
CẢM NHẬN VỀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
Khi tiếng “Habemus Papam” vang lên vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 tại quảng trường Thánh Phêrô, cả thế giới hồi hộp chờ đợi dung nhan của vị tân Giáo hoàng. Và khi Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio bước ra với gương mặt hiền lành và dáng đi khiêm tốn, một điều gì đó thật mới mẻ đã bắt đầu. Không chỉ vì ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, không phải chỉ vì ngài chọn một cái tên chưa từng có “Phanxicô” mà hơn hết, có thể nói vì nhân loại đang đói khát tình yêu, đang khô cằn vì chiến tranh, thế giờ đang phân cực, sự nghèo đói và chủ nghĩa cá nhân… lại được ban tặng một mục tử của lòng thương xót.
Hơn mười năm trôi qua kể từ giây phút lịch sử đó, tôi như biết bao Kitô hữu trên toàn thế giới đã và đang cảm nhận ngày một sâu sắc ơn gọi đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô: trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giàu lòng xót thương trong thế giới hôm nay.
1. Người cha gần gũi, giản dị và đầy nhân hậu
Điều đầu tiên tôi ấn tượng nơi Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là những bài giảng lớn lao, không phải những thông điệp dài dòng, mà chính là sự gần gũi và lối sống vô cùng giản dị của ngài. Vừa mới được bầu chọn, Đức Thánh Cha đã từ chối dùng xe Giáo hoàng đưa đón, từ chối áo choàng gấm, thánh giá vàng hay giày đỏ truyền thống. Ngài chọn sống tại Nhà Thánh Marta thay vì cư ngụ tại Dinh Tông Toà, chọn ăn chung với các linh mục và tu sĩ, và vẫn duy trì thói quen tự mang cặp táp đi làm, tự gọi điện thoại cho giáo dân…
Đó không phải là cử chỉ để "lấy lòng" dư luận xã hội. Nhưng đó là lối sống Phúc Âm thực sự. Ngài sống nghèo, không chỉ vì yêu mến sự khó nghèo như Thánh Phanxicô Assisi, mà còn để ở bên cạnh những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người tị nạn, di dân, những người vô gia cư, những người khuyết tật… Đã biết bao lần tôi xúc động khi thấy ngài rửa chân cho tù nhân, ôm lấy người bệnh tật, ghé thăm những vùng quê nghèo ở Phi châu hay tiếp xúc với người trẻ ở ngoại ô thành phố.
Ngài không đứng trên tòa cao, nhưng đã bước xuống để đi vào những ngõ hẻm cuộc đời, nơi có những giọt nước mắt, vết thương và cả bóng tối. Một mục tử “mang mùi chiên”, như chính ngài từng nói, là điều mà thế giới hôm nay đang cần biết bao.
2. Người kiến tạo hòa bình trong một thế giới chia rẽ
Trong một thế giới mà hận thù, chiến tranh, và phân cực chính trị ngày càng gia tăng, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành người kiến tạo hòa bình không biết mỏi mệt. Ngài lên tiếng mạnh mẽ chống lại mọi hình thức bạo lực, chủ nghĩa cực đoan, và nhất là nền văn hóa loại trừ, nơi người nghèo, người già, thai nhi, người di dân… bị xem như “vật thể thừa”.
Tôi nhớ mãi chuyến tông du của ngài đến trại tị nạn trên đảo Lesbos (Hy Lạp), nơi ngài đã khóc cùng với những người tị nạn Syria, đem về Vatican một số gia đình Hồi giáo để chăm sóc. Đó không phải là cử chỉ biểu tượng. Nhưng đó là lời ngôn sứ sống động, là “tiếng kêu của Tin Mừng” trong một thế giới đang đóng kín trước nỗi đau của tha nhân.
Ngài không ngần ngại lên tiếng với những nhà lãnh đạo quốc tế, kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo vệ người yếu thế, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và lắng nghe tiếng nói của các dân tộc bản địa. Ngài nói: “Chiến tranh là thất bại của nhân loại” một câu nói xem ra đơn giản nhưng chất chứa bao sự khôn ngoan và đau đớn của một trái tim mục tử.
3. Người thầy dạy Giáo Hội bước đi trong lòng thương xót
Một trong những dấu ấn lớn lao của triều đại Đức Phanxicô là Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015–2016, cùng với thông điệp Misericordiae Vultus (“Dung mạo lòng thương xót”). Trong đó, Đức Thánh Cha không chỉ đề cập đến Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, mà còn mời gọi toàn thể Giáo Hội phải là “nhà thương xót”, “cánh tay đón tiếp”, là nơi ai cũng có thể được chữa lành và thứ tha.
Ngài nhấn mạnh rằng: “Giáo Hội không phải là pháo đài đóng kín, mà là một bệnh viện dã chiến giữa chiến trường.” Từ hình ảnh đó, tôi hiểu rằng: Giáo hội không phải là nơi dành cho những con người hoàn hảo, nhưng là nơi Thiên Chúa chạm đến những kẻ mỏng giòn, tội lỗi.
Sự cải tổ Giáo triều, việc nhấn mạnh đến tính hiệp hành, sự cởi mở đối thoại với người ngoài Công giáo, các thông điệp như Evangelii Gaudium, Laudato Si', Fratelli Tutti… Tất cả đều phản ánh một linh đạo: linh đạo của lòng thương xót, một linh đạo mà ở đó, con người là trung tâm, và Lòng Chúa là nơi khởi đầu và kết thúc mọi sứ vụ.
4. Một chứng nhân truyền giáo giữa thế giới tục hoá
Trong thời đại mà nhiều người trẻ rời bỏ đức tin, các nền văn hóa thế tục ngày càng mạnh, và truyền giáo đối diện muôn vàn thách thức, Đức Thánh Cha Phanxicô thổi một luồng gió mới vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài kêu gọi mỗi Kitô hữu phải là một “môn đệ truyền giáo” (missionary disciple), phải lên đường, đi ra khỏi chính mình, khỏi sự an toàn để đến với vùng ngoại vi không chỉ là địa lý, mà còn là ngoại vi của tâm hồn.
Tôi rất cảm động trước cung cách ngài nói chuyện với giới trẻ: không răn đe, không lý luận khô cứng, nhưng đầy thân tình và chân thành. Ngài mời gọi họ “đừng sống như những Kitô hữu an nhàn, nhưng hãy trở thành những nhà cách mạng vì Tin Mừng!”
Đức Thánh Cha không quảng bá một thứ đạo đức giáo điều, nhưng là một niềm tin sống động, có sức lay động và biến đổi thế giới. Với ngài, Giáo Hội không phải là tổ chức tự bảo vệ, mà là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng bằng hành động, bằng lòng nhân ái và sự phục vụ cụ thể.
5. Một tâm hồn cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu
Phía sau tất cả những hoạt động và sứ vụ ấy, điều tôi cảm nhận sâu xa nhất nơi Đức Thánh Cha là đời sống nội tâm kết hợp mật thiết với Chúa. Có lần một nhà báo hỏi ngài: “Đức Thánh Cha là ai?” và ngài trả lời đơn sơ: “Tôi là một người tội lỗi mà Chúa thương xót.”
Chính ý thức về thân phận ấy giúp ngài luôn quy hướng về Thiên Chúa, không tìm vinh danh cho mình, luôn xin Chúa hướng dẫn, và khiêm tốn trong lời nói cũng như trong đời sống. Ngài không xây dựng hình ảnh cho bản thân, nhưng hướng mọi ánh nhìn về Chúa Giêsu. Mỗi buổi sáng, ngài vẫn cử hành Thánh lễ tại Nhà Thánh Marta cách âm thầm, thinh lặng cầu nguyện hàng giờ, và nhiều lần mời gọi dân Chúa cùng ngài thinh lặng để nghe tiếng Chúa.
Tôi tin, chính nhờ đời sống cầu nguyện ấy mà Đức Thánh Cha có được sự bình an, sự kiên nhẫn, sự lắng nghe và lòng xót thương thật sự, những điều không thể có nếu thiếu mối kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nhất là nơi bí tíchThánh Thể.
Biểu tượng sống động của tình yêu Thiên Chúa
Hơn mười năm của triều đại Phanxicô là một thời gian đủ dài để tôi không còn nhìn ngài như một vị giáo hoàng “lạ lẫm”, mà là một người cha, một người bạn đường, một gương mẫu cho chính đời sống Kitô hữu của tôi. Ngài không phải là con người hoàn hảo, chính ngài cũng thường tự nhận mình như vậy, nhưng qua ngài, tôi nhận ra gương mặt dịu dàng của Thiên Chúa, và nhận ra một Thiên Chúa đang cúi xuống thế giới đầy thương tích để ôm lấy và chữa lành.
Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ nói về lòng thương xót. Nhưng ngài đã sống và trở thành chứng ta sống động lòng thương xót và mời gọi tôi và mỗi người chúng ta cũng hãy sống như vậy.
Trong thời đại đầy bất trắc, bóng tối và khát khao hy vọng như hôm nay, sự hiện diện của ngài là một ân ban vô giá cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
Giờ đây, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa, Đấng mà suốt đời ngài yêu mến, phụng sự và làm chứng, lòng tôi chan chứa bao cảm xúc: tiếc thương, biết ơn và cảm phục. Một vị mục tử khiêm hạ, người cha nhân hậu, một chứng nhân sống động của Tin Mừng giờ đây không còn hiện diện giữa chúng ta, nhưng di sản thiêng liêng và con đường ngài đã vạch ra cho chúng ta vẫn tiếp tục chiếu sáng và dẫn dắt Giáo Hội bước đi.
Tôi tin rằng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót mà ngài đã không ngừng rao giảng sẽ mở rộng vòng tay đón lấy người tôi trung vào hưởng hạnh phúc muôn đời. Và cũng chính vì thế, tôi tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta, với lòng hiếu thảo và yêu mến, hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô, để ngài được nghỉ yên trong ánh sáng vinh hiển của Thiên Chúa.
Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội và là mẫu gương khiêm hạ đưa ngài vào Thiên Quốc. Và xin cho chúng ta, những người còn đang tiếp nối hành trình đức tin, biết sống những giá trị mà ngài đã để lại: khiêm nhường, lòng xót thương, tình bác ái và khát vọng hiệp nhất, để chính đời sống chúng ta cũng trở thành chứng tá sống động của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
Bài viết: LM. Từ Tâm
Ban Truyền Thông Gp. Thanh Hoá