Triết Lý Giáo Dục Kitô Giáo

17/01/2018
1053
Vài suy nghĩ về triết lý giáo dục Kitô giáo  
Một cách tiếp cận Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN  


Trong năm 2008, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình có tổ chức một buổi toạ đàm về đề tài Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp. Chắc chắn đây là đề tài mang tính thời sự cao vì từ ít năm nay, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông không ngừng bàn đến vấn đề giáo dục, và các bậc phụ huynh cũng coi đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều đáng nói về cuộc toạ đàm là có nhiều học giả nhấn mạnh đến triết lý giáo dục.  

Chẳng hạn, sau khi cho biết đã có nhiều cố gắng cải cách giáo dục trong những năm qua, nhà văn Nguyên Ngọc đặt câu hỏi: Tại sao đã cố gắng khá tích cực mà vẫn không hiệu quả? Và ông nhận định rằng nguyên nhân là ở chỗ chỉ sửa chữa theo kiểu vá víu, trong khi vấn đề khủng hoảng giáo dục ngày nay lại nằm ở gốc. Cái gốc đó chính là triết lý giáo dục, tức là câu hỏi nền giáo dục ngày nay đang nhắm mục đích gì, đào tạo những con người ra sao? Rồi để trả lời cho câu hỏi đó, nhà văn không ngần ngại cho rằng triết lý giáo dục trong xã hội Việt Nam hôm nay đang bị lạc hướng. Lạc hướng vì chỉ nhắm đào tạo những con người học thuộc lòng, lập lại những gì người khác truyền lại chứ không đào tạo những con người biết suy nghĩ cách độc lập và trưởng thành.1  

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cũng nói lên hai nỗi ưu tư lớn là (1) làm sao thoát khỏi các quan niệm độc quyền và giáo điều đã đè nặng lên lối giáo dục ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ? Và (2) làm sao thoát khỏi lối nhìn thiển cận về giáo dục, chỉ nhìn giáo dục nhắm tới lợi ích nhất thời và trước mắt, thay vì hoà chung vào dòng chảy văn hoá của thế giới nhằm vun đắp tinh thần khoa học, tính nhân văn và tình liên đới nhân loại?2  

Nhận định của những học giả này rất đáng quan tâm. Tuy nhiên sẽ là lạc quan ngây ngô nếu cho rằng chỉ có Việt Nam mới rơi vào khủng hoảng giáo dục, hoặc nghĩ rằng nền giáo dục ở các nước Âu-Mỹ là toàn hảo. Có chăng khủng hoảng giáo dục ở Việt Nam có những lý do riêng trong hoàn cảnh riêng. Ví dụ, trong các nước xã hội chủ nghĩa, không thể phủ nhận điều này là toàn bộ mọi lãnh vực của đời sống con người và xã hội đều được hướng dẫn bởi hệ tư tưởng Mác-Lênin. Hệ tư tưởng này không chỉ đơn thuần là một lý thuyết kinh tế-chính trị nhưng đúng hơn là một nền triết học bao hàm nhân sinh quan và thế giới quan, chi phối và định hướng toàn bộ mọi sinh hoạt trong xã hội. Ở đây không nói đến chuyện đúng hay sai nhưng chỉ muốn ghi nhận rằng khi có một hệ tư tưởng chi phối toàn bộ xã hội như thế, thì nó có khả năng tạo nên sự thống nhất và kết nối chặt chẽ mọi lãnh vực. Ngày nay, dù vẫn là một đất nước xã hội chủ nghĩa nhưng chủ trương kinh tế đã được thay đổi, không còn là kinh tế bao cấp mà là kinh tế thị trường. Cho dù là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì vẫn cứ là kinh tế thị trường. Xét về mặt lý luận triết học, kinh tế thị trường ấy khó lòng hài hoà với quan điểm của triết học Mác-Lênin. Nghĩa là đã có sự rạn vỡ trong cái tổng thể kết nối chặt chẽ (cohérence) vốn có trước đây, và sự rạn vỡ đó được thể hiện trong nhiều mặt của đời sống chứ không riêng trong lãnh vực nào. Khủng hoảng về giáo dục cũng bắt nguồn từ đó.  

Từ một góc nhìn khác, trong tư cách là người Kitô hữu, những suy tư về triết lý giáo dục trong xã hội Việt Nam dẫn ta đến một câu hỏi khác: có một triết lý giáo dục Kitô giáo không? Triết lý giáo dục đó ra sao? Có hi vọng góp phần cho xã hội nói chung không?  

1. Mô hình  

Nếu hiểu triết lý giáo dục là lời đáp cho câu hỏi về mục đích của giáo dục là gì và đào tạo những con người ra sao, thì phải trả lời ngay rằng có một triết lý giáo dục Kitô giáo. Và cũng phải nói ngay rằng nét độc đáo của triết lý giáo dục này hệ tại ở chỗ không chỉ đơn thuần là một hệ tư tưởng trừu tượng nhưng trước hết và trên hết là một con người, một ngôi vị. Con người ấy là mô hình lý tưởng mà giáo dục Kitô giáo phải vươn tới và con người ấy chính là Đức Giêsu Nadarét. Khi xây dựng một ngôi nhà, cần phải có thời gian mới có thể hoàn thành, có khi cả năm mười năm đối với những công trình lớn. Thế nhưng ngay từ khởi đầu, ta đã có mô hình về ngôi nhà đó trong tâm trí, rồi thể hiện mô hình ấy cách cụ thể thành bản vẽ, sau đó người ta dựa vào bản vẽ đó mà thực hiện. Như thế, xét về mặt thực hiện, phải mất một thời gian dài, ngôi nhà mới hoàn thành, nhưng xét về mặt suy tư, ngôi nhà đó đã hiện hữu ngay từ đầu và âm thầm định hướng cho toàn bộ quá trình thực hiện. Tương tự như thế, giáo dục là công trình xây dựng con người và quan trọng hơn các công trình xây dựng vật chất khác. Có khi mất cả đời người mà vẫn xây chưa xong nếu ta hiểu giáo dục không chỉ nhằm đến mục đích là lấy một tấm bằng nhưng là quá trình đào tạo và tự đào tạo. Phải mất nhiều năm mới hoàn thành, thế nhưng ngay từ đầu, mô hình giáo dục đã có trong tâm trí nhà đào tạo rồi và mô hình đó đóng vai trò định hướng cho toàn bộ quá trình đào tạo. Với triết lý giáo dục Kitô giáo, mô hình đó chính là Đức Giêsu Kitô, một con người sống động và lý tưởng mà việc giáo dục phải vươn tới như thánh Phaolô kêu gọi, “Anh em hãy có trong anh em những tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).  

Đây chính là lý do trong cuộc gặp gỡ các viện trưởng các viện đại học công giáo tại Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: “Căn tính của một đại học hay trường công giáo không chỉ đơn thuần là vấn đề số lượng sinh viên công giáo trong trường. Đây là vấn đề về niềm xác tín: chúng ta có thực sự tin rằng mầu nhiệm về con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể không? (Hiến chế MV số 22) Chúng ta có sẵn sàng dấn thân bằng cả tâm trí cho Thiên Chúa không? Chúng ta có chấp nhận chân lý Chúa Kitô mạc khải không? Niềm tin đó có sống động trong trường đại học của ta không? Niềm tin có được thể hiện qua cử hành bí tích, phụng vụ, qua cầu nguyện, qua hành động bác ái, quan tâm đến công bằng xã hội và tôn trọng công trình tạo dựng của Thiên Chúa? Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể thực sự làm chứng cho căn tính và sứ mạng của mình”3. Đây cũng là lý do Thư Mục Vụ 2008 đã chọn khởi điểm cho những chỉ dẫn về giáo dục Kitô giáo là mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể (số 5).  

2. Nội dung  

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu như mô hình của giáo dục, lập tức ta nhận ra mục đích của giáo dục Kitô giáo là đào tạo con người toàn diện, nghĩa là quan tâm đến mọi chiều kích của đời sống. Cách cụ thể, ta thử nhìn lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu như thánh Marcô mô tả:  

“Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt vì lời giảng dạy của Người vì Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư…  

Vừa ra khỏi hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon vừa lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.  

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem đến mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ nhưng không cho chúng nói vì chúng biết Người là ai.  

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: mọi người đang tìm Thầy đấy. Người bảo các ông: chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,21-38).  

Bản văn Tin Mừng Marcô mô tả một ngày sống của Chúa Giêsu, qua đó cũng thấy được những nét căn bản trong lối sống của Người, và qua đó có thể thấy được nội dung của giáo dục Kitô giáo:  

* mở ra với siêu việt: các sách Tin Mừng ghi nhận rằng Đức Giêsu thường xuyên tìm nơi thanh vắng vào những thời điểm tĩnh lặng nhất để cầu nguyện. Và trong lời rao giảng của Ngài, Đức Giêsu luôn hướng người nghe đến Nước Trời là thực tại siêu việt, vượt lên trên tất cả và ôm ấp tất cả. Cũng thế, giáo dục Kitô giáo không chỉ giới hạn con người trong chân trời tại thế nhưng muốn hướng con người tới cõi siêu việt, nhờ đó biết vượt lên trên những bon chen của cuộc sống, luôn vươn tới tầm cao tinh thần và mang lại cho cuộc sống đời thường một ý nghĩa mới.  

* mở ra với tha nhân: cuộc sống của Đức Giêsu luôn là sống cho người khác. Những hình ảnh quen thuộc Người sử dụng để nói về đời sống Kitô hữu đều hàm chứa ý nghĩa về một hiện hữu cho người khác: làm men cho bánh, làm muối cho đời, trở thành tấm bánh bẻ ra… Điều răn lớn nhất Ngài ban bố là điều răn yêu thương, và chính Ngài sống trước nên có thể nói với các môn đệ rằng “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” Giáo dục Kitô giáo giúp con người biết mở rộng tâm hồn trước tha nhân và những nhu cầu của họ. Dù học gì và làm gì chăng nữa thì định hướng căn bản vẫn là mở ra với tha nhân.  

* làm chủ bản thân: khi các môn đệ đi tìm và nói với Đức Giêsu, “Mọi người đang đi tìm Thầy,” Đức Giêsu đã không chiều ý các môn đệ và đám đông nhưng cương quyết ra đi vì sứ mạng của Người. Sẽ còn thấy sự cương quyết của Người mạnh mẽ hơn nữa khi phải quyết định bước vào cuộc khổ nạn. Người không để cho tình cảm tự nhiên cản lối, cũng không để nỗi sợ hãi chế ngự, nhưng Người làm chủ bản thân để hoàn toàn hiến mình phục vụ cho Nước Trời, Nước của chân lý, tình thương và an bình. Giáo dục Kitô giáo nhằm đào tạo những con người có khả năng làm chủ bản thân, làm chủ những dục vọng tự nhiên thay vì để dục vọng chế ngự và lôi kéo mình. Theo đó, giáo dục Kitô giáo là một nền giáo dục mang tính toàn diện. Định hướng này lại càng khẩn thiết hơn trong thời đại ngày nay vì “nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là tiến bộ nữa nhưng là mối đe doạ đối với con người và thế giới”4.  

Đây là lý do Thư Mục Vụ 2008 nói đến nội dung giáo dục có tính toàn diện:  

- giáo dục đức tin (14): “Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này.”  

- giáo dục đức ái (15): “Cần giáo dục cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ, hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội.”  

- giáo dục lương tâm (16): “lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị đều phải xây dựng trên lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực.”  

- giáo dục các đức tính nhân bản (số 17): “Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái.”  

3. Môi trường  

Nếu giáo dục chỉ là cung cấp kiến thức thì khi nói đến giáo dục, người ta chỉ nghĩ đến nhà trường và đó là cách hiểu khá phổ biến ngày nay. Thế nhưng giáo dục Kitô giáo hướng đến việc đào tạo con người toàn diện, do đó môi trường giáo dục không chỉ là nhà trường mà là tất cả những môi trường nơi đó con người sinh sống và hít thở, đặc biệt là gia đình. Ở đây cũng thế, để thấy được tầm quan trọng của môi trường gia đình, cần phải quy chiếu về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.  

Jean Paul Sartre nhận xét rằng mỗi con người khi sinh ra trên trái đất này đều chưa có khuôn mặt rõ nét. Cụ thể là khi quan sát các trẻ sơ sinh, có thể thấy ba đặc tính này: một là đứa trẻ chưa mang nét cá nhân nên nhìn đứa nào cũng giống đứa nào, hai là đứa trẻ chưa có cá tính rõ nét nên chưa thể nói được tính tình nó ra sao, ba là vẻ đẹp của đứa trẻ thuần tuý là vẻ đẹp thể lý, chưa có vẻ đẹp tri thức và tinh thần. Theo dòng thời gian, khuôn mặt mỗi con người mới được định hình rõ nét hơn xuyên qua cuộc sống, kinh nghiệm và nỗ lực của mỗi người. Cho đến tuổi 40 thì mỗi người đã định hình khuôn mặt cá nhân của mình. Vào tuổi đó, khuôn mặt mỗi người nói lên cá tính của họ, và vẻ đẹp của mỗi con người không còn là vẻ đẹp thể lý nhưng là vẻ đẹp tinh thần toát ra từ bên trong. Chẳng hạn khuôn mặt Mẹ Têrêxa Calcutta là khuôn mặt nhăn nheo về thể lý nhưng lại toát lên vẻ đẹp tinh thần hết sức đặc biệt.  

Nhận xét của Sartre cho thấy tác động của môi trường sống và giáo dục trên con người quan trọng thế nào. Từ nhận xét đó, khi chiêm ngắm Đức Giêsu Nadarét, ta có thể tự hỏi: Có phải ngẫu nhiên mà khuôn mặt Đức Giêsu trở thành khuôn mặt mà khi người ta nhìn vào, có thể thấy chính Thiên Chúa (x. Ga 14,9)? Chắc chắn là không. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người thực sự, nên giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi. Và xét như một con người, Ngài cũng phải học làm người, và môi trường tác động lên nhân cách Đức Giêsu nhiều nhất chính là gia đình. Thư Mục Vụ 2008 khẳng định rằng, “Thánh Giuse và Đức Maria đã nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời. Chính trong khung cảnh gia đình, Đức Giêsu đã học những bài học căn bản về đức tin và văn hoá… Lối giáo dục của Thánh Giuse và Mẹ Maria đã làm phong phú lời giảng dạy của vị ngôn sứ thành Nadarét sau này” (TMV số 5).  

Như thế, nhìn từ góc độ nhân học cũng như thần học, gia đình đều có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục. Lại càng cần thiết hơn đối với gia đình công giáo trong bối cảnh một xã hội không cho phép có trường công giáo; khi đó, việc giáo dục đức tin chủ yếu trông nhờ vào gia đình và sự cộng tác của gia đình với giáo xứ. Đó là lý do Thư Mục Vụ 2008 mời gọi các gia đình công giáo cố gắng xây dựng đời sống gia đình thành môi trường thuận lợi nhất cho việc giáo dục Kitô giáo: “Gia đình Nadarét cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục. Thánh Gia thất chính là mẫu gương cho các gia đình, nhất là những người làm cha làm mẹ, trong mọi nền văn hoá và môi trường xã hội (số 5).  

4. Phương pháp  

Nếu giáo dục chỉ là truyền thụ kiến thức thì nhà giáo dục chỉ cần có kiến thức chuyên môn là đủ, nhưng nếu hiểu giáo dục Kitô giáo là đào tạo con người toàn diện thì bản thân nhà giáo dục cũng chỉ có thể chu toàn bổn phận khi giáo dục người khác bằng cả con người của mình.  

Đức Dalai-Lama có một nhận xét rất đáng quan tâm về giáo dục tôn giáo nhưng cũng có thể áp dụng cho các lãnh vực khác. Ngài nói, “Trong Phật giáo, khi nói đến giáo huấn hay giáo thuyết, chúng tôi nhìn ở hai mức độ, hai loại. Mức độ thứ nhất liên quan đến các văn bản, mức độ thứ hai liên quan đến sự thể nghiệm… Liên quan đến sự thể nghiệm, điều rất quan trọng là một người muốn dạy người khác, thì chính mình phải có kinh nghiệm tối thiểu về điều mình giảng dạy, phải hoàn tất đoạn đường nào đó trong sự thể nghiệm thiêng liêng. Như thế nó hoàn toàn khác với các loại hình truyền thông khác, khi người ta kể lại một câu chuyện lịch sử hoặc khi một sử gia tường thuật những biến cố đã qua. Trong những trường hợp đó, người ta kể lại những sự kiện mà không hề sống. Còn trong việc giảng dạy về đời sống tâm linh, điều thiết yếu là người giảng dạy phải có một chút thể nghiệm và kinh nghiệm bản thân.”5  

Một trong những thiếu sót lớn nhất của giáo dục thời hiện đại là sự tách biệt tri thức và đạo đức, kiến thức và kinh nghiệm, từ đó dẫn đến tình trạng “thầy không ra thầy, trò không ra trò.” Từ quan điểm giáo dục là đào tạo con người toàn diện, Thư Mục Vụ 2008 kêu gọi các gia đình chu toàn nhiệm vụ giáo dục con cái không chỉ bằng những bài học lý thuyết mà còn bằng chính gương sáng và những thực hành cụ thể. Để giáo dục đức tin, cần xây dựng bầu khí cầu nguyện ngay trong gia đình, cụ thể là đọc kinh chung trong gia đình, vì “những thực hành đạo đức ấy sẽ theo các em suốt đời, kể cả khi các em rời xa gia đình để sống trong những môi trường khác” (số 14). Để giáo dục tình yêu thương, cần xây dựng bầu khí yêu thương ngay trong gia đình, nhờ đó “mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả” ; đồng thời chính cha mẹ phải nêu gương trước (số 15). Để giáo dục lương tâm, sẽ “thật là mâu thuẫn nếu trong nhà, cha mẹ dạy con cái thật thà mà ra khỏi gia đình, cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người chung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp” (số 16).  

 Kết luận  

Không ít người lớn tuổi, công giáo và ngoài công giáo, nhớ về những mái trường công giáo trước 1975 tại miền Nam Việt Nam, và tự hỏi: tại sao Giáo Hội lại không tiếp tục công việc tốt đẹp như thế? Cũng có một sự thật hiển nhiên là trong hầu hết các quốc gia, Giáo Hội hoạt động rất mạnh và có uy tín lớn trong lãnh vực giáo dục. Nói ra hay không nói ra, ẩn bên trong những thành công và đóng góp đó là triết lý giáo dục Kitô giáo với mô hình đào tạo con người toàn diện, đào tạo những con người biết tiếp tục tự đào tạo, và nhấn mạnh phẩm chất đạo đức của nhà đào tạo. Trong bối cảnh hiện tại, dù cho không còn trường công giáo, các gia đình công giáo tại Việt Nam vẫn có thể đóng góp cho xã hội trong lãnh vực giáo dục khi xây dựng gia đình mình thành môi trường giáo dục đích thực. Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN không nói đến triết lý giáo dục nhưng sử dụng ngôn ngữ mục vụ để hướng dẫn các gia đình công giáo về giáo dục Kitô giáo cho con cái; qua đó, cũng góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển vững bền, bởi lẽ xã hội mới được hình thành nhờ những con người mới.  

Mùa Chay 2009  

----------------------------------------------------------------------------  

1 Nguyễn Thái Hợp, Tôn Giáo-Giáo Dục: Một Cách Tiếp Cận, Tài liệu lưu hành nội bộ 2009, tr. 34-36.  
2 Ibid., tr. 41-42.  
3 Remark by Pope Benedict XVI, The Catholic University of America, April 17, 2008.  
4 Bênêđictô XVI, Spe Salvi, số 22.