CHIA SẺ HIỆP HÀNH TỪ BÓNG ĐÁ

03/10/2022
706

CHIA SẺ HIỆP HÀNH TỪ BÓNG ĐÁ

Ngày 17-8-2022 một trận vòng loại của Giải hiệp hành Bóng đá Linh mục diễn ra tại sân Thị xã An Nhơn, Bình Định, giữa đội Kontum và đội Qui Nhơn. Chúng tôi lại thua 3-1. Thắng hay thua, tôi vẫn thấy đây là một điều tốt, vì cần bắt đầu bằng một việc vô hại nào đó để thử xem vấn đề thật sự của hiệp hành nằm ở đâu.

Thể thao bóng đá là một ví dụ tốt để ta suy nghĩ về thao luyện tâm linh, thao luyện cá tính, thao luyện phân định tập thể, thao luyện mục vụ, thao luyện về đào tạo người cho Giáo hội, từ đào tạo các bạn trẻ, đào tạo các gia đình đến đào tạo linh mục và tu sĩ.

 

BÓNG ĐÁ HIỆP HÀNH

 
Cách nay gần bốn mươi năm, có lần tôi lội bộ giữa miền quê vùng Long Thành, đi tìm một cộng đoàn Don Bosco. Tôi sáng mắt ra khi nhìn thấy một sân bóng đá. Ngạn ngữ SDB có nói: “Đâu có Salesian Don Bosco, đấy có Sân Đá Bóng”, thì ngược lại chắc cũng đúng: “Đã tới Sân Đá Bóng, chắc Salesian Don Bosco không còn xa”.

Thời là mục tử thất nghiệp, tôi được nương náu dưới bóng nguyện xá Don Bosco mười sáu năm tại cộng thể Don Rua Đà Lạt và được chứng kiến nhiều hình ảnh về Giáo hội hiệp hành trên sân đá bóng: Các cha, các thầy tĩnh tâm rất nghiêm túc với tiếng reo hò bóng đá. Cuối năm học, nhà Dòng mời gọi các bạn trẻ tham gia luyện bóng mùa hè. Thiếu niên nhi đồng trong phường và cả các phường xung quanh có thể liên kết thành đội bóng, đăng ký tham gia với danh sách, tên đội. Nhà Dòng sẽ in tặng mỗi đội một bộ áo riêng. Trên sân bóng nhỏ của nhà Dòng lắm lúc có đến sáu đội cầu thiếu niên quần thảo ba quả bóng với hai khung thành hai đầu sân và bốn khung thành dọc hai bên sân, bóng ai nấy đá, các bạn trẻ không hề đá nhầm vào quả bóng không phải của mình. Ban tổ chức giữ vai trò điều phối. Khi xảy ra chuyện chẳng may, tất cả đều tạm ngưng cho tới lúc người bị chấn thương được chuyển đi sơ cứu. Chính tình yêu thương của Chúa là lệnh truyền vượt lên trên tất cả và định hướng cho tất cả (x. Ga 13,34-35; 1Cr 13,1-13).

 

VÀ ĐỘI BÓNG MỘT NGƯỜI

 
Đặc biệt có lúc tôi được say mê dõi theo từ xa cảnh một cầu thủ nhí luyện bóng một mình, chẳng cần thủ môn mà chỉ trong hai mươi phút đã thắng đến ba quả! Khung thành bình thường có hai cột đứng, một xà ngang và một thủ môn. Cậu học sinh của dòng có sáng kiến thần kỳ kết hợp cả ba trong một. Chỉ cần một cột của khung thành là đủ. Thách đố của cậu không phải là đá lọt vào giữa hai cột khung và dưới xà ngang, nhưng chỉ cần đá đúng vào cột khung đã chọn là được tự ghi điểm. Cậu tự nâng cao cả khả năng riêng và ý thức trách nhiệm của mình. Cậu sẽ không bao giờ núp vào đám đông cũng không ỷ lại người khác nhưng luôn biết tự lo lấy dầu cho đèn mình (x. Mt 25,1-13).
 

TỪ ĐỘI BÓNG MỘT NGƯỜI LỪNG DANH LỊCH SỬ

 
Chuyện xảy ra trên sân bãi Cát Minh, cách nay đã ba mươi thế kỷ. Đội bóng bên kia có đến 450 ngôn sứ của thần Baal. Đội bên này chỉ một mình vị ngôn sứ của Chúa: Êlia. Toàn dân Israel dán mắt vào trận đấu, reo hò vang dậy khi đội một người thắng đậm (X. 1V 18,20-40).

Trong những ngày thảo luận hiệp hành, không ít người đã nhắc đi nhắc lại cái hằng số ảo 7% lì lợm mãi suốt nửa thế kỷ qua. Suốt nửa thế kỷ qua, con số người Công giáo Việt Nam cứ ỳ ra với tỉ lệ 7% dân số[1]. Nhiều người đã đưa ra lắm lý do. Trong số đó, theo tôi, lý do cần phải cứu xét cách riêng là, chúng ta chỉ mới đào tạo cầu thủ biết đá quả bóng mà quên dạy họ hai kỹ năng cần thiết: thi đấu đồng đội và tự luyện bóng một mình.

Trước hết là tinh thần hiệp hành. Những người cùng một tập thể sẽ làm việc chung thế nào? Các tập thể bên cạnh nhau cần học làm sao để không dẫm đạp lên nhau nhưng biết hỗ trợ lẫn nhau… Các ban bệ không làm thay việc của cấp dưới, để khỏi dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Cả ở cấp Giáo phận cũng như cấp toàn quốc, các ban bệ chỉ nên đóng vai trò vận động, liên kết những nỗ lực khác nhau, điều phối và giúp tổ chức… Công việc không kết quả, phải chăng vì tên gọi các ban bệ chưa chính xác, dễ khiến mọi người đùn đẩy trách nhiệm cho nhau? Ban Loan báo Tin mừng có thể bị hiểu là chỉ những người trong Ban ấy mới phải lo việc truyền giáo, còn những người khác được phép nghỉ và đứng ở ngoài phê phán? Liệu có nên nói rõ là Ban Điều phối Loan báo Tin mừng hay Ban Hỗ trợ Loan báo Tin mừng?

 

ĐẾN MỖI TÍN HỮU LÀ MỘT NHÀ TRUYỂN GIÁO

 
Không riêng các tu sĩ trẻ và các linh mục tương lai, mọi tín hữu của Chúa đều cần được đào tạo trở thành những người có khả năng tự lập và ý thức trách nhiệm về loan báo Tin mừng.

Chúng ta hô hào mỗi giáo dân là một nhà truyền giáo nhưng làm sao đạt được điều này nếu không nghiên cứu những chương trình giáo lý có khả năng đào tạo người?

Các sách giáo lý của ta, dù dành cho trẻ em hay người lớn, đều cần biên soạn lại với hướng đào tạo bản lĩnh Kitô hữu chứ không chỉ nhằm cung cấp những hiểu biết cần thiết. Xu hướng ngại đọc sách hiện nay khiến người biên soạn thấy nên viết thật ngắn gọn. Tuy vậy, dù ngắn gọn tới đâu, ta cũng không được quên định hướng đào tạo. Đàng khác, khả năng yêu mến việc đọc sách cũng là một điều cần thiết mà ta cần quyết tâm đào tạo cho người tín hữu trẻ.

 

QUÀ TẶNG GIÚP LUYỆN ĐẤU HIỆP HÀNH VỚI ĐỘI BÓNG MỘT NGƯỜI

 
Bản thân chúng tôi cũng đang cố gắng đóng góp đôi chút để biên soạn lại sách giáo lý theo hướng ấy. Hiện chúng tôi chỉ mới làm được hai quyển cho người lớn: Niềm vui làm con Chúa giúp đào sâu đức tin, và Đường tình Chúa đưa ta đi giúp chuẩn bị hôn nhân.

Tỉ lệ tín hữu nhập đạo nhân dịp kết hôn ngày càng tăng. Đây là đoàn sủng của Chúa Thánh Thần trao tặng Giáo hội Việt Nam trong thời đại này. Nếu chúng ta tin vào ơn Chúa và biết tận tụy chăm sóc, lượng tín hữu mới này sẽ là nguồn sức sống mới của Dân Chúa. Tiếc thay, ít nơi có được một tổ chức dạy giáo lý dự tòng theo hướng đào tạo một thế hệ tín hữu mới. Ngược lại, việc dạy vội vã khiến cho cả thầy lẫn trò đều nhàm chán, có cảm tưởng là một gánh nặng, một thủ tục phải làm cho xong. Lửa Thánh Thần bị dập tắt ngay từ đầu.

Do sức ép của thực tế, các giáo xứ có thể bị buộc lòng phải tổ chức các khóa dự tòng và chuẩn bị hôn nhân ngắn ngày, với những giáo trình tương ứng. Hai quyển sách của chúng tôi có thể hỗ trợ phần nào cho các trường hợp ấy. Giảng viên sẽ trao vào tay học viên ngay từ buổi học đầu như tài liệu tham khảo. Học viên được mời gọi sử dụng song song với giáo trình dùng trong lớp. Tới ngày kết thúc khóa học, lắm khi họ chỉ mới đọc được một nửa hay một phần ba, Thế nhưng, cả hai quyển sách đều có tính lôi cuốn trên cơ sở tự nguyện vì ích lợi của bản thân. Do đó trong trường hợp này, sau lễ rửa tội và hôn phối, vẫn sẽ có không ít người tiếp tục đọc cho tới khi xong. Nếu giáo xứ có chương trình liên kết các tân tòng và các gia đình, giúp họ gặp gỡ và ôn tập theo một nhịp nào đó, các tài liệu này sẽ không kém phần bổ ích.

Nhân cuộc vận động hiệp hành của Giáo hội toàn cầu, nhằm tạo cảm hứng về việc đào tạo người cho Dân Chúa tại Việt Nam, cùng với bài viết này, chúng tôi xin phép phát hành miễn phí cả hai quyển này (và một quyển thứ ba sẽ nói dưới đây) bằng các phiên bản sách điện tử “ebook” đính kèm. Các học viên có thể dùng bản ebook kèm với một quyển sổ để ghi chép. Rất mong được mọi người quan tâm xem thử các ebook, quảng bá và góp ý giúp sửa chữa để sản phẩm đạt hiệu năng phúc vụ cao hơn.

Quý vị hữu trách các đoàn thể, giáo xứ, giáo phận có thể tự in ấn để đáp ứng nhu cầu nội bộ của mình, không cần xin phép tác giả. Nếu ở đâu cần, chúng tôi có thể cung cấp file thiết kế chất lượng cao để tiện cho việc in. Rất mong các nơi sẽ tìm được ân nhân giúp in tặng miễn phí những sách này. Ước gì những vị từng quảng đại cống hiến nhiều để xây dựng những đền thờ vật chất, cũng không tiếc gì khi góp phần giúp Chúa trang điểm những đền thờ tâm hồn đẹp xinh, sống động và đầy nhiệt huyết loan báo Tin mừng cứu rỗi. Khi in, xin đừng tự ý sửa đổi nội dung. Nếu tìm thấy những sai lỗi cần sửa đổi, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi, qua email: tinmunggiesu@gmail.com, để chúng tôi điều chỉnh thẳng vào bản thiết kế.

Một lưu ý khác là, việc phóng bản quyền của chúng tôi vẫn có một giới hạn nghiêm túc về pháp lý: những ai muốn in để kinh doanh cần phải có sự đồng ý của tác giả bằng văn bản.

 

NÓI THÊM VỀ HAI QUYỂN GIÁO LÝ

 
Hai quyển sách này được biên soạn nhằm dò dẫm việc đào tạo hồn tông đồ qua sư phạm tương tác.

Quyển Niềm vui làm con Chúa: Học viên bắt đầu kinh nghiệm gặp Chúa bằng việc dán tấm ảnh của mình vào bên cạnh ảnh Chúa, ký tên dưới lời cầu nguyện mở đầu rồi ghi lại tâm sự của mình với Chúa cuối mỗi bài học. Kinh nghiệm khám phá sẽ được tăng cường với việc tự tra cứu những câu Lời Chúa liên quan. Ước mong kinh nghiệm này sẽ truyền cảm hứng để học viên chuyên chăm đọc Kinh thánh với ý thức rằng “Người nào có cuốn Kinh Thánh rách nát, người đó có cuộc đời lành lặn.”

Với sự tham gia tích cực, học viên sẽ từng bước dệt nên một nhật ký tâm hồn, trải qua một hành trình tâm linh, ngày càng gia tăng mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần trang bị cho một tâm hồn tông đồ.

Nội dung sách được trình bày như một câu chuyện kể từ đầu tới cuối, không chia thành hệ thống 4 phần, nhưng các nội dung cầu nguyện, luân lý và bí tích được đan xen vào câu chuyện lịch sử ơn cứu rỗi đang kể, câu chuyện giúp dần dần khám phá về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm cầu nguyện được rải đều từ đầu tới cuối, các giới răn được khai triển lấy nền tảng từ Cựu ước vươn lên những tầm cao mới của Tân ước. Các bí tích cũng được giới thiệu theo các giai đoạn đời người. Việc minh giáo không dừng lại ở phần đầu nhưng còn được tiếp tục ở bài áp cuối (Cỏ dại giữa lúa đồng) để giúp học viên đứng vững trước cơn khủng hoảng chung của Giáo hội hiện nay. Trên hành trình ấy, mỗi bài đều giúp học viên đi từ Lời Chúa, qua những hiểu biết cần thiết, những điều cần ghi nhớ, rồi tới phút hồi tâm và gợi ý thực tập. Sau cùng là tâm sự riêng của học viên với Chúa. Hy vọng rằng trang “niềm riêng với Chúa” sẽ giúp học viên ngày càng tiến vào một kinh nghiệm tâm linh sâu lắng.

Học viên ở đây có thể là giáo lý viên, huynh trưởng, hội viên Legio Mariae, thành viên Hội đồng Giáo xứ. Cách riêng chúng tôi nhắm tới những Kitô hữu trẻ, nhằm giúp họ biết Chúa Giêsu, yêu Chúa và biết chia sẻ về Chúa cho người khác cách nhiệt thành và vững tin. Nếu bạn đời của họ là một người chưa biết Chúa, họ sẽ mạnh dạn giúp bạn mình biết Chúa. Quyển sách cũng ước mơ biến mỗi dự tòng thành một người truyền giáo: “Má ơi, đạo Chúa hay lắm chứ không như mình tưởng! Má cứ đọc quyển sách này mà xem!”

Quyển Đường tình Chúa đưa ta đi được biên soạn trước hết cho những người tuyên bố chỉ tham gia lớp dự bị hôn nhân để biết hôn nhân Kitô giáo là thế nào chứ không có ý định tìm hiểu đạo. Một người đã nói thẳng ra như thế, không ai có quyền đòi họ học giáo lý Công giáo. Dù vậy, quyển Đường tình Chúa đưa ta đi sẽ giúp người ấy khám phá ra Thiên Chúa có mặt trên mọi bước đường tình yêu của họ, hơn nữa, đó chính là Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và hơn thế nữa, họ càng hiểu biết Chúa càng thêm rõ về ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân và gia đình. Quyển ebook đính kèm cho thấy đây là một lộ trình hồn nhiên, không chút gì ép buộc nhưng ngày càng nghe được kinh nghiệm réo rắt của Chúa.

Quyển Đường Tình Chúa Đưa Ta Đi nhằm giúp các tổ ấm trẻ xây dựng tình gia đình theo mẫu mực Thiên Chúa Ba Ngôi và quy tụ những nhóm gia đình sống Tin mừng. Quyển thứ ba nhằm giúp các gia đình cao niên canh tân lại nếp sống theo Tin mừng và theo hướng hội nhập văn hóa của Công đồng Vaticanô II.

 

VẾT DẦU LOANG TỪ MỖI GIA ĐÌNH

 
Thuật ngữ Gia lễ trong tựa đề Kinh nguyện và Gia lễ Công giáo ôm theo nét đặc sắc của quyển này.[2] Những chỉ dẫn về “gia lễ” được trình bày ở phần sau của quyển sách. Nó tạo điều kiện để bà con lương dân tò mò tìm hiểu xem cách của người Công giáo trong cuộc sống hôn nhân, gia đình và dòng họ… Nó cũng khẳng định rõ, đối với đức tin Công giáo, điều gì được phép, điều gì không. Chúng tôi đã trình Đức cha Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin mừng, và đã xin quý cha Trưởng ban Loan báo Tin mừng của cả 27 giáo phận Việt Nam giúp tiến hành thử nghiệm tại mỗi Giáo phận hai thí điểm. Quý cha tại các thí điểm này nhận 50 quyển sách để tặng đến 25 gia đình tình nguyện tham gia thử nghiệm, mỗi gia đình hai quyển. Mỗi nhà sẽ giữ một quyển để dùng, còn quyển kia sẽ tặng đến gia đình người lương gần gũi nhất: sui gia, bạn hữu hay lối xóm… Rồi trong những lần gặp gỡ sau đó sẽ hỏi xem những bà con này nghĩ gì về cách thực hiện của người Công giáo trong các dịp tất niên, giao thừa, đầu năm, đính hôn, cưới hỏi, mang thai, sinh con, thôi nôi, sinh nhật, đi học, ra trường, khởi công, thu hoạch, làm phép nhà, giỗ tổ nghề, ốm đau, bệnh tật, hấp hối, qua đời, tang lễ, cầu nguyện cho người đã khuất, giỗ chạp… Những gia đình lương dân sẽ có dịp khám phá ra rằng nếp sống văn hóa của người Công giáo phong phú và có một chiều sâu đáng quan tâm, có thể tiếp đó họ sẽ tò mò tìm hiểu nội dung các lời kinh và bài hát, cả đến sẽ thử cầu nguyện với Chúa…

Xin lưu ý, nên xem phần Gia lễ Công giáo trước, ở đó, độc giả có thể gặp được giải đáp cho nhiều thắc mắc các dự tòng và cả các tín hữu lâu năm thường nêu ra. Dựa trên các văn bản hướng dẫn của Giáo hội (năm 1939) và của Hàng Giám mục Việt Nam (1965 và 1974), cũng như sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Giám mục Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin hồi năm 2015, nay là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, chúng tôi đã tìm được cách trình bày thích đáng cho các vấn đề liên quan tới hội nhập văn hóa. Thay vì tự vệ hay đối phó, quyển sách đã nêu rõ định hướng chính xác của Giáo hội Công giáo như ánh sáng đầy hy vọng cho một xã hội mất phương hướng như hiện nay. Xin được trích một đoạn trong lời giới thiệu của Đức cha Giuse:

“Độc giả sẽ thấy trong tập sách này các lời cầu nguyện trong những dịp đặc biệt theo phong tục và truyền thống văn hóa Việt Nam, như ma chay, cưới hỏi. Thật khó mà xác định những gì là truyền thống văn hóa đích thực và những gì do người ta thêm thắt theo cảm tính chủ quan. Có những điều trái nghịch đức tin Công giáo, các Kitô hữu không được theo. Ngược lại, có những yếu tố chân thiện mỹ trong văn hóa đã được Hội thánh chấp nhận, nhưng nhiều Kitô hữu lại không dám thực hành. Tác giả đã thận trọng phân biệt: Đâu là phong tục của người Việt, những gì người Công giáo được phép hay không được phép làm.

Vì không nắm vững đạo lý đức tin và giáo huấn Hội thánh, nhiều anh chị em Kitô hữu cảm thấy lúng túng không biết xử sự thế nào khi dự các nghi thức kính nhớ tổ tiên. Điều này đôi lúc đã tạo nên những ấn tượng không đẹp về những người con, người cháu trong gia đình và dòng tộc, về đạo Công giáo, và từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đối với công cuộc loan báo Tin Mừng.

Tác giả đã mạnh dạn đưa ra những mẫu hướng dẫn người Công giáo cầu nguyện thế nào để vừa trung thành với đức tin Công giáo vừa giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một nỗ lực hội nhập văn hóa theo nghĩa đầy đủ trong tương quan hai chiều: Đưa Tin Mừng vào văn hóa, để vừa diễn tả đức tin bằng những nét đẹp văn hóa vừa biến đổi và thăng hoa văn hóa lên đến tầm cao của Tin Mừng.”

Xin mời mọi người tìm đọc qua phiên bản điện tử của cả ba quyển sách. Nếu cần sách in, có thể tìm mua tại nhà sách gần nhất, nếu ở đó không có thì xin liên lạc về Liên đoàn trưởng Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể “Người Chứng Thứ Nhất” của Giáo phận Qui Nhơn, Ô. Antôn Dương Thành Thiêng, 0905.340.307 (có Zalo), duongthieng@gmail.com.
 

 

Độc giả cũng có thể tải sách từ các đường link:
Kinh nguyn và Gia l Công giáo
https://drive.google.com/file/d/11dUIF4xXOv74GvfuzfOJRQLFfAu-G6es
Nim vui làm con Chúa
https://drive.google.com/file/d/1EjvJZwAvKBVq57GpKo7Pde8kpNjt-wmD
Đường tình Chúa đưa ta đi
https://drive.google.com/file/d/17Ujyp4rXQssX1cVGGrUT1k2u-o4-CY8o
Thư mc Lm Trăng Thp T
https://drive.google.com/drive/folders/1F0lf4OgWBqEjyqPI-DqVYjHxZ4hkhfFb

CÂU HỎI CHO MỖI NGƯỜI

 
Thế là độc giả đã có thể mở cả ba quyển sách nói trên ngay lúc này, tại đây, bằng những cú click giản dị. Nếu khắp nơi các tầng lớp Dân Chúa đều nồng nhiệt với việc loan báo Tin mừng cho người Kinh như các linh mục và tu sĩ vùng Tây Nguyên và Sơn cước Bắc Bộ đang lo cho các sắc tộc ít người, chắc hẳn hằng số ảo 7% sẽ sớm bị đẩy lùi thật xa về phía sau!

Thế nhưng, hình như lắm người vẫn đang ngần ngại cả với những điều giản dị đang nói đây? Có bao nhiêu người trong quý độc giả sẽ mách thông tin này đến các vị phụ trách giáo lý dự tòng và lớp dự bị hôn nhân? Có bao nhiêu vị trong số này sẽ giới thiệu và nhắc học viên quét mã QR, tải sách xuống điện thoại của họ? Bao nhiêu giảng viên sẽ đồng hành với những học viên đang muốn đào sâu đức tin và lòng đạo với những quyển sách này? Bao nhiêu nhân viên Hội đồng Giáo xứ, cũng như bao nhiêu cha sở và cha phó sẽ quan tâm và thúc đẩy các giáo lý viên và phụ huynh thực hiện cuộc thí nghiệm này?

Do đâu mà ý chí truyền giáo của người Công giáo Việt Nam có vẻ như đã bị mỏi mòn? Có thể vì khi hòa bình lập lại, từ những đổ vỡ của chiến tranh và những điều kiện eo hẹp của xã hội, đâu đâu cũng lo phục hồi và phát triển cơ sở, tìm an cư lạc nghiệp, rồi sa lầy vào đó, quên mất các trọng điểm yêu thương, hiệp nhất và rao giảng Tin mừng? Rồi càng ít thấy kết quả về loan báo Tin mừng, ta càng ít đầu tư? Từ đó, tầm nhìn của người linh mục không còn mấy nhanh nhạy với truyền giáo? Tỷ lệ số linh mục ra trường với tâm nguyện dành ưu tiên số một cho việc loan báo Tin mừng không nhiều. Tuy nhiên, nếu độc giả là chủng sinh, tôi xin được đề nghị hai bài tập sau đây cho mỗi mùa hè. Khi các chủng sinh rủ nhau thực hiện, số lượng các linh mục chọn dành ưu tiên cho truyền giáo dần dần sẽ tăng lên. Hai bài tập ấy như sau:

(1) Khi làm công tác mùa hè xanh tại một giáo xứ nào đó, bạn hãy quan tâm tìm kiếm và xây dựng cho Chúa một vài mầm non ơn gọi, theo hướng thăm dò và đào tạo cho các mầm non ấy tính chân thật, lòng quảng đại và tinh thần buông bỏ.

(2) Trước khi đi nghỉ hè, bạn hãy lên chương trình tìm loan báo Tin mừng cho các bạn học cũ, không phải bằng thuyết phục nhưng bằng những chia sẻ nhẹ nhàng về kinh nghiệm sống hạnh phúc trong Chúa. Thực tập này sẽ giúp bạn xác tín rằng loan báo Tin mừng không hề là chuyện tranh cãi hơn thua về lý thuyết nhưng là chia sẻ niềm vui làm con Chúa, chia sẻ về ý nghĩa cuộc sống. Kinh nghiệm này sẽ giúp bạn thấy rõ hướng đào tạo hồn tông đồ cho các cộng sự viên của mình sau này, và cũng nhắc bạn thấy cần phải lặp lại cho bản thân kinh nghiệm mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã trải qua từ thời chủng sinh của ngài: Kinh nghiệm tự nguyện và tự rèn luyện.

Quyển “Nhật ký tâm hồn” của Thánh nhân kể lại rằng hồi còn là chủng sinh, mỗi kỳ hè đấu thủ trẻ của chúng ta đều luyện bóng một mình: mỗi tháng hè đều có một ngày tĩnh tâm, hoặc hai ngày cho ba tháng! Ước chi, nhờ giáo dục của chủng viện, bạn luôn có cảm hứng tận dụng kỳ hè để dành riêng cho Chúa một vài ngày thinh lặng lý thú! Biết để cho mình được Thiên Chúa dẫn dắt, bạn sẽ tự trang bị cho mình kinh nghiệm dẫn dắt các tâm hồn từ trước khi thụ phong linh mục, trước khi lãnh tác vụ dẫn dắt các linh hồn. Rồi khi thi hành tác vụ, bạn sẽ thừa sáng kiến và tận dụng mọi cơ hội để đào tạo cho Dân Chúa những cá nhân và những gia đình tín hữu đầy bản lĩnh.

Đại chủng viện đào tạo chúng ta thành những linh mục tốt vào ngày ra trường. Độ bền và sức tiến là trách nhiệm riêng của mỗi chúng ta. Làm thế nào để càng xuất quân càng tiến xa trên tinh thần bát phúc của Tin mừng? Liệu chừng đến cuối thời kỳ làm cha phó, ta còn gắn bó với con đường nghèo khó Chúa đã chúc phúc? Tới lúc nhận trách nhiệm quản xứ, thay vì đầu tư công sức để đào tạo Dân Chúa và truyền giáo, nhiều vị chỉ bận tâm tới cơ sở vật chất: đập bỏ phần này, xây lại phần khác và có khi muốn làm mới toàn bộ. Thế là phải loay hoay kiếm tiền, tạm gác việc chăm sóc mục vụ và tạm gác cả mối phúc nghèo khó sang một bên. Xong công trình, ta bỗng thấy rõ quan điểm nghèo khó là quá lý thuyết, ta bắt đầu chuyển sang quan điểm thức thời, bắt kịp thời đại, tức là theo quan điểm thế gian. Tuy nhiên, nếu khi còn là chủng sinh, ta đã nếm được vị ngon ngọt của hoa quả truyền giáo, thì khi ra trường rồi, trong mọi việc lớn nhỏ, tinh thần truyền giáo đều nhắc nhở ta đứng về phía mối phúc nghèo khó, và như thế, chắc hẳn ta sẽ không dễ bị sa lầy. Bạn nhớ nhé!

Các học viện cũng tương tự. Trên đất nước Việt Nam hiện nay, ngoài Học viện Công giáo, còn có khoảng 15 học viện liên dòng… Chúng ta vẫn có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của xã hội, vừa tạo ra hàng loạt người có bằng cấp vừa hết sức nghĩ ngợi khi chính chúng ta phải giúp chỉnh sửa câu từ và lỗi chính tả cho các luận văn ra trường… Chúng ta đang nhắm đào tạo các học viên của chúng ta vào việc gì? Thay vì đua đòi với lối làm việc vụ từ chương, thiết tưởng chúng ta có thể quay về với lịch sử truyền giáo tại Việt Nam để rút ra một nền tảng thực hành. Mọi chủng viện và học viện trong Giáo hội trước hết phải trang bị cho học viên của mình kinh nghiệm của một “thầy giảng” (hay một “bà giảng”, một thầy giảng nữ), cụ thể là một giáo lý viên có cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa, một người có tâm hồn và khả năng truyền đạt giáo lý của Chúa… Đi xa hơn, sẽ thật tuyệt vời, các học viện Công giáo Việt Nam có thể vạch lấy con đường của mình: Đào tạo khả năng giúp tĩnh tâm, tức là giúp người khác biết cầu nguyện và phân định tìm ý Chúa. Cần trang bị được những căn bản ấy trước rồi mới tính chuyện đào tạo những “khả năng” khác. Các bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thần học và kinh thánh sẽ nghĩa lý gì nếu không có khả năng truyền đạt đức tin và đào tạo đức mến?

Sau cùng, để truyền cảm hứng và gieo lý tưởng truyền giáo cho mọi tầng lớp Dân Chúa, thiết tưởng toàn thể Giáo hội Việt Nam cần tập trung đầu tư nhân lực và vật lực xây dựng đích đáng một Chủng viện Truyền giáo Việt Nam trong tâm thức đền ơn đáp nghĩa Giáo hội toàn cầu, cụ thể là chia sẻ với những giáo đoàn đã từng truyền lại đức tin cho chúng ta. Hiện nay, hằng năm số ứng sinh bị gạt khỏi danh sách vào chủng viện ở một vài Giáo phận lên đến những con số nghe thật xót xa! Nếu như các bạn trẻ này được phép ghi “nguyện vọng 2: truyền giáo tại nước ngoài”, sự đóng góp của Giáo hội Việt Nam cho thế giới sẽ khá đáng kể.

 

LỜI KẾT

 
Thưa quý độc giả, với những chia sẻ mong hòa nhịp với mọi người ở khắp nơi, chúng tôi chỉ ước mong được tham gia cùng dò dẫm tìm hướng giúp mỗi cầu thủ của đội bóng dân Chúa tại Việt Nam khao khát và có khả năng thi đấu đồng đội cũng như biết luyện bóng một mình. Đây chỉ mới là gieo vãi, hạt giống còn phải nẩy mầm, nứt lá, sinh hoa, kết quả và đợi chín rồi mới đến thời gặt hái. Dù vậy, hy vọng những bước dò dẫm này sẽ gợi hứng để các anh chị em trẻ cùng suy tư, sáng tạo và đóng góp những đáp án hợp thời hơn và hữu hiệu hơn. Mong sao, các đội bóng của ta sẽ không chỉ mua vui cho thiên hạ trong vài giờ nhưng sẽ sớm đem lại nhiều thành quả cho mùa bóng toàn cầu của đội bóng mẹ với thủ quân Phêrô và 11 cầu thủ ban đầu của Chúa Giêsu Kitô yêu dấu, hoàn thành sứ mạng của mình trên quả bóng tròn đang lăn dưới chân Chúa, gọi là quả đất.

Tgm. Qui Nhơn, ngày 22-8-2022
Lm. Trăng Thập Tự
 

[1] Mời xem: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/giao-dan-tai-viet-nam-khong-thay-doi-suot-43-nam/
[2] Mời xem “Câu chuyện hạt cải” https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/cau-chuyen-hat-cai-1171.html