Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 17 tháng 10 năm 2019

16/10/2019
445
 

Lời Chúa: Rm 3, 21-30; Tv 130, 1b-6ab; Lc 11, 47-54

Thánh Phao-lô đã đưa bài thuyết trình trong thư Rôma 1, 18-3. 20 đến với một tuyên bố đầy kịch tính: "Do Thái cũng như Hi-lạp…tất cả đều nằm dưới sự thống trị của tội lỗi" (Rm 3,  9). Nếu căn cứ vào điều này, cũng như nếu chỉ dựa vào năng lực và công trạng của con người thì dường như không một ai có thể được cứu rỗi. Nhưng Thánh Phao-lô tin rằng sự can thiệp của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Ki-tô giải thoát con người khỏi tình trạng bi thảm này: "Nhưng nay, sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện" (Rm 3, 21). Do đó, Thánh Phao-lô đã làm nổi bật sự tương phản về quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa trước sự nô lệ tội lỗi. Quyền năng của Thiên Chúa Cha đã thực hiện công việc giải phóng con người ngay trong giây phút hiện tại này, đây chính là một sáng kiến ​​tự do của Chúa đã hình thành nên một viễn cảnh lịch sử trong Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại (Rm 3, 24-25; 4, 25). Khi một người gắn bó và trung thành với những điều này trong đức tin (Rm 3, 22-28, 30), thì cuộc sống của người ấy hoàn toàn được thay đổi: người ấy được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào quyền lực của tội lỗi và sự chết (Rm 3, 24) và sống như một người bạn đồng hành trung tín của Thiên Chúa và người lân cận, dựa theo logic của tình liên đới phù hợp với giao ước, đó là sự "công chính" (Rm 3, 26).

Ở đây, Phao-lô trình bày một thần học hoàn toàn trái ngược với tâm lý thời đại của ngài. Do Thái giáo sau này đã giảm thiên luật thành luật thống trị mà thôi, bằng cách nó cắt đứt nền tảng và nguồn gốc mối quan hệ của nó với lịch sử và với giao ước thánh, và tự xem mình là có giá trị. Kết quả là luật đã thay thế sự vâng phục Thiên Chúa bằng sự tuân thủ tỉ mỉ và chấp hành cẩn thận các quy tắc và các điều luật cấm. Lối suy nghĩ này đã dẫn đến sự tự lấy làm đủ của con người trước chính số phận của đời mình.

Sự cứu chuộc dựa trên “việc giữ luật," một quan điểm điển hình của Do Thái giáo, thực ra đã biến nhân loại thành một loại tôn giáo tự trị, lãng quên Thiên Chúa và ân sủng thiêng liêng của Ngài. Kết quả của các giáo phái và thái độ độc quyền đã tạo ra một sự phân biệt rõ ràng giữa những người Do Thái là những người được cho là am hiểu và tuân thủ lề luật, và những người ngoại giáo là những người bị mặc định là hư hỏng vì thiếu lề luật.

Thánh Phao-lô trình bày cho chúng ta một sự hiểu biết thần học về sự công chính hóa như là một thay thế cho giáo huấn này của người Do Thái trong thời đại của ngài. Phao-lô khẩn khoản kêu cầu ơn cứu độ của Thiên Chúa và chỉ ra rằng đức tin là khả năng duy nhất để cứu chuộc khỏi sự thống trị của tội lỗi và khỏi định mệnh của cái chết đời đời. Trong thực tế, Thánh Phao-lô từ chối hình ảnh nghiêm khắc của một Thiên Chúa không có lòng thương xót; thay vào đó, Ngài biểu lộ gương mặt thật của Thiên Chúa, là gương mặt của một người Cha hành động và can thiệp bằng tình yêu thay cho nhân loại tội lỗi. Trước sáng kiến ​​phi thường này của Thiên Chúa, người Do Thái và dân ngoại như nhau; cả hai đều cần sự cứu rỗi như một ân huệ và họ không ngừng được kêu gọi để đón nhận bằng đức tin, vì cả hai đều bị thống trị bởi tội lỗi. Trong quá trình hoán cải này, Is-ra-el được cứu độ và lấy lại vị trí xứng đáng của mình là một dân thánh được tuyển chọn (Rm 9-11). Một dân tộc sẽ được cứu độ cùng với tất cả các dân tộc trên trái đất. Sự tuyển chọn của Is-ra-el trở thành một dấu hiệu chắc chắn của sự khởi đầu cho một lịch sử cứu độ cho cả người Is-ra-el và những người ngoại giáo.

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô viết:

Trên cơ sở chia sẻ này theo cách nhìn của Chúa Giê-su, Thánh Phao-lô đã để lại cho chúng ta một sự mô tả về đời sống đức tin. Khi chấp nhận hồng ân đức tin,  người tín hữu trở thành một tạo vật mới; họ nhận được một đời sống mới; được trở nên con cái của Thiên Chúa, giờ đây họ là "con cái trong Chúa Giê-su. Cụm từ “Abba”-“Cha ơi", rất đặc trưng cho kinh nghiệm của chính Chúa Giê-su, giờ trở thành cốt lõi của kinh nghiệm Ki-tô giáo (Rm 8,15). Cuộc sống đức tin, như là một sự tồn tại của đạo làm con, là sự thừa nhận của một ân sủng quan trọng đầu tiên để nâng đỡ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thấy rõ điều này trong câu hỏi của Thánh Phao-lô  dành cho tín hữu Cô-rin-tô: "Có gì mà bạn không nhận được?" (1 Cr 4, 7). Đây là cốt lõi về cuộc tranh luận của Phao-lô với người Pha-ri-sêu: vấn đề liệu sự cứu rỗi đạt được bởi đức tin hay bởi việc thực thi các lề luật. Thánh Phao-lô bác bỏ thái độ của những người coi mình là công chính trước mặt Chúa dựa trên cơ sở của những công việc họ thực thi. Những người như vậy, ngay cả khi họ tuân theo các điều răn và làm việc tốt nhưng họ vẫn quy hướng về chính họ; họ không nhận ra rằng mọi sự tốt lành đến từ Thiên Chúa. Những người sống theo cách này là những người muốn trở thành nguồn gốc của sự công chính của chính mình, họ nhận thấy rằng điều này sẽ sớm mai một và thậm chí họ không thể tuân giữ lề luật. Do đó, họ trở nên khép kín với chính mình và bị cô lập khỏi Chúa và khỏi những người khác; cuộc sống của họ trở nên vô ích và công việc của họ sẽ cằn cỗi khô khan, giống như cây cối sống cách xa nước. Thánh Au-gus-ti-nô nói với chúng ta một cách súc tích và nổi bật của người: “Ab eo quifecit te, noli deficere nec ad te”, “Đừng quay đi khỏi Đấng đã tạo thành bạn và cũng đừng quay về chính bạn”. Khi nào tôi nghĩ rằng bằng cách quay lưng lại với Chúa, tôi sẽ tìm thấy chính mình, thì khi đó cuộc sống của tôi bắt đầu tan vỡ (Lc 15, 11-24). Sự khởi đầu của ơn cứu độ là mở ra với một điều gì đó trước bản thân chúng ta, với một ân huệ nguyên thủy khẳng định sự sống và duy trì sự sống đó trong sự hiện hữu. Chỉ bằng cách cởi mở và thừa nhận ân huệ này, chúng ta mới có thể được biến đổi, trải nghiệm sự cứu rỗi và sinh hoa trái tốt. Sự cứu rỗi bằng đức tin có nghĩa là nhận ra sự ưu việt của ân sủng của Chúa. Như Thánh Phao-lô đã nói: "Nhờ ân sủng, bạn đã được cứu nhờ đức tin, và đây không phải là do công trạng của bạn, đó là ân huệ của Thiên Chúa" (Ep 2, 8). (Lunem Fedei, 19).

Như vậy, Thánh Phao-lô đề xuất với người Rô-ma một chân trời phổ quát về ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng đó là nền tảng của sứ mệnh được giao phó cho Phao-lô, và thông truyền cho Giáo hội chúng ta, Giáo Hội đã được sinh ra từ lễ vượt qua của Chúa Giê-su và được sai đi đến với thế giới bởi Thánh Thần của Chúa Phục sinh.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"