Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 16 tháng 10 năm 2019

15/10/2019
550
 

Lời Chúa: Rm 2, 1-11; Tv 62, 2-3. 6-7.9; Lc 11, 42-46

Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phao-lô gửi cho các tín hữu Rôma để nhấn mạnh rằng người Do Thái phạm tội ác giống như dân ngoại. Thật vậy, Thánh Tông đồ chỉ ra rằng người Do thái dễ dàng buộc tội người dân ngoại vô luân như thế nào, dựa trên niềm tin họ cho mình tốt hơn những người khác vì họ tuân giữ toàn bộ lề Luật. Để cho những người Do thái thấy được họ sai đường lạc lối như thế nào, Thánh Phao-lô cố gắng đập tan một số sai lầm cố hữu của họ, mà chính Ngài đã chia sẻ trước khi biết đến Chúa Phục Sinh. Thánh Phaolô sau khi tin tưởng vào xác thịt và tin bản thân mình là thành viên của những người Do thái sống dưới lề luật, thánh nhân đã hoán cải trở về với Đức Ki-tô nhờ tin vào Ngài, điều đó được chứng thực và biến đổi bằng tình yêu, chứ không phải qua sự tuân thủ nghi thức của lề luật. Tin qua lời nói với những tập tục bên ngoài của luật thôi chưa đủ, nhưng người ta phải sống trong đức tin. Thật vậy, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, tức là kết quả của sự gắn bó của chúng ta trong đức tin với Chúa Ki-tô, Người đã chết và đã Phục sinh. Đức tin là sự tham dự vào bản chất thần linh và tình yêu của Chúa Giê-su.

Thánh Phao-lô lên án tội cứng lòng và sự cố chấp của một dân tộc tin rằng họ là những người duy nhất xứng đáng được cứu rỗi. Thời kỳ ơn cứu độ như là đặc quyền dành riêng cho dân Do Thái đã qua; đã đến lúc mỗi người phải trả lời câu hỏi: Chúa Ki-tô là ai? Đã đến lúc mỗi người phải quy phục lòng thương xót của Thiên Chúa, khám phá ra rằng Thiên Chúa muốn tuôn đổ sự tuyệt hảo của Ngài xuống trên tất cả những người đã lìa xa Ngài. Thiên Chúa là thẩm phán duy nhất của con người. Tất cả chúng ta phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa, không có trường hợp ngoại lệ. Sự chắc chắn cho là mình đúng và sự kiêu ngạo khi nghĩ rằng mình là người duy nhất bảo vệ chân lý và luân lý (luật lệ) có thể dẫn đến sự khinh miệt đối với Thiên Chúa, coi lòng thương xót của Ngài là sự yếu đuối và loại trừ người khác khỏi ơn cứu rỗi.

Đoạn Tin Mừng hôm nay một lời tố cáo những người Pha-ri-sêu và các luật sĩ, và cũng là một lời cảnh báo cho các cộng đồng Kitô giáo thời xưa và thời nay về những cám dỗ của chủ nghĩa vụ luật, vụ hình thức và nghi lễ, chúng là những kẻ thù lớn đối với công trình cứu độ của Chúa Ki-tô, và cũng là sự kiêu căng, không thể tự giới thiệu cho người khác. Giải thích sai lạc luật trong một chủ nghĩa vụ hình thức bên ngoài và giảm đi lời kêu gọi vào dân ưu tuyển với đặc quyền độc quyền của họ, cũng không bao giờ có thể làm suy yếu tính phổ quát của ơn cứu độ và sứ mệnh truyền giáo của các môn đệ của Giê-su cho dân ngoại.

Chúa Giê-su bắt đầu bằng việc tố cáo sự lạm dụng của người Pha-ri-sêu liên quan đến những lễ vật. Họ có khả năng quan sát các luật tối thiểu và chú giải ngoại lệ, chẳng hạn như thuế thập phân trên bạc hà, rượu, nhũ và mộc dược. Chúa Giê-su không muốn loại bỏ những thực hành này (dâng thuế thập phân hàng năm tại đền thờ được kêu gọi bởi Đnl 14, 22), nhưng phải đặt chúng trong bối cảnh phù hợp trong mối quan hệ thực sự của đức tin vào Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Dâng tiến lễ vật mà thiếu đi sự hoán cải có thể chỉ là cái cớ bỏ bê các giới luật cơ bản, như sự công bằng và tình yêu của Thiên Chúa, những thực tại đòi hỏi một sự biến đổi quyết định và liên tục của con tim và thế giới.

Lời buộc tội khác của Chúa Giê-su liên quan đến xu hướng tìm kiếm danh dự, theo đuổi sự thỏa mãn và chăm sóc sự hào nhoáng của quyền lực, chiếm lấy địa vị danh dự. Sự quá bận tâm về những hào nhoáng bên ngoài là kết quả của một sự thối nát bên trong làm cho người ta giống như một lăng mộ, có thể lộng lẫy bên ngoài, nhưng đầy thối rữa bên trong (như mồ mả tô vôi). Trong khi bên trong chẳng ai có thể nhìn thấy được gì, thì bên ngoài được chăm sóc cẩn thận cho những mục tiêu ích kỷ.

Những lời của Chúa Giê-su vang lên mạnh mẽ và không chỉ những người Pha-ri-sêu mà cả những luật sĩ đều tức giận với Đức Giê-su, họ thù ghét Người. Sau đó, Chúa Giê-su tiếp tục đưa ra một lời quở trách gay gắt đối với người Pha-ri-sêu và các luật sĩ, chống lại việc họ áp đặt lên vai người khác những gánh nặng của những luật lệ phải tuân giữ, điều đó chỉ ra sự mâu thuẫn sâu sắc giữa lời họ giảng dạy và cuộc sống của chính họ. Luật được đưa ra để phục vụ cuộc sống, để bảo vệ và thăng tiến cuộc sống. Đức tin không bao giờ phi nhân hóa một người; ngược lại, nó khuyến khích mỗi người hướng tới sự phát triển toàn diện nhất của họ.

Chúng ta thấy ở đây một quan điểm tông đồ thực sự, đối mặt với sự phổ quát của ơn cứu độ của Thiên Chúa, sứ mệnh của Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, những người Pha-ri-sêu và các luật sĩ phải xem xét lại cách suy nghĩ của họ về mối tương quan với Thiên Chúa và ơn cứu độ. Cơ hội cho họ phản lại những chỉ trích của Đức Giê-su là khi Ngài ngồi vào bàn mà không thực hiện các luật tẩy rửa truyền thống trước bữa ăn.

Sự chỉ trích nặng nề đầu tiên trong trình thuật Lc 11,39-44, ngay trước khi việc đọc bản văn bắt đầu, nó được nhắm tới việc người Pha-ri-sêu đưa ra một quan niệm sai lầm về cuộc sống và về mối tương quan với Thiên Chúa. Người Pha-ri-sêu kinh ngạc (Lc 11, 38) bởi hành vi của Chúa Giê-su, và họ nhận được một câu trả lời ngay lập tức và cứng rắn từ Ngài (Lc 11,39). Điều quan trọng mà Lu-ca gán cho cuộc tranh luận với  giọng điệu chỉ trích của Chúa Giê-su, việc Ngài nói đến các Tiên tri và các Tông đồ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Lc 11,49)... tất cả đều thể hiện sự nghiêm túc của Ngài. Những gì nguy hiểm cho thái độ của những người đối thoại với Đức Giê-su là đóng khung sự cứu chuộc trong việc tuân giữ lề luật một cách bề ngoài của họ, và điều đó gây nguy hiểm cho sứ mệnh phổ quát được thiết lập dựa trên ý định cứu rỗi của Thiên Chúa giao ước.

Câu hỏi đặt ra trước hết là về mức độ phân biệt giữa thanh sạch và không thanh sạch, về mặt bên trong và bên ngoài, các quy tắc áp đặt cho người khác và không được thực hiện bởi những người áp đặt chúng. Điều này gợi nhớ lại cảnh Phê-rô trước cuộc gặp với viên sĩ quan Cor-ne-li-us, anh luôn khăng khăng rằng "không có gì ô uế hay không thanh sạch lọt vào miệng tôi" (Cv 11, 8). Trong đoạn Tin Mừng của Lu-ca, Chúa Giê-su trả lời rất rõ ràng: Thiên Chúa đã tạo ra bên trong và bên ngoài, mọi thứ đều là công trình của tay Ngài, để mọi thứ đều trong sạch (Cv 10, 15; Mc 7, 15). Không ai có thể tuyên bố là ô uế hoặc không trong sạch, thánh Phê-rô đã rõ hiểu điều này (Cv 10, 28).

Hoạt động tông đồ và truyền giáo là biểu hiện sự tốt lành của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài muôn vật, Ngài bỏ qua mọi hàng rào chia cách bởi nghi thức hay hình thức. Nhà truyền giáo được kêu gọi gần gũi với tất cả mọi người (Cv 10, 46-47), vì Thiên Chúa không thiên vị người nào (Cv 10, 34).

Lu-ca sử dụng một công thức đầy ý nghĩa để diễn tả sự mở rộng phổ quát của ơn cứu chuộc do Thiên Chúa ban qua Chúa Giê-su và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội được diễn tả trong Lc 11, 40-41: "Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự trở nên trong sạch cho các ngươi". Để được trong sạch, hãy thực thi lòng thương xót và sống bác ái. Trong Nước Thiên Chúa, điều quyết định mối tương quan giữa con người (vượt qua rào cản của sự phân biệt đối xử) là mầu nhiệm về sự trọn lành của Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su, liên kết Ngài với mọi người để trao ban lòng thương xót cho tất cả mọi người. Các tông đồ truyền giáo của Đức Giê-su được kêu gọi để cho đi những gì họ có từ bên trong. Không chỉ bố thí vật chất, mà trước hết là sự hiến thân: hiến dâng chính cuộc đời và trái tim của họ. Không phải chỉ những việc làm đơn giản bên ngoài được yêu cầu, hay thực hiện những giới luật nghi lễ; người môn đệ truyền giáo được yêu cầu trao ban tất cả bản thân mình cho Chúa Giê-su, hiến dâng linh hồn và thân xác, bên trong và bên ngoài, trái tim và cảm xúc, các mối quan hệ và những chuẩn mực, vì nhiệm cục cứu rỗi của toàn bộ sứ mạng truyền giáo.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"