Những chuyến đi lặng lẽ

19/09/2021
680


Sài gòn tháng 9 buồn thê thảm. Trời đón tôi tan ca làm bằng cơn mưa như trút nước. Nếu không để ý đọc báo bữa giờ đang có bão thì tôi cứ ngỡ là trời Sài Gòn đang òa khóc để trút bầu tâm sự. Đâu đó giữa những đau thương do dịch bệnh gây ra, vẫn có không ít người đang thu xếp phần cuối cùng của cuộc đời mình trong cô đơn, lạnh lẽo và thiếu vắng người thân. Họ đang chuẩn bị cho mình một chuyến đi quyết định. Một chuyến đi trong âm thầm và lặng lẽ.  

Tham gia công tác thiện nguyện trong bệnh viện chưa được lâu, tôi đã chứng kiến những người đến rồi đột ngột ra đi. Mọi thứ diễn ra nhanh lắm, nhanh đến nỗi sự có mặt của họ trong phòng bệnh chưa kịp khiến nhiệt độ ấm lên một xíu thì họ đã đi. Từng người trong số họ để lại một khoảng không lạnh lẽo và chơi vơi cho những người ở lại.

Tôi nhớ đến một bệnh nhân mà mình đã chăm sóc. Bà và chồng đều nhập viện vì Covid. Hai ông bà đã ở bên nhau cũng gần chạm mốc 60 năm của cuộc đời. Rồi dịch bệnh ập đến, khiến ông bà xa nhau. Ông đang vật lộn để giành lấy từng hơi thở, còn bà cũng chẳng khá hơn là bao. Bà có thói quen ăn chay trường từ lâu nên khi điều trị tại bệnh viện, bà từ chối tất cả các món có thịt và ngay cả cháo có nước mắm bà cũng không ăn.

Ngày đầu nhập viện, bà còn tỉnh táo lắm. Bà tự nấu đồ chay từng bữa cho bản thân. Tôi thường vào trò chuyện với bà để mong sao mình có diễm phúc được tiễn bà về trong ngày xuất viện. Những câu chuyện của hai bà cháu chỉ xoay quanh về hơi thở mỗi ngày, sức khỏe có khá lên không, bà có cần thêm món gì không hay chỉ giản đơn là kể bà nghe về cảnh đẹp bên ngoài khung cửa sổ… Tôi thầm ước mong những câu chuyện nhỏ bé như thế thôi biết đâu khơi hy vọng nơi tâm hồn bà. Một hôm, gia đình gởi cho bà cả thùng đồ to tướng gồm mì chay, súp chay, sữa và trái cây. Tôi vào hỏi sao bà không cất gọn vào tủ, để đây bà vấp té thì sao. Bà nói với tôi: “đừng cất vào, để tôi gởi cho ông nhà tôi.” Hiểu ra được lòng bà, tôi đề nghị để giúp bà gói lại rồi mang cho ông.

Cầm những món đồ của bà, tôi mang ra một góc để tạm. Bởi tôi biết rằng chồng của bà giờ đang bận chiến đấu để giành lấy hơi thở từng giờ thì làm sao có giờ rảnh để thưởng thức các món ăn của bà gởi đến đây. Lòng trộm nghĩ, tôi mang những món đồ đi để ít ra giúp xoa dịu lòng bà đang khắc khoải nỗi buồn xa cách người thương. Tuy ông không hay không biết chuyện tôi làm nhưng tôi tin là ông hiểu và cảm được tình yêu của bà dành cho ông. Rồi số phận vốn chẳng quen nuông chiều lòng người, tôi có cảm giác nó giống như một cô nàng đỏng đảnh, nói một rồi lại là hai.

Ông tạm chia tay bà, chia tay cõi tạm bợ này để đến một nơi không cần phải đắn đo chọn loại vaccine nào cho tốt. Ông không cần phải dùng những loại máy móc rườm rà để níu kéo từng nhịp tim. Ông cũng chẳng cần thuốc nữa vì ông đã khỏe để lặng lẽ ra đi mà không cần ai dìu đón.

Bà cũng từ đó yếu dần rồi bỏ ăn từ hôm ông quên nói lời từ biệt. Nhìn cảnh này tôi mới thấm cái gọi là mối tình phu thê. Tình cảm vợ chồng không chỉ là một giao kết đơn thuần giữa hai người nhưng nó còn là lòng gắn bó cuộc sống của hai cuộc đời lại làm một với nhau. 60 năm cuộc đời cũng đã đủ để người ta có thể cảm được người kia ở khoảng cách vô hạn vì làm gì có cái giới hạn nào dành cho trái tim.

Chiều nay, tôi ở bên bà. Bà yếu dần. Làn hơi của bà như thể những bậc thang từ từ dẫn bà về với người thương gắn bó. Các y bác sĩ đã làm hết sức để giữ bà ở lại, nhưng biết làm gì hơn khi ta muốn giữ mà người lại muốn ra đi. Tôi ở cạnh đó để nguyện kinh cùng bà. Những lời kinh đơn sơ của tôi tuy không cùng tôn giáo nhưng tôi ước mong sự hiện diện và những điều nhỏ bé ấy giúp bà thanh thản và bình an.

Lặng ngồi bên giường bà những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc lữ hành trần thế, lời kinh của tôi cũng dần hóa nên khoảng thinh lặng thầm phó thác bà cho Chúa. Tôi thấm thấy sự bất lực và mong manh của kiếp người khi cái chết dần đến. Tôi thấy rõ sự nhỏ bé của bản thân vì không thể làm gì hơn ngoài việc lặng nhìn trong tiếc nuối, chới với và xót xa.

Và rồi, tiếng máy ngưng, tiếng bíp bíp nhỏ dần rồi tắt hẳn, bà ra đi. Trong căn phòng trắng xóa, lạnh lẽo và khoảnh khắc im lặng bao trùm hết mọi người. Tôi tựa lưng vào tường như thể tìm cho mình chút vững chắc để tựa vào và nhắm mắt để chấp nhận một sự thật phủ phàng rằng một chuyến đi lặng lẽ nữa vừa xảy ra.

Những chuyến đi không có người thân bên cạnh. Chuyến này họ phải đi một mình. Cái đau lòng nhất chính là khoảnh khắc cuối đời của đấng sinh thành mà mình lại không được ở bên cạnh. Điều xót xa nhất có lẽ là khoảnh khắc ai đó từ giã cõi đời này lại không được nằm giữa vòng ôm của lũ cháu đoàn con. Số phận nhiều khi trêu đùa lòng người và có khi nó đã mang đến những điều tưởng chừng như chỉ có trong tưởng tượng, nhưng nó là sự thật.

Tôi tiễn bà đi cho hết chặng đường đời tạm bợ. Tiễn bà về nơi bà mong, còn tôi mong bà được ôm ấp trong vòng tay Chúa. Tôi diện cho bà bộ đồ mới thật đẹp, mang đôi dép bà thích và để bà nằm ngủ ngon. Nay bà đã được xuất viện, nhưng với một cách thức khác mà thôi. Xin cúi chào bà! Chuyến đi lặng lẽ giữa chiều mưa Sài Gòn nặng hạt.

JB Phi Long,S.J.

https://dongten.net/2021/09/19/nhung-chuyen-di-lang-le/