BÀI SUY NIỆM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA: "SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG SỰ TRAO BAN"

31/05/2024
142
BÀI SUY NIỆM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG SỰ TRAO BAN

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Có một vị linh mục và một vị giáo sư tranh luận với nhau về Bí tích Thánh Thể như thế này:

Vị giáo sư hỏi: “Làm sao mà một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Kitô được?”. Vị linh mục trả lời: “Được chứ sao lại không được. Tôi xin chứng minh cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ này, nếu thầy ăn bánh, thầy có thể biến miếng bánh ấy thành thịt của thầy, có thật thế không nào? Chớ tại sao Chúa lại không khiến tấm bánh nhỏ thành thịt của Đức Kitô được”?

Vị giáo sư đó lại hỏi tiếp: “Mà làm sao Đức Giêsu to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu như vậy?” Linh mục trả lời: “ Thầy hãy nhìn trời, nhìn núi non và làng mạc thành thị xem. Bầu trời mênh mông bát ngát, núi non cao lớn hùng vĩ, thành thị và làng mạc rộng rãi to lớn có phải thế không? Thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì làm sao Thiên Chúa lại không thể cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Chúa Kitô”.

Vị giáo sư không chịu thua lại hỏi thêm: “Tại sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lần lại nhiều nơi trên thế giới, mà một thánh lễ lại có Mình và Máu Chúa của quý vị được?” Vị linh mục đáp: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được". Rồi như để chứng minh cho câu trả lời này một cách cụ thể hơn, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho giáo sư đang trố mắt ngạc nhiên và nói: Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy trong gương một mình thầy có phải không nào? Và bây giờ Thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong nhiều mảnh kính nhỏ, có phải vậy không? Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được?”.

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta hiểu một phần nào mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày trong bí tích Thánh thể, đặc biệt trong lễ mừng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay.

Chúng ta là Dân Thiên Chúa đang trên hành trình đức tin tiến về miền đất hứa của sự sống đời đời. Chúng ta cần lương thực trên hành trình đó. Chúng ta đón nhận lương thực này nơi bí tích Thánh Thể. Nơi đây chúng ta được nuôi với thức ăn quý giá vượt xa manna là thứ đã cứu sống dân Israel trong hoang địa. Nơi đây Chúa Kitô nuôi ta bằng Lời Chúa và bằng Bánh Hằng Sống: “ Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” Mc 16,22-24.

Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã trao ban chính Thân mình Ngài cho loài người, dưới hình bánh và hình rượu. Chúa Giêsu trao ban Mình Máu Ngài có nghĩa Ngài trao cho chúng ta chính sự sống, chính bản thân Ngài một cách cụ thế nhất. Đã trao ban đến sự sống của mình thì có nghĩa là không còn giữ lại gì cho mình nữa. Đó là một sự hiến dâng trọn vẹn và dứt khoát của Chúa. Khi nhắc đến việc lập Thánh thế, Thánh Gioan nhận định : “ Ngài yêu thương những kẻ thuộc về mình và đã yêu thương họ dến cùng” Ga 13,1. Ngài trao ban cho ta sự sống để ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.

Thời nay các nhà chuyên khoa về sức khỏe khuyên người ta nên ăn ít thịt và ăn nhiều rau tươi, cái lợi trước mắt của việc ăn rau tươi là da dẻ hồng hào, thân thể nhẹ nhàng và chữa được nhiều bệnh, cái hại trước mắt của ăn thịt là thân thể nặng nề, tăng mỡ trong người và dễ bị "cao máu", gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ...

Trái lại, trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu thì cần phải ăn thịt để được sống trường sinh, nhưng thịt đây không phải là thịt bò, thịt heo, thịt gà hay bất cứ thịt gì khác, mà chính là mình và máu của Đức Kitô, chính Ngài đã hứa ban cho những ai ăn thịt và uống máu của Ngài sự sống đời đời, khi Ngài nói : "Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời..."( Ga 6, 53-54). Không một ai trên thế gian này dám tuyên bố như trên, bởi vì không ai cắt thịt của mình cho kẻ khác ăn, cũng như chẳng ai muốn ăn thịt người, Chúa Giêsu hiểu rất rõ điều ấy, nên Ngài đã làm một việc "để nhớ muôn đời" : làm cho bánh miến và rượu nho trở thành máu thịt của mình để nuôi nhân loại, để nhân loại được sự sống đời đời, mà hôm nay chúng ta, những người Kitô hữu, gọi là bí tích Thánh Thể.

Ăn và uống máu thịt của Chúa Giêsu thì sẽ không bị "cao máu", không bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, nhưng có sức làm cho thể xác và linh hồn của chúng ta được cường tráng khỏe mạnh. Từ chối ăn và uống máu thịt ấy, tức là từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa, là kéo án phạt xuống trên mình, là mang tội "hủy hoại thân xác và linh hồn".

Chia nhau một tấm bánh là chính Đức Giêsu Kitô, cử chỉ này nhắc nhớ cho chúng ta rằng sống là trao ban, sống là chia sẻ, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau. Sống như thế chúng ta làm chứng tá cho những người xung quanh thấy rằng, Đức Giêsu Kitô chính là sức sống của con người và sống đích thực là sống yêu thương. Nhưng ngày nay, những thiếu sót trong tình bác ái vẫn đầy dẫy. Biết bao người đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà vẫn thù oán anh em, vẫn nuôi ý định làm hại anh em. Hoặc trong nhà thờ, người ta ngồi bên nhau như bạn bè nghĩa thiết, nhưng trong đời sống lại chỉ đối xử với nhau bằng tính ích kỷ, tính hẹp hòi, sự bất công, tham lam, chèn ép…

Chẳng những thiếu tình với người khác, người ta còn thiếu tình với chính Chúa : qua việc thờ ơ đối với bí tích Thánh Thể, giảm sút lòng tin vào Chúa đang ngự thật trong Thánh Thể, tham dự thánh lễ một cách lơ đễnh, chiếu lệ và bất kính. Nhiều người coi thường và xúc phạm sự hiện diện và tình thương Chúa : họ coi như không có Chúa ngự trong Thánh Thể ; họ coi việc Chúa yêu thương loài người như không có thật ; họ không đáp đền lại tình thương vô biên Chúa. Vì không tin có Chúa trong Thánh Thể, nên họ cũng không hiểu mầu nhiệm Thánh Thể và những khía cạnh sâu sắc, những bài học, những lời nhắn nhủ của Chúa. Do đó, họ cũng không hiểu gì về Chúa, không bắt chước Chúa, không thay đổi đời sống và không thực hiện những điều Chúa chờ mong nơi họ. Vì quên Chúa, họ đã mất bao nhiêu sự hiểu biết, bao nhiêu sự soi sáng và bao nhiêu ơn lành của Chúa. Điều đáng buồn nhất là chính bản thân chúng ta hoặc chính những người trong gia đình chúng ta, chính những người trong giáo xứ chúng ta lúc này lúc khác đã và còn coi thường bí tích Thánh Thể qua tâm tình, thái độ, hành vi của mình.

Vâng, Thánh lễ không phải là nơi khoe khoang thời trang, trình diễn văn nghệ, thưởng thức thánh ca hoặc biểu dương lực lượng. Vì thế xén đầu bớt đuôi, tham dự không trọn vẹn, biến cử hành thánh lễ thành các buổi trình diễn đã làm mất đi ý nghĩa phụng vụ và tinh thần cộng đoàn trong việc cử hành thánh lễ. Và nếu thánh lễ là một bữa tiệc, thì vị chủ tế, vị giảng thuyết, các thừa tác viên Lời Chúa cũng phải cố gắng hết mình để Lời Chúa đừng là một món ăn thừa. Tuy nhiên khi dọn tiệc cho chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta ăn no say ơn thánh của Ngài. Nhưng bởi vì bí tích Thánh Thể là tiệc thánh, nên muốn tiếp nhận Chúa Giêsu cực thánh vào lòng, linh hồn chúng ta cũng phải ở trong tình trạng ơn thánh nghĩa là sạch tội trọng. Chỉ như thế, việc tham dự tiệc Thánh Thể mới sinh ích lợi và trao ban ơn thánh cứu độ cho chúng ta.

Lm. Joseph Phan Cảnh