WHĐ (08/01/2025) - Bạn học được bài học nào từ việc Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan? Bạn có kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần đến soi sáng cho mình bao giờ chưa? Bạn có nghe tiếng Chúa Cha nói với mình bao giờ chưa?
PHÚC ÂM: Lc 3,15-16.21-22
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Lc 3, 15-16. Hãy cho thấy ông Gioan là người khiêm nhường.
2. Ai đã làm phép rửa cho Đức Giêsu? Đức Giêsu có khiêm nhường không khi Ngài cùng với dân chúng đến nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả?
3. Khi nào thì trời mở ra? Trời mở ra nghĩa là gì?
4. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, có sự hiện diện của những ai?
5. Việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu lúc Ngài chịu phép rửa có ý nghĩa gì? Đọc Lc 3,22; 4,18; Cv 10,38.
6. Lời nói của Thiên Chúa Cha với Đức Giêsu lúc chịu phép rửa có ý nghĩa gì? Đọc Lc 3,22; Tv 2,7; Is 42,1.
7. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan và cầu nguyện, có những biến cố linh thánh từ trời xảy ra.
Theo ý bạn, những biến cố ấy có nâng đỡ tinh thần Đức Giêsu không?
8. Tin Mừng Luca là Tin Mừng của cầu nguyện. Tìm những đoạn nói đến việc chính Đức Giêsu cầu nguyện trong Tin Mừng Luca. Tìm những chỗ Đức Giêsu dạy cầu nguyện, và tìm những dụ ngôn về cầu nguyện trong Tin Mừng Luca.
GỢI Ý SUY NIỆM:
Bạn học được bài học nào từ việc Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan? Bạn có kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần đến soi sáng cho mình bao giờ chưa? Bạn có nghe tiếng Chúa Cha nói với mình bao giờ chưa?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Ông Gioan Tẩy giả hẳn là người khiêm nhường. Người khiêm nhường không phải là người giả vờ tự hạ mình xuống, nhưng là người vui vẻ nhìn nhận mình thực sự là ai. Khi gặp ông Gioan, mọi người nghĩ trong lòng rằng biết đâu ông này chính là Đấng Kitô mà dân đang mong đợi (Lc 3,15). Gioan đoán biết họ nghĩ như thế về mình, nên ông đã gián tiếp trả lời cho họ. Thay vì nói mình không phải là Đấng Kitô, Gioan nói đến một Đấng khác, quyền thế hơn ông, cao trọng hơn ông đến mức ông không đáng làm đầy tớ cúi xuống cởi dây giày cho Ngài (Lc 3,16). Gioan đang có tiếng tăm lừng lẫy, vì ông lôi kéo được nhiều người đến sông Gio-đan để nhận phép rửa sám hối của ông, nhưng ông lại khiêm tốn thú nhận rằng phép rửa của ông chỉ là phép rửa trong nước, còn Đấng ấy sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Gioan không đánh lừa đám đông và không tìm danh tiếng cho mình. Một cách gián tiếp, ông không nhận mình là Đấng Kitô hay Mêsia.
2. Khi đọc Lc 3,21 ta không thấy nói rõ ai là người ban phép rửa cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết chắc đó là Gioan Tẩy giả, người đang ban phép rửa cho “toàn dân” ở sông Giođan. Hai sách Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô nói rõ Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu (Mt 3,13; Mc 1,9). Đức Giêsu, Đấng mà Gioan coi là cao trọng vượt bậc, bây giờ lại đứng chung với dân để cùng chịu phép rửa trong nước sông Giođan. Đấng mà sứ thần Gabriel gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa, Đấng được thụ thai bởi Thánh Thần, Đấng được quyền năng của Đấng Tối Cao che phủ (Lc 1,35), bây giờ lại xin chịu phép rửa bày tỏ lòng hối cải để được tha tội (Lc 3,3). Đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không hiểu hết được. Khi thấy Đức Giêsu cùng đứng với đám đông tội nhân chờ chịu phép rửa, ta nhận ra Ngài muốn liên đới với họ, muốn chia sẻ thân phận tội nhân của họ, dù Ngài biết mình vô tội. Đức Giêsu đã sống sự liên đới này suốt đời, khi giao du với các tội nhân, và nhất là khi chịu đóng đinh giữa hai tên tội phạm (Lc 23,33).
3. Khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Gio-đan, Đức Giêsu dìm cả người xuống nước. Khi lên khỏi mặt nước, Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa. “Đang khi Ngài cầu nguyện” thì “trời đã mở ra” (Lc 3,21). Trời được coi là nơi Thiên Chúa ngự. Trời mở ra cho thấy sự đáp lại của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Giữa Thiên Chúa trên trời và Đức Giêsu đứng dưới nước đã có tương quan gặp gỡ nhau.
4. Nơi dòng sông Gio-đan, ta thấy Đức Giêsu đứng cầu nguyện sau khi chịu phép rửa. Ngài là Con Đấng Tối Cao, là Đức Chúa (Lc 1,32; 2,11). Chính lúc ấy, trời mở ra báo hiệu sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa. Có hai Đấng thần linh xuất hiện (Lc 3,22). Trước hết, Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu dưới hình dáng chim bồ câu. Đồng thời có tiếng từ trời nói với Ngài rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” Như thế vào lúc này, ở trên dòng sông này, có cuộc thần hiển của Cha, Con và Thánh Thần. Từ khi được thụ thai đến nay, Cha và Thánh Thần vẫn luôn ở bên Đức Giêsu bằng sự hiện diện âm thầm. Giờ đây, sự hiện diện đó trở nên thấy được (Thánh Thần dưới hình dáng chim bồ câu), và nghe được (tiếng của Cha từ trời).
5. Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Giêsu cách hữu hình ở sông Giođan khi Ngài hơn ba mươi tuổi. Khi lãnh nhận Thánh Thần, Đức Giêsu biết mình đã được Thiên Chúa Cha xức dầu tấn phong để làm Đấng Mêsia (x. Lc 4,18; Cv 10,38). Ngài thấy đã đến lúc mình phải rời bỏ mái nhà Nadarét, bỏ nghề, để lên đường thi hành sứ vụ Cha giao. Như thế, biến cố Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi chịu phép rửa đã mở ra sứ vụ công khai của Ngài trong tư cách Ngài là Đấng Mêsia, là một ngôn sứ.
6. Thiên Chúa Cha nói trực tiếp với Đức Giêsu và gọi Ngài là Con. Trong Thánh vịnh 2,7 Thiên Chúa cũng gọi Đấng được xức dầu, Đấng Mêsia, là con: “Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con.” Hơn nữa, Đức Giêsu là Con yêu dấu, tương tự như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2.12.16. Bản LXX). Lối nói “Cha hài lòng về Con” lại gợi cho ta nhớ đến Người Tôi trung chịu đau khổ trong ngôn sứ Isaia, bởi đây là Người Tôi trung mà Đức Chúa hài lòng (Is 42,1). Như thế, qua tiếng từ trời, Thiên Chúa Cha khẳng định Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia và là Người Tôi trung của Ngài.
7. Những gì xảy ra cho Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa của Gioan đều đến từ trời (trời mở ra, Thánh Thần từ trên ngự xuống, tiếng Cha từ trời). Đức Giêsu vui vì khi tự hạ xuống hàng tội nhân để chịu phép rửa của Gioan, thì Ngài lại được gặp gỡ Thiên Chúa cao vời. Đức Giêsu vui vì Chúa Cha đã âu yếm gọi Ngài là Con yêu dấu, người có tương quan đặc biệt thân thiết với Cha, người mà Cha rất hài lòng. Có thể Cha hài lòng vì Con đã làm đúng ý Cha, khi đứng chung với tội nhân, liên đới với họ để cứu chuộc họ. Con đã giữ thái độ tự hạ và liên đới này suốt đời. Đức Giêsu cũng vui khi nhận được Thánh Thần, dấu hiệu cho thấy Cha tin cậy Ngài và muốn sai Ngài đi sứ vụ.
8. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện một mình (5,16; 6,12; 11,1; 22,32). Ngài cầu nguyện khi chịu phép rửa (3,21), khi biến hình (9,29), khi ở trên thập giá (23,34.46). Đức Giêsu thường dạy các môn đệ cầu nguyện (6,28; 11,1-4; 20,47; 22,40.46). Ngài cũng kể cho họ những dụ ngôn về cầu nguyện (11,5-8; 18,1-8.9-14).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com