Công việc người trẻ trong đường hướng Thiên Chúa

30/01/2020
615
Lớn lên, ai cũng cần công ăn việc làm ổn định và sống dồi dào. Đó cũng là khát khao và ước mơ thời tuổi trẻ. Chia tay những năm dùi mài kinh sử, người trẻ bước vào đời với biết bao cơ hội làm ăn. Đâu là điểm khởi đầu để người trẻ chạy nhanh và tiến xa trên con đường lập nghiệp? Câu hỏi ấy không dễ trả lời; bởi thực tế, nhiều người trẻ đang thất nghiệp, công việc khó khăn và ra trường làm không đúng chuyên ngành. Vậy, Thiên Chúa nghĩ gì về công việc hiện nay của người trẻ?
 


Để trả lời vắn gọn thắc mắc trên, trong khi chia sẻ với các bạn trẻ, Giáo Hội trước hết khẳng định rằng: công ăn việc làm là chủ đề chính người trẻ ước muốn và bận tâm. Thật dễ để thấy chính mình, bạn bè và cả xã hội đều phải đương đầu với kiếp sống mưu sinh. Bạn ngóng ra đường thấy dòng người lao xao xuôi ngược. Họ đang vất vả bương chải chẳng phải vì miếng cơm, manh áo hay sao?

Giàu có và tiện nghi ai cũng mong muốn và kiếm tìm. Một trong những yếu tố quan trọng của làm giàu là đam mê. Nhiều doanh nhân đã chỉ ra, và thêm rằng, đó là đam mê chính đáng và cao thượng. Chẳng hạn, trong chương I của cuốn sách: Chiêu Bài Quản Lý Vàng của Bill Gate, trích câu nói trứ danh của Albert Einstein:

“Đam mê là người thầy tốt nhất. Có đam mê mới nỗ lực làm việc và luôn thấy cuộc sống thật phong phú. Nếu công việc bạn đang làm là niềm đam mê của bạn thì điều đó cho thấy, bạn đã thành công một nửa.”

Điều thú vị là đam mê ấy đến từ Thiên Chúa, tôi tin thế, vì Albert Einstein (1879–1955) vốn là một người sùng đạo hằng tin vào Thiên Chúa. Là người Do Thái, ông theo học trường Công Giáo và thích đọc Kinh Thánh. Ông là người đặt nền cho vật lý hiện đại (Thuyết tương đối[1]). Một trong những phát biểu của ông về Thiên Chúa như sau: “Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc một điều là trong tất cả những định luật của vũ trụ đều có bóng dáng của một thần linh siêu vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém.” Thần Linh siêu vượt đó giúp ông đam mê tìm tòi, khám phá.

Tiếc là xã hội Việt Nam hiện nay (trên thế giới cũng thế), tình trạng thất nghiệp gia tăng, lương lao động thấp và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thậm chí tôi có nhiều dịp gặp các bạn trẻ đang phải lao động trong môi trường khắc nhiệt. Bóc lột sức lao động và xem người trẻ như một món đồ để mua bán. Nhiều bạn trẻ phải bỏ quê xuất khẩu lao động. Nơi đó không thiếu những hình thức loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Điều này khiến các bạn trẻ nghèo hoàn nghèo. Hệ quả là tình trạng thiếu công ăn việc làm đã cướp đi khả năng mơ ước và hy vọng.

Dĩ nhiên ai cũng thấy giá trị của lao động luôn cao quý. Chính Thiên Chúa cũng lao tác, sáng tạo tiếp tục thế giới này. Ngài mời gọi con người, người trẻ cộng tác trong công trình vĩ đại này. Trong mỗi công việc mình làm, người trẻ được mời gọi nhìn nó như một sứ mạng cao quý. Xin đừng biến mình thành những robot chỉ cắm cúi làm việc mà không suy tư, phản tỉnh. Trong ý hướng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ:

“Mặc dù công việc có thể không giúp các con thực hiện các ước mơ của mình, nhưng điều quan trọng là những người trẻ phải nuôi dưỡng một cái nhìn, học cách làm việc theo cách thật sự cá nhân và đầy đủ cho đời sống của mình, và tiếp tục phân định ơn gọi của Thiên Chúa.” (Đức Kitô Sống, số 268)

Bạn có bao giờ hỏi: tại sao tôi lại làm công việc này? Tôi có thể làm gì tốt hơn không? Chúa đang muốn tôi làm gì trong công việc cụ thể này?

Điều đáng bàn là làm sao người trẻ dùng tài năng và sức trẻ của mình để có được một công việc đáng mơ ước. Siêng năng học tập và kiến tạo tương lai là điều Giáo Hội mời gọi. Ngồi chờ sung rụng là rụng cả tương lai. Tôi biết nhiều người bạn thao thức, bàn luận và khởi khiệp. Thất bại có, thành công có. Vấn đề là họ phải suy nghĩ “nát nước” để tìm ra giải pháp khả thi. Khi đó, họ vừa làm, vừa trải nghiệm. Bởi đó, Bill Gates chia sẻ với người độc rằng: “Thành công bắt nguồn từ trái tim không ngủ yên.”[2]

Thành công chỉ “bó tay” với những ai lười biếng. Đôi khi có bạn ảo tưởng: giàu có thần tốc. Người giàu như thế trên thế giới có, nhưng đếm trên đầu ngón tay. Cứ bình thường, ai cũng trải qua bước khởi nghiệp. Đôi khi sự phũ phàng, trắc trở thử thách người trẻ, nhưng thành công sẽ đến với những ai không từ bỏ ước mơ, không bao giờ được bỏ cuộc.

Thừa nhận là có người gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp của họ, nhưn phần lớn nhân loại phải vất vả mới có miếng ăn. Dù bạn là ai trong số ấy, Thiên Chúa gọi bạn làm việc. Chúa có thể gọi bạn làm y tá, thợ mộc, nhân viên ngân hàng, kỹ sư, nhà giáo, nghệ sĩ hoặc bất kỳ công việc nào khác. Ước chi người trẻ có thể tập trung hết khả năng của mình để hy sinh, đại lượng và dấn thân.

Tôi phải thừa nhận một sự thật đau lòng ở Việt Nam: nhiều người trẻ không cảm nhận được niềm vui trong công việc.[3] Có người học vì cha mẹ, chọn nghề học vì ép buộc. Lắm người làm chỉ đơn thuần vì đồng lương. Tuy nhiên, lý tưởng của một công việc bao gồm cả niềm vui, hăng say và cống hiến. Đó là ý nghĩa của công ăn việc làm. Không chỉ ở thời đại 4.0, thời xa xưa con người đã mong ước điều ấy:

“Tôi nhận ra rằng, đối với con người, không có gì tốt hơn là hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra.” (Trích sách Giảng Viên 3,22, được viết cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên).

Vậy rốt cuộc Thiên Chúa muốn người trẻ làm gì? Chắc chắn Ngài muốn người trẻ sống hạnh phúc và dấn thân. Đáng trách cho những ai lười biếng, ăn bám và than trời trách đất. Người đời sẽ vỗ tay ủng hộ những bạn trẻ chí thú làm ăn. Hãy khai phá con đường mới để cùng nhau giúp mình và người khác hưởng cuộc sống đầy đủ, phát triển bền vững.

Lao động có khi chưa bao giờ an nhàn thư thái; tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đó, con người hy vọng tìm cho mình chỗ nương tựa nơi Thiên Chúa. Cùng với Ngài làm việc và thưởng thức những thách đố từ công ăn việc làm. Đến độ Martin Luther King (1929–1968) khẳng khái:

“Nếu một người được kêu gọi làm phu quét đường, thì người ấy nên quét đường y như cách Michelangelo vẽ tranh, hoặc Beethoven sáng tác nhạc hay Shakespeare làm thơ. Người ấy nên quét đường cho thật tốt đến độ tất cả các thiên binh trên trời dưới đất phải dừng lại để nói rằng: Nơi đây đã từng có một người quét đường vĩ đại, người ấy đã làm thật tốt công việc của mình.” (x. Docat, 135).

Lạy Chúa Giêsu, nhìn tới nhìn lui, biết bao người trẻ chúng con đang quay cuồng với cuộc sống mưu sinh. Có bạn muốn làm việc, nhưng vẫn chịu cảnh thất nghiệp; có bạn muốn phấn đấu làm ăn, nhưng không có cơ hội; nhiều bạn khởi nghiệp, nhưng mấy ai thành công, v.v. Đã đến lúc chúng con cần Ngài giúp sức, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con làm việc trong niềm vui với ước mơ lớn. Trong từng hoàn cảnh, xin giúp chúng con thấy đâu là công việc làm nên cuộc đời ý nghĩa. Làm sao để phụng sự Chúa trong những sứ vụ cụ thể chúng con đang làm? Được như thế, người trẻ hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, đáng sống và đáng làm việc hơn. Amen.  

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Đọc thêm trên wikipedia, Thuyết_tương_đối (một trong những phương trình nổi tiếng của Einstein: E = mc2)

[2] X. Chiêu Bài Quản Lý Vàng của Bill Gates, chương I, phần 5.

[3] Steve Jobs, tác giả của chiếc điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, v.v, nói với người trẻ rằng: “Công việc sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc đời của các bạn, cách duy nhất để có được sự thỏa mãn là làm thứ bạn tin rằng nó tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm thứ gì tuyệt vời là yêu cái bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy kiên trì. Đừng thỏa hiệp.”

(Nguồn: dongten.net)