Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 14 tháng 10 năm 2019

13/10/2019
404
 

Lời Chúa: Rm 1, 1-17; Tv 98, 1-4; Lc 11, 29 -32

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Lời Chúa chứa đựng ơn cứu độ; chúng ta phải sẵn sàng đón nhận và lắng nghe. Việc lắng nghe là mệnh lệnh của Thiên Chúa vọng về trong thánh vịnh nhập lễ: “Hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa:  Đừng cứng lòng” (Tv 95, 8).

Trong bài đọc một, thánh Phao-lô mô tả bản thân và sứ vụ tông đồ của ngài cho các tín hữu Rôma, một cộng đoàn không do ngài thiết lập, nhưng ngài quan tâm và mong muốn giúp đỡ để thực hiện chương trình truyền giáo ở Tây Ban Nha của ngài. Để nhiều người ở đó biết hơn về ngài và để tạo lập sự hiểu biết tinh thần tốt đẹp với cộng đoàn mà ngài chưa từng gặp mặt, vị tông đồ ngừng lại và nói về thừa tác vụ và ơn gọi của mình. Việc phục vụ Chúa Kitô và sứ vụ tông đồ với dân ngoại được bén rễ trong mầu nhiệm phi thường của việc tuyển chọn, theo đó Chúa Giêsu Kitô đã đặt ngài để công bố Tin Mừng của Chúa. Việc phục vụ của thánh Phao-lô dựa trên lời của Đức Kitô, được nuôi dưỡng bằng lời của Đức Kitô, và hiệp thông với lời của Đức Kitô. Cuộc đời của ngài là hướng về Chúa Kitô. Những dòng đầu của lá thư mô tả sự năng động của ơn cứu độ, Thiên Chúa đã biến chủ nghĩa đặc thù trở thành hoàn vũ: trong Chúa Kitô ơn cứu độ  không còn dành cho những người có đặc quyền, nhưng cho tất cả mọi người, kể cả những người ở những phương trời xa xăm.

Bài đọc Tin Mừng nói cho chúng ta về những người xa lạ và mối liên hệ của họ với Chúa. Đám đông dân chúng vây quanh Chúa Giêsu và chen lấn Người, và Người tố cáo thái độ giả dạng làm suy yếu kinh nghiệm đức tin: đó là việc đôi lúc tìm kiếm những dấu lạ. Chúa Giêsu nói, thế hệ này là thế hệ “gian ác”(Lc 11, 29) bởi vì họ không ngừng đòi hỏi những biểu hiện bề ngoài, dường như để đóng Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người trong khuôn khổ chật hẹp của mối tương quan nhân quả, đầy tính ma thuật, tính tự trị được qui định và kiểm soát bởi năng lực của con người.

Chúa Giêsu không muốn đưa ra dấu lạ nào, ngoại trừ dấu lạ của Gio-na. Sách Gio-na được tìm thấy trong Cựu Ước nằm giữa các sách các ngôn sứ và khôn ngoan. Nó là trình thuật về một ngôn sứ được sai đi rao giảng bên ngoài Israel, trong vùng Ni-ni-vê, thủ đô của người Assyrians, họ là kẻ thù cay đắng của giao ước: những người ngoại đúng nghĩa và là những người “xa lạ” hơn ai hết. Sứ vụ không mong đợi này dạy cho Gio-na về ý muốn mãnh liệt của Thiên Chúa kêu gọi những người xa lạ, loan báo sự tha thứ cho những người không có niềm tin, và để cứu họ qua việc thống hối và hoán cải. Kháng cự và một cách bất đắc dĩ trước lời của Đức Chúa, Gio-na trở thành dấu chỉ của hành động cứu độ cho người Ni-ni-vê.

Cũng thế, Con Người trở thành dấu chỉ cho thế hệ của Người, một dấu chỉ đáng tin cậy. Ngay trong hội đường Nazareth (xem Lc 4, 25-27), Chúa Giêsu đã nhắc lại việc Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sha mang sự chữa lành không những cho người không phải là Do Thái, mà còn cho cả người ngoại giáo. Giờ đây Người cho thấy rằng Người đến nhằm đem ơn cứu độ không phải cho Israel mà thôi, nhưng cho tất cả mọi người. Qua việc Con của Người mặc lấy xác phàm, Thiên Chúa mở toang sự đặc tuyển của Israel cho toàn thế giới. Với dấu lạ hùng hồn về nhân tính, trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên một với tất cả mọi người, mời gọi chúng ta thực sự hoán cải tâm hồn, có một tâm hồn mới sẵn sàng nghe và chấp nhận logic của Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ. Chúa Giêsu tỏ cho thế hệ của Người, dân của Người thấy rằng nữ hoàng She-ba, dầu là dân ngoại, đã nhận ra sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn phát xuất từ Thiên Chúa, và rằng người Ni-ni-vê, những người xa lạ và tội lỗi nặng nề, đối diện với lời sấm u ám của Giô-na, đã đón nhận lời mời gọi hoán cải.

Ngược lại, dân Thiên Chúa đã chống đối việc Chúa đến, và điều đó sẽ bị phán xử bởi những người “xa lạ”, bởi những người “không được Thiên Chúa chọn” đại diện là nữ hoàng She-ba từ miền nam xa xôi và người Ni-ni-vê. Người ta thấy ở đây thảm cảnh việc từ chối lắng nghe của Israel, việc không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, thời gian ân sủng cứu độ, sự viếng thăm của Chúa (xem Lc 19, 44; Rm 9-11). Sự tuyển chọn đặc biệt của Israel và lời hứa của Thiên Chúa với dân Người không tạo ra sự ưu việt và đặc quyền riêng. Logic việc tuyển chọn của Thiên Chúa bao gồm trong biến cố cụ thể lịch sử cứu độ và trong tính đại diện gián tiếp của tất cả những ai, trong thân phận con người của họ, chia sẻ cùng một cội nguồn và cùng một số phận của tạo vật.

Kinh nghiệm khốc liệt của Gio-na trong bụng cá kình là sự qui chiếu rõ ràng về cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, thể hiện việc mở ra đầy hiệu quả của sứ vụ cứu độ cho tất cả mọi người, được tìm thấy trong Giáo Hội, trong tính hoàn vũ và trong tính bí tích của nó. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, dân Chúa chọn và dân ngoại trở nên một dân tộc được cứu chuộc (xem Ep 2, 11-19), dân tộc ấy trong phép rửa được liên kết với cuộc vượt qua của Chúa (xem Rm 6). Sự hiện diện của họ trong thế giới tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu là dấu chỉ ơn cứu độ hữu hình và hiệu quả đang diễn ra ngày hôm nay trong tim của mọi người, không phân biệt hay loại trừ về phía của Thiên Chúa. Giáo Hội của Chúa, bí tích cứu độ phổ quát, trong một tình trạng sứ mạng bền vững, được sai đến với tất cả mọi người, mời gọi tất cả mọi người đến với Chúa Kitô. Khi bị bắt bớ Giáo Hội sống lại cuộc thương khó cứu độ của Chúa; khi được đón nhận Giáo Hội trải nghiệm hiệu quả của ngày lễ Phục Sinh; và trong sự tăng trưởng bí tích rửa tội của con cái, Giáo Hội chứng kiến hoa trái dồi dào của lòng thương xót và tha thứ của Chúa, Thầy Chí Thánh, và Hôn Phu của mình là Chúa Giêsu Kitô.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"