Cho đi tình yêu – Nhận về ý nghĩa cuộc sống!

20/04/2019
1802
Cẩm Thủy, ngày 31 tháng 03 năm 2019,
 
Gửi đến tôi của hôm qua, hôm nay và cả sau này!

Tôi cùng những người anh em trong Ban Truyền thông giáo phận Thanh Hóa tìm đến trại phong Cẩm Thủy vào cuối những ngày tháng ba, nơi mà hơn 30 bệnh nhân phong cùi đang từng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác của mình. Chúng tôi đến trại phong với tâm thế của những người “cho đi”, mang những phần quà giúp các bệnh nhân ở nơi đây vơi đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng bạn biết không? Chúng tôi vô tình trở thành những kẻ được “nhận lại”.

Nhắc tới bệnh phong, người ta nghĩ ngay đến thứ bệnh nan y đáng sợ. Nhắc tới trại phong người ta sẽ nghĩ ngay tới một viễn cảnh điêu tàn, hoang vắng, tiếng rên rỉ đau đớn, thứ mùi khó chịu của người bệnh nhân… và tôi cũng mang trong mình tâm thế đối diện với những điều ấy. 

Không như những viễn cảnh mà tôi vẫn nghĩ đến, những bệnh nhân phong ở đây đón đoàn chúng tôi một cách rất chu đáo và nồng hậu. Họ hầu hết là những người lớn tuổi, người trẻ nhất cũng phải bước qua cái ngưỡng ngũ tuần. Mặc dù những bàn tay không lành lặn, những đôi chân không nguyên vẹn, gương mặt mang nét khắc khổ, đau đớn nhưng nụ cười của họ dành cho chúng tôi không vì thế mà vơi bớt đi sự rạng rỡ. 



Ngồi lại bên những bệnh nhân ở trại phong Cẩm Thủy, nghe các ông, các bà kể về cuộc sống hàng ngày của mình mà tôi không khỏi xúc động. Ngoài những ngày chống chọi với bệnh tật, ngoài những lúc trái gió trở trời đau đớn vô cùng thì các bệnh nhân phong nơi đây vẫn đi tìm cho mình những công việc lao động khác để kiểm thêm thu nhập. Người bình thường lao động đã khó, những người bị bệnh phong lao động lại càng khó hơn, thế nhưng họ chẳng nề hà việc gì từ cắt cỏ thuê cho đến phụ hồ. Họ tàn nhưng không phế, miễn là còn sức lực thì những con người ở đâu đều muốn tự nuôi sống chính bản thân mình. Đâu đó trong những việc họ làm không còn là mưu sinh nữa mà chính là hy vọng sống hòa nhập, xóa tan khoảng cách và sự kỳ thị với cộng đồng.

Ở đây tôi cũng gặp một người phụ nữ, một người đã để lại cho tôi những câu chuyện đáng phải suy ngẫm về cách nhìn cuộc sống, cách yêu thương của chính mình. Ngay khi đặt chân đến trại phong, tôi đã liền để ý tới bà. Bà có một gương mặt phúc hậu, minh mẫn, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn. Tôi tự hỏi liệu điều gì làm cho người phụ nữ bệnh tật ấy có được sự vui tươi đến vậy? Và tôi bắt chuyện với bà: “Bà sống ở đây có một mình thôi, nhưng không sao cả. Con cái đi lập nghiệp ngoài Hà Nội cả rồi. Bà với ông xấu lắm! Thế mà sinh ra hai đứa con đứa nào cũng đẹp, cũng giỏi giang cả”. Câu nói ấy của một người mẹ bệnh tật và cô đơn khiến cho tôi không kìm nổi nước mắt. Người ta vẫn nói “khi bạn bị đau chân bạn chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình” thế nhưng bà đã không nói đến cái cô đơn, bệnh tật đau đớn, không một lời than thở, trách móc số phận mà thứ bà tâm niệm, điều tự hào nhất của cuộc đời bà luôn luôn là những đứa con của mình.



Chúa đã đặt cho mỗi người một thử thách riêng của đời mình. Đối mặt với thử thách ấy, bà cùng những bệnh nhân trại phong đang vượt qua một cách dũng cảm. Còn tôi và bạn thì sao? Chuyến đi trại phong giữa những ngày mùa Chay này như một món quà mà Thiên Chúa dành tặng cho tôi. Người mở trí khôn và tâm hồn để tôi cảm nghiệm lại cách mình đón nhận cuộc sống mà Người trao ban. Tôi quá hạnh phúc, quá đầy đủ, quá may mắn so với bệnh nhân phong và những người khác. Tôi đã được Thiên Chúa của tôi yêu thương và quý chuộng nhưng lại chưa biết trân trọng điều ấy. Tạ ơn Chúa, Người đã dắt tôi đi để tìm lại ý niệm sống, để trân trọng những gì mình đang có và biết yêu thương anh chị em. Thứ tôi cho đi là quá nhỏ bé nhưng nhận lại được thì lớn lao vô cùng! Hãy sẻ chia và yêu thương bạn sẽ nhận được rất nhiều hoa trái bởi “bàn tay trao tặng hoa hồng là bàn tay tỏa ngát hương thơm”. 


   Anna Phạm Thu Hà
  BTT. GP. Thanh Hóa