Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 18 tháng 10 năm 2019

17/10/2019
524
 

Lời Chúa: 2 Tim 4, 10-17b; Tv 145, 10-13, 17-18; Lc 10, 1-9

Hôm nay là Lễ kính Thánh Luca, trong thư gửi cho Ti-mô-thê, Thánh Phao-lô phàn nàn rằng ngoại trừ Luca, thì không ai đồng hành với ngài. Chúng ta sẽ thấy điều đó qua trình thuật Tông Đồ Công Vụ, Luca kể về những thay đổi trong hành trình rao giảng của Phao-lô. Trong sách Công Vụ Tông Đồ 16, 10-17; 20, 5-15; 21, 1-18; 27, 1-28, Luca đã dùng ngôi thứ nhất số nhiều: “chúng tôi đi qua”. Từ chương thứ nhất cho đến chương 10 câu 16, Luca đã đứng bên ngoài bối cảnh, vì thế Luca đã viết ở ngôi thứ 3 số ít. Từ câu 1 đến câu 9, Luca tường thuật lại chuyến đi của Phao-lô đến Phrygia, Galatia, Mysia, Bithynia, và Troas. Nhưng bắt đầu ở câu 10, Luca viết trong tư cách là ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng tôi tìm cách đi đến Macedonia ngay lập tức và kết luận rằng Chúa đã kêu gọi chúng tôi công bố Tin Mừng cho họ.” Luca cập bến cùng Phao-lô và qua khả năng miêu tả tài tình, Luca đã mời gọi các độc giả cùng bước đi trên hành trình rao giảng Tin Mừng.

Ngay từ đầu trình thuật Tin Mừng của mình, Luca tỏ lộ một chi tiết về bản thân của ngài. Ngài nói rằng, ngài đang trình bày lại những sự kiện “điều mà đã được mạc khải giữa chúng ta” như cách mà ngài đã lãnh nhận những điều đó từ “những người là chứng nhân,” những người đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu ngay khi Ngài khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài (Luca 1, 1-2). Trong đoạn giới thiệu này, Luca khẳng định với độc giả của ngài rằng ngài không phải là chứng nhân trực tiếp của trình thuật mà ngài viết. Tác giả Phúc Âm là thành phần của cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi, Phúc Âm của họ được viết nhờ vào các nhân chứng – những người đã trực tiếp nghe Chúa Giêsu rao giảng và có mặt trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Matthêu (10, 1), Maccô (6, 7), và Luca (9, 1) thuật lại việc Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ và sau một loạt các huấn từ, Ngài sai họ đi loan báo Tin Mừng. Nhưng chỉ duy Luca tường thuật về việc sau đó Chúa Giêsu sai một nhóm đông hơn gồm 72 môn đệ đi rao giảng, những người mà chúng ta nghe trong Tin mừng hôm nay. Theo như Luca, con số các môn đệ được sai đi không chỉ là 12 người , nhưng còn đông hơn nữa đã được sai đi trong sứ vụ đầu tiên này. Trước khi chọn và sai họ đi, Chúa Giêsu đã bắt đầu hành trình của Ngài lên Giê-ru-sa-lem (Luca 9, 51). Ngài đã gọi 72 môn đệ  đi trước để chuẩn bị cho Ngài đến thăm các thành. Đây chính là điều tiên báo về hành trình mà Luca sẽ đồng hành với Phao-lô sau này.

Sự kiện sai 72 môn đệ (hoặc là 70 ở một số trình thuật khác) vừa chuẩn bị lại vừa cung cấp một sứ vụ kiểu mẫu cho các môn đệ sau này. Trong truyền thống của người Do Thái, con số các quốc gia trên mặt đất đã nghe công bố luật trên núi Si-nai là 70 nước (Sáng Thế 10, Dt 32, 8); Các môn đệ của Chúa Giêsu sau đó đã được sai đi để rao giảng cho tất cả các dân tộc.

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay nói về sứ vụ rao giảng như là sự mặc khải của Vương Quốc và của sự phán xét đã xuất hiện ngay trong thế giới này. Đối với Luca, vấn đề không phải là công bố cho dân Israel sự vĩ đại của vương quốc này, nhưng là loan báo cho mọi người rằng Vương Quốc đó đang đến gần. Các tác giả Tin Mừng đã viết trong thời điểm lúc mà mọi mọi người đã chứng kiến Con Người sống lại từ cõi chết. Đây là một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử cứu độ, khoảnh khắc mà mọi người được ban tặng cơ hội để tham dự vào Vương Quốc của Thiên Chúa.

Phương pháp, đặc tính, và viễn cảnh của công việc truyền giáo thực hiện bởi 72 Môn Đệ giống như sứ vụ của 12 Tông Đồ. Sự hướng dẫn của Chúa Giêsu mở ra một nhu cầu của hiện trạng: “Lúa chín đầy đồng” mà “thợ gặt thì ít” đi song song với nhau trong một sự tương phản rõ rệt. Chính vì thế lời đề nghị mang tính cấp bách: “Các con hãy xin Chủ mùa gặt.” Qua đây Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ rằng “Lời cầu nguyện chính là linh hồn của sứ vụ rao giảng,” Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư gởi Đức Hồng Y Filoni Ngày 22 tháng 10 năm 2017. Thiên Chúa, Người là Chủ của mùa gặt ngỏ lời trước; Ngài mời gọi và sai đi. Đó là một lời mời gọi kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và cuộc Xuất Hành của Ngài về cùng Chúa Cha, điều này được diễn tả trong việc trao nộp chính mình Người trong tay của đoàn chiên: “Ta sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” Trong sứ vụ cao cả này, các tông đồ không được dựa vào sức mạnh của quyền lực hoặc bạo lực, nhưng họ chỉ có thể dựa vào đời sống đức tin và lời cầu nguyện để giúp họ có thể kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và ở lại trong tình yêu của Người, Đấng làm chủ mùa gặt đã sai họ lên đường.

Để lên đường, tinh thần khó nghèo phải trở thành nền tảng và dấu chỉ của sự tự do, qua đó các môn đệ có thể cống hiến trọn vẹn cho sứ vụ và vượt qua được tất cả các chướng ngại trên đường mà không bị chậm trễ. Tất cả những điều này được định nghĩa cách rõ ràng qua một loạt các tiêu chuẩn: vượt qua bất cứ cản trở nào, những ai được sai đi thì hướng thẳng tới mục tiêu mà không dừng lại. Thậm chí không cần chào hỏi ai trên đường, vì theo tập tục của Phương Đông, có thể việc chào hỏi đó làm mất thời gian (2V 4, 29). Ngược lại, Lời chào hỏi đúng và có ý nghĩa nhất dành cho những người mà sứ vụ sai đến, tức là những người mà các môn đệ sẽ đến. Lời chào hỏi này không phải là một lời loan báo đơn thuần hoặc có tính chất công bố, nhưng là một lời chào mang lại niềm vui và hạnh phúc. Quan trọng hơn đó là lời chào mang lại bình an của Đấng Cứu Thế, cùng với ơn cứu độ (Lc 10, 5-6). Giống như Chúa, người được sai đi thiết lập những tương quan bình an với những ai đón nhận họ, và trong vương quốc mới này bình an của Đấng Cứu Thế đã chớm nở. Tuy nhiên, cách ứng xử của các môn đệ sẽ làm cho họ phụ thuộc vào những ai đón tiếp họ, những người mà đoàn chiên phó thác bản thân và mạng sống. Chính vì thế mà các môn đệ phải hiện diện một cách trọn vẹn, bằng chính mạng sống và có thể phải mạo hiểm vì sứ vụ cho dù được chào đón hay bị khước từ, thành công hay thất bại. “Nhà” và “làng mạc” là  biểu tượng của cuộc sống riêng tư và cộng đoàn. Những người được sai đi phụ thuộc vào lòng hiếu khách của những người đón nhận sứ điệp, nhưng không có gì có thể ngăn chặn hay làm cản trở họ trong việc thi hành sứ vụ; họ chính là những sứ thần loan báo bình an của vương quốc mới và lời mời gọi có tính chất cấp bách  người mang lại đích điểm và lời mời gọi khẩn cấp của khả năng được lãnh nhận ơn cứu độ, lời mời gọi này được truyền đến tai và trái tim của tất cả mọi người, bằng mọi giá.
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"