Caritas Thanh Hóa: Mùa Chay Thánh Caritas Thanh Hóa sống tinh thần Hiệp hành trong sứ vụ bác ái, yêu thương.

27/03/2023
710

Ngày 25 tháng 03 vừa qua Caritas Thanh Hóa đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhân phong tại trại phong Quỳnh Lập - Nghệ An và trại phong Cẩm Thủy – Thanh Hóa, để có thể cảm thông, chia sớt phần nào nỗi đau khổ do bệnh tật, nỗi cô đơn, bị xa lánh, bị bỏ rơi của những con người khốn khổ, bệnh tật nơi đây.
 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mùa Chay “bao hàm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta”. Đó là “thời gian thuận lợi để trở về với điều cốt yếu, để cởi bỏ những gì cản trở chúng ta, để hòa giải với Thiên Chúa, để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vốn vẫn còn ẩn giấu trong đống tro tàn của nhân loại mong manh của chúng ta”. Chặng đường 40 ngày chay Thánh đã gần khép lại, “cơ hội” Thiên Chúa ban tặng để đứa con thứ hoang đàng hay người con cả cứng lòng ăn năn trở về trong vòng tay nhân hậu, yêu thương của Chúa Cha sắp qua.  Một Mùa Chay Thánh nữa sắp hết, “thời gian” cao điểm nhất, quý báu nhất để mỗi người Kitô hữu sống mầu nhiệm sám hối ăn năn trong chay tịnh, trong cầu nguyện và nhất là trong việc bác ái, yêu thương dần khép lại. Mỗi người chúng ta phải cấp bách hơn, phải bước nhanh hơn những bước chân “trở về”.
 

Trở về với Chúa qua việc làm phúc, bố thí
Bố thí không phải là “một cử chỉ nhanh chóng để mang lại cho mình một lương tâm tốt lành, nhưng đó là việc chạm đến nỗi đau khổ của người nghèo bằng đôi bàn tay và nước mắt của mình”. Nói cách khác, “bố thí, bác ái, sẽ biểu hiện lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những ai đang khốn khó, sẽ giúp chúng ta trở về với người khác”, qua đó có thể gặp gỡ Chúa Cha và trở về với Ngài. (ĐGH Phanxicô).
 

Bệnh phong là bệnh nan y và hay lây lan, khi phát bệnh nặng tay chân người bệnh nở loét, u cục không được điều trị kiph thời sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng, ngón tay, ngón chân,… bị ăn mòn hoặc co cắp. Luật Mô-sê của người Do Thái qui định: những ai mắc phải bệnh này đều phải rời bỏ gia đình, sống thành nhóm riêng ở nơi hoang vắng như trong nơi nghĩa trang chôn cất người chết. Mỗi khi thấy có người nào đến gần, bệnh nhân phải la lên: “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa ra. Luật cũng cấm những sự đụng chạm tiếp xúc với người phong hủi. Người ta sẽ lập tức bị ô uế nếu đứng gần nói chuyện hay đụng chạm tới họ. Do đó số phận của người cùi hủi vốn đã bị đau khổ do bệnh tật và thiếu thốn các nhu cầu vật chất tối thiểu, lại càng bất hạnh hơn về tinh thần do bị cô đơn, xa tránh.
 

Hôm nay khi được đoàn của Caritas Thanh Hóa đến thăm, các bệnh nhận phong vui mừng hớn hở, ánh mắt trào dâng niềm hạnh phúc, nụ cười tươi rạng rỡ trên những khuôn mặt méo mó, biến dạng. Thật xúc động, ứa nước mắt. Đối với các Cha, các Sơ của Caritas Thanh Hóa thì trại phong Quỳnh Lập, Cẩm Thủy chẳng còn xa lạ, bởi vì đoàn thường xuyên thực hiện những cuộc viếng thăm, trao quà và chia sẻ cuộc sống khó khăn với bệnh nhân phong ở đây. Ngược lại, các bệnh nhân phong ở đây cũng nhớ từng tên, từng khuôn mặt các Cha các Sơ, họ còn hạnh phúc hơn nữa khi được các Cha, các Sơ hát cho họ nghe những bản nhạc hay, kể cho họ nghe những câu chuyện vui, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời nhờ thế mà cuộc sống của họ vơi đi chút đau khổ, những vết thương của họ được xoa dịu, trái tim của họ trở nên ấm áp hơn.
 
Trở về với tha nhân khi quảng đại trao ban, yêu thương
Cuộc sống tấp nập, xô bồ, ai cũng mong có nhà cao cửa rộng, cuộc sống sung túc, đầy đủ,  rồi cao hơn, xa xỉ hơn là du lịch, nghỉ dưỡng, là ăn chơi, hưởng thụ. Đó dường như là nhịp sống của con người thời đại chúng ta hôm nay. Ít ai nghĩ đến việc tâm linh, việc sẻ chia, bác ái giúp đỡ những người cô thế, cô thân, những người bệnh tật. Trại Phong Quỳnh Lập hiện tại là nơi điều trị những nhân phong nặng nhất trong cả nước, bệnh nhân từ khắp nơi, miền Nam, miền Bắc. Vì thế, những bệnh nhân phong ở đây thật đáng thương, bệnh tật đau đớn, có người không còn chân, có người lại không còn tay, có người bị ăn mòn mặt mũi, méo mó biến dạng. Cuộc sống thì cô đơn, có người đã bao năm không gặp người thân trong gia đình, có người đã xa quê hương mấy chục năm. Đối với họ quý Sơ là người thân, anh chị bác sĩ điều dưỡng là gia đình.
   

Hôm nay, Caritas Thanh Hóa đến thăm, hát cho nghe, kể chuyện cho họ vui và trao những món quà yêu thương cho họ, niềm hạnh phúc dâng trào trên khuôn mặt cả người cho và người nhận. Trái tim mỗi người dường như nhịp nhàng hơn để đập những nhịp đập yêu thương. Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có tình yêu, và nơi nào có tình yêu, nơi đó luôn có sự nhiệt tình phục vụ. Khi tất cả chúng ta thấy Chúa trong nhau, chúng ta sẽ yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.” Chia sẻ, quan tâm giúp đỡ những người bệnh tật, những người thiếu may mắn không chỉ là làm từ thiện cho họ, mà chính chúng ta khi trao tặng một điều dù rất nhỏ cũng sẽ mang lại cho bản thân niềm hạnh phúc khôn tả. Nếu ai đã từng cho đi sẽ cảm nhận điều đó rất rõ “cho đi yêu thương hạnh phúc sẽ tự tìm đến, lạc quan vui vẻ bệnh tật rồi sẽ qua”. Một cuộc “trở về” ý nghĩa và sâu sắc.
 
Trở về với chính mình khi nhận ra bao hồng ân của Chúa trên cuộc đời mình.
Cảm nhận hạnh phúc khi trao tặng, giúp đỡ người khác không chỉ đến với Mẹ Têrêxa Calcutta, nhưng nó sẽ ngập tràn trong lòng mỗi chúng ta khi chúng ta chia sẻ một điều dù nhỏ nhất: một nụ cười khích lệ, một ánh mất cảm thông hay một món quà nhỏ bé,…tất cả vô cùng ý nghĩa với những người đói khổ. Đó có lẽ là điều mà Cha Giám Đốc Caritas Thanh Hóa và các thành viên trong đoàn đã cảm nhận sâu sắc, yêu thương người nghèo, người khổ đau đã trở thành động lực, thành niềm đam mê của Cha và đoàn. Dường như mỗi lần đến với những bệnh nhân phong, nhìn thấy cuộc đời đau đớn, bệnh tật, cô đơn của họ càng thôi thúc Cha, thôi thúc quý ân nhân quảng đại hơn, yêu thương nhiều hơn để cuộc đời của người bệnh nhân phong được hạnh phúc hơn.  Đặc biệt, Sơ Hải người bạn của Caritas Thanh Hóa đã luôn dành rất nhiều tình yêu thương với các bệnh nhân phong ở đây, vì lần nào ra Thanh Hóa Sơ cũng phải đến thăm trại phong Quỳnh Lập và gặp gỡ những bệnh nhân phong mới cảm thấy mãn nguyện.
  

 Đến thăm những bệnh nhân phong cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, để thấy biết bao hồng ân lớn lao, bao ân tình biển cả mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Chúng ta trở về với chính mình để cảm tạ Thiên Chúa Cha, chúng ta trở về với lòng mình để từ nay sẽ yêu thương nhiều hơn, để sống tốt hơn mỗi ngày không chỉ trong mùa chay này nhưng là mỗi ngày trong cuộc đời vì chúng ta đã nhận lạnh thật nhiều ân phúc của Chúa.
 

Caritas Thanh Hóa xin chân thành cảm ơn Quý Cha, quý Sơ, quý ân nhân và tất cả mọi người đã luôn đồng hành và ủng hộ “hành trình yêu thương” của Caritas Thanh Hóa. Xin kính chúc quý Cha, quý ân nhân, tràn đầy sức khỏe, thành công trong cuộc sống và nhất là tận dụng những ngày còn lại của Mùa Chay Thánh để “trở về” trong tình yêu thương của Thiên Chúa, trở về trong sự chan hòa hạnh phúc với tha nhân và trở về với chính bản thân mình bằng việc cầu nguyện, hy sinh hãm mình và làm phúc bố thí để thật sốt sắng đón mừng Con Chúa Phục Sinh.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho những anh chị em bệnh nhân phong thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Xin Chúa thương nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn, cho họ luôn đón nhận được sự yêu thương giúp đỡ từ những tấm lòng vàng. Nguyện xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho quý Ân nhân đã chung tay cộng tác với công việc bác ái yêu thương của chúng con.
BTT – Caritas Thanh Hóa