Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 08 tháng 10 năm 2019

08/10/2019
258
 

Lời Chúa: Gn 3, 1-10; Tv 130, 1b-2. 3-4ab. 7-8; Lc 10, 38-42

“Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và loan báo cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3, 2). Sau vài lần lạc đường, Giô-na nhận ra rằng mình đang đối diện với lời mời gọi liên lỉ của Thiên Chúa. Ngài không quên Giô-na và nhắc lại lời mời gọi truyền giáo dành ông: lần này Giô-na không thể trốn tránh được tiếng gọi ấy. Chúng ta thường giống như Giô-na sẵn sàng tìm mọi lý do để trốn tránh bổn phận truyền giáo. Thế giới chúng ta đang sống và được gửi đến truyền giáo thường là dân ngoại, giống như Ni-ni-vê, họ được tìm thấy ở mọi cửa, mọi thành phố, mọi ngã đường mà chúng ta gặp thấy. Giô-na đã đứng lên và theo như Lời Chúa truyền, ông đi đến Ni-vi-vê, một thành phố rộng lớn: phải mất ba ngày đàng để đi qua nó. Thế giới được loan báo Tin Mừng cũng có vẻ rộng lớn đối với chúng ta và chúng ta phải đối diện với sự cứng lòng tin. Lối sống hiện đại, xã hội hưởng thụ, điên cuồng chạy theo đồng tiền và một thứ hạnh phúc giả tạo là hiện trạng của một Ni-ni-vê rộng lớn ngày nay.

"Bốn mươi ngày nữa và Ni-ni-vê sẽ bị hủy diệt" (Gn 3, 3). Chúng ta hiểu được nỗi ấm ức của Giô-na lúc ông đang nói với những “kẻ ngoại giáo xấu xa” mà ông muốn thấy Thiên Chúa trừng phạt. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối với con cái mình, mặc dù Giô-na không tin tưởng vào sự thống hối của dân thành Ni-ni-vê, nhưng trên thực tế người dân thành Ni-ni-vê đã hoàn toàn quay về với Chúa. “Dân Ni-ni-vê tin  vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3,5).

Lời rao giảng của các vị tiên tri trong nhiều thế kỷ không đủ để làm cho dân tộc Is-ra-el trở lại, nhưng ở đây lời rao giảng của Giô-na trong một ngày đủ làm thay đổi lòng dân thành Ni-ni-vê, vốn bị coi thường. Đây là điều kỳ diệu nơi Thiên Chúa: Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên về kết quả mục vụ của chúng ta. Chính Đức Giê-su đã ám chỉ điều này trong Tin Mừng: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa” (Mt 12, 41). Và Thiên Chúa đã cho họ thấy lòng thương xót; nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ hoán cải (Ed 31, 11). Ngay cả khi Thiên Chúa đe doạ phạt thì đó vẫn là yêu thương và chỉ có tình yêu mới chiếm ưu thế và cứu độ trong đức tin. Ngày hôm nay nhân loại cần nghe lại lời rao giảng thống hối này.

Giô-na được sai đến thành Ni-ni-vê, gặp gỡ dân thành với tư cách là một ngôn sứ và rao giảng sự thống hối. Đức Giê-su cũng được Chúa Cha sai để đi vào trung tâm thành phố, đến nhà của Mát-ta và Ma-ri-a. Niềm vui về sự trở lại của dân thành Ni-ni-vê là ngoài sự mong đợi và điều này khơi dậy sự chống lại sứ mạng trong lòng Giô-na. Niềm vui của phục vụ và lắng nghe khi Đức Giêsu hiện diện đã làm cho Mát-ta và Ma-ri-a thực sự là những người chị em trong người môn đệ truyền giáo của Đức Giê-su.

Vượt qua ngưỡng cửa của một ngôi nhà nghĩa là đi vào trung tâm của những mối tương quan và khám phá, cùng với niềm vui và tình cảm, sự tổn thương và sự mong manh của đời sống như một gia đình. Chúng ta là phàm nhân, và điều này cho chúng ta thấy mọi mối tương quan sâu sắc đều liên quan tới những ai cần chúng ta chú tâm đến. Đức Giê-su có hai bản tính Thiên Chúa và con người, Ngài đã có những đặc điểm của một con người có thể gần gũi với con tim của chúng ta. Ngài đủ gần để đi vào trong nhà chúng ta. Đức Giêsu khi đi vào nhà Mát-ta và Ma-ri-a, Ngài đã bước qua ngưỡng cửa trái tim của họ trước khi đi trên con đường dẫn Giê-ru-sa-lem và con đường dẫn đến mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.

Ngôi nhà ở Bê-ta-ni-a, một ngôi nhà của tình bạn và tình yêu, đã cho ta thấy nhân tính của Đức Giê-su, không trở nên xa lạ với những người đau khổ và khó khăn: Ngài khóc, lắng nghe, thuyết phục, dạy dỗ và hiến mình làm của ăn của uống (Bí tích Thánh Thể). Đây là những ý nghĩa của của việc “ bước vào một ngôi nhà.”  Đức Giê-su đã vào nhà Bê-ta-ni-a một cách thân mật. Ngài làm như vậy như một người bạn, mang vào trong hoạt động trái tim và các mối tương quan của Ngài với người sống cũng như người chết (Ga 11). Trong sứ mạng được Chúa Cha giao phó, Đức Giê-su đã để cho Ngài được tham gia toàn bộ. Đức Giê-su kêu gọi chúng ta xem lại cách suy nghĩ và hành động: qua hình ảnh của một người phụ nữ khép mình và bối rối trong công tác phục vụ, Đức Giê-su đề nghị những nguyên tắc mới về lòng hiếu khách mà các môn đệ truyền giáo dành cho Ngài, và về sự cứu độ mà chúng ta đang sống và rao truyền.

Ơn gọi của Mát-ta và Ma-ri-a là hai ơn gọi khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, và được thúc đẩy cùng một mục đích: nhận ra sự độc đáo của Người gõ cửa (Kh 3, 20). Sau đó cung cách phục vụ của hai người phụ nữ này không đối chọi nhau như người ta thường nghĩ. Phục vụ và lắng nghe hỗ tương lẫn nhau chứ không phải là những hành động trái nghịch với sứ mạng mà Đức Giê-su đã trao phó cho Giáo Hội để cứu độ nhân loại. Sự hiện của Đức Giêsu mời gọi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đi vào trái tim của tất cả mọi người bằng việc lắng nghe Lời Chúa và phục vụ anh em, bằng việc loan báo sự phục sinh, và bằng bữa tiệc Thánh Thể nơi chúng ta được kết hợp với Chúa và hiệp nhất với nhau. Tất cả những điều này đều xảy ra trong nhà Bê-ta-ni-a, nơi mà cái chết của La-za-rô (bạn của Đức Giê-su) là cơ hội để chúng ta thanh tẩy và củng cố sự lắng nghe, sự phục vụ, niềm tin của chính chúng ta vào sự chết và phục sinh của Đức Giê-su, Ngài là người bạn và là Chúa của chúng ta.
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"