CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM B - HẠT GIỐNG - HẠT CẢI TRONG DỤ NGÔN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

14/06/2024
10560

 

Bài 72 : Hạt giống – Hạt cải trong dụ ngôn của Đức Giê-su

Nhóm Phiên Dịch CGKPV

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Bài tìm hiểu Kinh Thánh tuần này dựa theo đoạn Tin Mừng Mc 4,26-34 là hai dụ ngôn về hạt giống được gieo vãi và mọc lên diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Qua hai dụ ngôn về hạt giống, Đức Giê-su trình bày ý nghĩa tiềm tàng và lớn lên cách nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa. Có thể nói Chúa Giê-su và sự hiện diện của Nước Thiên Chúa nơi trần gian nằm ở trung tâm của các dụ ngôn (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo # 546). Chúng ta sẽ tìm hiểu từng khía cạnh về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa qua hai dụ ngôn này.

1. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (Mc 4,26-29)

Đây là dụ ngôn của riêng Mác-cô, và ngay cả từ ngữ được sử dụng cũng khác biệt với các dụ ngôn cùng đề tài. Chúng ta hãy so sánh với dụ ngôn người gieo giống cũng trong chương 4 của Mác-cô. Dụ ngôn mở đầu rằng : “Này, người gieo giống ra đi gieo giống” (Mc 4,3). Tác giả dùng danh từ hô spei-rôn (ὁ σπείρων) để chỉ người làm công việc gieo vãi hạt giống và động từ spei-rô (σπείρω) nghĩa là gieo, vãi, trồng : điều này cho thấy tính chuyên môn của người chuyên gieo giống.

Còn trong dụ ngôn hạt giống tự mọc (Mc 4,26), tác giả chỉ nói một người nào đó chung chung, với động từ bal-lô (βάλλω) nghĩa là ném, quăng, rải. Điều đó cho thấy vai trò mờ nhạt của người gieo giống và cách thức gieo vãi không chuyên biệt. Câu chuyện tiếp tục mô tả nhịp điệu thời gian đắp đổi “đêm hay ngày”, cũng như hoạt động của “một người nào đó”, anh ta “ngủ hay thức”, thì “hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên” (cc. 27-28).

Theo dụ ngôn, hạt giống mọc lên là nhờ đất. Tác giả dùng tính từ “tự động” au-tô-ma-tos (αὐτόματος) để diễn tả một điều xảy ra bởi chính nó, một cách tự phát, không lệ thuộc vào cái gì khác : “Đất tự động sinh ra hoa màu” (Mc 4,28). Như vậy, qua dụ ngôn này, thính giả hiểu rằng : Nước Trời là công trình của Thiên Chúa chứ không phải là thành tựu của con người. Thiên Chúa cho con người cộng tác, nhưng chính Người thực hiện sự tăng trưởng mà con người không hề nhận thấy. Vai trò của con người chỉ giới hạn ở những giai đoạn :

(1) rải hạt giống

(2) ngủ rồi thức, chờ đợi và chợt nhận ra cây lúa mọc lên rồi trổ bông

(3) đến thời đến buổi thu hoạch mùa màng

Như vậy, Nước Thiên Chúa giống như toàn bộ quá trình hạt giống tự mọc lên : từ việc gieo giống, thức hay ngủ, sự không biết, cây lớn lên theo thời gian và việc thu hoạch. Con người đóng vai trò cộng tác, nhưng không thể biết mọi quá trình của sự hình thành của Nước Thiên Chúa.

Dụ ngôn này vừa khích lệ những ai đang nỗ lực xây dựng Nước Thiên Chúa, vừa cảnh báo cho những ai nghĩ rằng chính mình mang lại thành quả cho Nước Thiên Chúa bằng những chương trình và kế hoạch của con người.

Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn rằng : “Lúa vừa chín, lập tức người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4,29). Ở đây, tác giả dùng động từ a-pos-tel-lô (ἀποστελλω) với nghĩa thông thường là sai đi, cắt cử, mà đối tượng thường là con người (x. Mt 10,16.40 ; Mc 1,2 ; Ga 6,29…), nhưng ở đây người ấy lại sai/gửi liềm đi gặt lúa theo một nghĩa hiếm gặp là nắm, sử dụng, và câu này được dịch là đem liềm ra (gặt) hay cầm lấy. Kiểu nói này có thể do ảnh hưởng lời ngôn sứ Giô-en 4,13 mô tả ngày cánh chung như một mùa gặt : “Các ngươi hãy đưa liềm ra, vì mùa gặt đã tới rồi !” khi bản văn Hy-lạp cũng dùng động từ tương tự là ekx-a-pos-tel-lo (ἐξαποστέλλω), đặt trong khung cảnh Chúa trao cho các môn đệ sứ mệnh truyền giáo (x. Mc 3,14 và 6,7), đồng thời mùa gặt hàm ẩn ý nghĩa về thời cánh chung.

2. Dụ ngôn hạt cải (Mc 4,30-32)

Mở đầu dụ ngôn hạt cải, Đức Giê-su nói : “Chúng ta ví (so sánh) Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ?” (c. 30). Câu này gợi lại lời ngôn sứ I-sai-a khi ông đề cao Thiên Chúa là Đấng cao cả trổi vượt trên muôn loài, không gì có thể sánh với Thiên Chúa : “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai ? Đặt hình ảnh nào bên cạnh Người cho tương xứng ?” (Is 40,18). Điều đó càng cho thấy dụ ngôn là một loại ngôn ngữ mang nét đặc trưng của các ráp-bi Do-thái sau này.

Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn như sau : “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32).

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều kể dụ ngôn này với những nét khác biệt : Các chi tiết trong bản văn Mt và Mc đều giống nhau, và cả hai nhấn mạnh đến sự tương phản : Từ một hạt cải nhỏ nhất trong các loại hạt được gieo xuống đất, nhưng khi mọc lên thành một cây lớn hơn mọi cây (x. Mt 13,32 ; Mc 4,31-32). Còn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chỉ đề cập đến kết quả sau cùng của hạt giống được gieo xuống : Nó lớn lên và trở thành cây (Lc 13,19). Rồi cũng theo ý đó, dụ ngôn kế tiếp của Lu-ca “ví Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men, bà kia lấy vùi vào ba thúng bột cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13,21//Mt 13,33) ; có lẽ tác giả Lu-ca muốn nhấn mạnh thêm rằng, Nước Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở sự lớn mạnh, mà còn ảnh hưởng vào thế giới một cách mạnh mẽ như nắm men làm dậy cả khối bột. Tác giả Mác-cô không kể dụ ngôn nắm men, nhưng ghi lại một lời kết : “Người (Đức Giê-su) dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng Lời cho họ” (4,33). Như vậy còn những dụ ngôn khác nữa mà tác giả Mác-cô không kể ra ; điều này thấy rõ nếu so sánh với tác giả Mát-thêu khi ông đã tập trung 7 hay 8 dụ ngôn làm thành một diễn từ riêng biệt trong số năm diễn từ của Tin Mừng Mt (x. Mt 13,1-53).

 

Một cây cải ở Pa-lét-tin

 

Trở lại với dụ ngôn hạt cải, hẳn là hình ảnh hạt cải và cây cải rất quen thuộc với đại chúng nên cả ba tác giả đều kể lại (x. Mt 13,31-32 // Mc 4,31-32 // Lc 13,19). Chúng ta đừng lẫn lộn với các cây rau cải thường dùng của chúng ta. Cây cải được mô tả trong các dụ ngôn có tên  Hy-lạp là si-na-pi (σίναπι) là một loại cây mọc ven biển hồ Ga-li-lê, cao khoảng 1 đến 3-4 mét, có hoa màu vàng, hạt trắng hoặc đen, có vị cay, nên còn gọi là cây cải cay (mù tạc / moutard, mustard). Hạt cải cay rất nhỏ nên đã trở thành câu tục ngữ “nhỏ như hạt cải” ở Pa-lét-tin.

Hình ảnh một cây lớn mà chim trời có thể làm tổ dưới bóng mang ý nghĩa gì ? Trong Cựu Ước, những cây lớn đôi khi được dùng để biểu tượng cho sức mạnh của một nước. Trong Đa-ni-en, cây lớn là biểu tượng cho con người và quyền lực của Na-bu-cô-đô-nô-xo (x. Đn 4,19tt). Hình ảnh chim trời đến làm tổ dưới bóng, ám chỉ đến lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về lời sấm của Đức Chúa sẽ phục hồi Giê-ru-sa-lem và dân Ít-ra-en được đổi mới : “Đức Chúa sẽ ngắt một chồi non và trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ thành một cây hương bá huy hoàng, muông chim đến nương mình bên nó và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,22-23).

Tiếp nối những ý tưởng trong Cựu Ước, các dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên, hạt cải nhỏ bé mọc thành cây lớn, chính là hình ảnh Đức Giê-su là Đấng quyền năng, quyền năng ấy được che giấu trong cuộc sống trần gian và chỉ tỏ rạng sau cái chết và phục sinh trong vinh quang, để từ nay mọi quyền năng trên trời dưới đất được trao trong tay Người (x. Mt 28,18).

Tóm lại, hai dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và hạt cải nhỏ bé trở thành cây lớn, được xác định rõ ràng là dụ ngôn về Nước Thiên Chúa qua cùng một công thức dẫn nhập giống nhau (c. 26 và 30). Hai cách trình bày khác nhau, nhưng mục đích duy nhất là diễn tả bản chất của Nước Thiên Chúa. Đó là sự tương phản rõ nét giữa lúc khởi đầu nhỏ bé (một hạt nhỏ) và kết quả lớn lao (mùa gặt, hay một cây lớn). Trong quá trình tăng trưởng, việc hạt giống tự mọc lên là một điều bí ẩn đối với con người, cũng như hạt cải nhỏ bé trở thành cây lớn là kết quả ngoài sức của con người. Do đó, sứ điệp của hai dụ ngôn này muốn gửi đến những môn đệ đang nản chí, cũng như cộng đoàn của Mác-cô đang bị bách hại rằng : bất chấp sự khước từ và chống đối mà “Lời” gặp phải, “hạt giống” được gieo bởi Đức Giê-su vẫn đang lớn lên và tiến tới sự viên mãn của Nước Thiên Chúa một cách mầu nhiệm. Hay nói rõ hơn là trong hoàn cảnh cụ thể đó, dụ ngôn khích lệ, nâng đỡ lòng tin của độc giả, làm cho họ vững lòng cậy trông vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa và sự thành toàn của Nước Thiên Chúa.

Chúng ta lấy ý tưởng của Thánh vịnh 92 để dâng lên Chúa lời cầu nguyện kết thúc bài tìm hiểu Kinh Thánh hôm nay :

Lạy Chúa, xin khơi lên trong chúng con niềm vui dâng lời ca tụng Chúa.

Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa.

Xin Chúa củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con,

để chúng con có thể góp phần nhỏ bé của mình vào công trình của Chúa,

là làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện trong chính môi trường chúng con đang sống, nơi mà còn biết bao người chưa nhận biết Chúa.

Xin Chúa làm cho tâm hồn nhân thế trở nên những mảnh đất tốt, để hạt giống Tin Mừng được trổ sinh hoa trái, và lớn mạnh như cây dừa tươi tốt được trồng nơi nhà Chúa. A-men!
Nguồn: hdgmvietnam.com