30 năm sau khi bị sát hại, Cha Peppe Diana vẫn là gương mẫu cho

20/03/2024
1190
Cha Peppe Diana 


30 năm sau khi bị sát hại, Cha Peppe Diana vẫn là gương mẫu cho

Ngày 19/3/2024 là ngày kỷ niệm 30 năm Cha Peppe Diana bị sát hại tại giáo xứ Thánh Nicola ở thị trấn Casal di Principe thuộc tỉnh Napoli của Ý. Cái chết của cha đã gây ra sự thương tiếc của nhiều người lẫn sự bối rối hoang mang, nhưng không ngăn cản được tất cả những công việc cha đã bắt đầu. Cha Franco Picone, cha sở hiện tại của giáo xứ Thánh Nicola khẳng định: “Ngay cả ngày nay ngài vẫn tiếp tục mang lại công lý cho cộng đoàn của chúng tôi”.

 

Marina Tomarro - Vatican Ciy

Sáng sớm ngày 19 tháng 3 năm 1994, cha Giuseppe Diana, được gọi cách thân thương là Don Peppe, khi đó 36 tuổi, đến nhà thờ San Nicola di Bari ở Casal di Principe, tỉnh Napoli, giáo xứ của cha, sớm hơn thường lệ. Đó là ngày lễ bổn mạng của cha, và sau Thánh lễ lúc 7 giờ 30, để mừng lễ, cha đã hẹn gặp một số người bạn trong quán bar để ăn bánh và uống cà phê. Trong nhà thờ ngày hôm đó có một số phụ nữ và một số nữ tu đã đến trước cha. Người bạn nhiếp ảnh gia Agostino di Meo của cha cũng đang đợi cha.

Thật không may, họ không phải là những người duy nhất đợi cha Peppe ngày hôm đó. Tại quảng trường phía trước nhà thờ, trước đó không lâu, một người đàn ông đã bước ra khỏi một chiếc xe hơi. Trong phòng áo, cha Peppe đang chuẩn bị cử hành Thánh lễ; cha mặc áo lễ. Nhưng Thánh lễ đã không bao giờ bắt đầu, bởi vì chính người đàn ông đó, sau khi bước vào phòng áo và gọi tên cha, đã rút súng ra và lạnh lùng bắn cha bốn phát. Hai phát súng vào mặt và hai phát vào ngực vị linh mục. Cái chết của cha Peppe đã ngay lập tức gây tiếng vang trên toàn nước Ý. Hàng ngàn người tham dự tang lễ của cha. Đức Cha Antonio Riboldi, khi đó là giám mục của Acerra, đã cử hành tang lễ và nói: “Vào ngày 19 tháng 3, một linh mục qua đời, nhưng một dân tộc đã được sinh ra”.

Lòng can đảm nói sự thật

Cha Franco Picone, cha sở hiện tại của giáo xứ Thánh Nicola, giải thích: “Tôi tin rằng câu chuyện của cha Peppe là một kiệt tác của tình yêu, được Thiên Chúa tạo ra trên một vùng đất mà vào thời điểm đó cần được cứu chuộc. Cha cảm thấy vô cùng gần gũi với miền đất của cha, hiểu rằng cần phải thay đổi cách làm linh mục quản xứ trong một cộng đoàn sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, nơi tội phạm và mafia tràn lan. Cha đã dũng cảm nói rõ ràng, nói rõ điều gì tốt, điều gì xấu không nên làm theo. Ngày hôm đó, trong phòng áo đó, câu trả lời của cha với tên tội phạm ‘chính là tôi’, là hành động cuối cùng của một cuộc đời hoàn toàn dâng hiến cho Chúa, như một linh mục trung thành”.

Vì tình yêu dân tộc tôi

Vào Giáng sinh năm 1991 trước đó, cha Peppe đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ chống lại nền văn hóa của mafia và tội phạm mà chính cha định nghĩa là “chế độ độc tài có vũ trang” của thế giới ngầm đối với những người yếu đuối nhất, với tài liệu Vì tình yêu dân tộc tôi.

Cha Franco nói tiếp tục: “Đây là một tài liệu tập thể - bởi vì nó được diễn tả bởi tất cả các linh mục quản xứ trong khu vực, đồng thời giải thích lập trường mạnh mẽ của cha Peppe và các linh mục khác đối với những gì đang xảy ra trên vùng đất của chúng tôi. Tài liệu này, giải thích rõ ràng mafia là gì, đã được đọc vào đêm Giáng sinh, như một lời kêu gọi mạnh mẽ gửi đến chính quyền, những người có văn hóa và tất cả những người sống ở những vùng lãnh thổ đó. Chắc chắn có nhiều người đáp lời ngay lập tức, trong khi số khác lại không thích và thích im lặng hơn”.

Một cuộc đời tiếp tục là gương sáng cho nhiều người

Có rất nhiều dự án mà Cha Peppe đã thực hiện trong cuộc sống của cha để giải cứu những người trẻ, đặc biệt là khỏi thế giới ngầm, những sáng kiến có thể giúp những thiếu niên này nghĩ về một tương lai trong sạch ở vùng đất nơi họ sinh ra, thực hiện những công việc xứng đáng và hợp pháp, do đó không tham gia vào các băng đảng mafia, băng nhóm giúp kiếm được thật nhiều tiền cách dễ dàng hơn, nhưng có nguy cơ làm vấy bẩn bàn tay và trái tim của một người bằng máu của người vô tội. May mắn thay, một số dự án của cha không bị mất đi mà vẫn được tiếp tục và các sáng kiến khác cũng phát triển mạnh mẽ cùng với những dự án này.

"Cái chết không bao giờ là tiếng nói cuối cùng”

Cha Franco chia sẻ thêm: “Công trình vĩ đại đầu tiên của cha Peppe còn để lại cho chúng ta là kinh nghiệm thiêng liêng và nhân bản sâu sắc của ngài sau khi ngài qua đời... Chính quyền cũng đã can thiệp nhiều hơn vào vùng đất của chúng tôi, nhằm đánh bật tội phạm có tổ chức đang hoành hành khắp nơi. Sau đó, nhiều hợp tác xã ra đời, đặc biệt là ở những vùng đất được tịch thu từ nhiều ông trùm mafia khác nhau và được truyền cảm hứng từ những lời dạy của cha. Nhưng điều đẹp nhất, đối với tôi, người đã làm cha xứ tại nhà thờ của ngài hơn 29 năm, là có thể thấy Cha Peppe của chúng ta và những ý tưởng của cha tiếp tục sống trong trái tim của nhiều người, và tất cả những điều này thực sự rất cảm động, bởi vì đó là sự thật, cái chết không bao giờ là tiếng nói cuối cùng”.

 

Nguồn:vaticannews.va