Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 19 tháng 10 năm 2019

18/10/2019
473
 

Lời Chúa: Rm 4, 13; 16-18; Tv 105, 6-9; 42-43; Lc 12, 8-12

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã tiên báo trước những tình huống mà các môn đệ sẽ làm chứng cho Người, các ngài có thể sẽ bị chống đối, đánh đập, và đe dọa tới mạng sống. Họ sẽ bị điệu ra các hội đường, và trước các hội đồng, họ sẽ làm chứng cho đức tin của mình trước các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như xã hội.

Lời của tiên báo của Người được ứng nghiệm trong Tông Đồ Công Vụ khi Thánh Phao-lô rao giảng tại hội đường của người Salamis (Cv 13, 4-17), và khi Phao-lô làm chứng cho Chúa trước các nhà cầm quyền của người La mã (Cv 21,33-22, 29). Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đệ của Ngài rằng lời chứng của họ ở dưới đất này sẽ vang lên tới tận trời cao; nếu họ nhận biết Con Người trong thế giới vạn vật, trong tôn giáo, hay trong xã hội, thì chính Ngài cũng sẽ nhận biết họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

Ngay trước đó, Chúa Giê-su đã khích lệ các môn đệ trở nên mạnh mẽ và vững tin mỗi khi bị bắt bớ. Điều này chúng ta có thể tìm thấy nơi các bài giảng của Chúa Giê-su. Người không hứa cho các môn đệ bình an, thoát khỏi bạo lực, hoặc không bị chối bỏ, nhưng Chúa chỉ cho họ thấy nguồn gốc đích thực của tự do: Chiến thắng nỗi sợ hãi, và nguồn gốc của sự chiến thắng đó được tìm thấy từ chiến thắng sự chết của Chúa Giê-su. Biến cố Khổ Nạn và Phục Sinh sẽ là chiến thắng mà Chúa Giê-su và các môn đệ sẽ trải nghiệm.

Những thời khắc của lịch sử - lúc mà các môn đệ được mời gọi tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa và là Đấng Cứu Thế, là lúc mà họ hướng tới cuộc phán xét cuối cùng trước mặt Thiên Chúa, khi mà chính Chúa Giê-su, với tư cách là Con Người, sẽ hoạt động như là Đấng bào chữa và biện hộ. Trong khung cảnh của tiến trình phán xét, (Is 50,8-9; Rm 8, 33), người ta nghĩ về Chúa Phục Sinh, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, nhưng Ngài lại hiện diện trong Giáo Hội một cách hiệu quả, qua Thần Khí của Người, trong cuộc đụng độ công khai với những nhà lãnh đạo và quyền lực của thế gian - điều mà các môn đệ sẽ tiếp tục phải đối diện (Lc 11, 11-12).
Chúng ta thấy ngạc nhiên khi Chúa Giê-su khuyến cáo rằng tội phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, trong khi đó dụ ngôn về Người Con Hoang Đàng thì lại nhấn mạnh đến sự tha thứ tội lỗi. Tuy nhiên lời khuyến cáo này nên được hiểu và dịch theo tinh thần và quan điểm của Luca về sứ vụ của người Kitô hữu. Các môn đệ của Chúa Giê-su sẽ khước từ Ngài, như chúng ta thấy nơi Phê-rô, người đầu tiên trong số các tông đồ, đã chối Chúa Giê-su trong đêm Người bị trao nộp. Phê-rô đã vấp ngã trong sự nhìn nhận Chúa Giê-su và đổ vỡ trong sự duy trì lòng trung thành với Chúa Giê-su, bởi vì ông chưa chứng kiến cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, và Phê-rô cũng chưa lãnh nhận ơn Thánh Thần trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhưng Phê-rô đã được tha thứ qua lời chào của Chúa Giê-su Phục Sinh, “Bình an cho các con” (Lc 24, 36), và trong tình yêu của Người (Ga 21, 15-9). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, lời ứng nghiệm của Tin Mừng được hoàn tất, Phê-rô được đổi mới và được tràn đầy sức mạnh của Chúa Giê-su Phục Sinh, ông đã kiên vững trong đức tin. Lời chứng của Phê-rô về Chúa Kitô chính là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Mt 16, 18).

Đương nhiên, Luca biết rất rõ trải nghiệm của Giáo Hội sơ khai trong Tông Đồ Công Vụ, những chứng nhân can đảm của các Tông đồ (Cv 4, 55; 5, 32), nhưng đó cũng là quyết tâm của các cộng đoàn tín hữu trước nguy cơ lạc giáo hoặc đức tin bị lung lay trước các mối đe dọa và các cuộc đàn áp đến từ bên ngoài. Luca nhắc lại lời mời gọi của Chúa Giê-su với mục đích kêu gọi các tín hữu hãy suy ngẫm, qua đó họ trở nên ý thức hơn và mạnh mẽ hơn: một lời chống đối Con Người có thể được tha thứ, nhưng sự xúc phạm đến Thánh Thần sẽ không được thứ tha. Ai chối bỏ Con Người trong sứ vụ của Ngài ở trần gian sẽ được tha thứ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần; chính vì thế họ có thể lãnh nhận được ơn tha thứ và ơn biến đổi. Đó cũng là trường hợp của Phao-lô và rất nhiều người Do Thái trở lại. Nhưng làm thế nào để bất cứ ai cũng được tha thứ khi phạm đến Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch của sự tha thứ, ăn năn, và đổi mới của các môn đệ? Luca thấy xác nhận này từ những kinh nghiệm về sự cứng lòng và mù quáng của những ai đã khước từ lời chứng của các tông đồ (Cv 28, 25-28). Đó là sự hoàn toàn tự do và hoàn toàn cố tình đóng cửa lòng mình lại trước tác động của Thánh Linh và sự linh hứng của Chúa Thánh Thần trong việc hoà giải và tha thứ. Như vậy để được cứu độ, không ai có thể bị cưỡng ép làm trái lại với ý muốn và hành động của mình. Chào đón hay khước từ Thánh Thần của Thiên Chúa là một tương quan nhiệm mầu giữa lương tâm và sự tự do của chúng ta đối với Thiên Chúa; tâm hồn chúng ta chỉ có thể được thấu suốt bởi Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà thôi. Chỉ có Chúa, Đấng thấu suốt trái tim ta, mới có thể ban ơn tha thứ tội lỗi và ơn cứu độ. Amen.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"