Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 11 tháng 10 năm 2019

10/10/2019
1000
 

Lời Chúa: Ge 1, 13-15; 2, 1-2; Tv 9, 2-3.6.16. 8-9; Lc 11, 15 – 26

Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ chủ đề về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và đưa ra hai nhận định: thứ nhất, không thể có tình trạng nước đôi (không thể vừa tin Chúa vừa tin ma quỷ); thứ hai, không hề có tình trạng mỹ mãn nào cho cuộc sống của một môn đệ ngoại trừ trung thành với Thiên Chúa.

Mối tương quan của một người với Chúa được biểu lộ qua việc khước từ và chiến thắng sự ác. Tin Mừng liên kết chủ đề cầu nguyện trước đó (Lc 11, 1-13) với hoạt động của Đức Giêsu,  Đấng trừ quỷ. Trong đoạn trước, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho nước Chúa trị đến; bây giờ Đức Giêsu lại nói nước Thiên Chúa đã đến, và một dấu chỉ quan trọng của việc này là sự xua trừ ma quỷ. Điều thú vị nhất là sau những câu (trước đó) nhấn mạnh mối tương quan giữa Đức Giêsu với Chúa Cha, là những câu nói về những kẻ thù của Đức Giêsu xuyên tạc những gì Ngài nói trước đó và buộc tội Ngài đã hành động thông đồng với Bê-en-zê-bun (Lc 11, 15). Tuy nhiên, Tin Mừng tiếp tục khẳng định rằng, vì Đức Giêsu hiệp thông một cách sâu sắc với Chúa Cha nên Ngài có thể kiềm chế và diệt trừ điều ác tồn tại trong con người và ở giữa họ.

Thái độ lấp lửng là điều không thể chấp nhận. Không ai có thể dửng dưng khi đối diện với niềm hy vọng bị giảm thiểu và việc diệt trừ cái ác, bởi vì như Đức Giêsu nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11, 23). Do đó, trong sự dấn thân của chúng ta để làm cho nước Thiên Chúa hiện diện, chúng ta phải quyết định đứng về phía Đức Giêsu để cộng tác với Ngài; bởi vì không làm điều tốt theo cách của Đức Giêsu có nghĩa là người ta, theo một nghĩa nào đó, đã theo điều xấu. Không có tình trạng dứt khoát nào trong cuộc chiến chống lại sự dữ ngoại trừ cuộc chiến thắng vượt qua sự chết của Đức Giêsu. Đối với các môn đệ, điều kiện căn bản để có thể tham gia vào việc xây dựng nước Thiên Chúa là tin rằng trong cuộc sống lữ hành trần thế sẽ không vắng bóng sự dữ. Để giải thích cho ý niệm này, thánh Luca giới thiệu câu chuyện mà chúng ta thấy trong các câu từ 24 đến 26. Chẳng hạn, ở đây có thể thấy rõ ràng rằng sự biến đổi trong thực tế không chỉ đơn giản bằng cách làm điều gì tốt, mà bằng cách làm tốt điều gì đó một cách kiên định. Quá chủ quan với chính mình cũng là cách cho phép sự xấu phát triển. Thật vậy, khi thần ô uế trở lại, người đó trở nên tồi tệ hơn trước, bởi vì anh ta tin rằng mình đã được giải thoát mãi mãi.

Người môn đệ truyền giáo giống như Đức Giêsu là phải tham gia vào cuộc chiến chống lại sự ác. Đây phải là một trong những mối bận tâm hàng đầu của chúng ta, bởi vì nó thực sự chứng minh cho mối tương quan hiếu thảo giữa chúng ta với Thiên Chúa và sự kết hiệp với Đức Giêu.  Tuy nhiên, thật lạ là việc làm chứng đòi các môn đệ phải đối diện với chính con người của họ. Mặt khác, họ phải ý thức được khả năng của mình nhờ vào hiệu năng của ân sủng và nỗ lực của bản thân, để tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa (Lc 9,1-6; 10,1-16). Nhưng cùng với những trách nhiệm lớn lao này, các môn đệ cũng phải nhận thức được những hạn chế của họ: họ đại diện Phêrô, nhận mình là tội lỗi (Lc 5,8) hoặc ngay cả khi họ bị tổn thương do sự lên án và chỉ trích của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính việc ở với Chúa Giêsu, thuộc về Người là điều quyết định và hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến chống lại tất cả những hình thức của sự dữ.

Chúng ta có thể nói được rằng thánh Luca không sợ thực tế. Khi sự diễn tả về các môn đệ, thánh Luca đã nhấn mạnh đến lòng đạo đức và sự gắn bó của các môn đệ, nhưng họ cũng có những yếu điểm và sự thất bại riêng của họ. Nhà truyền giáo ngoài việc ý thức được Chúa Giêsu là trên hết, họ cũng cần biết rằng sự vĩ đại của chúng ta nằm ở chỗ nhận ra những giới hạn, bởi vì mọi môn đệ phải hiểu rằng họ chỉ dần dần hoàn thiện. Ít nhất trong cuộc sống hiện tại trần thế này, họ sẽ không bao giờ đạt được sự chiến thắng (ma quỷ, sự dữ) một cách toàn vẹn. Người môn đệ truyền giáo luôn sống trong những nỗ lực: hoán cải, dấn thân và học hỏi. Chính xác là khi chúng ta cố gắng tham gia vào: hoán cải, tận tâm, và giáo dục. Đó là những cái chúng ta bắt đầu cho việc hoàn thiện, cho mong muốn cứu rỗi chính mình.
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"