lành.

Nhiệt tâm với ý tưởng muốn nâng cao đời sống của công nhân theo mô hình của một doanh nghiệp Kitô giáo, vào năm 1845, Pauline Jaricot mua một nhà máy bao gồm một tòa nhà bên cạnh dùng làm căn hộ cho công nhân và gia đình của họ, gần đó có một trường học và nhà nguyện. Tuy nhiên, Pauline Jaricot đã bị đánh lừa khi những người được chị chọn để quản lý các cơ sở đã gian lận, và dự án kết thúc bằng việc bị phá sản. Với thất bại này, danh tiếng của Pauline Jaricot coi như bị huỷ hoại hoàn toàn, vào cuối đời, chị bị đưa vào danh sách những người nghèo của thành phố.

Bị mất tất cả, chỉ còn lại tình yêu dành cho Thiên Chúa và sự tha thứ dành cho những người lừa dối mình, Pauline Jaricot qua đời trong cô đơn vào năm 1862.

Sau này, người ta đã phát hiện ra những dòng chữ, được xem là di nguyện thiêng liêng của chị: “Hy vọng của tôi là nơi Chúa Giêsu! Kho báu duy nhất của tôi là Thánh giá! Tôi sẽ chúc tụng Chúa mọi lúc, và miệng tôi không ngớt lời ngợi khen Ngài”.

Kể từ năm 1935, di cốt của Pauline Jaricot được đặt trong Nhà thờ Thánh Nizier ở Lyon.

Vào ngày 25.2.1963, một thế kỷ sau khi qua đời, Đức giáo hoàn Gioan XXIII đã tuyên bố chị Pauline Jaricot là Đấng đáng kính.

 
***

Sau những thăng trầm của một nữ giáo dân với cuộc đời 63 năm, việc chị Pauline Jaricot được phong chân phước hôm nay chắc chắn không phải chỉ là việc Giáo hội muốn tuyên dương những thành tựu của chị để chúng ta ngưỡng mộ, mà chính là việc Giáo hội muốn nêu bật một mẫu gương, như là một gợi hứng thúc đẩy chúng ta ý thức ơn gọi và căn tính Kitô hữu của mình.

Nếu đúng như thế thì, phải chăng:

- Để như chân phước Pauline Jaricot, người đã coi sự tồn tại của mình như một lời đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa luôn biết thống nhất tính cách và khả năng của mình với ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta học được rằng chúng ta hiện hữu là có mục đích, và ơn gọi tối hậu của mình là nên thánh ngay trong cuộc sống thường nhật;

- Để như chân phước Pauline Jaricot, người xuất thân từ một gia đình giàu có, với những quyền lực và đặc quyền, nhưng lại đã chọn một cuộc sống phục vụ, đi bên cạnh người nghèo và chết trong cảnh nghèo, chúng ta học được ý nghĩa nghịch lý của Tin mừng thế nào là có được kho báu đích thực ở trên trời;

- Để như chân phước Pauline Jaricot, người có một sự hiểu biết sâu xa về phẩm giá của con người, luôn coi những bất công trong xã hội là thử thách cá nhân của chính mình, và thao thức để giảm bớt đau khổ của người khác; chúng ta học được rằng chúng ta là anh chị em trong một gia đình nhân loại nơi Thiên Chúa, Đấng là Cha của mọi người;

- Để như chân phước Pauline Jaricot, vốn là một nữ giáo dân trẻ ở thế kỷ 19 nhưng bằng tầm nhìn và nghị lực của mình, đã có những cam kết và thiết lập một mạng lưới cầu nguyện, hỗ trợ thực tế cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội; chúng ta học được rằng nếu mỗi chúng ta cầu nguyện một chút, cống hiến một chút thì mình có thể góp phần giới thiệu Tin mừng tình yêu đến mọi nơi trên thế giới;

Và trên tất cả,

Để như chân phước Pauline Jaricot, người vác thập giá hàng ngày của mình bằng một tình yêu trung tín và can đảm, dù đó là thập giá của sự bị ốm đau, bị lừa dối, bị bôi nhọ, bị từ chối, bị sỉ nhục, và bị bỏ mặc… ; chúng ta học được rằng chính những đau khổ, thử thách giữa muôn hình vạn trạng của cuộc sống sẽ trở thành nguồn sức mạnh nâng đỡ để chúng ta kiên trì hơn, khiêm tốn hơn, và không dễ dàng buông bỏ niềm tin của mình?

Theo: osvnews.com (06. 5) và fides.org  ; catholicnewsagency.com ; vaticannews.va (23. 5. 2022)

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tan-chan-phuoc-pauline-jaricot-mot-trai-tim-truyen-giao-46035