
Lời Chúa: Ml 3, 13 -20b; Tv 1, 1- 4.6; Lc 11, 5-13
Trong Tin Mừng hôm nay (Lc 11, 5-13), chủ đề nổi bật là tình bạn. Các Tin Mừng có rất nhiều ví dụ phong phú về Đức Giêsu đến với người khác bằng tình bạn. Thánh Luca đã cho thấy một Đức Giêsu đầy lòng thương xót, Ngài đến với những người phong cùi, bại liệt, tội nhân, người thu thuế, sỹ quan, goá phụ, những người bị quỷ ám, động kinh và nhiều hạng người khác nữa. Chính Đức Giêsu là người Sa-ma-ri-ta-nô tốt lành (Lc 10, 29 -37) và là người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32). Ngài mở rộng vòng tay thương xót của tình bạn một cách quảng đại và tự nguyện.
Tin Mừng Gioan cũng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về Đức Giêsu và tình bạn. Tình yêu – tình bạn của Đức Giêsu dành cho Ma-ri-a, Mat-ta, và La-za-rô được diễn tả trong chương mười một: “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô” (Ga 11, 5). Khi Đức Giêsu được tin về cái chết của La-za-rô ngài nói: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc” (Ga 11, 11), và sau đó Đức Giêsu khóc trước cái chết của bạn mình; Người Do-thái mới nói : “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” (Ga 11, 36).
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã ban cho chúng ta điều răn yêu thương, Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 13-16). Thực vậy, Đức Giêsu đã thể hiện chiều sâu của tình bạn – tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá vì chúng ta. Thánh Phaolô đã lưu ý về điều này khi nói: “Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Mọi người được mời gọi để trải nghiệm một điều rằng Đức Giêsu là người bạn, thực sự là bạn của mỗi cá nhân, của mỗi con người. Tình bạn với Đức Ki-tô có nghĩa là phát triển sự thân tình với Ngài, cũng như tồn tại trong Ngài. Như vậy, chiều kích sâu sắc của tình bạn là làm sống lại Thánh Thần trong chúng ta. Tình bạn với Đức Ki-tô (ngay cả trong bệnh tật và yếu đuối) cho chúng ta một sức mạnh để vượt qua nỗi cay đắng, sự mệt mỏi của cuộc sống và sự tuyệt vọng. Tình bạn là “vấn đề của trái tim”, trong đó người ta bày tỏ cho người khác những gì sâu thẳm của trái tim với niềm tin tưởng và trợ giúp lẫn nhau. Tình bạn chỉ có thể nên khăng khít khi tự mỗi người biết sống cởi mở với người khác. Bằng cách này, chúng ta thấy mình được tham dự vào mối tương quan sâu sắc với Thiên Chúa và những người thân cận. Mọi người được khích lệ theo Đức Ki-tô khi họ thấy tình bạn của Ngài biến đổi người môn đệ truyền giáo để họ rao giảng và làm chứng.
Tình bạn được diễn tả trong Tin Mừng hôm nay dường như không đủ đáp ứng những gì chúng ta đang tìm kiếm. Yêu cầu của chúng ta là phải được hỗ trợ bởi sự đòi hỏi nhất định, bởi đức tin chắc chắn của người hỏi, và và trong khả năng đưa ra bởi người được hỏi, ngay cả trong thời điểm không thuận lợi. Việc luôn kiên tâm cầu nguyện, không được nản chí (Lc 18, 1) sẽ kiểm chứng và củng cố lòng tin trong tương quan bạn bè và ngay cả trong tương quan cha mẹ và con cái. Những ổ bánh mỳ và Chúa Thánh Thần - được đề cập rõ ràng trong lời cầu nguyện- đưa ra những ý nghĩa rõ ràng về bí tích Thánh Thể về Rửa tội, đó là sự thân tình với Đức Giêsu và trong mối tương quan với Cha của Ngài. “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa”(Rm 8, 26 -27).
Việc tha thiết xin ba ổ bánh mỳ để chia sẻ cho một người khách nhấn mạnh đến tinh thần hiệp nhất với nhau để nuôi dưỡng và chăm sóc người lân cận. Cầu nguyện một cách đích thực sẽ mở ra mối tương quan thân tình (tình bạn) với Thiên Chúa, hướng về người lân cận và thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Chúng ta cầu xin về những nhu cầu cho chính mình cũng như cho những người khác, qua Giáo Hội mà chúng ta chia sẻ Thánh Thần của Chúa Cha và Thánh Thể. Chúng ta không bao giờ cầu xin cho chỉ một mình chúng ta, vì đó sẽ không phải là cầu nguyện. Chúng ta cầu xin cho người khác vì nó tăng sự hiệp thông với người khác và mở rộng ranh giới cộng đoàn của Đức Giêsu.
Trong tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” (Evangeli Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự khích lệ việc tông đồ: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu” (EG 1). Đức Thánh Cha Phaxicô nói tiếp: “Chỉ qua cuộc gặp gỡ này - hoặc cuộc gặp gỡ đổi mới - với tình yêu của Thiên Chúa, là điều biến thành tình bằng hữu hạnh phúc, mà chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ về mình. Chúng ta trở thành con người trọn vẹn khi chúng ta trở thành nhiều hơn con người, khi chúng ta để cho Chúa dẫn mình vượt ra ngoài bản thân để đạt đến chân lý trọn vẹn nhất về con người mình. Ở đó chúng ta tìm được nguồn gốc của những hoạt động truyền giáo” (EG 8). Chúng ta là “những người mà Chúa Giêsu ban cho tình bằng hữu của Người” (EG 27). Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin rằng: “tất cả chúng ta đã được tạo ra cho những gì Tin Mừng cung cấp cho chúng ta: tình bằng hữu với Chúa Giêsu và tình yêu huynh đệ với anh chị em”(EG 265). Đức tin truyền giáo của chúng ta “phải được nâng đỡ bằng kinh nghiệm cá nhân, không ngừng đổi mới, để tận hưởng tình bằng hữu của Người và sứ điệp của Người (EG 266).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường dùng cách mô tả đơn giản và hữu ích về truyền giáo: “Việc truyền giáo là say mê Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng là say mê với dân Người” (EG 268). Điều này có nghĩa là mọi nhà truyền giáo phải kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ tình bạn của từng cá nhân với Ngài, từ đó nhà truyền giáo sẽ muốn chia sẻ với những người khác về hoa trái của cuộc gặp gỡ này. Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, sau đó chúng ta mong muốn làm bạn với những người khác trong việc chia sẻ tình bạn của họ với Chúa Giêsu.
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"