Hoạt động hoà giải trong âm thầm của sơ Ester ở Hàn Quốc
27/01/2025
22
►GIÁO HỘI - CHỨNG TÁ ĐỨC TIN
Hoạt động hoà giải trong âm thầm của sơ Ester ở Hàn Quốc
Năm Thánh Hy vọng 2025 đã mở ra, cũng là năm đánh dấu 80 năm tự do và chia cắt Bắc Hàn và Nam Hàn. Chính niềm hy vọng đang có nơi tâm hồn mỗi người dẫn dắt người Công giáo Hàn Quốc tiếp tục bước đi mỗi ngày trong các hoạt động hàng ngày.
Vatican News
Sơ Ester Palma, người đang đồng hành âm thầm với nhóm các bạn trẻ sinh ra ở Bắc Hàn, nhưng đã vượt biên sang Nam Hàn cùng với cha mẹ, cũng cảm nhận được điều này.
Là một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha, thuộc dòng Nữ tỳ Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót, sơ Ester đã cùng với các nữ tu cùng dòng đến quốc gia châu Á này hoạt động từ 18 năm qua tại thành phố Daejeon, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Sơ cho biết, trong câu chuyện cá nhân của mỗi người, các bạn trẻ đến từ Bắc Hàn phải đối diện với nhiều trở ngại và chia cắt. Nhưng với niềm tự hào và quyết tâm, trước sự cấp bách của hoà nhập hoàn toàn cách hiệu quả đòi hỏi khắt khe của đô thị, những người trẻ này học hành chăm chỉ.
Sơ Ester cộng tác với một nhóm khoảng 12 người do các cha Dòng Phanxicô điều phối. Nhóm họp tại Seoul mỗi tháng một lần, và mỗi lần như vậy luôn kết thúc bằng Thánh lễ và một bữa tối cùng nhau.
Nhà thừa sai nói: “Buổi gặp gỡ thường bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện thân mật và chơi cờ với nhau để phá vỡ sự ngại ngùng. Người Bắc Hàn thường rất nhút nhát, vì thế họ cần thời gian để mở lòng và cảm thấy thoải mái. Phần thứ hai của buổi gặp gỡ tập trung vào các chủ đề như hoà bình, kiến thức và phát triển bản thân. Những người trẻ này muốn đặt những câu hỏi về chính cuộc sống cá nhân và tương lai của chính mình”.
Sơ cho biết thêm, việc rời khỏi Bắc Hàn rất phức tạp. Tự do đi lại rất hạn chế và gần như không được phép. Đa số những bạn trẻ đến Nam Hàn khi còn nhỏ, khoảng từ tám đến chín tuổi. Hiện nay, ở độ tuổi đôi mươi, họ đã sống ở Nam Hàn cả một thập kỷ. Lúc đầu họ rời Bắc Hàn cùng người mẹ, vì phụ nữ có thể đi lại dễ hơn. Do nền kinh tế thị trường, họ đến Trung Quốc để bán hàng rồi ở lại luôn, nhờ sự trợ giúp của một “trung gian”. Nếu bị bắt, họ phải đối diện với việc trục xuất vì nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là lúc những người môi giới khác xuất hiện, đưa họ đến Thái Lan hoặc Lào và cuối cùng đến Đại sứ quán Hàn Quốc. Mọi thứ đều được lên kế hoạch và quá trình này rất tốn kém. Cũng có người bắt đầu cuộc sống mới ở Trung Quốc, tìm được người tốt và lập gia đình mới, từ bỏ ý định chạy sang Hàn Quốc.
Khi đến Hàn Quốc, sau một quy trình dài chọn lọc, họ sẽ được cấp quy chế tị nạn chính trị. Họ được cấp hộ chiếu, và khi vào Hàn Quốc, họ được gửi trở lại các văn phòng có liên quan và được kiểm tra lần nữa. Sơ Ester, người gốc Granada của Tây Ban Nha nói: “Quá trình này gây kiệt quệ về mặt cảm xúc và con người”.
Trong thời gian ở các trung tâm tị nạn, họ gặp sự “tiếp xúc” đầu tiên với công việc của Giáo hội. Ở đó, một chương trình đào tạo kéo dài ba tháng dạy họ về hệ thống ngân hàng, giáo dục và tôn giáo, giúp họ hiểu xã hội. Những người trẻ được khuyến khích đối diện với các cộng đồng tôn giáo khác nhau, và thông qua các cuộc gặp gỡ với các tu sĩ phục vụ tại trung tâm, những mong muốn ham hiểu biết ban đầu có thể phát triển thành những tình cảm tốt đẹp. Một cuộc gặp gỡ và một trải nghiệm cũng có thể dẫn mọi người đến việc xin rửa tội và chọn trở thành người Công giáo.
Đối với những ai muốn trở thành Kitô hữu, sau thời gian đào tạo, các nữ tu sẽ cung cấp nhà ở. Vào thời điểm này, những người tị nạn trẻ đã nhận được hộ chiếu Hàn Quốc, thẻ căn cước và điện thoại di động. Nữ tu người Tây Ban Nha giải thích: “Với nhiều hình thức hỗ trợ, chỗ ở và học bổng, họ được trợ giúp cho đến khi có thể thích nghi với xã hội, điều này xảy ra khi họ có việc làm và có được cuộc sống độc lập”.
Ngay cả khi họ không chọn theo Công giáo, những người trẻ vẫn tham gia vào các nhóm được gọi là “câu lạc bộ”, nơi họ phát triển lòng tự hào mạnh mẽ về những quyết định đã đưa ra. Tuy nhiên, họ sống trong sự lo lắng cho những người thân mà họ đã bỏ lại phía sau, những người mà họ rất thương nhớ, vì không chắc có thể gặp lại hay không. Họ tin vào khả năng thay đổi số phận của mình trong khi tránh tiết lộ nguồn gốc và tránh những câu hỏi như “bạn đã thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đâu?” hoặc “bạn đã đến thăm ông bà của mình trong ngày lễ Trung thu chưa?”. Những câu hỏi này, phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc, có thể khiến họ phải chịu những định kiến gắn mác họ là thấp kém, nghèo đói hoặc cộng sản. Mệt mỏi vì phải lặp lại câu chuyện của mình, nhiều người chọn cách im lặng ngay cả trước mặt những người thực sự quan tâm.
Sau hai năm học tiếng Hàn, sơ Ester và cộng đoàn đã nhận được sự tôn trọng vì sự phục vụ tận tụy của họ cho sứ vụ của Giáo hội. Sơ Ester nói: “Trong công việc quản lý cảm xúc này, tôi tìm cách giúp mỗi người trẻ khám phá ra tài năng, khả năng và điểm yếu của họ, để hiểu họ được kêu gọi làm gì và họ muốn theo đuổi con đường sống nào. Tôi muốn truyền cho họ hy vọng và lòng thương xót của Chúa, để họ không bị mắc kẹt trong quá khứ”. Theo các tu sĩ, quá trình chữa lành cảm xúc là một việc được thực hiện từng bước. Những người trẻ đến Hàn Quốc có triển vọng thành công tốt hơn so với người lớn.
Sơ Ester cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh tích cực về Bắc Hàn như là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và hòa giải.
Cách tiếp cận này phù hợp với sứ điệp năm 2021 của Đức cha Simon Kim Ju-young của Chuncheon, trong đó khuyến khích người Công giáo cầu nguyện hàng ngày lúc 9 giờ tối một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngài cũng mời các tín hữu hành động vì hòa bình trong gia đình, cộng đoàn và xã hội, nhớ đến những anh chị em của chúng ta ở Bắc Hàn và thúc đẩy tình liên đới qua tình yêu thương và sự chia sẻ.
Nguồn: vaticannews.va
Tin bài khác