Giáo hội, người trẻ và mạng xã hội

13/12/2021
1056
 
Mục lục
I. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ VỀ MẠNG XÃ HỘI
II. TÍNH PHỔ BIẾN CỦA MẠNG XÃ HỘI
      1. Động lực & định nghĩa mạng xã hội
      2. Phát triển nhanh chóng
III. LƯỢC SỬ MẠNG XÃ HỘI
IV. ẢNH HƯỞNG CỦA MẠNG XÃ HỘI TRÊN NGƯỜI TRẺ
      1. Ảnh hưởng tích cực
      2. Ảnh hưởng tiêu cực
V. MẠNG XÃ HỘI VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA NGƯỜI TRẺ
      1. Trầm cảm
      2. Tình bạn trực tuyến và tình bạn ngoài đời
      3. Nghiện mạng xã hội
VI. QUYỀN LỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI
      1. Cách sử dụng mạng xã hội của ông Trump
      2. Big Tech xóa tài khoản của ông Trump
      3. Buộc Facebook trả tiền cho nội dung tin tức
VII. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ MẠNG XÃ HỘI
      1. Tùy thuộc cách sử dụng
      2. ĐTC sử dụng mạng xã hội
      3. Mời gọi tham gia vào mạng xã hội
      4. Hình thành các cộng đồng trên mạng và ngoài đời
 

I. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ VỀ MẠNG XÃ HỘI

 
Vào lễ Thánh Phanxicô Salêsiô 24-1-2013, Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô đã gửi sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 với nội dung đề cập đến mạng xã hội. Ngài nói: “Các mạng xã hội kỹ thuật số đang tạo nên một ‘agora' (quảng trường) mới, một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, tạo ra những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới.”

Vì là một ‘quảng trường mới' đã được mở ra cho toàn nhân loại, nên tất nhiên, mạng xã hội cần phải được Giáo hội lưu ý. Do đó, ĐTC Bênêđictô đã muốn xem xét thật kỹ việc phát triển các mạng xã hội và vai trò của các tín hữu trên mạng xã hội hôm nay.

Một yếu tố dệt nên xã hội

ĐTC nhận định rằng: “Các mạng xã hội phát sinh từ những khát vọng sâu xa trong lòng người” vì chúng mời gọi mọi người tham gia vào việc xây dựng “các mối tương quan và kết bạn, tìm lời giải đáp cho những vấn nạn và tiêu khiển, rèn luyện trí tuệ cũng như chia sẻ kiến thức và các bí quyết. Khi liên kết những người có chung những nhu cầu cơ bản, các mạng xã hội trở thành một yếu tố dệt nên xã hội.”

Tinh thần trách nhiệm

ĐTC cho rằng: Các mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy những hình thức đối thoại và tranh luận, củng cố những mối dây liên kết hiệp thông giữa con người với nhau, xây dựng được tình bạn nhân loại, với điều kiện người ta phải biết sử dụng những phương tiện này trong tinh thần trách nhiệm, tôn trọng sự thật và quan tâm bảo vệ bí mật đời tư; những người đang sử dụng mạng xã hội cần phải cố gắng tỏ ra đáng tin cậy, vì ở đây người ta không chỉ chia sẻ các ý nghĩ và thông tin mà còn thực sự thông truyền chính bản thân mình.

Thách đố

ĐTC sau đó nói đến các thách thức lớn lao trong nền văn hóa do các mạng xã hội tạo nên. Trước hết, nơi mạng xã hội, những tiếng nói có giá trị lại thường bị những thông tin tầm thường và độc hại lấn lướt vì những thông tin không tốt lại thường được bộc lộ cách ầm ĩ, được phổ biến rất nhanh chóng và rộng rãi nhờ sự nổi tiếng của các nhân vật có liên quan hoặc do những chiến lược lôi kéo phàm tục đầy sức hút.

Một thách thức khác - đó là người ta thường không thích những người có những suy nghĩ khác với mình để rồi có những phản ứng tiêu cực đầy nguy hại trên mạng xã hội, hoặc chỉ kết bạn với những người có cùng quan điểm, khiến càng ngày càng xa lìa chân lý.

Vì vậy, ĐTC mời gọi các tín hữu và những người thiện chí hãy tôn trọng những người có suy nghĩ khác mình và tham gia cách trọn vẹn để mang đến cho nền văn hoá của Mạng xã hội những gì là Chân, Thiện, Mỹ toàn diện - phát xuất từ sứ điệp của Đức Kitô, đáp ứng cho những khao khát sâu xa của con người.

Để Tin Mừng hiện diện nơi mạng xã hội

ĐTC nhấn mạnh: Nếu Tin Mừng không được biết đến trong thế giới kỹ thuật số, hẳn Tin Mừng sẽ vắng bóng trong cuộc sống của rất nhiều người, nhất là những người trẻ, đang coi mạng xã hội như một phần cuộc sống hằng ngày của họ.

ĐTC nói rằng: Các mạng xã hội vừa là kết quả của sự tương tác, vừa tạo ra những tương quan vì nó định hình cho những tương tác rất năng động. Vì vậy, muốn hiện diện trong đó một cách có ý nghĩa - để làm cho “sự phong phú vô tận của Phúc âm có được những hình thức diễn đạt đi vào trí óc và con tim mọi người trong không gian mạng xã hội” - thì cần hiểu biết thấu đáo về môi trường này và biết sử dụng những ngôn ngữ mới.

Hình ảnh và âm thanh

Trong môi trường kỹ thuật số, chữ viết thường có hình ảnh và âm thanh kèm theo. Chúa Giêsu và Giáo hội đã là mẫu gương cho việc này. Chúa Giêsu đã từng đưa các hình ảnh của cuộc sống vào trong các dụ ngôn. Và truyền thống Kitô giáo luôn phong phú về ký hiệu cũng như biểu tượng: thánh giá, tranh icôn, hình ảnh Trinh nữ Maria, máng cỏ, các kính màu và tranh vẽ trong các nhà thờ, cùng với cả một kho tàng nghệ thuật và âm nhạc phong phú của Giáo hội.

Tính ‘xác thực' của Kitô hữu

Trong các mạng xã hội, các tín hữu cần bày tỏ tính ‘xác thực' của mình bằng cách chia sẻ niềm tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, qua những chia sẻ Lời Chúa, những cuộc đối thoại về đức tin, về sự phát triển con người toàn diện, cùng với những chứng từ, những chọn lựa ưu tiên, những hành động tự hiến cho tha nhân.

Ánh sáng dịu êm

Trong môi trường kỹ thuật số, người ta dễ dàng nói năng hùng hổ và gây sự, với kiểu cách giật gân. Nhưng các Kitô hữu luôn được mời gọi đăng bài cũng như phản ứng cách thận trọng và dịu dàng như trong trường hợp của tiên tri Êlia - nhận ra tiếng Chúa nói không phải trong cơn cuồng phong, động đất hoặc lửa cháy, nhưng trong “tiếng thì thầm của ngọn gió thoảng qua” (1V 19, 11-12), để cảm nhận được chân lý và tình yêu của Thiên Chúa như “ánh sáng dịu êm” (Hồng y Newman).

Gặp gỡ trong và ngoài mạng xã hội

Trong trường hợp của những con người bị cô lập về mặt xã hội, các mạng xã hội có thể giúp họ vẫn liên hệ và hợp nhất được với người khác ở bên ngoài.

Có những trang mạng xã hội tạo nhiều dịp để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Nhờ gặp gỡ trước trên mạng xã hội, nhiều người khám phá ra tầm quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp. Bằng cách cố gắng đưa Phúc âm hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể mời gọi nhiều người cùng đi ra ngoài mạng để đến cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi chốn cụ thể như nhà thờ, nhà nguyện, rồi sau đó cùng nhau ra đi, làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhận biết đến tận cùng trái đất.

 

II. TÍNH PHỔ BIẾN CỦA MẠNG XÃ HỘI

 
Những lời nhắn nhủ trên đây được ĐTC Bênêđictô XVI đưa ra khi “rất nhiều người, nhất là những người trẻ, đang coi mạng xã hội như một phần cuộc sống hằng ngày của họ.”
 

1. Động lực & định nghĩa mạng xã hội

 
Sở dĩ có hiện tượng này là vì xã hội tính cùng với nhu cầu giao tiếp chính là đặc điểm cốt yếu của con người, mà mạng xã hội lại là “các hình thức giao tiếp cực kỳ nhanh nhạy và rộng khắp nhờ internet, qua đó người dùng tạo ra các cộng đồng trực tuyến mang tính toàn cầu để chia sẻ thông tin, ý tưởng, thông điệp cá nhân và các nội dung khác như video, audio...” (Từ điển Merriam-Webster)
 

2. Phát triển nhanh chóng

 
Khi những ‘mạng xã hội thực thụ' xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, chỉ có một nhóm rất nhỏ các sinh viên sử dụng chúng trong sự nghi ngờ về tương lai của loại hình truyền thông này. Nhưng, theo thống kê của Datareportal, vào tháng 1.2021, số người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới đã là 4,2 tỷ người, nghĩa là 53,6% dân số thế giới (7,8 tỷ). Những người này sử trung bình 2 giờ 30 phút mỗi ngày.
 
 


Hai mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là Facebook (2,74 tỷ) và YouTube (2,29 tỷ).
Việt Nam vào năm 2021 có 72 triệu người tham gia vào mạng xã hội, chiếm 73,7% dân số.

 


III. LƯỢC SỬ MẠNG XÃ HỘI

 
Để tiến đến được giai đoạn phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay, mạng xã hội đã phải trải qua một quá trình lịch sử hết sức lâu dài, gắn liền với quá trình tiến bộ của cả nhân loại.

Từ thời Cổ đại đến Thế chiến II

Ngay từ thuở xa xưa, con người đã tìm mọi cách để có thể truyền thông và liên kết được với nhau cho dù ở rất xa nhau - từ việc sử dụng những cột khói để báo tin cho đến những nỗ lực tìm ra chữ viết để thông tin và giao lưu với nhau.

Và ai cũng thấy rằng, từ thời cổ đại kéo dài đến tận thập niên 1800, khả năng truyền thông vượt những khoảng cách xa xôi của con người tuy có những tiến bộ theo thời gian, nhưng tiến rất chậm.

Phải đến khi điện thoại và radio xuất hiện vào những năm 1800, mọi thứ mới thay đổi. Với khả năng truyền thông tức thời của những dụng cụ này, thế giới đã hoàn toàn khác trước.

Vi tính, Email, Usenet (thập niên 1960 & 1970)

Sau thế chiến II, công nghệ vi tính không ngừng phát triển. Máy vi tính đã được bản địa hóa vào những năm 1960 và internet xuất hiện ngay sau đó. Kế tiếp, email lần đầu xuất hiện vào năm 1966. Rồi năm 1979 chứng kiến sự ra đời của Usenet và các máy vi tính gia đình, khiến cho các mạng xã hội thực thụ có thể dựa trên những nền tảng này mà lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ.

The Well, GENie, Listserv, Internet Relay Chat (thập niên 1980)

Năm 1985 chứng kiến sự ra đời của The Well và GENie. Năm 1986, mạng xã hội Listserv ra mắt. Rồi, mạng xã hội Internet Relay Chat (IRC) xuất hiện vào năm 1988. Chúng được sử dụng để chia sẻ tệp tin và thực hiện những mối liên lạc.

The Palace, Sixdegrees.com, Moveon.org, Blog (thập niên 1990)

Năm 1994 The Palace xuất hiện, cho phép người dùng tương tác, chuyện trò (chat) với nhau.

Vào khoảng năm 1997, SixDegrees.com - một mạng xã hội đúng nghĩa - đã ra đời, cho phép người dùng tải hình ảnh hồ sơ của mình (profile pictures) và kết nối với người khác theo nhiều cấp độ khác nhau.

Năm 1998, Moveon.org đã xuất hiện như một nhóm email và lúc đầu được một nhóm chính trị sử dụng cách tối đa để phản đối việc luận tội Bill Clinton.

Đặc biệt, ngay trước khi bước sang Thiên niên kỷ II, các trang blog đầu tiên bắt đầu trở nên phổ biến, chẳng hạn như LiveJournal ra mắt năm 1999, giúp người dùng vừa cập nhật liên tục các bài đăng trên blog này, vừa có thể dõi theo blog của nhau (follow) và tạo các nhóm tương tác với nhau.

LunarStorm, Wikipedia, Friendster, LastFM, (2000 - 2002)

Năm 2000, LunarStorm được khai trương. Đây là một trong những trang mạng xã hội đầu tiên có thu nhập nhờ quảng cáo thương mại. Mạng xã hội này đã ngừng hoạt động vào năm 2010.

Vào năm 2001, Wikipedia đã xuất hiện với mục đích cung cấp một bách khoa toàn thư trực tuyến, cho phép mọi người cùng nhau chỉnh sửa. Đây là tài liệu tham khảo phổ biến nhất trên thế giới.

Xuất hiện vào năm 2002 tại Malaysia, Friendster là mạng xã hội khổng lồ đầu tiên, nhưng lại ngưng hoạt động vào năm 2015 sau khi thiếu sự tham gia của các thành viên.

LastFM cũng ra mắt lần đầu tiên vào năm 2002 nhằm cung cấp âm nhạc trực tuyến cho người dùng.

LinkedIn, MySpace, WordPress, Photobucket, Flickr, SecondLife, Del.icio.us (2003)

Năm 2003 chứng kiến sự xuất hiện của:

- LinkedIn, giúp mọi người kết nối với đồng nghiệp và đối tác kinh doanh, cung cấp công cụ tìm kiếm việc làm.
- MySpace, cho phép người dùng tùy chỉnh hoàn toàn hồ sơ của họ, cũng như có thể ‘nhúng' nhạc và video.
- WordPress mở ra khả năng viết blog và tạo web cho người dùng.
- Photobucket và Flickr làm cho việc chia sẻ hình ảnh trên mạng internet trở thành xu hướng phổ biến.
- SecondLife cung cấp trò chơi trực tuyến.
- Del.icio.us cung cấp khả năng lưu trữ, chia sẻ và khám phá các trang web.

Proto-Facebook và một số mạng xã hội khác (2004)

Năm 2004, phiên bản đầu tiên của Facebook xuất hiện ở ký túc xá Harvard. Care2, Ning, Multiply, Orkut, Mixi, Piczo và Hyves cũng đã được ra mắt trong năm này.

YouTube, Yahoo! 360, Bebo và Reddit (2005)

YouTube, một mạng xã hội chuyên về video, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2005. Các sản phẩm đáng chú ý khác cũng ra mắt trong năm ấy bao gồm Yahoo! 360, Bebo và Reddit.

Facebook, Twitter (2006)

Năm 2006, Facebook và Twitter chào đời, cho đến nay đã trở thành những ‘gã truyền thông khổng lồ' (Big Tech).

Tumblr và Friendfeed (2007)

Tumblr và FriendFeed ra đời vào năm 2007. Tumblr phổ biến hơn với các tính năng tiểu blog và mạng xã hội.

Spotify, Ping, Groupon, Kontain và Foursquare (2008)

Spotify, Ping, Groupon và Kontain xuất hiện vào năm 2008,. Các mạng xã hội dựa trên vị trí cũng bắt đầu được chú ý vào năm 2009 với sự ra mắt của Foursquare.

Instagram, Pinterest & Google Buzz (2010)

Năm 2010 chứng kiến sự ra đời của Instagram, Pinterest và Google Buzz. Instagram được Kevin Systrom và Mike Krieger tạo ra với tính năng nổi bật là cho phép người dùng chỉnh sửa hình ảnh đã tải lên và sắp xếp tài liệu theo ý mình. Facebook đã mua lại công ty này vào năm 2012.

WeChat, Google+, Pheed (2011)

WeChat xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011. Ngày nay, nó thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, cung cấp cho người dùng không chỉ những kiến thức cơ bản về mạng xã hội mà còn cả khả năng thực hiện các giao dịch tài chính và mua bán, chẳng hạn như đặt vé máy bay và khách sạn thông qua ứng dụng.

Cũng vào năm 2011, Google quyết định ra mắt Google+ như một mạng xã hội hoàn chỉnh, nhưng chẳng bao lâu lại phải ngưng hoạt động.

Pheed cũng ra đời năm 2011, cho phép người dùng chia sẻ văn bản, hình ảnh, âm thanh, ghi chú thoại, video và các chương trình phát sóng trực tiếp trong cùng một không gian.

Vine (2012), Minds, Tiktok (2016), Parler (2018)

Vine, ra đời vào năm 2012, cho phép người dùng chia sẻ video 6 giây. Nó được Twitter mua lại vào năm 2012 và ngừng hoạt động vào năm 2019.

Minds.com ra mắt vào năm 2016, tự mô tả là “mạng xã hội mã hóa”, bảo vệ quyền riêng tư, phân quyền, tùy chọn ẩn danh, cam kết kiên định về tính minh bạch và bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Cũng vào năm 2016, TikTok được Douyin tung ra lần đầu tiên cho thị trường Trung Quốc, sau đó nó đã được phát hành trên nền tảng IOS và Android bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết người dùng sử dụng nó để quay video ngắn, hát nhép, hài kịch hoặc các video tài năng khác.

Được đặt tên theo tiếng Pháp (parler = nói), mạng xã hội Parler được John Matze tạo ra vào năm 2018, có tham vọng lật đổ một số mạng xã hội lâu đời hơn. Nhưng cuối cùng, chính những ‘gã khổng lồ truyền thông' đã khiến Parler phải điêu đứng. Trong vụ bạo loạn ở đồi Capitol, Google và Apple đã gỡ Parler khỏi kho ứng dụng, trong khi Amazon đóng cửa dịch vụ web của Parler, khiến tầm ảnh hưởng của Parler giảm sút cách trầm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa.

Nhìn tổng thể

Cần một cái nhìn tổng thể trên toàn bộ lịch sử của mạng xã hội như trên để thấy sự phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đầy thăng trầm của vô số mạng xã hội khác nhau.

Lịch sử của mạng xã hội giúp ta hiểu rõ hơn lịch sử của cả nhân loại, nhất là nhân loại của thời hiện đại, vì mọi lãnh vực chính yếu của xã hội hôm nay đều sử dụng mạng xã hội.

Nếu vào thời cổ đại và ngay cả mới đây trước thế chiến II, con người hầu như bất lực, không thể thông tin và giao tiếp trao đổi tức thời với nhau khi phải sống xa nhau, thì ngày nay, nhờ mạng xã hội, người ta rất dễ dàng làm được việc này, và còn hơn thế nữa, họ còn có thể kết bạn, họp hành, nhìn thấy nhau cách sống động mà giao lưu thoải mái thân thương với nhau, cho dù xa nhau muôn vạn dặm.

Nhờ mạng xã hội, mọi biến cố đặc biệt trên thế giới đều được người dùng nắm bắt ngay tức khắc và có thể liên kết trao đổi kỹ lưỡng với nhau cách tức thời để cùng nhau giải quyết vấn đề.

Mạng xã hội giúp cho những người thân xa nhau vẫn có thể thấy nhau, trò chuyện và nâng đỡ nhau cách hữu hiệu.

 

IV. ẢNH HƯỞNG CỦA MẠNG XÃ HỘI TRÊN NGƯỜI TRẺ

 
Như vậy, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra những diễn đàn công khai, mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng ngay lập tức, người ta cũng phát hiện không ít những tai hại do việc sử dụng mạng xã hội với những mục đích không tốt. Những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của việc sử dụng mạng xã hội có thể thấy rất rõ nơi giới trẻ - là những con người tham gia rất tích cực vào mạng xã hội.
 

1. Ảnh hưởng tích cực

 
a. Nguồn học tập và giảng dạy

Mạng xã hội đang đóng vai trò như một cổng trao đổi thông tin, cung cấp các nguồn kiến thức khác nhau để giới trẻ nâng cao trình độ học vấn và sự hiểu biết. Nó giúp giới trẻ tiếp cận với các giáo sư, các nhà tuyển dụng tương lai, hoặc có thể cộng tác với các đồng nghiệp của họ.

b. Nền tảng tuyệt vời để thể hiện tài năng

Mạng xã hội là một nền tảng tuyệt vời mang đến vô số cơ hội cho các cá nhân tài năng có thể thực hiện các kế hoạch của họ, giúp họ thể hiện bản thân một cách tốt nhất, qua đó họ được xã hội công nhận về bản sắc và tài năng cá nhân của họ.

c. Phát triển nhận thức xã hội

Mạng xã hội nâng cao nhận thức của giới trẻ về những vấn đề nhạy cảm không được thảo luận trong nhiều xã hội.Nó nâng cao ý thức về những khó khăn mà mọi người trong các xã hội khác nhau phải đối mặt. Nó tạo ra nhận thức chính trị và xã hội và cung cấp thông tin về những cách giải quyết trong những tình huống nhất định.

d. Cải thiện sự tự tin

Mạng xã hội cũng có thể là nguồn thúc đẩy hoặc xây dựng lòng tự tin nơi giới trẻ. Nó làm cho họ cảm thấy tự hào và hài lòng về bản thân do số lượng thích (like), chia sẻ (share) và bình luận tán thành (comment) mà họ nhận được từ những gì họ đăng trên mạng xã hội. Việc cá nhân hóa hồ sơ trên mạng xã hội giúp họ trải nghiệm cảm giác tự lập. Nền tảng mở để tương tác của mạng xã hội giúp họ nâng cao danh tính để giao lưu với những người có cùng sở thích và giúp họ hòa nhập hữu hiệu với người khác.

e. Tiết kiệm thời gian

Mạng xã hội cho phép giới trẻ tiết kiệm thời gian và sử dụng nó cách hiệu quả. Nó cho phép người trẻ giao tiếp một cách hữu hiệu nhanh chóng. Việc học hành có thể được thực hiện cách thoải mái tại nhà thông qua việc đào tạo từ xa hoặc qua các buổi học online (trực tuyến). Giới trẻ có thể cải thiện mạng lưới giao tiếp của họ bằng cách tích cực tham gia các diễn đàn trên mạng xã hội. Họ có thể giữ liên lạc với bạn bè và gia đình cách dễ dàng thông qua Viber, Skype, WhatsApp... Việc cập nhật thông tin trên mạng xã hội cho mọi người được thực hiện chỉ trong vòng vài giây và có thể biết ngay về những gì đang xảy ra trên thế giới mà không cần phải mua báo hay nhìn vào tờ báo mỗi buổi sáng.

 

2. Ảnh hưởng tiêu cực

 
a. Nguồn gây lo lắng và trầm cảm

Việc sử dụng mạng xã hội thường dẫn đến mức độ lo lắng và căng thẳng cao. Các thanh thiếu niên thường hay so sánh mình với bạn bè của họ trên mạng xã hội và cảm nhận sự thiếu thốn, bất an nếu thấy người khác giỏi hơn họ về những điều họ đang quan tâm.

b. Bắt nạt trên mạng

Đây là một trong những tệ nạn chính của mạng xã hội vì tính ẩn danh khi sử dụng mạng xã hội. Nó làm tăng nguy cơ bạo lực, lạm dụng tình dục và các mối đe dọa có thể dẫn đến những vết sẹo rất sâu về tình cảm. Nó có những ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành.

c. Đẩy lùi tư duy độc lập

Tư duy độc lập của giới trẻ bị đe dọa khi sử dụng mạng xã hội do áp lực của bạn bè. Động lực thúc đẩy sống phù hợp trên mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng hoặc suy nghĩ của cá nhân vì sợ bị chỉ trích.

d. Giảm năng suất
Thế hệ trẻ hầu như quá mải mê với mạng xã hội thay vì dành thời gian đó để làm những công việc thực tế hữu ích. Họ lãng phí quá nhiều thời gian trên các nền tảng này đến mức có khi họ phải mua các bài giải đề thi nơi các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Họ dành hàng giờ trên mạng xã hội để theo dõi, kiểm tra thông tin cập nhật và phản ứng với các hoạt động của bạn bè.

e. Đe dọa quyền riêng tư

Nguy cơ của việc sử dụng mạng xã hội nơi giới trẻ là mất quyền riêng tư. Truyền thông xã hội tạo ra dấu ấn kỹ thuật số cho bất kỳ trang web nào chúng ta truy cập, nhận xét chúng ta đưa ra và bài đăng chúng ta chia sẻ. Điều này có thể gây ra một số tác động nghiêm trọng trong tương lai ở cả cấp độ cá nhân lẫn nghề nghiệp.

 

V. MẠNG XÃ HỘI VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA NGƯỜI TRẺ

 
Như trên, ta thấy mạng xã hội có cả mặt phải và mặt trái đối với người trẻ trong nhiều lãnh vực khác nhau, đặc biệt là trên sức khỏe tâm thần.
 

1. Trầm cảm

 
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có thể làm gia tăng trầm cảm nơi thanh thiếu niên. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy: những người từ 14 đến 17 tuổi sử dụng mạng xã hội 7 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm, cần được chuyên gia sức khỏe tâm thần chữa trị hoặc cần dùng thuốc điều trị tâm lý. Các cuộc khảo sát bổ sung đối với thanh thiếu niên Hoa Kỳ cho thấy các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên và tỷ lệ tự tử tăng lên trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2015, những năm mà việc sử dụng điện thoại thông minh và công nghệ tăng theo cấp số nhân.

Ngoài ra, một nghiên cứu của CNN về những đứa trẻ 13 tuổi vào xem mạng xã hội từ 50 đến 100 lần một ngày thì dễ cảm thấy đau buồn 37% hơn những đứa trẻ chỉ xem mạng xã hội vài lần một ngày. Còn những đứa trẻ xem mạng xã hội trên 100 lần một ngày sẽ dễ đau buồn 47% hơn những đứa trẻ ít vào xem mạng xã hội. Nhiều chuyên gia tin rằng sự kích thích liên tục của mạng xã hội khiến hệ thần kinh chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc chạy trốn. Điều này làm cho các chứng rối loạn trầm cảm, rối loạn chống đối và lo âu ở thanh thiếu niên trở nên tồi tệ hơn.

Thanh thiếu niên có thể sử dụng diễn đàn của mạng xã hội để khuyến khích nhau thực hiện các hành vi không lành mạnh và nguy hiểm. Từ đó, họ có thể mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc tự làm hại bản thân.

Ngoài ra, chính hành động sử dụng mạng xã hội cũng có những kết quả không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, vì ánh sáng xanh nhân tạo do điện thoại thông minh phát ra sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh trong não, phá vỡ khả năng sản xuất melatonin của cơ thể - một loại hormone gây ngủ.

Thực ra, mạng xã hội cũng có thể truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên phát triển các thói quen lành mạnh, bắt chước các bạn cùng trang lứa ăn thức ăn lành mạnh, sáng tạo, hòa mình vào thiên nhiên. Muốn được như thế, người trẻ phải có sự phân định tốt, có nhiều khôn ngoan và can đảm để biết lựa chọn cách đúng đắn.

 

2. Tình bạn trực tuyến và tình bạn ngoài đời

 
Người trẻ kết bạn rất nhiều trên mạng xã hội, nhưng tình bạn trực tuyến ấy có phải là tình bạn thực sự?

Trong năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã bỏ ra 2 tháng để xem xét tình bạn trực tuyến nơi 743 thanh thiếu niên, từ 13 đến 17 tuổi. Dữ liệu cho thấy 80% người trẻ này nói rằng mạng xã hội khiến họ cảm thấy kết nối hơn với cuộc sống của bạn bè; 75% nói rằng mạng xã hội khiến họ cảm thấy như có những người bạn hỗ trợ họ vượt qua thời kỳ khó khăn.

Khoảng 60% người trẻ ấy nói rằng họ dành thời gian thường xuyên cho bạn bè trực tuyến, trong khi chỉ có 24% dành thời gian thường xuyên cho bạn bè trực tiếp ở trường học hay ngoài đời.

Tuy nhiên, người trẻ lại rất dễ hủy bỏ tình bạn trực tuyến. Khoảng 45% người trẻ được khảo sát nói rằng các bộ phim bạo lực khiến họ sợ hãi đến mức hủy kết bạn với nhiều người trên mạng, và hơn 50% nói rằng chuyện bắt nạt trực tuyến cũng khiến họ từ bỏ rất nhiều những kết bạn trên mạng xã hội. Những tình bạn chóng tan vỡ như thế thì có phải là tình bạn thực sự hay không? Điều đáng nói là tình bạn tan vỡ - cho dù là trực tuyến - cũng gây chấn động nhiều trong tâm hồn những người trẻ.

 

3. Nghiện mạng xã hội

 
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: việc lạm dụng mạng xã hộisẽ tạo ra một kiểu kích thích tương tự như những kích thích được tạo ra bởi các hành vi gây nghiện khác.

Một nghiên cứu cho thấy: việc nhận được “lượt thích (like)” trên mạng xã hội sẽ kích hoạt các mạch não tương tự như trong não của các thiếu niên được kích hoạt bằng cách ăn sôcôla hoặc trúng thưởng. Khi một thanh thiếu niên đăng nội dung nào đó trực tuyến và nhận được lượt thích (like), chia sẻ (share) và nhận xét tích cực (comment) từ bạn bè của họ, não bộ sẽ tiết ra dopamine - một chất hóa học tạo khoái cảm. Đối với một số người, điều này có thể bắt đầu một chu kỳ gây nghiện khiến họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội.

Tình trạng nghiện mạng xã hội ở người trẻ thường là kết quả của các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như căng thẳng mãn tính, lo lắng hoặc chấn thương thời thơ ấu. Do đó, việc điều trị bệnh nghiện này tại Học viện Newport luôn bao gồm việc ngưng sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Khi cai nghiện như thế, họ sẽ có các triệu chứng giống như khi cai thuốc: lo lắng, tăng nhịp tim, run rẩy... Sau vài ngày, họ được hướng dẫn trở lại với môi trường “sống thực”, hình thành tình bạn trực diện, kết nối lại với thiên nhiên và khám phá các hoạt động ngoại tuyến đầy tính sáng tạo và lành mạnh.

 

VI. QUYỀN LỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI

 
Vì nghiện mạng xã hội, nhiều người đã lãnh những hậu quả tai hại như phải mang lấy những bệnh tật thể xác hoặc tâm thần. Nhưng đồng thời, mạng xã hội cũng có lúc mang lại rất nhiều lợi nhuận và quyền lực cho khá nhiều những con người biết khôn khéo sử dụng các nền tảng ấy, điển hình là tổng thống Trump.
 

1. Cách sử dụng mạng xã hội của ông Trump

 
Nếu Twitter, Facebook, Instagram và YouTube không khóa tài khoản của ông Trump sau bạo loạn đồi Capitol hôm 6-1-2021, thì nhờ các mạng xã hội này, quyền lực mạnh mẽ của ông Trump chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông và có khả năng làm chao đảo cả nền chính trị của Hoa Kỳ sau khi ông rời Nhà Trắng.

Khi bắt đầu chiến dịch tranh cử vào năm 2015, ông Trump chỉ có 3 triệu người theo dõi trên Twitter và 10 triệu trên Facebook. Nhưng nếu không bị các mạng xã hội trên đây xóa sổ, ông Trump sẽ rời nhiệm sở với những ‘chiếc loa' trực tuyến mạnh mẽ đặc biệt - có ít nhất 88 triệu người theo dõi ông trên Twitter, 31 triệu trên Facebook và 23 triệu trên Instagram. Điều đó sẽ mang lại cho ông khả năng giao tiếp độc nhất vô nhị - với ‘quân đoàn' những người ủng hộ đã quen nghe ông hơn 30 lần mỗi ngày - nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận, chế giễu đối thủ hoặc giúp hồi sinh các lợi ích kinh doanh đang nổi lên của ông.

Khả năng thu hút sự chú ý của ông Trump còn vượt xa hơn số lượng người đơn thuần theo dõi ông trên đây. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ông Trump còn được hưởng lợi từ sự nhiệt tình vô song của những người theo dõi ông. Nhiều người trong số họ chia sẻ thông điệp của ông ngay lập tức bằng cách sử dụng phần mềm để tự động retweet cho ông. Claire Wardle - giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận First Draft tập trung vào việc giải quyết thông tin sai lệch - cho biết: rất nhiều người đã sử dụng Twitter của ông Trump như một nguồn tin tức chính yếu của họ và hăng hái phổ biến những tin tức này.

Wardle nói: “Ông Trump đã biết tận dụng một cách phi thường các cơ sở hạ tầng nối mạng mà internet cho phép. Ông không những biết cách sử dụng những ‘cái loa' trực tuyến của mình, mà còn biết cách phân phối và nhân rộng chúng ra trong cộng đồng của riêng ông một cách rất hữu hiệu.”

Ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông cũng đã xây dựng một danh sách email đáng gờm, với hàng chục triệu danh tính và địa chỉ email có giá trị. Theo Trevor Davis - giám đốc điều hành của CounterAction, một công ty tình báo kỹ thuật số có trụ sở tại D.C. - chiến dịch tranh cử của Trump đã gửi hơn 460 triệu email kêu gọi quyên góp để hỗ trợ cuộc chiến pháp lý liên quan đến cuộc bầu cử. Ông cho biết: các chính trị gia khác đã sử dụng danh sách như vậy để quyên tiền cho các ứng cử viên khác và gây ảnh hưởng sau khi rời nhiệm sở.

 

2. Big Tech xóa tài khoản của ông Trump

 
Ngay sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ ông Trump tại tòa nhà quốc hội chiều 6.1 (giờ Mỹ), Twitter đã tạm khóa tài khoản của Tổng thống Trump trong 12 giờ.

Sau khi đồng ý xóa 3 dòng tweet theo yêu cầu của Twitter, ông Trump trở lại Twitter vào ngày 7.1, với một đoạn video thừa nhận cựu Phó tổng thống Joe Biden sẽ là tổng thống kế tiếp của Mỹ, nhưng ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Twitter coi đó như là lời xác định rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3.11.2020 là không hợp pháp.

Thêm một dòng tweet khác từ tài khoản của Tổng thống Trump viết rằng những người ủng hộ ông “sẽ không bị xem thường hay bị đối xử thiếu công bằng trong bất kỳ cách, dạng hay hình thức nào.” Twitter cho rằng đây chính là tín hiệu cho thấy ông Trump không có ý định tạo điều kiện cho cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự.

Với các lý do ấy, vào ngày 9-1-2021, Twitter thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump vì lo sợ nguy cơ có thêm kích động bạo lực theo sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ ông chiều 6.1.

Riêng Facebook, hôm 6-1, đã thông báo khóa tài khoản của ông Trump trong 24 giờ với lý do “sử dụng mạng xã hội để kích động bạo lực nhằm vào chính quyền được bầu cử một cách dân chủ”. Và vào ngày 7-1, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thông báo sẽ kéo dài lệnh khóa tài khoản của Trump “vô thời hạn”, ít nhất cho tới khi hoàn tất chuyển giao quyền lực.

Vào ngày 12-1, YouTube cũng xóa một số video clip của ông Trump vì cho rằng có nội dung liên quan đến kích động bạo lực. Sau đó, YouTube gia hạn quyết định này thêm 7 ngày. Cuối cùng, vào ngày 27-1, YouTube đã khóa vô thời hạn tài khoản của ông Trump.

Một loạt các mạng xã hội khác như Snapchat, Instagram, TikTok và Twich cũng lần lượt quyết định loại vị tổng thống Mỹ này ra khỏi các nền tảng của họ vì cho rằng có “nội dung kích động những người ủng hộ trung thành tràn vào tòa nhà Quốc Hội trên Đồi Capitol hôm 6-1”. Khi những người ủng hộ ông Trump tràn sang mạng xã hội Parler có chính sách thoải mái với giới cực hữu, Apple và Google liền xóa Parler khỏi kho ứng dụng của họ.

Cuộc thanh lọc này trên mạng được dư luận Mỹ đón nhận như vừa trút được gánh nặng: “mối quan hệ độc hại giữa Trump và mạng xã hội cuối cùng đã kết thúc - một số người còn cho là hơi muộn!” (Nick Bilton). Ông Trump gần như mất ‘tiếng nói'. Người ta có thể vui mừng với điều đó, như tờ New York Time viết: “Thật là dễ thở khi ngày cuối tuần đi qua mà không bị chìm ngập trong những dòng tweet của tổng thống”.

Nhưng việc này lại cho thấy: giờ đây Big Tech có quyền lực mạnh mẽ đến nỗi có thể thúc đẩy hay hạn chế khả năng của vị lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới. Thực ra, quyền sinh sát của Big Tech đối với khả năng phát ngôn của các nhà lãnh đạo đã có từ lâu, nhưng ít ai để ý tới. Mãi đến khi Big Tech nhắm vào một nhân vật tầm cỡ như Donald Trump, người ta mới chợt cảm thấy rằng không thể “thờ ơ trước quyền lực và ảnh hưởng của mạng xã hội trên đời sống chính trị”, bởi vì hành động kiểm duyệt của họ là đơn phương và không có cơ hội khiếu nại.

Trên nguyên tắc, chỉ thẩm phán mới có quyền dựa trên luật pháp để phán xét ai đó đã sai trái để nghiêm phạt họ. Vì thế, sẽ không có vấn đề gì nếu Twitter và Facebook biết chờ quyết định của tư pháp mới hành động. Nhưng Big Tech đã tự cho mình mang lấy đặc quyền của “nhà vua”, ra tay hạn chế tự do ngôn luận mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào.

Trên lý thuyết, mạng xã hội có quyền ấn định các điều lệ hợp pháp cho mình, có quyền loại bỏ ra khỏi mạng của mình những ai không làm theo các điều lệ mà họ đã tự do chấp thuận khi đăng ký tham gia. Các chính trị gia cũng đã cho rằng nhờ nguyên tắc này mà mạng xã hội đã trở thành những công cụ hoàn hảo để phổ biến tiếng nói của họ. Và cũng chính vì thế, các chính trị gia đã để cho các mạng xã hội lớn lên, để bây giờ họ không thoát khỏi sự kiểm soát của chúng nữa. Khi nhận ra điều này thì đã quá muộn.

Trong trường hợp của ông Trump, nhiều người hài lòng với quyết định có tính ngăn ngừa bạo loạn của Big Tech. Nhưng sẽ ra sao nếu có ngày Big Tech quyết định kiểm duyệt luôn cả các quan chức chính trị nào đó ít gây tranh cãi hơn? Mỗi khi muốn khóa miệng ai, mạng xã hội chỉ cần ‘lấp liếm' rằng: chuyện đó cũng đã từng xảy ra với Tổng thống Trump rồi mà!

Quyền lực của Big Tech đã trở thành mối đe dọa quá lớn trong xã hội loài người. Những sản phẩm của Big Tech đã mê hoặc người ta đến độ họ cho rằng sẽ chẳng thể làm được gì nếu không có những thứ này. Thậm chí, việc quản lý các Big Tech còn có thể dẫn đến những phản ứng phẫn nộ trên toàn cầu, ví dụ như khi ông Trump cố gắng cấm TikTok vì nguy cơ an ninh quốc gia, người Mỹ đã rất tức giận. Họ thích tiếp tục thoả mãn cơn nghiện các sản phẩm của Big Tech hơn là lấy lại quyền tự do chính trị cho bản thân.

 

3. Buộc Facebook trả tiền cho nội dung tin tức

 
Người ta cũng có thể thấy quyền lực mạnh mẽ của mạng xã hội trong sự kiện một số nước nỗ lực buộc Big Tech trả tiền cho những tin tức họ lấy từ các hãng tin địa phương, nhưng không thành công.

Năm 2013, Đức thông qua luật yêu cầu các mạng xã hội trả một khoản phí khi hiển thị nội dung tin tức. Google đã từ chối và dẫn tới lượng truy cập vào các website tin tức của Đức giảm xuống. Cuối cùng Đức phải cho phép Google hiển thị tin tức miễn phí trở lại.

Vào tháng 4-2019, Liên minh Châu Âu đã thông qua bản sửa đổi luật bản quyền, yêu cầu Google và các hãng công nghệ khác trả phí sử dụng tin tức. Vào tháng 10-2020, Pháp cũng bắt đầu thi hành luật riêng tương tự. Nhưng đến nay Google vẫn chưa hợp tác. Nhà chức trách Pháp vẫn còn đang phải hối thúc hai bên đàm phán tìm ra giải pháp.
Tại Úc, từ tháng 4-2020, các quan chức truyền thông muốn các mạng xã hội phải trả khoảng 10% doanh thu từ việc dùng nội dung tin tức của họ. Ông Josh Frydenberg - Bộ trưởng Tài chính Úc - nói: “Chúng tôi muốn bảo đảm một sân chơi bình đẳng, công bằng cho những hãng tin đã nỗ lực sản xuất nội dung tin tức.”

Úc đã đề xuất quy định bắt buộc này sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của Ủy ban ‘Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc'. Cuộc điều tra cho thấy: có khoảng 17 triệu người Úc sử dụng Facebook mỗi tháng và họ dành trung bình 30 phút mỗi ngày để vào xem trang mạng xã hội này, đồng thời có đến 98% đã vào Google để tìm kiếm những đề mục trên smartphone ở Úc.

Theo Nikkei, do ảnh hưởng của mạng xã hội, doanh thu báo chí Úc đã giảm chỉ còn một nửa trong vòng 10 năm qua. Vào cuối tháng 6-2020, News Corp Australia sẽ phải ngừng in 110 tờ báo, tương đương khoảng 90% báo địa phương. 1/3 số này sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, kể cả trên mạng. Vì thế, Úc cảm thấy cần phải ra luật buộc Facebook theo sự công bằng mà trả tiền cho những hãng tin ấy khi sử dụng tin tức của họ.

Nhưng trước những đề xuất này của Úc, Facebook lại đe dọa sẽ rút lại các dịch vụ quan trọng nếu luật ấy có hiệu lực. Vào ngày 18-2-2021, Facebook đã loại bỏ các trang tin dành cho người Úc và chặn họ dùng nền tảng Facebook để chia sẻ bất kỳ nội dung tin tức nào. Facebook cùng lúc xóa đi một số tài khoản của chính phủ tiểu bang và cơ quan cung cấp dịch vụ khẩn cấp, cũng như các trang web từ thiện bất vụ lợi.

Khi mất Facebook, chính phủ Úc đã khó lòng gửi tin khẩn cấp cho người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Công tác phòng dịch Covid-19 bị cản trở khi các tổ chức chăm sóc sức khỏe không thể truyền đạt tin nóng đến với người dân. Những tổ chức từ thiện cũng khó tiếp cận những nhóm yếu thế như trẻ em hay người vô gia cư khi thiếu sức mạnh lan tỏa thông tin trên Facebook.

Tuy nhiên, sau khi có quá nhiều tiếng nói trên thế giới chỉ trích động tác này của Facebook, và sau những trao đổi giữa chính phủ Úc và Facebook, vào ngày 23-2-2020, Facebook thông báo: tin tức sẽ được khôi phục sau khi Chính phủ Úc chấp nhận đưa vào dự luật một số thay đổi nhỏ.

Vào chiều 24-2, Thượng viện Úc đã phê chuẩn dự luật đã sửa đổi này. Vào ngày 25-2-2021, Úc đã chính thức thông qua luật yêu cầu Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông, báo chí địa phương khi sử dụng, tìm kiếm hay chia sẻ các bài viết của họ.

Facebook cuối cùng đã phải tuyên bố chấp nhận chi ít nhất 1 tỉ USD cho các cơ quan báo chí Úc trong vòng 3 năm tới để được phép sử dụng tin bài. Tương tự, Google cũng đã tuyên bố sẽ chi ít nhất 1 tỉ USD trong 3 năm tới cho các tin bài mà họ sử dụng.

Luật của Úc gần như chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho luật tương tự trên khắp thế giới khi các chính phủ tính đến môi trường truyền thông đang thay đổi nhanh chóng trên internet.

 

VII. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ MẠNG XÃ HỘI

 
Chúng ta đã thấy ảnh hưởng hết sức lớn lao của mạng xã hội trên người trẻ nói riêng và trên toàn xã hội hiện đại nói chung. Trước một quyền lực và ảnh hưởng lớn lao như thế của mạng xã hội, Giáo hội đã có thái độ như thế nào?

Ngay từ đầu bài viết này, ta đã có câu trả lời rất rõ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 vào năm 2013 trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 47.

Còn Đức Giáo hoàng đương kim thì thế nào?

 

1. Tùy thuộc cách sử dụng

 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã câu trả lời trong nhiều lời nhắn nhủ, đặc biệt trong sứ điệp mang tên “Chi thể của nhau - Từ các cộng đồng mạng xã hội sang cộng đồng nhân loại”. Đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2019, trong đó có đưa ra một lời cảnh báo: Khi mạng xã hội được sử dụng để làm gia tăng những khác biệt, gây nghi ngờ, truyền bá dối trá và tạo ra những thành kiến, thì việc sử dụng đó sẽ khiến cho mạng xã hội mang những tính chất phản xã hội, phản Kitô giáo và tàn phá nhân loại.

Tuy nhiên - ĐTC nói - Giáo hội Công giáo và tất cả những người có thiện chí đều vẫn nhìn ra những tiềm năng to lớn của mạng xã hội khi người ta biết sử dụng nó một cách tốt đẹp: Nó sẽ giúp đưa mọi người xích lại gần nhau, chia sẻ cho nhau những thông tin hữu ích và những chương trình đào tạo hữu dụng.

Thế nhưng - ĐGH nói tiếp - Bản sắc của từng người trên mạng xã hội lại thường dựa trên những nét đối lập với nhau, đặc biệt là đối lập với những người ngoài nhóm của mình: “Chúng ta tự định nghĩa mình khởi đi bằng những gì chia rẽ thay vì liên kết chúng ta, bằng cách gây ra ngờ vực và tuôn ra mọi thứ định kiến (về sắc tộc, giới tính, tôn giáo và các lĩnh vực khác)”.

Qua những nhận định đó, ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy sử dụng mạng xã hội để thực sự nối kết được với nhau mà hình thành và cổ võ các “cộng đồng”, ngụ ý khuyến khích sự tương tác, hỗ trợ và liên đới.

 

2. ĐTC sử dụng mạng xã hội

 
Và ĐTC cũng đã thực hiện điều này cách cụ thể ngay trong chính năm ấy. Trong bài huấn dụ lúc đọc kinh Truyền Tin vào ngày 20-1-2019, ĐTC đã ra mắt một ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến mới, để ngài chia sẻ những ý cầu nguyện của mình, đồng thời mọi người trên khắp thế giới có thể dùng nó để chia sẻ ý cầu nguyện của họ. Sau đó, mọi người có thể “click vào để cùng cầu nguyện” với nhau.

Linh mục Dòng Tên Federic Fornos, giám đốc quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng, cho biết: Chỉ trong ba ngày đầu tiên, đã có 167.000 người tải ứng dụng ‘Nhấp để cầu nguyện'. Và nút “click để cầu nguyện” trên các ý cầu nguyện cá nhân đã được click hơn 1 triệu lần chỉ trong ba ngày - từ ngày 20 đến ngày 22-1-2019.

Cộng đồng cầu nguyện trực tuyến trên điện thoại còn tham gia nhiều hơn nữa vào các tài khoản của Đức Giáo hoàng nơi hai mạng xã hội Twitter và Instagram.

Bắt đầu dưới thời Giáo hoàng Bênêđictô XVI, tài khoản Twitter @Pontifex đã hoạt động bằng các thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, Ba Lan, Latinh, Đức và Ả Rập. Tính đến ngày 23-1-2019 (là năm có sứ điệp đặc biệt của ĐTC nói về mạng xã hội), Twitter @Pontifex (của các ngôn ngữ này cộng lại) đã có tổng cộng gần 48 triệu người theo dõi.

Theo Twipu, một trang theo dõi thống kê của Twitter, mỗi dòng tweet của Giáo hoàng Francis tạo ra trung bình 935 lượt trả lời, 7.998 lượt retweet và 36.750 lượt thích.

Trên Twitter, Twiplomacy cho biết, @Pontifex là nhà lãnh đạo thế giới được theo dõi nhiều thứ hai sau Trump, và đứng thứ ba - sau Modi và Trump - trong danh sách “có ảnh hưởng nhất”, là tỷ lệ tương tác dựa trên tổng số bình luận, lượt retweet và lượt thích chia cho số lượng tweet và số lượng người theo dõi trung bình.

Còn tài khoản Instagram, Franciscus, được mở vào tháng 3-2016, đã có hơn 7,7 triệu người theo dõi tính đến ngày 23-3-2021. Trong một bài báo vào đầu tháng 12-2019, trang web Twiplomacy đã liệt kê ĐTC Phanxicô ở vị trí thứ 4 trong danh sách “các nhà lãnh đạo thế giới được theo dõi nhiều nhất trên Instagram”. Mỗi bức ảnh hoặc video được đăng bởi Vatican, trang web này cho biết, thu được trung bình 198.432 lượt tương tác.

 

3. Mời gọi tham gia vào mạng xã hội

 
Khi sử dụng mạng xã hội như trên, ĐTC ý thức rất rõ những tiêu cực từng xảy ra trên các không gian ảo này, gây những tổn thương nặng nề cho người trẻ. Nhưng thay vì khuyên né tránh, ĐTC lại đề nghị tham gia ‘cách tích cực': Để chống lại việc bắt nạt, cô lập và chia rẽ trên mạng xã hội, các Kitô hữu cần tích cực vào mạng xã hội “để xây dựng các mối quan hệ đích thực và khẳng định bản chất liên vị của con người, trong mạng và qua mạng xã hội.”

ĐTC vẫn mạnh mẽ cảnh báo: Mạng xã hội có thể thúc đẩy sự “gặp gỡ”, nhưng cũng có thể “làm gia tăng sự cô lập bản thân”. Vì vậy, ĐTC nói, khi tham gia mạng xã hội, “những Kitô hữu được kêu gọi thể hiện sự hiệp thông trên mạng xã hội để xác định căn tính đức tin của mình.” Quả thực, “đức tin chính là một mối quan hệ, một cuộc gặp gỡ”. Dưới sự thúc đẩy của tình yêu Thiên Chúa, đức tin sẽ giúp các tín hữu giao tiếp, chào đón và thấu hiểu món quà tha nhân mà đáp lại họ cách tương xứng trên mạng xã hội.

 

4. Hình thành các cộng đồng trên mạng và ngoài đời

 
Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2019, ĐTC đặc biệt lưu ý đến việc hình thành các cộng đồng: cộng đồng ảo trên mạng và cộng đồng thực ngoài xã hội.

ĐTC nói rằng: việc hình thành các cộng đồng mạnh mẽ, ngay cả trên mạng xã hội, đòi hỏi phải tạo được cảm giác tin cậy và mục tiêu chung. “Cộng đồng như một mạng lưới liên đới đòi hỏi sự lắng nghe và đối thoại lẫn nhau dựa trên việc sử dụng ngôn ngữ có trách nhiệm.”

Mạng xã hội chỉ xứng đáng mang danh là một cộng đồng cho các tín hữu tích cực tham gia - theo ĐTC - khi “mạng xã hội bổ trợ cho cuộc gặp gỡ bằng xương thịt, vốn sống động nhờ thân xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, hơi thở của người khác.”

Và ĐTC áp dụng cụ thể: “Nếu một gia đình sử dụng mạng để kết nối nhiều hơn, để rồi gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Hội thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới, rồi sau đó cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể, thì đó là một tài nguyên. Nếu mạng trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về cái đẹp hay đau khổ ở xa chúng ta, để cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau tìm kiếm điều tốt đẹp để tái khám phá lại những gì hợp nhất chúng ta, thì đó là một nguồn tài nguyên.”
Và trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay 2021, ĐTC nói rằng: Hiện nay, ai cũng thấy rõ nguy cơ thông tin sai lệch và những thao túng độc hại trên mạng xã hội. Nhưng ĐTC nhấn mạnh:

“Điều quan trọng không phải là cho rằng internet xấu xa, mà là thúc đẩy sự phân định và có trách nhiệm nhiều hơn đối với nội dung được gửi và nhận. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những truyền thông do ta thực hiện, về thông tin ta chia sẻ, về sự kiểm soát tin giả khi ta vạch trần nó. Tất cả chúng ta phải là chứng nhân cho sự thật, phải đi, để thấy và chia sẻ.”

ĐTC nhận định: Một công cụ truyền thông chỉ hữu ích và có giá trị khi:

- thúc đẩy người dùng đi ra và nhìn xem mọi thứ;
- giúp xúc tiến các cuộc gặp gỡ;
- đưa được những kiến thức vừa trải nghiệm lên mạng xã hội để phổ biến rộng rãi.

Cuối cùng, ĐTC xác định một lần nữa: Sau khi những kiến thức được phổ biến rộng rãi trên internet, việc trao đổi gặp gỡ nhau trên mạng xã hội phải dẫn đến những cuộc gặp gỡ trực tiếp; lúc đó các tín hữu mới có thể trở nên chứng nhân Tin Mừng cách đích thực:

“Tin Mừng của Phúc Âm lan truyền khắp thế giới là nhờ những cuộc gặp gỡ trực tiếp và chân tình với người khác - những người, nam cũng như nữ, đã chấp nhận lời mời “hãy đến mà xem”, và bị đánh động bởi nhân cách “trổi vượt”, tỏa sáng qua ánh mắt, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.”


Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)

Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền 

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-nguoi-tre-va-mang-xa-hoi-44224


THAM KHẢO
- POPE BENEDICT XVI, Message of His Holiness for the 2013 World Communications Day.
- POPE FRANCIS, Message of His Holiness for the 2021 World Communications Day.
Digital 2021 - Global Digital Yearbook
- ASA BRIGGS, ESPEN YTREBERG & PETER BURKE, A Social History of the Media, Polity Publisher, 4rd edition (June 2, 2020)
- VICTORIA GOODYEAR & KATHLEEN ARMOUR (Editors), Young People, Social Media and Health (Routledge Studies in Physical Education and Youth Sport), Routledge Publisher, 1st edition (2 Nov. 2018), Kindle Edition.
- BRENT BOZELL III & TIM GRAHAM, Unmasked: Big Media's War Against Trump, Humanix Books publisher, June 4, 2019.
- FRANKLIN FOER, World Without Mind: The Existential Threat of Big Tech, Penguin Books Publisher, Reprint edition, September 11, 2018.
- RODRIGO FERNANDEZ, ILKE ADRIAANS, REIJER HENDRIKSE & TOBIAS J. KLINGE, Engineering digital monopolies: The financialisation of Big Tech, The Centre for Research SOMO, December 2020.
- LUCIE GREENE, Silicon States: The Power and Politics of Big Tech and What It Means for Our Future, Counterpoint Publisher, August 21, 2018.