Người thở hơi trên các ông (31.5.2020 – Chúa Nhật, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)

30/05/2020
389
Lời Chúa: Ga 20, 19-23
 
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
 
Suy niệm
 
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta nghe hai bài đọc
về biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,1-11; Ga 20,19-23). 
Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu phục sinh 
bất ngờ đến với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần,
khi họ còn hoảng sợ đóng cửa sau cái chết của Thầy.
Ngài nhẹ nhàng cho họ thấy những vết thương,
để họ tin Đấng đang sống và đang đứng trước mặt họ 
chính là người Thầy bị đóng đinh, đã chết và được chôn táng.
Ngài chuyển lại cho các ông sứ mạng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha:
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Chính vào giây phút này mà Lễ Hiện Xuống bắt đầu.
Thầy Giêsu thở hơi trên các môn đệ, hơi thở của sự sống thần linh.
Ngài nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Đây là món quà quý nhất Ngài hứa ban khi được Chúa Cha tôn vinh.
Đây là Đấng Bảo Trợ mà Ngài đã nhiều lần nhắc đến.
 
Lễ Hiện Xuống thứ nhất diễn ra cách thân mật, riêng tư giữa Thầy trò,
trong bầu khí của một căn phòng đóng kín.
Còn năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, cũng tại căn phòng này,
Vào dịp lễ Ngũ Tuần, lại diễn ra một lễ Hiện Xuống khác.        
Lần này không có Chúa Giêsu, vì Ngài đã về nhà Cha,
nhưng có tới 120 người tụ họp, có cả các phụ nữ (Cv 1,15).
Bỗng nhiên từ trời có một tiếng lớn giống như tiếng gió thổi mạnh,
rồi xuất hiện những lưỡi như lưỡi lửa đậu trên từng người.
Thế là mọi người được tràn đầy Thánh Thần,
Và bắt đầu nói được tiếng của các dân tộc mà mình không quen biết.
Tiếng ầm vang của gió chẳng những ùa vào đầy căn phòng trên lầu,
mà còn lôi kéo sự chú ý của những người Do-thái sùng đạo 
từ khắp nơi trên mặt đất đổ về Giêrusalem mừng lễ.
Họ ngỡ ngàng khi thấy một nhóm người 
có khả năng nói thứ tiếng của vùng mình sống, khiến mình hiểu được.
 
Hai trình thuật trên đây về lễ Hiện Xuống 
có những nét khác biệt, và có những nét giống nhau.
Đức Giêsu thở hơi để ban Thánh Thần cho môn đệ cách nhẹ nhàng,
trong bầu khí thân tình của Thầy trò gặp lại nhau.
Niềm vui thì có, nhưng nỗi sợ vẫn còn.
Sau khi nhận Thánh Thần, các môn đệ vẫn chưa dám mở cửa.
Năm mươi ngày sau, trong cơn gió mạnh chuyển rung,
Thánh Thần đến trên từng người trong nhà dưới hình lưỡi lửa.
Lần này, Phêrô đã can đảm đứng ra để giảng bài giảng đầu tiên
mời gọi người nghe hoán cải và chịu phép rửa,
để được ơn tha tội và lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,38).
 
Các môn đệ đầu tiên đã không giữ Thánh Thần cho riêng mình. 
Họ coi việc nhận lấy Thánh Thần là điều cốt yếu (Cv 19,1-7).
Thánh Thần là Đấng vượt qua mọi ranh giới quốc gia, ngôn ngữ.
Ngài đã bất ngờ ngự xuống trên dân ngoại (Cv 11,15).
Ngài phá vỡ thảm kịch tháp Babel bằng cách làm người ta hiểu nhau,
và đem lại sự hiệp nhất mà vẫn giữ sự đa dạng.
 
Hôm nay Giáo Hội đã lan khắp thế giới, các cánh cửa đã mở tung.
Chúng ta đã được lãnh bí tích Thêm sức, và được sai vào thế gian.
Nhưng chúng ta không chỉ lãnh nhận Thánh Thần một lần trong đời. 
Chúng ta được Ngài hướng dẫn, trợ lực, từng giây từng phút.
Ước gì Thánh Thần luôn ở với, ở bên và ở trong chúng ta (Ga 14,16-17),
Để giúp chúng ta gặp được Giêsu. 
 
Lời Nguyện
 
Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.

Vì không có Thánh Thần, 
Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,
Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,
Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,
Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức.
 
Vì không có Thánh Thần của Cha, 
quyền uy trở thành quyền thống trị,
truyền giáo thành tuyên truyền,
việc phụng tự trở thành một thứ sùng bái,
cách hành xử của kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.
 
Nhưng nếu có Thánh Thần,
vũ trụ này được nâng lên,
những đau đớn để sinh ra Nước Cha không vô nghĩa,
Đức Kitô phục sinh thật sự có mặt,
Tin Mừng thành sức sống vô bờ,
Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.
 
Nếu có Thánh Thần của Cha,
quyền uy của Hội Thánh là phục vụ,
truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,
phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,
các hành động của con người mang tính thần linh.
 
Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con. (dựa theo của Đức Thượng phụ Athenagoras)

Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ