Dịch Bệnh Và Phép Lạ Bác Ái

16/04/2020
1147
Cách đây vài ngày, Cha Giám Tỉnh của Tu Hội Truyền Giáo, tỉnh dòng Vinh Sơn Việt Nam, đã gởi một lá thư cho tất cả các anh em trong tỉnh dòng, về việc cổ vũ cầu nguyện cho đại dịch cúm Corona sớm chấm dứt. Để cụ thể hóa, Cha Giám Tỉnh đã kêu gọi các thành viên hãy dành trọn một ngày Thứ Ba (11/2/2020), ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, bằng cách ăn chay, kiêng thịt và cầu nguyện, làm việc bác ái,  để cầu xin Chúa ban cho các nhà khoa học sớm tìm ra được phương dược hầu sớm chấp dứt đại dịch này.
 

Quả thật, trong vài tuần lễ vừa qua, cả thế giới lâm vào cảnh “mất ăn, mất ngủ” vì “chú” virus Corona đến từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Thực sự cho đến thời điểm hiện tại, thì số người chết đã vượt quá con số hàng trăm và người bị nhiễm đã vượt con số hàng chục ngàn, và ngày càng lan rộng ra nhiều nước khác trên thế giới. Chính con số người chết tăng nhanh, nên đã gây nhiều sự lo lắng cho dân chúng và các người có trách nhiệm. Cũng đã có nhiều tin tức giả (fake news), đã làm cho dân chúng càng thêm hoang mang và hoảng sợ hơn. Vì vậy, điều này cần được nhìn nhận một cách đúng đắn, về mặt khoa học và đức tin, tránh hoang mang thái quá, nhưng cũng không dửng dưng, bất chấp.

Nhìn lại lịch sử trong gia đình Vinh Sơn, kể từ thời thánh Vinh Sơn (Tk XVII) cho đến gần đây, thì cũng đã có nhiều trận đại dịch được ghi nhận, trong đó, có nhiều Nữ Tử Bác Ái đã chết, vì những dịch bệnh như: dịch hạch, dịch tả, sốt vàng… khi chăm sóc những bệnh nhân nhiễm bệnh này và trong số đó, có những vị đã được phong chân phước, như chân phước Marta Wiecka đã chết vì bệnh dịch thương hàn, khi chăm sóc những người bệnh với lòng quả cảm của bác ái ở Sniatyn, Ba Lan năm 1904.  

Tuy nhiên, có hai biến cố về bệnh dịch đáng chú ý hơn cả, đó là một trận dịch xảy ra vào thời thánh Vinh Sơn và một trận dịch xảy ra vào thế kỷ XIX và cả hai đều ở thủ đô Paris của nước Pháp.

Trận đại dịch thứ nhất là vào thời thánh Vinh Sơn, nó đã được tác giả José María Ibáñez, C.M mô tả:[i]

Cho đến năm 1650[ii], lãnh thổ của Pháp bị ảnh hưởng bởi thần dữ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng. Các bệnh dịch hạch (plague) hoặc viêm phổi, thường xuyên tái phát và lây lan qua các khu vực, với sức tàn phá rộng lớn. Trong một số mùa hè, có những đợt bùng phát ngắn, nhưng khủng khiếp, nó đã cướp đi sinh mạng của một phần tư hoặc một phần ba cư dân của một vùng hoặc một tỉnh lỵ. Ngay khi một dịch bệnh nghiêm trọng bùng phát, sự hoảng loạn sẽ lan rộng trong dân chúng. Bất chấp các biện pháp phòng ngừa và sự cố gắng chống lại nó, các mầm bệnh này thâm nhập vào các thân thể và được phát tán sang các khu vực xung quanh. 

Các dịch bệnh khác, ít chú ý hơn, nhưng có lẽ nguy hiểm hơn, đã mang đến những cuộc ‘khủng hoảng về tỷ lệ tử vong’ khác ở một số tỉnh lỵ. Bệnh đậu mùa đã cướp đi mạng sống của trẻ em trong độ tuổi từ ba đến bảy, cứ sau mỗi năm năm. Cúm, sốt rét và kiết lị gây tử vong cho hàng ngàn mạng sống, đặc biệt là trong những thời điểm, khi thiếu lương thực trầm trọng.

Như vậy, những trận dịch này xảy ra vào lúc gần cuối đời của thánh Vinh Sơn Phaolô. Vì thế mà, thánh Vinh Sơn và các con cái của ngài, là các linh mục và sư huynh trong Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái và các Bà Bác Ái đã ra sức để cứu giúp các bệnh nhân này trong thời kỳ đó.

 Ở thời điểm khác, một tác giả khác cũng ghi nhận rằng:

Hoạt động truyền giáo của thánh Vinh Sơn bao gồm, việc thăm viếng các giáo xứ mà đã bị bỏ rơi bởi các linh mục, hoặc những nơi, mà dân chúng đang gặp khốn khó nhiều. Thánh Vinh Sơn biết rành hơn về các hậu quả của bệnh dịch và suy thoái kinh tế ở Pháp, hơn là các tác viên và các người thu thuế. Tại Paris, ngài đã bắt đầu thăm viếng nơi giáo xứ Clichy, sau đó các vùng nông thôn đói nghèo nghiêm trọng khác. Ngài đã tìm ra lời đáp trả cho những ai bị bỏ rơi bởi Giáo Hội, sau đó, một nhóm truyền giáo được tổ chức, ngài đã đi đến các nhà thờ và các gia đình nghèo ở những quận nghèo nhất của nước Pháp để giúp đỡ họ. Sau đó, ngài thiết lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái cũng với thánh nữ Louise de Marillac năm 1633, cũng là để cứu giúp những người nghèo khốn khổ này về mặt thể lý.[iii]

Như vậy, có thể thấy, nước Pháp thời đó thường xuyên xảy ra các dịch bệnh và đó là nguyên nhân, đẩy dân chúng đến tình trạng kiệt quệ về cả thể lý lẫn tinh thần. Cho nên, các công việc và các tổ chức bác ái do thánh Vinh Sơn thành lập, cũng là từ chính yêu cầu của thực tế, để cứu giúp dân chúng nghèo khổ vì chiến tranh, mất mùa và dịch bệnh xảy ra trong thời kỳ này.

Về trận đại dịch thứ hai, là vào thời của chân phước Frederic Ozanam và chân phước Rosalie Rendu năm 1832.[iv]

Đầu thế kỷ XIX, Paris rơi vào tình trạng bất ổn về xã hội và chính trị. Cuộc cách mạng Tháng Bảy đã giáng một đòn chí tử vào chế độ quân chủ Bourbon cũ. Tôn giáo đã suy tàn và chủ nghĩa vô thần đang có được chỗ đứng. Nhiều nông nhân đã phải rời bỏ các cánh đồng để tìm kiếm việc làm trong các thành phố lớn. khi họ đến, phần lớn chỉ trong tình trạng thất nghiệp, mức lương tối thiểu hoặc các nhà máy đóng cửa do xung đột chính trị.

Năm 1832, một trận dịch tả (cholera) lan rộng khắp Paris, đã giết chết hơn 1.200 người mỗi ngày. Các khu ổ chuột đã hình thành xung quanh vùng ngoại ô của thành phố, hàng ngàn người sống không có việc làm, vô số người thiếu thốn về quần áo, nhiều người nghiện rượu, vô gia cư, bệnh tật và đói kém ở khắp mọi nơi. Frederic Ozanam, khi đó là một sinh viên trẻ, đã phải đi qua những khu dân cư nghèo nhất này, trên con đường đến trường đại học.

Anh đã bị tác động sâu sắc bởi sự tuyệt vọng của các gia đình bị tàn phá bởi dịch bệnh. Ozanam và một số người bạn – những người đã cùng nhau tham gia Hội Lịch Sử, nơi họ tranh luận về các sự kiện thế giới – đã quyết định kết hợp với nhau với vai trò những Kitô hữu, không phải để tranh luận, mà là hành động: thành lập Hội Bác Ái. Emmanuel Bailly đã chấp thuận kế hoạch của họ. Ông đã cho phép họ sử dụng tòa soạn báo của tờ Tribune làm nơi gặp gỡ, cũng như đồng ý để hướng dẫn nhóm mới này.

Đó là lý do ra đời của Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô (hay còn gọi hội Ozanam) được thành lập tại Paris vào năm 1833, bởi một nhóm nhỏ sinh viên Công giáo do Frederic Ozanam làm trưởng nhóm. Từ một Hội Bác Ái nhỏ, Hiệp Hội ngày nay đã lan rộng khắp thế giới, điều này, dường như để thực hiện ước muốn của Ozanam, vị sáng lập của chính Hiệp Hội: “Tôi muốn siết chặt thế giới trong một mạng lưới bác ái”.

Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 23 tháng 4 năm 1833, gần Nhà thờ Saint Sulpice, bao gồm các thành viên: Emmanuel Bailly; Paul Lamache; Félix Clavé, Auguste le Taillandier; Jules Devaux; François Lallier và Frederic Ozanam.

Nguyên tắc của một cuộc họp hàng tuần đã được thống nhất với hoạt động chính là thăm viếng các gia đình nghèo này. Nhóm đã phó thác công việc bác ái dưới sự bảo trợ của thánh Vinh Sơn Phaolô và dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria. Nhóm đã xây dựng mối quan hệ với một thành viên Tu hội Nử Tử Bác Ái là Chị Rosalie Rendu (chân phước), người mà đã tổ chức phân phối viện trợ từ một văn phòng phúc lợi, trong khu phố xung quanh đường Mouffetard, sau này là quận 12 của Paris.

Frederic Ozanam đã viết, vào ngày 24 tháng 7 năm 1834 rằng: “Tôi ước mong rằng tất cả những ai, có trái tim và tư tưởng trẻ trung đến cùng với nhau, để tham gia các hoạt động bác ái, và có một tổ chức rộng lớn trên toàn thế giới được thành lập, với mục đích cung cấp sự trợ giúp và khích lệ cho các tầng lớp lao động.”

Mong ước của anh sớm thành hiện thực: vào cuối năm đó, nhóm đã quy tụ được hơn 100 thành viên! Vào ngày 24 tháng 1 năm 1835, nhóm được chia thành hai ban, Ozanam trở thành phó chủ tịch của ban đầu tiên. Các khu vực ngay sau đó, khi các sinh viên rời Paris, sau khi kết thúc việc học, họ bắt đầu thiết lập Hội tại: Nimes, ngày 10 tháng 2 năm 1835, Lyon ngày 16 tháng 8 năm 1836, sau đó là Rennes, Nantes.

Tiếp nối từ các khu vực, việc mở rộng đã sớm vượt qua biên giới: Rome năm 1842, rồi Bỉ, Scotland, Ireland năm 1843, Anh năm 1844 và trong những năm sau: Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Mexico, Thụy Sĩ, Canada, Áo, Tây Ban Nha.

Hai mươi bảy năm sau khi thành lập, Hiệp Hội đã có 2.500 chi hội trên toàn thế giới, quy tụ khoảng 50.000 thành viên. Ngân sách vào khoảng 4 triệu Franc tại thời điểm đó.

Lúc đầu, phụ nữ thực tế vắng mặt ở trường đại học và không tham gia vào việc thành lập nhóm. Tuy nhiên, bất chấp sự tồn tại của hội các Bà Bác Ái (Ladies of Charity), dành cho phụ nữ, đã đang tồn tại, tại Paris từ năm 1617, được thiết lập bởi chính thánh Vinh Sơn và Louise de Marillac, những người phụ nữ khác đã muốn tham gia Hiệp Hội và tuân theo các quy tắc do những người sáng lập đặt ra.

Do đó, vào ngày 10 tháng 1 năm 1856, Célestina Scarabelli đã thành lập tại Bolonia một nhánh nữ của Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô. Sau đó, hai nhánh hợp nhất với nhau vào ngày 20 tháng 10 năm 1967, trong một Tổng Hội Quốc tế tại Paris.

Các thành viên của Hiệp Hội trên toàn thế giới, giữ gìn tinh thần của thánh Vinh Sơn Phaolô và công việc bác ái của Frederic Ozanam và bạn bè của anh ta, trong việc tiếp tục cung cấp viện trợ cho những người cần nhất, cùng với sự loan truyền sống động thông điệp của Chúa Kitô.

Cũng chính trận dịch tả năm 1832 này tại Paris, đã khiến hơn 20.000 người chết[v]. Và hậu quả, là nó gây ra bao nhiêu tang tóc và đau khổ cho dân chúng thời đó. Đứng trước cảnh tượng này, các Nữ Tử Bác Ái, đã xin phép Đức Tổng Giám Mục Paris, để phân phát mẫu ảnh mà Đức Mẹ đã nói với thánh Catherine Laboure đúc theo mẫu, khi Mẹ hiện ra với chị hai năm trước đó, vào năm 1830. Hơn 2000 mẫu ảnh đầu tiên đã được phát ra lúc bấy giờ và dân chúng đã nhận được những vô vàn ơn lành hồn xác, nhất là ơn hối cải, qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vì vậy, mà từ đó dân chúng Paris đã gọi mẫu ảnh này là “Ảnh Phép Lạ”.

Một chút sơ lược linh sử để thấy rằng, dù trong đau khổ khốn cùng, thì người Kitô hữu luôn có niềm hy vọng. Để giảm bớt những đau khổ cho dân chúng bởi hệ quả chiến tranh, bệnh dịch của xã hội Paris thời đó, mà thánh Vinh Sơn đã lập ra hội các Bà Bác Ái và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, để nâng đỡ phần xác cho những người dân nghèo, khốn khổ này. Ozanam đã lập nên Hội Bác Ái, cũng từ căn nguyên của một vụ dịch bệnh. Quyền năng chữa lành của Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi các mẫu “Ảnh Phép Lạ”, được dân chúng nhận biết đầu tiên hết, cũng từ cùng một vụ dịch bệnh thời chân phước Ozanam. Bác ái là thứ ngôn ngữ siêu hình mà người ta có thể nói với nhau dù trong lúc đau khổ và cùng cực nhất.

Như thế, có thể thấy rằng, từ các dịch bệnh mà các phép lạ về bác ái và phép lạ về sự hoán cải đã được thực hiện. Qua dòng thời gian, tuy hội các Bà Bác Ái, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, Hội Ozanam, đã làm nên những phép lạ bác ái khi đã chăm sóc hàng ngàn, hàng ngàn con người đau khổ và bệnh tật mà họ đã và đang phục vụ. Họ đã làm hồi sinh hàng triệu tâm hồn đau khổ cả về thể lý lẫn tinh thần. Đây cũng là một niềm hy vọng lớn lao cho Giáo Hội và xã hội, khi đang phải đối đầu với những dịch bệnh thể lý và dịch bệnh tinh thần, đang tàn phá những tâm hồn và thể xác con người ngày nay.

Một dấu chỉ rõ ràng cho điều này từ chính tâm dịch Corona, khi mà đã có nhiều quốc gia và tổ chức bác ái, đã và đang trợ giúp Trung Quốc về vật chất và chuyên môn, để nhanh chóng khống chế dịch cúm này. Mọi người đều chung tay để cứu sống những con người bị nhiễm bệnh bất kể ngày đêm.

Một trong những chứng từ sống động như Vatican News tiếng việt đã đưa tin: Trung Quốc: Giáo Hội Công Giáo đi đầu trong việc chăm sóc và gần gũi bệnh nhân nhiễm virus corona. Trong bài báo đó, một nữ tu giám đốc bệnh viện Công giáo thuộc Hội Dòng Hy Vọng Thánh, ở Giáo phận Hiến Huyện, tỉnh Hà Bắc, gửi đến Hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo đã nói rằng: “Nguồn cung cấp dụng cụ y tế và thuốc đang dần cạn kiệt. Các bác sĩ, y tá nữ tu và giáo dân của chúng tôi đang phải đối diện với nguy cơ nhiễm virus corona. Là một giám đốc bệnh viện, tôi rất buồn và lo lắng, nhưng tôi là một nữ tu, tôi tin tưởng vào Đức Kitô, Chúa của chúng tôi và sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria.” (vatican news 07 tháng hai 2020)

Có thể, không chỉ một mình nữ tu này không mà thôi, mà còn nhiều Kitô hữu khác, hay những con người giàu lòng bác ái khác, cũng đang cùng một ý chí đó, để tiếp tục chống chọi với virus và phục vụ các bệnh nhân, như tấm gương của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã chết vì đã chăm sóc bệnh nhân hết tình. Đó là những chứng từ của đức tin, niềm hy vọng và đức ái, mà mọi người cũng có thể dễ dàng nhận ra.

Có thể, rồi sẽ có những hiệp hội bác ái khác sẽ được thành lập ở Trung Quốc hay ở đâu đó, trên thế giới, nhân biến cố này, để đem lại niềm an ủi và trợ giúp cho chính các bệnh nhân của dịch cúm Corona và cho những hoàn cảnh khốn khổ khác, nơi những anh chị em đang cần đến. Như một sử gia của Tu Hội Truyền Giáo là cha José María Roman, CM đã nhận xét. “nhờ các công việc bác ái mà Giáo Hội có thể trở nên Mẹ của những ai đang khốn khổ.”  

Cầu nguyện là việc bác ái mà người ta có thể dễ dàng thực hiện nhất trong lúc khủng hoảng này, để cầu cho bản thân và cho người khác, vì “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được.”(Lc 1, 37) Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Quốc tế Bệnh Nhân, xin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ban cho nhân loại ơn hối cải, thêm vững mạnh trong đức tin, để được chữa lành phần hồn và ban ơn chữa lành phần xác, qua việc cho các nhà y khoa sớm tìm được thuốc và phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn “chú” virus độc hại này.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ!

Manila, ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, 2020

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M

(Nguồn: https://vinhson.net/)


[i] José María Ibáñez, C.M. “Society at the time of Saint Vincent de Paul” trong Sinking Deep Our Roots… Spreading Wide Our Branches, volume 1. Edited Julma. C Neo. Philippines: Quezon city, 2008, tr 53.

[ii] Thực ra có một trận dịch hạch lớn được ghi nhận 1652 ở Pháp đã gây ra con số chết chóc khủng khiếp trong: Mary Ellen Snodgrass. Wolrd Epidemics, A Cultural Chronology of Diasease From Prehistory to Era of Zika. Jefferson: North Carolina, tr 65.

[iii] Orest Ranum. Paris In the Age of The Absoluism. Pennsylvania: State university press, 2002, tr 193.

[iv] International Confederation of the Society of St Vincent de Pau. From the Beginning to the Present Day, theo https://www.ssvpglobal.org/en/history/.

[v] Rene Laurentin. The Life of Catherine Laboure (1806-1876). Sydney: Collins 2001, tr 89-91.