Đại diện nhóm Bông Hồng Xanh thăm và chia sẻ tại giáo phận Thanh Hóa

24/05/2018
1786
Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2018, đại diện Nhóm Bông Hồng Xanh đã đến thăm và chia sẻ trên địa bàn giáo phận Thanh Hóa. 

Chiều ngày 18/5/2018, vừa đến sân bay Thọ Xuân được ít phút thì mây đen bao phủ bầu trời như sắp có dông, chúng tôi được cha giám đốc Caritas GP Thanh Hóa là linh mục Phaolo Nguyễn Văn Thường, cũng là chánh xứ Trinh Hà đến đón. Con đường dẫn vào thành phố Thanh Hóa rất rộng, hai bên đường có cánh đồng xanh mướt điểm tô thêm bằng những ngôi nhà xây đa dạng, cách thưa nhau không đều, tạo nên nét riêng của tỉnh này. 

Theo chương trình,  chúng tôi phải đi 30 cây số để thăm hỏi và chia sẻ cho người nghèo không có đất, sống trên ghe ở ven sông, chèo thuyền đi đây đó đánh cá để sinh sống. Đường đến xóm thuyền chài quang cảnh thiên nhiên rất đẹp trong mắt chúng tôi. Cha  Giám đốc Caritas Thanh Hóa cho biết: toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 300 gia đình không có đất đai sống trên sông Chu. Ở sông Mã, cũng có khoảng 300 gia đình như thế, còn ở sông Cầu Chầy và những nhánh sông khác thì ít hơn. Caritas của giáo phận Thanh Hóa đang có kế hoạch giúp những gia đình này lên bờ, nhà nước đã cho được 62 phần đất, dự trù xây mỗi căn nhà là 100 triệu đồng (khoảng gần 5.000 Usd). Việc xây dựng đang được tiến hành (đang xây năm căn nhà) theo cách vừa làm vừa quyên góp tiền để xây tiếp. Mới đây, một xã của nhà nước đồng ý cho đất thêm 27 hộ nữa. Chúng tôi nghĩ thầm, để xây được 99 căn nhà tình thương cho dân thuyền chài, cần rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức từ thiện trong nước và hải ngoại. Còn thực hiện cho tất cả các gia đình thuyền chài tại tỉnh Thanh Hóa thì....là việc của Chúa mà thôi!

Để ra ven sông, xe phải đi qua một cái chợ nhỏ mà sự nghèo nàn của dân cư đã thấp thoáng hiện lên ở nơi đây. Những cây luồng - một loại cây cùng họ với tre, để làm nhà – chất đầy lối ra sông trông lạ mắt. Nhưng để xuống ghe mà gặp gỡ dân chài thì chân và ống quần lấm bùn. Chỉ có một lần được bước lên ghe thăm gia đình đông con (mà các em từ nhỏ đến 15, 18 tuổi đều không biết chữ), còn các trường hợp khác thì chúng tôi chỉ ngồi trên ghe, với tay vào mà trao tặng phong bì. Mỗi ghe là một hoàn cảnh mà chỉ vì nghèo phải lênh đênh sông nước, con cái chẳng được học hành. Như bà cụ kia, con trai vừa chết được bốn mươi ngày thì cụ ông cũng về với Chúa, bây giờ bà chỉ sống với cô con gái khá xinh nhưng bệnh thần kinh trên chiếc ghe nhỏ. Người con dâu của cụ bà sống ở một chiếc ghe khác, từ khi chồng chết cũng ngơ ngơ, khờ khạo, nằm ở đầu ghe bên mấy cái nồi, ông trùm nói chị cũng biết dùng tiền nhưng tay chỉ hờ hững nhận phong bì. Nhìn chung, tất cả là những người đáng thương khi sống tù túng trong không gian quá hẹp và thiếu thốn của chiếc ghe. Hầu hết dân chài ở đây thuộc giáo xứ Đạt Giáo. Đặc biệt là trẻ con, chúng bị cột dây vào lưng để khỏi bị rơi xuống sông. Chúng tôi chụp lại hình ảnh đó mà không khỏi đau lòng. Được biết, ngày Tết, xóm chài ấy có các ghe về đậu bên sông khá đông, như để nghỉ ngơi, đánh dấu cho một chặng đường mới, mà chưa biết ngày mai ra sao.

Rời xóm chài ấy, chúng tôi đến nhà thờ Điền Thôn để thăm bệnh nhân và hỗ trợ phần tiền học hè cho mười em học sinh cấp 3. Điền Thôn là một tân giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa, tọa lạc tại thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phần đông giáo dân là người dân tộc Mường, còn rất nhiều khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về đời sống đức tin. Giáo xứ có ba giáo họ là Cửa Trát, Điền Trạch và Đình Thôn với hơn 1.200 giáo dân và hiện nay cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu là linh mục chánh xứ.

Chúng tôi gặp gỡ bệnh nhân tại nhà và trước sân nhà xứ. Cha xứ nói với chúng tôi: “Chẳng hiểu sao vùng này lại có nhiều người khuyết tật đến thế! Không bị cái này thì lại bị cái kia. Cả một thôn chỉ có 11 em học cấp 3, hôm nay có sáu em đến nhận, còn bốn em đi học, cô thông cảm...! ”. Nhìn cha xứ trắng đẹp như người Hàn Quốc, chúng tôi chỉ cười và gửi lại phần cho các em vắng mặt. Trước sân nhà xứ có gỗ ngổn ngang, hỏi ra mới biết cha mướn thợ đến làm bàn ghế. Một giáo xứ mới thành lập mà có cha xứ trẻ, năng nổ thì thật là “đỡ khổ” cho giáo dân, rất tốt cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ.

Trên đường trở về Trinh Hà, chúng tôi được ghé qua Tòa Giám Mục một chút vì cha có việc riêng. Đứng chụp hình ở trong sân, lòng chúng tôi có một chút gì đó vui vui khi biết còn hơn một tháng nữa nơi đây sẽ hoa đèn rực rỡ để đón vị chủ chăn mới. Chúng tôi lại còn được đi ngang qua giáo xứ Sầm Sơn mà có nhà thờ đang xây, vì cha giám đốc Caritas muốn thăm một gia đình bị nhiễm HIV. Gia đình này có người chồng bị HIV thời kỳ cuối, người vợ cũng bị nhiễm nhưng may mắn thay người con lại không bị lây. Từ khi người vợ biết mình bệnh, chị cộng tác công việc với Caritas giáo phận trong việc tuyên truyền để phòng chống nhiễm HIV. Thế mới biết, ai cũng có thể phục vụ trong hoàn cảnh của riêng mình.
 
Kết thúc chuyến đi, lòng chúng tôi đầy niềm vui, không phải từ cảm giác “ban phát” mà vì được đi đó đây, chia sẻ niềm vui xuất phát từ Tin Mừng, trên quê hương đất nước Việt Nam.












Lược lại từ ghi chép của Maria Vũ Loan