Ông Olivier Trần và dịch vụ ăn uống Biscornu do người khuyết tật điều hành

20/12/2023
411


Ông Olivier Trần và dịch vụ ăn uống Biscornu do người khuyết tật điều hành

Olivier Trần năm nay 47 tuổi, vào năm 2020, đã từ bỏ công việc trong lĩnh vực hàng không để thành lập một dịch vụ trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp và một hiệp hội chuyên đào tạo và tạo điều kiện cho những người trẻ bị thiểu năng tâm thần có cơ hội hoà nhập vào các công ty.

 

Ngọc Yến - Vatican News

Cuộc sống hàng ngày của ông Olivier Trần ở Pháp xoay quanh vai trò làm cha của một gia đình có ba con, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không với một sự nghiệp tươi sáng. Nhìn vào phong thái điềm tĩnh của ông không ai nghĩ rằng ông là một người “nổi loạn”. Tuy nhiên, cuộc đời ông đã trải qua điều này khi chứng kiến con của mình ở tuổi 14 với chứng tự kỷ đã ngang nhiên bỏ học và tìm cách xem những video có nội dung tự tử. Chính tình thương dành cho con đã làm cho ông vào năm 2020 dừng lại sự nghiệp của mình để tìm cách giúp con sống tốt. Ông Olivier Trần chia sẻ: “Quyết định này là một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ nỗi đau cá nhân. Đó chính là việc nhìn thấy sự cô đơn và cảm giác bất lực của con tôi”.

Nghĩ là làm, ông đã tạo dựng Biscornu, một dịch vụ ăn uống với 120 nhân viên là những người trẻ có vấn đề về tâm trí. Bên cạnh đó ông còn thiết lập hiệp hội Afuté chuyên đào tạo và tạo điều kiện hoà nhập vào các công ty cho những người thiểu năng tâm thần tuổi từ 14 đến 30. Nhờ sự hỗ trợ của một số người cùng chung chí hướng đến từ những công ty lớn, ông quyết tâm đưa ra mục tiêu “Nâng cao nhận thức và đề xuất một mô hình xã hội hoà nhập toàn diện cho người khuyết tật”.

Ông nói: “Tôi muốn mô hình này là một lời kêu gọi đến tất cả mọi người quan tâm và dành không gian đầy đủ cho những người trẻ này. Thực vậy, thế giới của những người khuyết tật sống trong một mạch khép kín, không có cầu nối với xã hội. Cần một con đường xây dựng giữa hai thế giới này, để cung cấp không gian cho người khuyết tật bao nhiêu có thể. Chúng ta không thể đối xử theo kiểu tất cả những gì không phù hợp với khuôn khổ thông thường đều bị ném vào quên lãng. Bước ra khỏi cái hộp, đón nhận sự khác biệt, vẽ một thế giới với những đường chéo thậm chí đường xoắn, đó là thông điệp mà Biscornu, một dịch vụ ăn uống cao cấp muốn truyền tải”.

Là người Công giáo, ông Olivier Trần xác tín rằng đức tin của ông được sinh động nhờ những thay đổi triệt để trong cuộc sống. Ông chia sẻ: “Khi bạn là một người Công giáo, về cơ bản bạn tin vào giá trị của việc trao ban, vào sự quảng đại đối với người khác. Trước đây, mặc dù thành công trong ngành hàng không nhưng tôi chưa bao giờ chia sẻ với người lân cận. Giờ đây tôi hiểu rằng giúp đỡ người khác là tìm được ý nghĩa tình thương Kitô giáo”.

Ông Olivier Trần cho biết khi bắt tay vào dự án mới đầy tham vọng, một dự án cho cuộc sống, ông không biết gì về lĩnh vực này, nhưng vì tình thương dành cho con trai nói riêng và những người khuyết tật nói chung, ông đã bắt đầu sự nghiệp với những tìm hiểu và học hỏi từng bước.

Khi được hỏi tại sao lại chọn dự án trong lĩnh vực phục vụ ăn uống, ông nói: “Tôi muốn biến sự loại trừ thành một sự cộng tác đẹp. Đó là thông điệp tôi muốn loan truyền. Phục vụ ăn uống là một lĩnh vực liên quan đến tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều cần. Đó là đề tài ý nghĩa đối với mọi người, đặc biệt là người Pháp”.

Sáng kiến của ông Olivier đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đầu bếp nổi tiếng của Pháp bằng cách cung cấp cho ông một số công thức nấu ăn để góp phần đào tạo thế hệ trẻ. Đối với những người chưa biết đọc biết viết, ông Olivier Trần tạo một phương pháp học từ đầu: phương pháp của những người thông minh. Điều này bao gồm việc trình bày các chuỗi cử chỉ để giúp học sinh hiểu được những gì được mong đợi ở các em thông qua các bức vẽ. Mỗi bước được chia nhỏ để cho phép hoàn thành một nhiệm vụ. Afuté hiện đang đào tạo 50 người học việc, nhưng có thể mở rộng trong những năm tới. Ông Olivier Trần vui mừng nói: “Chúng tôi đã có thỏa thuận từ Bộ Lao động để đào tạo 200 người vào tháng 6/2024. Việc này đang diễn ra ở một quy mô nhất định. Mục tiêu cuối cùng vẫn là có một hệ thống hòa nhập quy mô lớn. Tôi có một ước mơ: 2 triệu người thiểu năng tâm thần có thể hoà nhập vào xã hội, cho dù chỉ là những đóng góp nhỏ, thay vì tạo ra những ốc đảo, thế giới biệt lập”.

 

Nguồn: vaticannews.va/vi