Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 09 tháng 10 năm 2019

08/10/2019
278
 

Lời Chúa: Ga 4, 1- 11; Tv 86, 3-9; 9-10; Lc 11, 1- 4

Kinh Lạy Cha không chỉ là một lời cầu nguyện. Ter-tu-li-a-no đã nói: “Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng” bởi vì trong đó chúng ta tìm thấy những nguyên tắc cơ bản, những hy vọng sâu sắc nhất và những nhu cầu mang tính quyết định nhất cho các môn đệ của Đức Giê-su.

Trước hết, Tin Mừng Luca trình bày về ân huệ được gọi Thiên Chúa của Đức Giê-su là “Cha.” Xem Thiên Chúa là một người Cha không phải là điều gì đó xa lạ trong Cựu Ước (Đnl 32, 6; Ml 2, 10; Gr 3, 9; 31,9; Tv 103,13). Nhưng để gọi Thiên Chúa như Đức Giê-su đã gọi với sự nhẹ nhàng và thân mật đặc biệt như một đứa trẻ kêu lên “Cha” lại là sự mới mẻ. Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là "Abba", vì Người là Con của Cha vĩnh cửu. Trong đức tin, trong khi dạy các môn đệ cách cầu nguyện, Đức Giê-su đã mời họ quay về với Thiên Chúa như một người Cha vô cùng thương xót và yêu thương. Ngài đã mở ra cho họ sự hiệp thông hiếu thảo. Trong Tin Mừng thứ ba, kinh Lạy Cha là điểm xuất phát của câu hỏi mà người thông luật đã từng hỏi Đức Giê-su về những gì anh phải làm để có sự sống đời đời (Lc 10, 25…): cởi mở để lắng nghe đó là điều quyết định để có thể đối xử với lòng xót thương hết thảy mọi người, không ngoại trừ ai. Sứ mạng của Đức Giê-su trong đức tin và cầu nguyện mở ra cho chúng ta tình phụ tử của Thiên Chúa, như là nền tảng của mối tương quan với người khác, như là anh chị em ruột thịt.

Một trong những niềm hy vọng sâu sắc nhất được kinh Lạy Cha nhấn mạnh là sự thánh hóa Danh Thánh Chúa. Danh Thiên Chúa tự bản chất là Thánh (Lv 11, 44; 19,2; Tv 33, 21). Tuy nhiên, hy vọng của sự thánh hoá Danh Thiên Chúa cho thấy sự cam kết sống như những người thuộc về Chúa: “Hãy cẩn thận tuân theo các điều răn của Ta… không được xúc phạm đến Danh Thánh Ta, ở giữa con cái Ít-ra-en, Ta có thể được thánh hoá (Lv 22, 31-32).  Theo truyền thống của Cựu Ước, nơi kinh Lạy Cha bắt nguồn, cách tốt nhất để danh Chúa được thánh hoá chính xác là những người tự xưng mình là dân Thiên Chúa thì sống theo ý muốn của Thiên Chúa.

Yếu tố thứ hai của niềm hy vọng mà kinh Lạy Cha đưa ra là Nước Chúa đang đến. Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng Nước của Cha Ngài hiện diện và hoạt động trong lịch sử. Ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa đang đi vào lịch sử của nhân loại để mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó không ai sẽ cảm thấy cô đơn và trong đó chúng ta có thể xây dựng một thế giới công bằng hơn, một xã hội hòa bình và huynh đệ hơn, nơi phẩm giá của mỗi con người được tôn trọng. Khi chúng ta nói "Nước Cha trị đến", chúng ta bày tỏ niềm hy vọng rằng thánh ý của Thiên Chúa sẽ được thực hiện giữa chúng ta, như ân sủng và đồng thời là nhiệm vụ lâu dài của sự tự do và trách nhiệm của con người.

Lời cầu xin đầu tiên của kinh Lạy Cha trong Tin Mừng Lu-ca được thể hiện bằng những từ này “xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” (Lc 11, 1-3). Lời thỉnh cầu này có thể có hai ý nghĩa. Một mặt, đứng trước nguy cơ quên đi nỗi sợ hãi và lòng biết ơn của chúng ta, kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải xin Chúa ban cho lương thực mỗi ngày. Mặt khác, chúng ta không được hướng dẫn để cầu xin "xin cho tôi lương thực" mà là "xin cho chúng tôi lương thực." Có lẽ điều này để nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ lương thực trong tinh thần bác ái với người khác: cuộc sống đích thực là kết quả của sự hiệp thông và chia sẻ.

Lời cầu xin thứ hai là sự nhận ra một cách trung thực rằng mọi người, không ngoại trừ ai, đều phạm sai lầm và tất cả chúng ta đều cần đến Lòng Thương Xót Chúa (Lc 5, 8-6; 39-42). Bắt đầu từ sự giả định này, tác giả Tin Mừng thứ ba đưa đến một nhận thức rằng hiệu quả của sự tha thứ nơi Thiên Chúa là khiến chúng ta cũng biết lần lượt tha thứ cho nhau ( Mt 6, 14-15). Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không. Hiệu quả của sự tha thứ nơi mỗi người phụ thuộc vào sự sẵn lòng mà chúng ta đặt để trong hành động của cuộc sống, trong các mối liên hệ và trong tình cảm của chúng ta.

Và cuối cùng kinh Lạy Cha giới thiệu lời cầu xin thứ ba “ và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 4; Ga 17, 15). Đầu tiên chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và bấy giờ Chúa Cha giúp chúng ta lớn lên trong sự ý thức về sự mỏng manh, yếu đuối của chúng ta. Chúng ta không cầu xin Chúa giúp ta tránh những cám dỗ, nhưng cầu xin để giúp chúng ta vượt qua chúng. Cầu nguyện luôn là một kinh nghiệm về tương quan với Chúa, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Kinh Lạy Cha, như một bản tóm tắt của Tin Mừng, cung cấp cho chúng ta các tiêu chí cơ bản cho cuộc gặp gỡ Chúa và sứ mạng cũng khơi nguồn từ mối tương quan đó. Ân huệ được trở về với Thiên Chúa như trở về với người Cha cho phép chúng ta sống với nhau như anh chị em. Với ân sủng, nhiệm vụ làm cho danh Chúa cả sáng liên quan mật thiết với mỗi chúng ta trong việc xây dựng nước Chúa. Việc Chúa Giê-su Ki-tô ban ơn tha thứ cho chúng ta nhận thức được nhu cầu to lớn của việc khởi xướng và khuyến khích các quá trình hòa giải đích thực, không chỉ dẫn đến kinh nghiệm tha thứ, mà còn dần dần xóa bỏ tội lỗi.

Tình phụ tử của Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn trong Chúa Giê-su Ki-tô (Ga 12, 45; 14, 9), làm cho cộng đoàn truyền giáo của các môn đệ trở thành một gia đình thực sự, và tất cả mọi người được mời gọi đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Trong hoạt động sai đi và trở về với Chúa Cha, Đức Giê-su thực hiện sứ mạng của Ngài và cũng là sứ mạng của chúng ta. Đó chính là sứ mạng của Giáo Hội, sứ mạng vì phần rỗi của nhân loại (Ga 8). Nếu tất cả chức năng làm Cha đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa (Ep 3, 14-21), thì trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ tái sinh tất cả chúng ta như là con trai và con gái của cùng một Cha qua bí tích Rửa Tội. Nước Thiên Chúa được Đức Giê-su hoàn tất trong lễ vượt qua của Ngài và Nước đó được khởi sự và gieo vãi trên khắp địa cầu, loan truyền trong Giáo Hội lữ hành của Ngài một bí tích cứu độ phổ quát, và Chúa Cha ban Nước Ngài cho tất cả mọi người.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"