Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 15 tháng 10 năm 2019

14/10/2019
641
 

Lời Chúa: Rm 1, 16-25; Tv 19: 2-5; Lc 11, 37-41

Trong bài đọc một, nhân loại đã lạc lối khi chống lại thánh ý Thiên Chúa đã được thánh Phao-lô nhắc lại qua lịch sử của tội lỗi mà thánh nhân đã trình bày cho các tín hữu Rôma. Được Thiên Chúa tạo dựng hướng tới chân lý và sự công chính, nhưng con người đã bất tuân Thiên Chúa và sống bất chính. Khi suy niệm về thế giới và có khả năng nhận biết sự toàn hảo của Đấng Sáng Tạo vô hình qua công trình sáng tạo, nhân loại đã lạc lối trong tư duy và dẫn tới ngõ cụt ô uế, biến thân xác trở thành đối tượng cho đủ loại khoái lạc và thuộc về ngẫu tượng, tôn thờ và phụng sự tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa. Xem ra sự lạc lối này được Thiên Chúa cho phép để nhân loại học cách không tín thác nơi bản thân, nhưng vào Đấng tự mình có thể làm cho công chính. Thánh Phao-lô đọc lại câu chuyện của tội lỗi để thấy rằng, mặc dầu nhân loại đáng phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì sự kiêu căng ngu muội của mình, nhưng dầu sao, Thiên Chúa đã chọn yêu thương nhân loại và chính vì thế, để công chính hóa và cứu độ chúng ta. Người công chính sẽ sống theo đức tin; tạo vật nhân loại không phải thử thách trước mặt Thiên Chúa, nhưng là đón nhận tình yêu mà họ không xứng đáng, một tình yêu khởi sự cho việc biến đổi ngoạn mục bởi vì nó làm cho người tội lỗi nên công chính và những người hư hỏng được cứu độ. Phúc âm này, khi được nghe và được đón nhận, là một sự năng động đích thực, một sức mạnh mở rộng tâm hồn, mở ra đối với niềm tin, và thông truyền ơn cứu độ. Phúc âm tự mình được phổ biến theo một cách thức không thể cưỡng lại. Nó lan tỏa tới tận cùng thế giới, như bằng chứng thiên đàng được ban tặng cho trái đất và toàn thể vũ trụ, tới mọi không gian và thời gian, như trong thánh vịnh đáp đã nhắc nhớ. Các tầng trời đầy ân sủng Chúa, hãy chúc tụng vinh quang Thiên Chúa.

Hơn nữa, Bài phúc âm, trích từ Tin Mừng Luca, mời gọi chúng ta suy niệm về trở ngại của việc phổ biến đời sống và lời của Thầy Chí Thánh: việc gắn chặt quá mức của người Pha-ri-sêu với truyền thống, thái độ đó ngăn cản họ hiểu được sự hiện diện và hành động của Đức Giê-su có tính cứu độ hoàn vũ.

Khi Chúa Giê-su dạy đám đông, một người Pha-ri-sêu mời Người vào dùng bữa trưa. Được mời tới bàn ăn của một ai đó là biểu hiện của việc đón nhận, tán đồng và trân trọng. Giữa hai người cùng chung chia bữa ăn, chẳng có gì trở ngại, nhưng là sự quen biết và thân thiện. Chúa Giê-su nhận lời mời của người Pha-ri-sêu, khi đến nhà người thu thuế, và ngồi vào bàn ăn, nhưng người gây thắc mắc cho chủ nhân bởi sao nhãng thực hành việc thanh tẩy mà người Pha-ri-sêu thực hiện trước bữa ăn. Sự thực là mối liên hệ của Chúa Giê-su với người Pha-ri-sêu luôn căng thẳng. Trong Lc 7, 36-50, một người Pha-ri-sêu giận dữ vì Chúa Giê-su để cho một người phụ nữ tội lỗi đụng vào Người. Người phụ nữ  này được Chúa Giê-su ca ngợi là vì tình yêu mến. Trong Lc 14, 1-6, Người quở trách việc giữ luật mang tính hình thức của người Pha-ri-sêu, trong khi tuân giữ lề luật đã quên đòi hỏi của tình yêu, đó là tổng hợp và tóm lược Lề Luật (xem Mt 22, 37). Trong Lc 20, 45-47, Chúa Giê-su cảnh báo thói giả hình của người Pha-ri-sêu, thích phô trương sự công chính của mình bằng những cử chỉ vô bổ và chẳng có ý nghĩa gì.

Phong tục, truyền thống và thực hành, khi được đặt ra và tuân giữ theo cách thức cứng nhắc, loại bỏ mục tiêu song hành như là phương tiện để giáo dục những tâm hồn yếu đuối và bốc đồng biết làm điều tốt và biết yêu mến. Thế nhưng chúng lại có thể trở thành rào cản ngăn ngừa chia rẽ và chống đối. Chỉ có trở về bằng việc đối thoại yêu thương với Chúa Kitô, Đấng không ngại phải vượt qua những cản trở đó, những giới luật sơ cứng, và những truyền thống trống rỗng, có thể thiết lập cuộc sống và mối tương quan mới trong sự hiệp thông, mà trong đó kể cả các điều răn và giới luật đều có thể giúp chúng ta sống tốt hơn theo một cách thức hướng tới sự mới mẻ của ơn cứu độ. Từ ngoại tại của việc bảo tồn, người ta tiến vào nội tại của con tim trong tình yêu với Thiên Chúa, hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng không sợ bất cứ hiểm nguy nào, ngay cả mạng sống, để duy trì sự hiệp thông với Thiên Chúa và mời gọi bất cứ ai vào bàn tiệc của sự sống và niềm vui.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"