Nhớ quê

07/09/2021
1165
quê hương 1


“Rời làng, ra phố hay vô Nam” là một điều mà chúng tôi lựa chọn để đổi đời. Người làng tôi ra phố, vô Nam kiếm việc và học hành nhiều lắm. Và tôi là một trong số đó. Chẳng ai muốn xa nhà, xa cha mẹ, xa làng xóm, xa cái khung cảnh làng quê quen thuộc đã ăn sâu trong tâm trí, nhưng đời sống ngày càng văn minh, tiến bộ, khoa học kỹ thuật ngày một phát triển, ruộng đồng không còn đem lại hoa lợi cho người nông dân nên buộc lòng chúng tôi phải bỏ làng ra đi để kiếm kế sinh nhai. Đã có người từng nói rằng “Địa chủ nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, quả thật đúng!

Bây giờ kiếm việc nơi phố thị quá dễ, chỉ cần vài ba bộ quần áo, giắt lưng vài trăm ngàn là có thể thành dân phố phường. Nghề nghiệp cũng đa dạng: Khỏe mạnh thì làm bốc vác, thợ xây, thợ phụ. Ai có vốn thì thuê mặt bằng, cửa hàng, phòng trọ để kinh doanh, buôn bán. Ngoại hình cao ráo, ưa nhìn thì làm bảo vệ, phụ quán hay bưng bê trong các nhà hàng. Ai có chút chữ nghĩa thì làm việc trong các công ty, văn phòng sang trọng. Còn ai lớn tuổi hay chỉ biết đôi ba chữ thì xin làm giúp việc nhà, rửa bát quán cơm, sinh viên thì làm gia sư hoặc phụ giúp trông trẻ…. Rất nhiều cơ hội việc làm để chúng tôi có thể nuôi sống bản thân.

Ra phố, từ thói quen, nếp sống đến tính cách thành thị chẳng mấy chốc đã tràn vào áo quần, đầu óc và toàn bộ con người chúng tôi. Mỗi khi về làng, ai cũng tỏ ra là người thành đạt, cuộc sống đầy đủ, thanh lịch. Chẳng ai dám kể cái chuyện đi xe vượt đèn đỏ bị công an phạt tiền hay đi xe ngược chiều mà không hay biết vì ngố. Cũng ít ai kể ra cái khổ, cái khó khi phải còng lưng làm việc, bon chen nơi phố thị. Và cũng chẳng ai kêu than khi phải sống trong những khu phố ổ chuột, những phòng trọ chật hẹp tầm mười mét vuông của mấy đứa sinh viên thiếu thốn đủ thứ. Chắc là vì họ tự cảm nhận rằng, dù có cực nhọc đến đâu họ luôn muốn những người thân yêu của họ cảm thấy tự hào và yên tâm về họ.

quê hương 2


Thế nhưng, mấy ai có thể hiểu được, những người con xa quê như chúng tôi, nhiều đêm nằm ngủ mà nước mắt chảy ròng, thấy nhớ làng, nhớ quê da diết. Nhớ đến nhói lòng, nhớ những con đường đất sáng nào cũng hò hét nhau đi chạy bộ. Nhớ những buổi trưa hè tắm lội dưới dòng sông quê hiền hòa. Nhớ những buổi chiều cùng nhau thả diều, chăn trâu trên các cánh đồng xanh đầy cỏ. Nhớ những buổi tối sau giờ học giáo lý lại cùng nhau chơi mấy trò chơi trẻ con trên sân nhà thờ, dưới ánh trăng vàng và gió thổi mát lạnh.

Bất giác, trong lòng chợt hỏi: Quê hương là gì? Có lẽ với chúng tôi, quê hương là nơi để chúng tôi trở về. Quê hương là nơi để chúng tôi yêu thương và được yêu thương. Quê hương là nơi để chúng tôi cảm nhận cái hạnh phúc của tình làng nghĩa xóm. Nhắc đến đây, lại nhớ về khi ấy, mỗi khi nhà ai trong làng có đám cưới, đám hỏi thì vui đáo để. Ngày mai cưới thì chiều hôm trước cả họ, cả xóm kéo tới giúp làm phông, làm rạp, kê bàn ghế, têm trầu bổ cau… giúp gia chủ. Buổi tối thì dùng chén trà, xơi miếng trầu, chuyện trò, cả hát hò và nhảy nhót để chung chia niềm vui với gia đình và cô dâu chú rễ. Còn khi nhà nào có đám tang thì dân làng kéo đến chia buồn, thăm viếng, an ủi và đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Rồi không ai bảo ai, mỗi người một việc giúp đỡ cho tang gia trong lúc bối rối. Ôi! Cái tình quê sao mà thân thương đến thế?

quê hương 3


Mỗi lần có dịp về quê, chúng tôi lại thèm ăn những món dân dã: canh cua đồng nấu rau đay, cà muối chấm mắm tôm, cá đồng kho khô hay nấu canh chua, tép riu rang mặn… Và nhớ nhất, thèm nhất vẫn là món thịt chuột đồng hun rơm vàng khè rồi rang mặn với lá chanh xì dầu. Mới kể ra thôi mà đã cảm thấy bụng đói cồn cào mặc dù vừa mới ăn tối, đúng là “món ăn nhà quê bây giờ là nhất, là đặc sản”. Giờ xa quê rồi mới thấy câu nói ấy hoàn toàn chính xác.

Xa quê càng lâu, chúng tôi càng cảm nhận hai từ “Quê Hương” sao mà thân thương, da diết đến thế. Mỗi lần nhắc đến hai từ “Quê Hương” là trong lòng chúng tôi lại dâng lên một cảm xúc gần gũi, thân quen để khi ra đi ai trong chúng tôi cũng muốn được trở về.

Gửi tặng những người con phương xa xứ Thiện Mỹ.
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/nho-que/

quê hương 4